Bài thơ của Phùng Quân, một đàn anh mà tôi đọc được đã đẩy những suy nghĩ của mình về những cái quá khứ không thể cắt bỏ và cái hiện tại lưu vong không thể phủ nhận, hai thực tại đó quấn lấy nhau và vây bổ những suy nghĩ, những cái nhìn
HOÀI-NIỆM MỘT ĐÔNG-KINH 1975
Phùng Quân
Dạo Ba-mươi-tháng-Tư những đêm dài mất ngủ,
Bạn bè xớn xác những niềm riêng.
Bỗng chốc nghe hư-vô bọt bèo,
Ta hận kiếp chim hồng trong cũi nhỏ.
Nhớ chuyện cũ thuở Đông-Du,
Mới ngày nào còn tươi trong sách sử.
Cơn ác mộng trở về,
Tô lại hãi hùng chung.
Nhớ con dốc quanh co,
Khuôn viên Tòa Đại Sứ lạnh lùng.
Hôm ấy cánh cổng to, giờ đóng chặt!
Ngoài kia đám đông, bạn bè chen chúc.
Cố chuyền qua song sắt
Những thông-hành ký vội:
ALL COUNTRIES !!!
?????
Đi chốn nào đây
Một cõi mông lung?
Những cặp tình-nhân,
Mới hôm qua hãy còn phong kín,
Từ mai ta sẽ gọi vợ chồng.
Ta đau lòng gặp lại em bên kia dốc,
Ánh mắt u buồn như muốn ngỏ:
"Thân gái dặm trường, anh có hiểu cho không?"
Tôi cố ghép lại từng mảnh những câu chuyện từ đây đó của chính mình và gia đình mình để cố trả lời câu hỏi: Ngày đó, dạo đó mình đang ở đâu và đang làm gì?
-----------------
Cuối tháng 2 năm 1975, tôi về thăm nhà sau 4 năm rời nước, Saigon, vẫn còn những con đường lầy lội “khi mùa mưa về cũng lem nhem bước trên ngõ trơn…” (Nguyễn Đức Quang) nhịp sống vẫn nhộn nhịp dù tin dữ tới tấp bay về.
13/3/1975 Ban Mê Thuột và lần lượt các tỉnh miền Trung thất thủ, đọc được bài phóng sự thật đau buồn, kinh hoàng mang tên ‘Ngày Chủ Nhật Buồn’ đăng trên báo Chính Luận vào cuối tháng 03/1975, tường thuật tại chỗ cuộc triệt thoái khỏi Cao Nguyên dọc đường số 7 nối liền Phú Bổn với Tuy Hòa của quân đoàn 2 VNCH, sau này được biết người tường trình là ký giả lão làng Nguyễn Tú và người ghi lại là Lê Thiệp.
-----------------
Trong một chương trình do nhóm sinh viên quốc nội tổ chức “Một ngày cơm áo và sách vở cho học sinh, sinh viên Phước Long”, một anh trong ban tổ chức đánh tiếng: “Tụi tôi dự định làm một chương trình cho Ban Mê Thuột, các anh tham gia không”? Không một chút do dự, một anh bạn trong nhóm tụi tôi đáp ngay: “Rất là sẵn sàng”, nhưng sau đó thì vì việc vận chuyển trục trặc, không an toàn, chương trình đã đình lại.
Tôi trở lại Nhật ngày 28/3 trên một chuyến bay tơi tả của Hàng Không Việt Nam sau khi rước đồng bào di tản từ miền Trung.
Hội Sinh Viên Việt Nam Tại Nhật phát động chương trình “cứu giúp những đồng bào tị nạn miền Trung” tổ chức”, là một thành viên của Hội, tụi tôi rủ nhau xách thùng đi khắp đường phố quyên tiền cứu trợ, trong lúc TV đập vào mắt đầy những hình ảnh di tản, xô trực thăng xuống biển, chạy nạn…..
Rồi đến một ngày….
--------
30/4/75 tôi đang ở nhà cùng với 2 người bạn, khi thấy TV chạy hàng chữ tốc báo: “サイゴン政府無条件降伏 “Sài gòn đầu hàng vô điều kiện”. Dù biết là chuyện sẽ đến khi nghe tin dữ từ quê nhà suốt cả tháng 4, nhưng cũng bàng hoàng khi biết chắc chắn 100% “Saigon đã rơi vào tay Bắc Quân”. Chỉ trao qua đổi lại với 2 ông bạn cùng phòng vài câu ngắn ngủi, tôi vẫn phải sách cặp đến trường, vì hôm đó bắt buộc phải có mặt vào giờ chuyên môn của một ông thầy khó tính, chỉ 3 lần vắng mặt là coi như rớt môn đó, sang năm phải lấy lại mà tôi đã vắng mặt 2 lần.
