Tiếng nổ cạch cạch dội vào vách đá vọng lại như những tiếng báo động dây chuyền. Máy đã bắt được liên lạc với các đứa con bên kia phần đất chết. Giọng nói của người đại đội trưởng địa phương quân nghẹn ngào:”Các đứa con tôi chỉ chờ ngày này. Hôm nay đúng mười ngày”.
Từ bên này nhìn sang bên kia, chúng tôi chỉ còn nhận ra một bãi chiến địa hoang tàn. Mùi thúi bay về đến lợm mữa. Ngôi giáo đường cao nhất thị trấn giờ chỉ còn trơ vơ tháp chuông đen sậm lở loét. Chỉ còn cái căn cứ trên ngọn đồi thấp mới còn thấy thấp thoáng lá cờ vàng. Cô độc và heo hút. Từ xa, chúng tôi đã thấy nó như chạm phải mây, thách thức ngạo nghễ.
Suốt cả tuần, trận đánh vẫn chưa ngã ngũ. Hết đơn vị này tiếp đến đơn vị khác bị khựng lại khi tìm cách tiến qua mặc dù trước đó bom pháo dọn đường đã trút xuống như mưa thác. Những hang đá chằng chịt và kiên cố ở sườn đồi, nhìn xuống con lộ dẫn vào sâu trong rừng đã khiến những cơn mưa bom, và đạn pháo binh phải chịu thua. Và đơn vị đã phải quay lui. Cuối cùng cấp trên điều động đơn vị chúng tôi đến mặt trận. Họ đã hiểu chiến thuật trận địa chiến phải bó tay trước những tên địch ngoan cố, xâm mình. Không dễ gì phải tấn công một cao điểm khi phải bò lên giữa một triền núi trống trải trước những họng súng đại liên đã chực sẵn. Và chỉ còn cách là dùng chiến thuật dạ kích. Chỉ có cách đó mới may ra làm câm họng những ổ súng tàn bạo. Người lính bây giờ là người lính cảm tử. Trước hết hắn phải cố làm sao để nhận rõ nơi trú ẩn của địch, phải gắng định hướng chỗ đặt khẩu súng nặng bằng cách nghe tràng nổ cũng như nhìn tia đạn lửa đến từ đâu, sau đó dùng máy hồng ngoại tuyến, tìm mọi cách bò đến, lao vào, quăng lựu đạn tiêu diệt…
Đêm nay chúng tôi lại thêm một lần nữa, mặc đồ đen, ngậm dao găm, bọc đầy lựu đạn loại lân tinh. Tổ trưởng còn mang theo ống nhắm hồng ngoại tuyến. Giờ G là 3 giờ sáng. Theo kinh nghiệm chiến trường, khoảng thời gian này là khoảng lý tưởng nhất cho cuộc làm ăn đêm. Bởi lẽ bất cứ thằng lính nào cũng đã thấm mệt hay cũng đang mơ màng giấc ngủ. Và mật lệnh cho chúng tôi là hỏi Thần điểu đáp Kình Ngư.
Dĩ nhiên tôi để trung sĩ Thành làm tổ trưởng tiền sát gồm hạ sĩ Nga, hạ sĩ Y Mông và hạ sĩ Phát. Hắn gan lỳ và dữ tợn. Càng nguy hiểm chừng nào, hắn lại càng say mê, phấn khích chừng nấy.
Tôi xiết chặt tay hắn, và hắn cũng xiết chặt tay tôi như chuyền cho nhau sức mạnh. Hắn thầm thì, giọng ngạt mùi rượu đế: Có gì thì nhờ ông thầy giúp đỡ con vợ tôi. Tôi cảm động đến rưng nước mắt. Tôi biết phải an ủi làm sao để hắn cảm thấy tự tin hơn. Mục tiêu không phải dễ gì thanh toán khi kẻ địch có lợi điểm hơn chúng tôi, và nhất là họ đang cố sức bảo vệ cây súng nặng. Tôi nói nhỏ: Đừng nói bậy không nên…
Tôi dẫn một tiểu đội bò lên hướng trái, và trung sĩ nhất Tông, trung đội phó, lãnh một tiểu đội bò lên hướng phải. Chúng tôi không gặp trở ngại nào khi bò qua bãi đất trống trước khi lên đồi. Chúng tôi phải dồn cục nhau. Hạ sĩ nhất Bảy bò đầu. Tôi bò theo hắn, vừa bò vừa quan sát bằng ống nhắm hồng ngoại tuyến. Trên lưng áo mỗi đứa có dấu hiệu lân tinh rất nhỏ để chúng tôi có thể dễ dàng nhận ra nhau. Qua máy nhắm, tôi có thể nhìn thấy mấy bóng đen của toán tiền sát đang lom khom vừa bò vừa chạy.
