Từ Sài Gòn, chiếc xe thùng chạy trên quốc lộ 1 hướng Biên Hòa, tới ngã ba Vũng tàu chiếc xe rẽ phải theo quốc lộ 51, quãng đường 100 cây số nhưng chạy mất phải 3 đến 4 tiếng. Khoảng 5 hay 6 giờ chiều gì đó, chiếc xe dừng lại tại một địa điểm mà theo tôi được biết sau này là chợ Chu Hải gần khu vực Láng Cát, Hải sơn. Hầu như các chuyến vượt biên được đánh tại dọc theo khu vực này vì có nhánh sông khá dài nối từ sông Thị Vải, Đồng Nai đổ xuống và thông ra biển.
Thị trấn đìu hiu như đất nước vào những năm đầu 80. (Bây giờ thì chắc đã thay đổi nhiều). Vài căn nhà lợp tôn như tiệm ăn, giải khát lèo tèo đón khách vào uống nước. Chỉ cần nhìn bộ dạng của tụi tôi là dân địa phương biết ngay người vượt biên. Theo lời ông anh thì ban tổ chức nào cũng phải mua chuộc đám công an, dân phòng để chúng lơ mắt cho xuống ghe, nhưng chuyện lật kèo thường xuyên xảy ra nên bị bắt như cơm bữa, vì họ biết dân vượt biên đem theo vàng; lòng tham không đáy thì lúc nào cũng sẵn sàng nổi lên. Hên xui gặp nhóm trực có chữ tín hay không!
Tôi dẫn đứa bé gái, con anh chị nuôi bám sát theo gia đình anh vì từng nghe giờ phút cuối dễ lạc nhau khiến người rơi kẻ lọt là chuyện thường. Mưa càng lúc càng lớn, ông anh điều động mọi người đi theo một tay dẫn đường trạc ngoài 30 tuổi vào một căn nhà trong xóm chài. Nhóm chúng tôi khoảng trên chục người, nghe nói còn nhóm gia đình chủ thuyền cũng hơn chục và nhóm ban tổ chức cũng hơn chục, chia ra ở 3 căn. Một nhóm thanh niên có nhiệm vụ đưa dầu, lương thực xuống ghe và nhóm bảo trì ghe khoảng 3 người đưa ghe từ Sài Gòn tới địa điểm đón khách. Tổng cộng khoảng 35 mạng. Đã tới giờ ăn chiều nhưng không ai đói, hồi hộp chờ thời điểm ra ghe.
8 giờ tối, một chiếc xe honda đậu kịch trước căn nhà. Có động sao? May quá, là ông anh kết nghĩa của anh nuôi tôi dự tính đi cùng chuyến. Ông vào nhà nói nhỏ với anh: -Không xong rồi Dân, bão tới đêm nay nghe nói cấp 7, đi không lọt đâu, tụi nó cũng đã đánh hơi để chận, mày tính sao?
Được biết ông đã đi 2,3 chuyến không thành công nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm; anh tôi thì mới đánh chuyến đầu. Anh im lặng giây lát rồi cương quyết. Vẫn đánh.
Ông kia nói: -Thôi tao bỏ cuộc, chứ thấy tình hình không ổn rồi.
Ông nhảy lên xe, phóng về lại Sài Gòn; sau này được biết chuyến đi thành công, ông cứ tiếc hùi hụi.
10 giờ đêm, tay dẫn đường nói ông anh: “Cho tôi gởi mấy đứa cháu”... Một kiểu giao khách ngang giờ phút cuối thường thấy ở mấy tay dẫn đường. Có lẽ hắn đã bỏ túi một số vàng theo đường dây của hắn. Anh tôi không nhận người không được, vì nếu không, hắn đi báo công an thì chết cả lũ.
Chỉ cần chờ cái gật đầu của anh tôi xong, hắn ngoắc tay đưa đoàn người ra ngoài trong bóng đêm. Mưa như trút nước, đúng là bão. Tôi bế con bé trên tay vì phải lội qua một bãi ruộng lớn mới ra bờ sông. Bà chị tôi và cô em bế một đứa lầm lũi đi theo. Đất ướt nhầy thành bùn lội thật khó khăn. Con bé mới 7 tuổi biết có biến cố, không dám khóc, chỉ thỏ thẻ hỏi: -đi đâu vây cậu Huy?
Xuống ghe con...
Khoảng nửa tiếng, chúng tôi ra bờ sông. Ghe đã tới, ghép với 2 nhóm kia chúng tôi xuống nghe. Anh tôi tìm chỗ cho chúng tôi ổn định trong khoang xong, ra buồng lái phối hợp với tài công, kiểm tra hải bàn. Giờ là lúc trách nhiệm con tàu đổ lên vai anh, viên thuyền trưởng.