Đến sân trường, lại gặp 3 người bạn khác, một ông là Việt, một là Mã Lai, và một là Đài Loan đang nói chuyện bằng tiếng… Bắc Kinh. Chả hiểu gì, Hỏi ông bạn Việt Nam thì được biết họ đang nói về tin Saigon thất thủ, tôi lủi thủi vào lớp.
Học xong giờ học, tôi về thẳng nơi làm baito gặp nhiều bạn Việt Nam, hình như đó là Odakyu Departo nằm cửa Tây nhà ga Shinjuku, thì biết một chút chi tiết hơn, qua cái màn hình, nơi tụ tập nhóm chùi và rửa tòa nhà Departo này, giây phút chiếc xe tăng ủi cửa và tiến vào Dinh Độc Lập được ông bạn “vẽ rồng vẽ rắn: “Việt cộng vô tới dinh mà mấy cha Dương Văn Minh còn đang ngái ngủ” v.v…..Rồi thằng nào thằng nấy đều tập trung cho câu chuyện: Mình nên đi hay ở. Xong việc 3 tiếng baito, tôi buồn bã về nhà thì thấy chẳng còn ai, 2 ông kia đi đâu mất. .
Nhưng cũng tối hôm đó, từ những con dốc đường dẫn đến sứ quán và ngay trước cổng sứ quán, trong khuôn viên, quanh tòa đại sứ có một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy, khu vực vốn Yoyogi vốn dĩ yên lặng này trở thành căng thẳng, “bất thường” hơn ngày thường vì những tiếng hoan hô, đả đảo, tiếng hú còi liên tục của xe cảnh sát, những cái đèn đỏ trên xe cảnh sát chớp chớp liên tục và nhiều xe “機動隊” (Đội dẹp biểu tình) đã kéo đến vây kín khu vực. Trong tòa nhà thì các nhân viên cố thủ, ngoài khuôn viên thì có nhóm thiên tả cùng Nhật Cộng, phía ngoài cổng thì anh em từ Takanobaba, Okubo…. kéo đến tiếp viện vì nghe tin: “Tụi nó vào chiếm tòa đại sứ”. Cảnh sát đã can thiệp tức khắc, xông ngay vào giữa để cố tránh một trận “đổ máu” sẽ xảy ra với nhiều hậu quả không lường trước.
Rốt cục, thì cảnh sát đã hốt nguyên nhóm “thiên tả” về sở cảnh sát Yoyogi. Và cũng còn canh giữ tiếp tục suốt đêm hôm đó.
Sáng mấy hôm sau, tòa đại sứ đóng kín cửa, tôi thấy rất nhiều sinh viên từ khắp nơi đổ về để gia hạn thông hành mới. Bên trong có cả nhóm sinh viên tôi quen mặt đã cùng với các nhân viên tòa đại sứ thiêu hủy tài liệu, phụ giúp trong việc đóng dấu gia hạn sổ thông hành và tất cả là được ký vào ngày 30/4/1975 vì qua ngày này thì Sổ Thông Hành của VNCH trở thành vô giá trị
“For all countries, except comunist countries”
hoặc làm các giấy tờ chứng nhận vợ chồng cho:
Những cặp tình-nhân,
“Mới hôm qua hãy còn phong kín,
Từ mai ta sẽ gọi vợ chồng.
Hay những cặp trở thành vợ thành chồng sau chỉ có vài ngày tìm hiểu
“Ánh mắt u buồn như muốn ngỏ:
"Thân gái dặm trường, anh có hiểu cho không?
Qua khe của cổng tòa đại sứ, hàng chồng passport được chuyển vào, và hàng loạt passport đưa ra. Trong đoàn người đó, có cả nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với một chồng pasport của các vũ viên trong đoàn do ông dẫn đầu, lúc đó đang lưu diễn tại Nhật.
-----------
Những ngày sau đó là những ngày vô nghĩa nhất trong cuộc đời, cùng với vài tên bạn thâu đêm suốt sáng, nói chuyện trên trời dưới đất.
Có những tên bạn ngày trước thì chung một bàn, chung một mâm, chung ý tưởng, chung một sân khấu, cùng nắm tay trong các đêm lửa trại hè …. thì nay đã có những e dè, xa cách. Những tranh cãi xảy ra liên tu bất tận
- Sống nổi với chúng nó à. Có nhà không được ở có nước không được về. Tao đéo về.
Còn thằng thì
- Tao tin là thằng việt cộng nó phải đổi, Việt Nam mình hôm nay sẽ khổ, ngày mai sẽ hơn hôm qua. Tao sẽ về.
