Trời còn sớm lắm, sương đêm vẫn bao phủ cảnh vật, nhưng tiếng xình xịch của chuyến xe lửa đầu ngày đã phá tan bầu không khí yên tĩnh, khiến chim chóc thức giấc gọi nhau ríu rít ngoài vườn. Tôi vừa đặt tách café trên mặt bàn dưới tàn cây Ngọc Lan, thì nghe tiếng bà cụ hàng xóm, bà Murphy, nói vọng qua giậu Mai Tứ Quý ngăn cách hai mảnh vườn:
-Bà dậy sớm thế!
-Chào cụ, tôi vẫn dậy vào giờ này đấy chứ ạ, có khi sớm hơn.
-Tôi thì ngủ sớm lúc chim chưa về tổ và dậy lúc bầy dơi sửa soạn đi kiếm ăn.
….
-Thế bà đã nghe gì chưa?
-Chuyện gì thế cụ?
- Có hai người trẻ vừa mới thuê căn nhà của bà Gordan ở góc Sherwood Park, cạnh bờ sông ấy mà!
- Ở đoạn đường nào ạ?
- Chậc... căn nhà to vừa mới chặt gốc Phượng Vỹ ở sân trước... căn nhà ở đầu dốc cách chúng ta hai con đường đấy.
-Vâng, nhưng sao cơ ạ?
-Thì cũng chẳng hiểu họ có phải vợ chồng không... cứ cho là vợ chồng đi... ấy thế nhưng mà họ khác lắm, bà Gordan bảo với tôi hôm qua, họ tân thời quá!
- Thưa... nghĩa là sao?
- Thì họ... chẳng kiêng nể gì người chung quanh. Ai đời trong bữa cơm, có Bà Gordan ở đấy, mà họ ngang nhiên ôm nhau, rồi thì là hôn hít...
- Người trẻ bây giờ là vậy, tôi nghĩ với phong tục Tây Phương, ôm nhau, hôn nhau cũng là một cách chào nhau đấy chứ ạ! Vả lại họ ôm nhau, hôn nhau ở trong nhà, chứ nào phải ở ngoài đường.
-Không, không phải thế, gọi là phong tục, nhưng cũng phải có giới hạn của nó chứ, và cũng còn phải tùy theo phong thái, hoàn cảnh, chứ có đâu mà... Bây giờ người tứ xứ đến lập nghiệp ở đây, họ mang theo trào lưu tiến bộ gì gì đó, chứ thời của chúng tôi đâu có thế.
-Cụ biết không, người Á Đông chúng tôi cũng rất khe khắt trong việc trai gái bày tỏ tình cảm với nhau. Ngày tôi mới sang bên này, khi bắt gặp những cử chỉ quá thân mật giữa hai người khác phái nơi công cộng, tôi cũng ngượng lắm. Nhưng dần dà quen đi, và tôi cũng tìm hiểu thêm nên cũng không còn cảm thấy lạ lẫm nữa.
- Thời của chúng tôi thì không thể như thế, tôi còn nhớ, tôi với ông nhà tôi quen nhau, ông ấy đến nhà thăm, nhưng có hôm ông Bố tôi không cho vào, thế là phải đi về. Có hôm ông ấy hẹn tôi ra Sherwood Park này này, tôi nghe theo, gần đến nơi, thoáng thấy ông Bố tôi đi dạo gần đấy, thế là ba chân bốn cẳng chạy về, tội nghiệp ông nhà tôi chờ đến tối mịt. Ngày ấy đâu có điện thoại cầm tay như bây giờ để thông báo. Đấy, bà thấy không, chỉ gặp nhau mà còn phải lén, huống hồ...
-Phong tục Á Đông chúng tôi cũng vậy, cũng khuôn vàng thước ngọc, nhưng cụ có đồng ý với tôi là con tim có những lý lẽ riêng của nó không? Này nhé: cụ đã nhận lời cụ ông ra cánh rừng thưa, để gặp nhau, tức là cụ nghe theo tiếng gọi của con tim rồi đấy. Giá như hồi đó, hai cụ được quyền nắm tay nhau, được quyền bày tỏ những cử chỉ âu yếm, chắc cụ cũng…
Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa tiến sát hàng rào lúc nào không hay, bà cụ hàng xóm nắm tay tôi lắc mạnh, đôi mắt già nua nhăn nheo, ánh lên nét tinh nghịch và cụ cười to:
-Cũng có thể lắm!