Bỗng nhiên, một tiếng nổ long trời lở đất nổi dậy, và sau đó là những tràng đạn tiểu liên, đại liên cắt xé màn đêm. Rõ ràng địch đã phát hiện chúng tôi. Tuy nhiên họ dường như không thể biết chúng tôi ở đâu. Chỉ có kẻ lợi là chúng tôi. Bởi vì chúng tôi có thể biết hang đá nào địch đang trú ẩn. Chúng tôi chỉ việc bò đến và quăng lựu đạn xuống hang đá.
Địch không mạnh như chúng tôi tưởng. Chúng tôi đã dễ dàng làm câm ổ súng nặng ngay đêm hôm ấy. Để đổi lại, trung đội phải chịu thiệt trung sĩ Thành, người hạ sĩ quan gan dạ nhất của đại đội. May mắn, hắn vẫn không chết, dù cả người hắn bị banh tơi tả do từ những trái lựu đạn mà địch đã gài trên lối dẫn đến hang đá. Hắn đã dọn đường cho những người lính cảm tử khác tiến lên để tiêu diệt ổ súng.
Đến xế trưa, các đơn vị hành quân mới thật sự giải cứu được căn cứ. Những người lính địa phương quân từ những công sự ào ra ôm lấy chúng tôi mà mừng tủi. Họ như những người tiền sử, tóc râu che phủ cả mặt, chừa lộ đôi mắt trủng sâu. Họ xin chúng tôi lương khô và nước. Họ vồ chụp từng bao gạo sấy. Có người đi không vững. Có người vừa hút thuốc chúng tôi mời vừa kể lại chuyện chiến trường. Tôi không thể hiểu sức mạnh nào đã khiến họ đứng vững giữa trùng vây như thế, trong khi bộ binh chúng tôi phải khó khăn lắm mới chiếm được mục tiêu mặc dù được phi pháo yểm trợ hết mình.
Giữa lúc ấy tín hiệu bay đến. Nó đến sau khi chúng tôi được tin Mặt Trời sẽ bay đến thị sát chiến trường và gắn huy chương. Cái lệnh được ban từ một trung tâm hành quân nào đó ở rất xa, nghẹn ngào và hối hả xen giữa muôn ngàn âm thanh đàm thoại hổn loạn trong máy khuếch đại, đầy tiếng chửi thề, những lời phẫn uất, những câu hỏi mà không có câu trả lời, những tuyệt vọng nghẹn ngào…Thật sự không ai có thể hiểu. Có lẽ chỉ trừ ông đại đội trưởng. Bởi vì ông bỏ máy ngồi yên như một pho tượng. Đầu bên kia, giọng nói uất nghẹn: Tôi là thiếu úy Minh, sĩ quan trực trung tâm hành quân. Tôi cũng như thẩm quyền, không còn biết ai để xin lệnh nữa. Người ta đã bỏ chạy hết cả rồi. Trong khi ấy ở dưới chân đồi, trên con lộ đã xuất hiện đoàn xe cộ di tản. Tin cho biết Sài Gòn đã ra lệnh bỏ cao nguyên.