Tôi cũng đã chọn cho tôi một hướng đi, và muốn tránh những lời qua tiếng lại giữa những cảnh bạn thân hôm trước, ngoảnh mặt hôm sau, tôi chỉ ngăn can:
- Mỗi thằng đều có sự lựa chọn, thằng nào muốn về thì về, thằng nào muốn đi thì đi, uống cái đã!
Nhưng uống vào thì cũng đâu vào đấy, sự tình vẫn chả thay đổi, những đốp chát, tranh qua luận lại nó theo suốt tôi thời gian đó. Những chán nản, bất an vẫn còn nguyên vẹn.
……
sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
những hào hùng uất hận gối lên nhau
kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới :
ta làm gì cho hết nửa đời sau ?’“
(Thơ Cao Tần)
Giữa thời gian đầy hoang mang đó thì tôi gặp Ngô Chí Dũng (NCD), học trên tôi một lớp, người can đảm đi ngược giòng, đứng ra nhận trách nhiệm với mục đích: tìm bãi đáp an toàn cho những người muốn “di tản”, ban đầu chỉ là như thế nhưng tầm hoạt động dần dần mở rộng, NCD, Huỳnh Lương Thiện,… rủ tôi phụ giúp làm bản tin, tôi đồng ý vì niềm tin, vì quá đơn giản, tôi đánh máy được và tôi check những lỗi chính trong những bài viết. Thân hơn một chút, NCD giải thích cho tôi về ý nghĩa đấu tranh và tôi trở thành một thành viên lúc nào không biết. Tháng 11 năm đó, nhóm “Người Việt Lưu Vong” công bố một bản tuyên ngôn chắc nịch:
1/ Dù thế hệ cha ông chúng tôi đã bại trận, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu đầy chính nghĩa này.
2/ Xin thế giới hãy ủng hộ chúng tôi.
Sau mấy lần “nâng cấp”, thì Tổ Chức Người Tự Do chính thức ra đời ấy và lấy ngay ngày 1/11/1975 (nhóm Người Việt Lưu Vong công bố những tuyên ngôn) là ngày thành lập, ước nguyện “Mai Này Chúng Ta Cùng Về Việt Nam” đã làm kim chỉ nam cho anh em chúng tôi. Tôi được đặt một biệt danh mới: Trần Đức Huy. Tôi tâm sự nhiều với anh em hơn, tôi được đọc và nghe những lời phải nói là “lạ hoắc” vốn dĩ tôi không bao giờ quan tâm để ý. Từ từ tôi thấm và 1 năm sau, tôi được giao hẳn trọng trách đảm đương Nguyệt San “Người Việt Tự Do”, một trong những nguyệt san đầu tiên của làng báo chí Việt Nam đấu tranh ở hải ngoại qui tụ toàn những tay không chuyên môn, chỉ có tấm lòng
Anh em trong tổ chức đã đi khắp nơi để gặp gỡ, trao đổi, vận động cho cuộc đấu tranh hầu thực hiện ước mơ không chỉ của riêng tôi mà của cả đồng bào tôi.
Có một đoạn trong bài viết “Ca Khúc Khải Hoàn” trích trong “Ung thư ơi chào mi” của Lê Thiệp cũng đã nhắc một chuyện vận động này:
“Khi tôi vượt biên được tàu Nhật cứu.
Trong lúc ở trại tỵ nạn, tôi quen và nhất là rất nhanh thân với anh em tổ chức Người Việt Tự Do. Tôi cảm phục họ vì ngay sau 30/4/1975 các anh em đó đã đủ can đảm hiên ngang đứng lên chống Cộng Sản và tuyên bố cuộc chiến đấu chưa dứt vì còn những người trẻ như họ.
Do những thân tình từ Việt Nam, Ngô Chí Dũng đã tâm sự rất nhiều và tôi hoàn toàn đồng ý với anh.
Trước ngày tôi lên phi cơ đi Mỹ, Ngô Chí Dũng, Vũ Đăng Khuê và Phạm Thanh Linh, ba cột trụ của tổ chức mời tôi đi ăn. Sau vài hũ Sake, Ngô Chí Dũng chính thức yêu cầu tôi gia nhập tổ chức và đề nghị tôi phụ trách trông coi và phát triển chi bộ ở Mỹ. Họ nghiêm trang. Họ thành khẩn. Họ thua tôi cỡ chục tuổi và coi tôi như anh.
Trước cái thâm tình đó, tôi tấn thối lưỡng nan, đành nói:
– Tôi thực sự cảm động về sự tín nhiệm của tổ chức nơi tôi. Thật ra nhìn chung, tình thế khó khăn chưa thấy lối thoát và cá nhân thì tôi sẽ phải đối phó với đời sống mới của một thuyền nhân. Vậy tôi chỉ xin hứa cùng các anh là bất cứ lúc nào tình thế thực sự cần, các anh chỉ hô một tiếng là có mặt tôi.