Chúng tôi cùng cười, tiếng cười hạnh phúc đầu ngày. Bà cụ hàng xóm của tôi vui câu chuyện:
- Tôi kể cho bà nghe, thời còn trẻ, tôi cũng quen biết yêu đương lung tung lắm, cứ đến mùa Giáng Sinh, rồi New Year, nhất là ngày lễ Valentine thì ôi thôi... thiệp chúc tình yêu cứ gửi đến nhà, tôi phải canh thùng thư mỗi ngày, hễ thấy ông phát thư trờ đến, là tôi phải nhanh tay thu tóm mấy cái thiệp, không thì chết với ông cụ tôi. Có lần tôi nhận được một thiệp đẹp lắm, nhưng câu viết ở trong mới ăn tiền. Để tôi nhớ xem nào... à, anh chàng ước mong được gặp tôi, để chiêm ngưỡng mái tóc nâu đỏ và nụ cười tươi. Bà biết không, ngày ấy tóc tôi màu nâu đỏ, đặc biệt lắm, các bạn của tôi hầu hết có tóc màu nâu hoặc màu hạt dẻ. Này, bà có rảnh không, chờ tôi tí, tôi vào lấy cuốn Album có ảnh của tôi ngày xưa..
- Vâng, hôm nay tôi được nghỉ, hay tôi sang bên cụ nhé!
-Thế thì còn gì bằng, được nghỉ, sao bà dậy sớm làm gì?
- Tôi có thói quen dậy sớm trong những ngày nghỉ, để được hưởng trọn vẹn một ngày từ lúc mặt trời sửa soạn mọc cho đến lúc tắt lịm.
- Mời bà vào nhà, bà dùng cà phê nhé?
-Tôi đã có một tách lúc sớm rồi, nhưng vẫn xin cụ một tách nữa.
- Bà uống nhiều café không tốt đâu.
- Biết thế, nhưng con tim có lý lẽ riêng của nó!
Bà cụ hàng xóm cười nhăn cả mắt. Chúng tôi bước vào phòng khách, căn phòng im lìm với nhiều cổ vật, và những bức họa sống động.
Bà Murphy là một họa sĩ, các bức họa của bà đa số là chân dung người thân, trong đó có hai bức tự họa. Một bức vẽ bà ngày còn trẻ, tóc cột đuôi gà, với đôi mắt to rèm mi dày và nụ cười nửa miệng. Bức kia, là một thiếu phụ ánh mắt thất thần, mái tóc bung rối và một bên ngực bị lệch. Bà Murphy nói: bà đã tự vẽ mình sau khi một bên vú bị cắt vì ung thư, cách nay gần 20 năm. Những bức họa của bà mộc mạc và trung thực như bà vậy.
Bà Murphy cầm cuốn Album, mời tôi ngồi xuống chiếc divan kê sát cửa sổ nhìn ra vườn sau. Những ngón tay hơi dị tật, cong queo vì phong thấp lâu ngày, lọng cọng mở từng trang, kỷ niệm thanh xuân trở về, bà kể chi tiết của từng tấm ảnh, giọng bà lên xuống, phấn chấn, kèm theo tiếng cười. Tôi chờ đợi những tiếng thở dài tiếc nuối, nhưng tuyệt nhiên không có. Dường như cuộc đời của bà thật bình yên. Khi hạnh phúc hay tai họa đến với bà, chúng đều được tiếp đón như nhau, không được ưu đãi, cũng không bị xô đẩy.
-Đây bà xem, tóc tôi ngày xưa đấy, nâu đỏ và dày ơi là dày.
Ngày ấy bà cụ Murphy đẹp thật, nụ cười tươi, mái tóc màu nâu đỏ óng ánh trong nắng.
Tôi khen:
- Cụ đẹp quá, lúc này cụ bao nhiêu tuổi?
-Mới có 16 bà ạ, đây là lúc tôi nhận được nhiều thiệp Valentine nhất đấy!
- Cụ có trả lời các bạn trai ấy không?
- Ôi giời ơi, có biết họ là ai, nhưng bọn con gái chúng tôi khoe với nhau để cười ấy mà.
- Chẳng ai thoát khỏi tình yêu cụ nhỉ. Người ta gọi lưới tình là vậy.
- Nhưng bà biết không, cũng may mà một năm mới có một lần lễ Valentine, chứ không thì mệt lắm. Lưới tình bủa vây tứ phía, chả học hành gì được đâu.
Nói xong bà cụ cười sảng khoái, cụ như trẻ lại khi nhắc đến quá khứ.
- Việt Nam chúng tôi không có ngày Valentine cụ ạ.
- Ơ hay, thế thì làm sao...
-Thế mà chúng tôi cũng bị lưới tình bủa vây kỹ lắm đấy cụ ạ! Tôi cũng bị chết lên chết xuống đấy!
- Bà còn buồn không? Bà Murphy nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh những an ủi, chia sẻ.
-Cảm ơn cụ đã tặng tôi đĩa nhạc “I will survive” với tiếng hát Gloria Gaynor. Tuyệt diệu cụ ạ. Khó có thể tưởng tượng những lời đằm thắm, dịu dàng lại quấn quyện những nốt nhạc nhảy nhót trong thể điệu disco mạnh mẽ đã giúp vực mình đứng dậy. Cảm ơn cụ nhiều lắm cụ Murphy ạ. Hiện tại tôi rất bình thường. Cụ có thấy thế không, người bạn già yêu quý của tôi?