Tưởng chỉ có 35 người trên chiếc ghe dài 9m rộng gần 3m. Nhưng sao quá chật chội, ngồi như cá hộp. Một người trong nhóm tổ chức đếm thì không ngờ lên 49. Vậy nhóm nào cũng có người bị gởi và đi chui, thôi phải chịu vậy. Giờ là sống chết cùng nhau.
Ông anh nói người tài công định hướng ra cửa sông, chưa chạy mà con tàu nghiêng ngã vì gió. Trong đầu anh đã có quyết định sống chết, bão cũng là cơ hội để tụi công an không dòm ngó và tụi biên phòng ở chốt cửa biển Vũng Tàu không để ý. Nhưng, chiếc ghe cứ chòng chành, chạy được chút lại đâm vào cồn cát. Nhóm tổ chức thúc dục đám thanh niên nhảy xuống đẩy ghe ra mấy lần, chắc đã hơn 12 giờ khuya. Theo tính toán của ông anh, phải thoát khỏi chốt kiểm soát cuối cùng trước 5 giờ sáng, có nghĩa phải ra được ngoài khơi Vũng tàu. Vì chiếc ghe bị đảo Long Sơn án ngữ, một bên là bán đảo Vũng Tàu và một bên là Cần Giờ, phía nào cũng có chốt chặn nên phải thạo đường lắm mới ra được. Viên tài công cũng xuất thân hải quân nhưng là thợ máy và không phải là thổ công nên cũng không định được hướng ra.
Trong lúc đang quần với bão tìm hướng thì một chiếc ghe đánh cá nhỏ chạy ngang. Ông anh cho ghe sáp lại hỏi đường. Hình như trên ghe có một con bé chừng 15 hay 16 tuổi và một cậu thanh niên. Cậu này hỏi ông anh: “Ghe chú vượt biên hả, hay là chú cho con đi theo, con phụ với chú”. Ông anh đồng ý liền, cậu nhảy qua nói tiếp:
-Trên ghe con còn đứa em gái, con dặn nó về đừng cho ai biết, chỉ nói má, con đi vượt biên.
Ông anh hướng xuống nhóm tổ chức: “Nhà mình coi ai còn mang theo tiền gom lại cho con bé đi về, tiền Việt giờ coi như bỏ”. Mọi người líu nhíu móc ra những đồng bạc nhàu nát đưa vội.Hai anh em chia tay nhau trong một hoàn cảnh thật bất ngờ.
15 năm sau, trong đám cưới của cậu tại Himeji mà tôi được hân hạnh làm MC, thì cậu dẫn một phụ nữ đứng tuổi đi cùng một cô gái tới giới thiệu: -Anh Huy, má em và đây là con em gái lúc cùng em đi đánh cá, gặp ghe anh rồi em đi, cho nó về. Tôi bật ngửa hỏi han, mới biết cô em sau đó cũng kiếm được chuyến vượt biên sang Úc định cư, bảo lãnh bà mẹ qua đó ở. Đám cưới vui như bắp rang, Tôi kể lại câu chuyện với quan khách và gọi cậu bằng cái tên rất trân trọng “thuyền phó Dách say nhì lìn” (1420, tên con tàu được đặt lúc vào Hong Kong).
Đó là chuyện sau này chứ lúc đó thì vui không nổi, Cường, tên cậu "thuyền phó", lái ghe băng băng thoát khỏi con sông loằng ngoằng. Ra được cửa biển, trời nổi dông, sóng cao ầm ầm, cậu quíu lại, -Chú lái cho con chứ sợ quá.
Ông anh tôi ra lệnh vứt hết đồ xuống biển, kể cả một số lương thực, chỉ giữ lại ít nước uống và dầu chạy máy vì theo kinh nghiệm, số người nhiều, con tàu bé, chở quá nặng sẽ bị đánh chìm ngay.
Khi ấy tôi không còn biết gì, nôn thốc nôn tháo vì lần đầu tiên đi biển dù là dân Nha Trang. Mà lúc đó thì ai cũng phải say sóng với mức độ tàn khốc của cơn bão ngày 30 tháng 6 năm 1981...
Tôi tỉnh lại sáng hôm sau, bên cạnh là hai cô bé gái cùng bà chị và cô em nuôi. Mọi người đã hoàn hồn, bà chị đưa tôi chai nước: -cậu uống một ngụm lấy sức. Chị đưa thêm lon sữa đặc để tôi múc một muỗng nhỏ ngậm trong miệng. Tôi biết lương thực tàu không còn vì cơn bão, do đó chỉ nhắp một chút để dành. Ông anh gọi lên bong để hưởng gió cho tỉnh táo. Trời quang mây tạnh, biển xanh ngắt khác với màu đen khổng lồ như quái vật thuồng luồng trong đêm.
Tôi đứng phía trên cho biển mặn thêm chút xíu... nguyên một ngày nín rồi.