Lời hứa đó vào năm 1979 đã đẩy tôi vào một khúc quanh của cuộc đời. “
-----------------------
Sau bao ngày vận động, một thành quả ra đời: “Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam” do tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, công bố cương lĩnh chính trị ngày 8 tháng 3 năm 1982. Tổ chức Người Việt Tự Do giải thể gia nhập Mặt Trận. Tôi thay áo trắng và khoác áo nâu. Hàng đoàn, hàng loạt đoàn người từ Nhật, từ khắp năm châu đã đổ về quê mẹ, tìm lại chính nghĩa sau những ngày tủi nhục bỏ nước ra đi.
Mỗi lần Ngô Chí Dũng trở lại Nhật để làm công tác, xong chuyện công ty, tôi thường đến nhà đối ẩm với NCD, anh kể nhiều chuyện, nhất là chuyện lúc lên cơn sốt rét khi tôi hỏi
- Triệu chứng thế nào?
Anh chỉ tay vào ổ bánh mì ngay sát cạnh
- Đó ngay đó bước ra chỉ vài bước, nhưng người cứ run cầm cập dù đói không thể đứng lên.
- Rồi ông làm thế nào?
- Phải chịu thôi.
Anh kể lại lúc xác Phùng Tấn Hiệp cáng võng đưa về, ông Lê Hồng khóc như mưa.
Tôi hỏi đùa sang chuyện khác:
- Xem mấy tấm hình thấy ông để râu, không hợp ông ơi.
Anh cười lớn:
- Trong đó lấy gì mà cạo, muốn làm “đẹp mặt” thì phải đợi những chuyến tiếp tế từ hậu trạm và rất nhiều những chuyện linh tinh khác.
Có một kỷ niệm mà tôi ân hận nhớ hoài vì tôi đã thất hứa:
Trước 1 ngày anh về, anh đi thử máu để xem mình thuộc loại máu nào, vì một tuần sau mới có kết quả, anh dặn tôi:
- Nhớ đi lấy kết quả máu cho tôi rồi gửi cho Trạm Liên Lạc.
Tôi quên béng, lần gặp lại anh 1 năm sau đó, anh “mắng” tôi xa xả:
- Có chuyện như thế mà ông cũng không nhớ, nếu trong đó lỡ có chuyện gì phải tiếp máu bằng những phương tiện khá đơn sơ, thì biết loại máu nào mà tiếp? Tôi chết thi sao?
--------------------
Lãnh đạo của tôi: Hoàng Cơ Minh, Ngô Chí Dũng và những anh em tôi quen biết như Phùng Tấn Hiệp, Lâm Thao, Huỳnh Trọng Hà, Trương văn Hưng, Đẩu…. đã hy sinh trên đường về nước, xác vẫn còn nằm lại ở rừng núi Hạ Lào
Tôi còn nợ họ rất nhiều. Món nợ không biết bao giờ mới trả xong.
----------------------------
Chuyện gia đình
Sau một thời gian dài không gặp nhau vì dịch bệnh, tôi có “mở” một cuộc họp online với tất cả anh em trong 2 gia đình nội-ngoại và nghe lại chi tiết hơn những điều gì đã xảy ra ngay trong gia đình: có những chuyện đã nghe nhưng không chi tiết và những chuyện hôm nay tôi mới biết, dù đã sống chung với gia đình mười mấy năm sau ngày chính phủ Nhật chấp nhận việc bảo lãnh.
Những câu chuyện nghe sao ghi vậy
Bên Nội
Những chuyện đã nghe nhưng không chi tiết
Cô em thứ hai mở đầu:
“Vào khoảng suốt 1 tuần trước 30/4, Ba và tụi em thay phiên nhau đốt tất cả những giấy tờ liên quan đến Ba, thằng Chú thì đem cả lô những bằng khen huân chương mà Ba có đem vất và chính Chú cũng không biết đó là những thứ gì mà Ba sợ đến thế, còn Ba thì tìm đường liên lạc để đi, có một chỗ Ba được chọn vì đã có thời gian làm việc gần “Mặt Trời”, nhưng Ba đành phải từ chối vì chỉ được một chỗ, còn lại mẹ và mấy đứa con nheo nhóc thì ra sao.