Bà cụ nheo mắt nhìn tôi cười hóm hình:
- Thấy chứ, tôi thấy bà tươi và trẻ hơn những năm trước nhiều lắm, phải quên mối tình củi mục ấy đi bà ạ.
- Cảm ơn cụ, tôi quên rồi. Tình Yêu không có tội cụ ạ, cũng vì thế mà Việt Nam chúng tôi có cả một kho tàng thơ nhạc ca ngợi tình yêu: tình vui, tình buồn, tình đau thương... đều được dệt gấm thêu hoa cụ ạ. Tôi cố dịch vài câu cho cụ nghe, nhưng cụ cũng phải tưởng tượng ra thơ đấy nhé!
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường,
hay là:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Cụ thấy chưa? lãng mạn tình tứ chưa? Này cụ, không hiểu nhân duyên nào khiến chúng ta có những giây phút thần tiên sáng nay. Cụ biết không, chẳng phải chỉ có người Tây Phương mới vội vã, hấp tấp trong tình yêu, cụ nghe đây này, người Việt Nam chúng tôi cũng có ...đức tính đáng yêu ấy đấy.
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi
Con chim hồng trái tim nhỏ của tôi
Mau với chứ! thời gian không đứng đợi.
Như vậy, ít nhất trong lãnh vực tình yêu, Đông và Tây đã gặp nhau rồi cụ nhỉ?
- Bà ơi, tôi bắt đầu mê thơ tình Việt Nam rồi đấy! Giá như tôi biết chúng lúc còn trẻ, thì phải biết.
- Bây giờ cụ biết cũng chưa muộn, cụ là nghệ sĩ mà, nghệ sĩ yêu không cần tuổi.
Cụ Murphy cười tít cả mắt nói: Ông nhà tôi mà nghe được, ông ấy đội mồ sống dậy, thì thế nào cũng có cơn ghen long trời lở đất đấy!
-Thế thì Đông Tây lại gặp nhau nữa rồi. Yêu mà không ghen thì... yêu làm gì phải không cụ? Thường thì phái nữ chúng ta ghen thường trực hơn phái nam, thế nhưng khi phái nam họ ghen thì ôi thôi, đúng như cụ nói long trời lở đất thật đấy. Cụ cố gắng nghe và hiểu một đoạn thơ "Ghen" sau đây, để biết cái ghen thần sầu của một tâm hồn đắm đuối vì tình nhé:
Cô nhân tình bé của tôi ơi,
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi
Có khiếp không, liệu có một vị nữ lưu nào chấp nhận bước vào lâu đài tình ái gần như nhà tù thế này không hả cụ? Ghen như thế làm sao mà sống nổi, phải không cụ? Thế nhưng, con người là cả một kho tàng bí hiểm, biết đâu vẫn có người thèm được bước vào vòng rào kẽm gai của tình yêu như thế, phải không cụ?
.... Cụ Murphy ơi, cụ có nghe tôi nói gì không, cụ ghi chép gì vậy?
Cụ Murphy nhìn tôi, tay cầm bức vẽ bằng than, nét vẽ thanh thản tuyệt đẹp, một khuôn mặt không rõ nét với đôi mắt nhung tình tứ, cụ nói:
- Khi đọc thơ tình yêu, đôi mắt của bà cứ như đang yêu ấy. Tôi không vẽ đã lâu, nhưng hôm nay nhìn bà, tôi thèm được vẽ.
-Thế ư? Tôi đâu còn trẻ để tình tứ như cụ nói nữa.
- Ứ ừ, bà vừa nói với tôi là yêu không cần tuổi là gì!
Chúng tôi cùng cười, cùng cảm thấy hạnh phúc và cảm thấy như đang yêu mà chẳng cần biết người tình của mình là ai.
Tôi nhìn bức họa, đúng là đôi mắt của bà Murphy hồi trẻ, nồng nàn quyến rũ.
- Bà ơi, đừng ngại khi mình còn yêu, nhất là khi tình yêu ấy đã hắt lên ánh mắt thì tuyệt đấy bà ạ. Bà có thể bắt đầu một tình yêu hay viết về tình yêu rồi đấy.
- Cảm ơn cụ, tôi lại thấy đôi mắt đẹp cụ vẽ giống cụ lúc trẻ lắm. Tôi nghĩ chúng ta đang nói về tình yêu, và tôi cũng sẽ viết ca ngợi tình yêu, cho nên hai chúng ta có cùng một đôi mắt... đang yêu chăng?
- Hình như thế, yêu ơi là yêu, nhưng chúng ta sẽ không khốn khổ vì nó nữa chứ?
Bà cụ Murphy ôm vai tôi cười nắc nẻ.
Nắng đã lên cao, chúng tôi chia tay nhau sau gần nửa ngày... sa đà với tình yêu. Tiếng cười hạnh phúc của chúng tôi bắt đầu chìm trong nhịp sống đầu ngày của khu xóm. (PDH 02/12)