Thôi còn gì để mà đánh đấm. Chỉ còn những khẩu súng M16, M60, và lưa thưa những trái lựu đạn còn sót lại. Tôi đợi ông đại đội trưởng để nhận chỉ thị. Chỉ thị gì. Người ta đã bỏ chạy hết cả rồi. Ông nói. Mặt ông đầy những vết sước rịn máu. Sợi dây ba chạc vẫn còn lủng lẳng bi đông nước và khẩu súng colt. Tôi hiểu là lòng ông cũng đứt đoạn. Vợ con ông vẫn còn kẹt ở trong thành phố. Ông họp đại đội còn lại. Trung úy đại đội phó đã tử trận trong một trận đánh cách đây không lâu, nên thiếu úy Hà thay quyền xử lý, trình diện hàng quân trước mặt ông. Giọng nói của thiếu úy Hà như nghẹn trong cổ họng. “Đại đội đã tập họp xong, trình diện đại úy.” Rồi anh ôm lấy mặt, nức nở. Ông đại đội trưởng chào tay lại. Cả hàng quân đứng im phăng phắc. Những võng mô mất hết màu sinh khí. Những chiếc mũ rừng chụp lên những đầu tóc rối bù. Những chiếc quần trận mà bụi và đất đã lấy đi hết cả màu xanh, rách toạc lộ cả vãi quần lót…Trời đã trở chiều. Nắng còn sót lại làm thắm vàng cả cánh rừng bên cạnh. Ông nói kể từ giờ phút này anh em có quyền ra đi. Trước khi chia tay, xin anh em hãy cùng tôi đứng nghiêm một phút mặc niệm cho những người bạn của chúng ta đã bỏ mình. Rồi ông hô nghiêm, buồn bã. Chúng tôi cùng cúi đầu. Có những giọt nước mắt lăn trên má khô cằn, hóp sâu, bơ phờ của người lính già. Có những giọt lệ vẫn còn long lanh trên tròng con ngươi thất thần, đục lờ vì những đêm ngày căng thẳng trong lòng hỏa ngục. Có giọt lệ chưa kịp lăn, lại thêm những giọt lệ khác trào ra. Có thằng lính trẻ khóc tức tưởi khiến người lính già phải la lên: “Mày làm như con nít lên ba. Làm sao tao gả con gái tao cho mày được.”
Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy buồn đến độ tê tái, héo úa cả ruột gan như lúc này. Súng vẫn nổ. Tiếng pháo vẫn vang dội ì ầm từ xa… Những cuộn khói vẫn còn bốc lên trên căn cứ. Những người bị thương vẫn rên rĩ. Mắt ai quay lại nhìn về hướng xa, mờ lệ. Lần đầu tiên tôi mới hiểu thế nào là nỗi mất mát. Chắc là không bao giờ tôi được cơ hội trở lại thành phố ấy nữa. Chắc là không bao giờ tôi còn trở về để ngồi trong quán cà phê có cô nàng đôi mắt rờn rợn liêu trai nữa. Mất rồi. Sự thật đến độ thật kỳ cục. Mới ngày nào, chừng như tuần trước, chúng tôi còn lái xe díp trở về, tôi còn ghé vào một động giang hồ, còn ngồi bỏ chân trên bàn cà phê nhìn thiên hạ, còn đêm say rượu trở về hậu cứ nhìn mấy thằng lính nhậu thịt nai với rượu đế, để chúng bắt cóc thêm một lần nữa. Bây giờ, thầy trò thi nhau mà chạy. Tướng cũng cuốn cờ, mà quân cũng cuốn vó. Lúc này là lúc tôi muốn bỏ tất cả. Tôi đã không còn đủ sức để gánh thêm cái trách nhiệm này nữa. Tội này ai gây nên. Lịch sử này ai gánh chịu. Những người lính của tôi, họ ít học, người gốc nông dân, người gốc Thượng, gốc Nùng, người bị bắt đi quân dịch, họ đâu có tội gì để gánh cái khối đá tảng của lịch sử. Những người có trách nhiệm bây giờ ở đâu, sao máy thì bặt tăm không một lời thăm hỏi. Hay họ đã chạy trốn rồi.
Sau đó chúng tôi vất súng cởi bỏ bộ quân phục và mạnh ai nấy tan hàng.
Riêng tôi thì không biết đi đâu nữa. “Mặt trời cũng sắp lặn."
Trần Hoài Thư
https://dongsongcu.wordpress.com/2017/06/08/dieu-hau-bo-nui/