- Ba và mẹ chuẩn bị cho mỗi đứa lớn mấy cái túi, mỗi túi có vài bộ quần áo, vài quyển sách, bút, mực …. Và dặn “đứa nào đi được thì đi”, em và Long (con của chị Lục) lái xe honda ra đến bến Bạch Đằng thì toàn người là người, đành trở về đến ngay chỗ ngã Bảy thì có cái máy bay trực thăng bị rớt vì có người bám vào, không cất cánh lên nổi.
- Còn em và bé L. thì chạy PC đi tìm nhà anh L. nhưng cũng không tìm ra vì nhà nào cũng đóng cửa, đành phải về
Nhà đầy người “tị nạn” từ miền Trung, Đà Nẵng, từ hàng xóm xin ngủ nhờ ban đêm vì họ tin ông Giáo (bố) là người nắm vững vấn đề.
- Ngay ngày 30/4 thì Ba cấm không cho đứa nào ra khỏi nhà, tiếp tục thiêu hủy, tài liệu ngay trong nhà.
- Sáng 2/5 em thấy vợ chồng Bác Sủng tất tả chạy lên hối thúc: Anh ơi, anh đi ngay đi hay là anh lên chỗ tụi em vì anh mà ở lại thế nào anh cũng chết.
- Sáng ngày 6/5, thức dậy thì không thấy Ba nữa, em hỏi mẹ: Ba đi đâu? Mẹ chỉ nói: Ba đi tìm đất sống rồi
- Mùa hè năm 1976, đi lên Long Khánh để làm rẫy giúp bà chị thứ ba trong nhà. Thật ra nơi này là chỗ lánh nạn của Ba. Miền nam VN bị mất 30/4/1975. 2 ngày sau đó bác S. (*) là đàn em trong văn phòng của Ba, sau khi về hưu, đã bỏ tiền phá rừng làm rẫy ở Long Khánh từ năm 1970, lên vội Saigon hối thúc Ba: anh Hai nên trốn đi nơi khác trước khi Việt Cộng bắt anh.
- Bác biết Ba sẽ bị bắt vì chức vụ đã làm cho chính phủ miền nam cộng hoà. Bác đã chia một mảnh đất để Ba và bà chị thứ ba làm ruộng rẫy.
Chia xẻ của cậu em:
Bữa trưa đó đang cuốc đất, nhìn thấy máy bay bay ngang trên trời. Mình kêu bà chị nhìn lên trời rồi hỏi: nếu được lên máy bay đi ngoại quốc, chị cảm thấy thế nào?
Bà chị đùa: nếu chú không kêu lại thì chị đã có đủ thời gian chạy lên máy bay đi rồi
Còn nhớ rằng mình chỉ cười nhưng không nói lại gì cả.
Nhưng khi nhớ lại mình hiểu: có lẽ đó là cái cười ngậm ngùi nhất trong đời của mình .
Vì lúc đó mình đã nghĩ: Ở một góc rừng, chỉ trừ trường hợp gặp tiên hay Phật, chứ còn bình thường thì 100% sẽ không có khả năng lên máy bay đi nước ngoài. Mới 11 tuổi, mà mình đã biết cái phũ phàng của thực tế.
Mình đã cảm thấy mình như con giun cái dế nằm trong hang sâu, vừa gáy vừa ngắm và mơ lên mặt trăng.
-------------------
(*) (Bác S. nguyên là Trưởng Ty Thông Tin Quảng Ngãi, là một “đàn em” ruột của bố tôi khi bố là Chánh Sự Vụ Nhân Viên Bộ Thông Tin, trách vụ có thể đề nghị bổ nhiệm các Trưởng Ty Thông Tin trên toàn quốc, sau đó sang bộ Xây Dựng Nông Thôn, Phủ Đặc Ủy Cải Cách Hành Chánh. Trách vụ cuối cùng của Ba là phụ tá cho cụ Trần Văn Ân, cố vấn chính trị cho TT Nguyễn Văn Thiệu
----------------------
Cô em thứ ba nói thêm:
- Ba cùng với em và Y. lên Ngã Ba Ông Đồn cách Long Khánh khoảng 20 km để “lập nghiệp” làm ruộng, nuôi heo, nuôi cá, trồng cây quả, nhưng lúc nào cây cũng héo và chậm ra trái vì có bao giờ mình làm mấy việc này. Gánh 2 thùng nước từ giếng về đến nhà thì chỉ còn một nửa. Gọi là nhà, nhưng nó chỉ là cái khung gỗ sơ sài với và mấy miếng tôn lắp vá. Suốt 2 năm trời, sống với đèn dầu, Ba lên suyễn cực nặng, nhà ở Saigon vẫn phải tiếp tế.
Thỉnh thoảng Ba lén về Saigon để xem xét và dặn dò, lúc Ba đi vào nhà mà không ai nhận ra Ba, cứ tưởng là ai đó. Già hẳn và ốm đi có lúc chỉ còn 45kg.
-------------------
- “Cũng chỉ vài ngày sau, thì công an tới nhà và hỏi: “ông ấy ở đâu”, mẹ lắc đầu bảo không biết.
- Sau 2 năm “lập nghiệp”, về lại Saigon thì mỗi ngày phải lên công an quận ba trình diện. Lúc nào Ba cũng chuẩn bị một cái cặp, đựng vài bộ đồ và dặn cả nhà: “Nếu không thấy Ba về thì đừng lạ”.
Cứ khoảng 4, 5 giờ chiều là em ra trước sở cảnh sát đường Cao Thắng, gần ngã tư Hồng Thập Tự, Cao Thắng (phía bên nhà bảo sanh Từ Dũ) ngồi xem có xe nào chở Ba đi không?
------------------
Những ngày được đoàn tụ với gia đình, tôi có hỏi: lúc “làm việc” với công an cảnh sát họ truy Ba chuyện gì? Thì ông cho biết: “Nó thường hỏi Ba liên quan thế nào với bác sĩ Trần Kim Tuyến, trùm an ninh thời Đệ nhất Cộng Hòa” là người học cùng lớp với Ba. Thực sự thì Ba đã không gặp ông Tuyến từ lâu”, và “ngày nào Ba vẫn phải cố nhớ sao cho những bản tự kiểm lần trước phải giống bản viết lần sau, để không bị truy tiếp”. Ông vẫn đùa với những ông bác, bạn cùng thời với Ba: Dù đã về hưu, sau ngày 30/4, thì bố làm việc 2 năm ở bộ canh nông, 2 năm phục vụ trong phòng điều tra của Ty Cảnh Sát
Những chuyện mới nghe lần đầu:
Thời gian này khoảng năm 1977, vì thấy tình hình có vẻ êm, ít ai để ý đến ông, theo Ba nghĩ, Ba mới về nhà ở Saigon. Ông lại lao ngay vào chuyện tìm đường “Phục Quốc”. Ông bảo L., dân Cao Thắng, chồng cô em gái thứ hai vẽ một logo cho lực lượng và đem đến cho một linh mục.
- “Ba không muốn kể những chuyện bị lừa khi vượt biên, khi gia nhập “lực lượng phục quốc” gì đó. Ngay cả chuyện nhà mình vì quá túng thiếu cho mượn chỗ đánh bài (đánh chắn) bị công an bắt, Ba cũng không muốn anh Khuê biết. Có lần đang ở nhà, nhắc lại chuyện đó, Ba gạt đi liền. Biết là Ba không muốn nhắc đến để anh Khuê biết, nên em cũng im. Nhưng bây giờ, tất cả đều là kỷ niệm, nói cho nhau biết, chẳng hại, cũng chẳng có ai phải buồn, nên mới kể lại.
Cô em Út hỏi khi nghe bố mẹ tôi thầm thì về chuyện một linh mục.
Chồng của cô em thứ hai trả lời:
“Cha ở tại Sài Gòn, Ba dẫn anh đến tư thất của Cha, nằm bên kia cầu Trương minh Giảng, cạnh kênh thúi, phía sau ĐH Vạn Hạnh. Không còn nhớ đó là Nhà Thờ tên gì. Cha hơi mập, mặt phúc hậu, cô bé trợ lý cho Cha độ 20, 21 mặt hiền, ít nói, có vẻ gan dạ. Chắc Cha cũng bị thằng Thanh Đa gạt. Ba mình và Cha không rành về súng ống, nghe nó nói cứ y đúng rồi. Cũng may mắn là mất tiền thôi, chứ nếu lọt bẫy của vc. Nội cái tội phản động, âm mưu lật đổ chính quyền có tổ chức, huy hiệu đàng hoàng thì ít nhất cũng từ 20 năm hoặc đem bắn. Thời đó đâu có xét xử gì. Đúng là Chúa gìn giữ.
Anh nghĩ: Ba được ai đó giới thiệu với Cha, lật đổ chính quyền cộng sản ai mà không thích, đương nhiên Ba và anh rất thích, cơ hội rất hiếm, khó tìm được tổ chức đáng tin cậy. Nay có Cha đứng ra, đó là sự bảo chứng nghiêm túc, có thể đây là lực lượng tàn quân từ vùng Định Quán, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Hải gom lại. Cho nên việc được di tản từ khoảng giữa Long Hải và Vũng Tàu cũng hợp lý. Tuy nhiên, khi thằng Thanh Đa “nổ về vũ khí tối tân” bằng cây FLAREGUN thì anh biết thằng này vừa xạo vừa nổ rồi.
Anh có với Ba: “Vũ khí này con làm được lúc còn học Cao Thắng mà”? Ba vẫn không tin và tiếp tục theo đuổi. Giai đoạn đó Ba suốt ngày đi, cũng may không việc gì, chứ cs nó bắt được thì Ba và anh te tua, vì tù đày giai đoạn đó với tội danh phục quốc, chỉ từ chết tới bị thương. Hú hồn. Lúc đó, Ba chưa muốn cho cả nhà biết sợ rủi ro sẽ bị liên can, nguy hiểm.
------------------
Vài chia xẻ khác của các cô em:
- Trong xóm chỉ có 2 gia đình là “ngụy” hạng ác ôn là ông Thiếu Tá Cang và Ba, Ông Cang thì đã ra đi mấy ngày trước, còn gia đình ở lại. Em lúc đó còn là sinh viên năm thứ nhất, còn chị T. thì đang mang bầu và chờ anh Hiếu (thiếu úy quân y) đã bị bắt trong một trận đánh trước tháng 4/75, nên em phải và bị tham gia vào những chiến dịch mà tụi nó phát động như đánh tư sản mại bản, tụi nó xếp em nằm trong nhóm đi điều tra và thống kê, xếp hạng các gia đình phải đi kinh tế mới, có vài chuyện em nhớ hoài là:
- sau một thời gian tụi nó làm việc với nhau thì thằng trưởng phòng đưa em một cái list xếp hạng thành phần nào phải đi kinh tế mới (hạng A, B, C), nhà nào phải kiểm kê. Em xem list viết bằng bút chì thấy thì có tên gia đình mình loại “A”, thành phần phải đi kinh tế mới, em lén gôm, xóa ngay và thay vào bằng chữ “C”, ngoài ra còn thấy tên của gia đình ông Chủ tiệm đàn Đức Thắng trong list bị kiểm kê, em kể lại cho Ba và Ba nói: Con ra ngoài tiệm nói cho ông bà biết như thế và cũng đừng nói mình là ai. Em ra tiệm đàn nhắc bà Đức Thắng; bác ơi, bác nên chuyển ngay những gì mà nhiều quá như đàn piano….. Bà Đức Thắng hỏi: cô là ai thế? Em trả lời ngay: Thôi, Bác khỏi cần biết cháu là ai. Mấy hôm sau thì gia đình bà cũng bị kiểm kê nhưng không bị tịch thu gì hết.
Một năm sau, bé L. nhà mình thích đàn, em có đi chung đến tiệm đàn Đức Thắng để mua một cái guitar, bà thấy em, bà cũng không nói gì và tặng cho bé Loan một cây đàn miễn phí. Bé L. cũng thắc mắc hoài tại sao thế và hôm qua hỏi lại thì em nói: “chị nghĩ chắc có thể là bà ấy thấy chị nên nhớ chuyện kiểm kê đó”
- Bị lừa nhiều lần nên Ba sợ lắm, khoảng đầu năm 1981, một hôm có một người ở Nguyễn Du (bộ Nội Vụ) đến nhà thông báo gia đình ngày đó tháng đó lên làm giấy tờ xuất cảnh, Ba không tin và cả nhà cũng không tin, tên này lại đến nhà hỏi: “Ông có con ở bên Nhật phải không?” Ba lấp lửng: “Nó đi du học lâu rồi”, tên này nói: “Cậu bảo lãnh cho ông đó”. Dù vẫn bán tín bán nghi vì vào thời điểm đó việc con cái hay anh em bảo lãnh cho gia đình rất ít, nhất lại là Nhật. Nhưng cả nhà vẫn xúc tiến việc làm passpord, được mấy tháng thì được gọi lên khám sức khỏe, mẹ phải uống mãng cầu ta một thời gian để giảm huyết áp, vì Bà bị huyết áp cao rất nặng. Sau khi nhận được passport từ tháng 8/1981, mỗi tuần ba phải lên chầu chực ở Nguyễn Du 1,2 lần để coi có tên trong chuyến bay hay không. Thuở đó, chuyến bay đi Nhật chỉ có mỗi thứ ba hàng tuần, nên mỗi đầu và cuối tuần phải check cho chắc ăn. Rồi có một ngày giữa tháng 11/1981, Ba về mặt tái nhợt, vì có list đi Nhật vào tháng 12, với tên của những gia đình đã làm chung giấy tờ, nhưng không có tên của gia đình mình. Phía VN không ai biết lý do tại sao. Ba đã đánh điện tín cho anh Khuê, nhưng không nhận trả lời. Ba phải ra bưu điện chính ở Saigon, gọi điện thoại sang Nhật, gặp anh P, thì anh P trả lời. “Khuê đi Mỹ rồi bác ơi, bên này bộ ngoại giao cũng điện đến nhắc mấy lần, yêu cầu Khuê xác nhận”, Ba nhờ ngay: Nhờ anh liên lạc với Khuê bảo nó về gấp. Nhà như từ trên trời rơi xuống khi bị lọt tên, mong hàng ngày chờ tin từ anh Khuê.
---------------
Mãi đến tháng 6/1982 nghĩa là 6 tháng sau, gia đình mới đoàn tụ. Nhưng điều may mắn nhất là cả nhà đã bình an nguyên vẹn. May mắn hơn gia đình bên ngoại.
Bên ngoại
----------------
Mẹ cháu và người trong gia đình:
- Sau khi H. đem về nhà một số truyền đơn đầy “phản động” vô tình nhận được từ mấy người bạn trong nhóm du ca của trường đưa cho bố xem, bố âm thầm chuyển cho bác P.L, bác bị chúng bắt vì bị tra tấn quá dã man, đã khai tên bố ra. Chộp ngay cơ hội, chúng xông vào nhà lục soát và đưa ra lệnh bắt với chứng cớ chỉ là một số thuốc lá, xà bông trong nhà dù không tìm thấy mấy tờ truyền đơn “phản động”, mà chúng phao vu là làm để tiếp tế cho lực lượng “phản động”. Thực sự số xà bông, thuốc lá đó là do trong nhà làm để xài, để bán vì gia đình quá túng thiếu.
- Bố cũng đi trình diện 3 ngày học tập như mọi người, nhưng đến ngày 31/10 tụi nó vào nhà bắt bố đem đi và giam tại số 4 Phan Đăng Lưu. Mẹ và các em vẫn thay nhau thăm nuôi, nhưng vào khoảng tháng 7/78 khi thăm nuôi, nói đến tên bố, tên ngồi giữ cửa cho biết: “chồng bà đã bị thủ tiêu rồi, không gặp được”, bà khóc òa và la lớn, mấy người thăm nuôi khác cũng hoang mang và làm dữ khiến một tên bên trong chạy ra bảo: “Tên này nó không hiểu vấn đề nên nói vậy, chúng tôi đã chuyển chồng bà cùng một số phạm nhân sang trại tạm giam khác. Bà về nhà chờ tin.” Mấy ngày sau thì nhà nhận được giấy báo với nội dung: “Phạm nhân bỏ trốn trên đường chuyền trại, hiện đang truy nã”. Không khí trong nhà phủ đầy màu tang, suốt ngày cả nhà quanh quẩn ngồi vật vã khóc trước tấm hình của Ba.
Sau đó đến Nghĩa, thằng em kế thông minh nhất nhà, bị ung thư xương, Nghĩa tuổi đang lớn bị bịnh và nghe nói phải cắt bỏ một chân thì không muốn sống nữa. Ba Mẹ chạy sang thầy Cự Thất người Hoa cho uống thuốc tàu. Thuốc rất mắc. Tốn cả triệu đồng chỉ được vài viên nhưng lại khống chế cơn đau và đắp ngải cứu thường xuyên. Khi Ba bị bắt. Vừa bị đổi tiền mỗi gia đình chỉ có 200 đồng thôi (một tờ Trần Hưng Đạo 500 đồng trước năm 75 thành một đồng sau 1975). Nghĩa bị lên cơn đau nữa. Mẹ lo sợ chạy lên ông thầy thuốc năm xưa năn nỉ giúp cho Nghĩa. Nhưng nhà ông thầy mới vừa bị đánh tư sản (đánh tư sản người gốc Hoa 1977) gia đình ông thầy bị tịch thu tài sản hết. Vợ ông ta uất ức nhảy lầu tự sát. Khi Mẹ đến xin thuốc được biết vợ ông thầy mới chết một tuần. Ông thầy rất đau buồn nhưng vẫn từ bi cho Nghĩa thuốc với giá tượng trưng.
Vài năm sau, có một vị sư đi vượt biên cùng với Nghĩa nhắn tin về cho người thân là ông ta đã đến bến bờ tự do và nhờ người thân nhắn tin lại cho các gia đình khác là trên chuyến tàu vượt biên năm đó mọi người đã bị chết hết, vì bọn đưa người vượt biên khi đưa mọi người lên tàu chúng moi móc tiền của từng người và sau đó cột đá ném xuống biển và phá tàu cho hư. Vị sư này còn sống vì ông nhảy xuống biển định kết liễu đời ông, nhưng may mắn là sư ôm được mảnh vỡ của tàu và được các tàu khác vớt.
Nhưng mẹ không tin, vẫn chờ, vẫn đi cầu khấn khắp nơi để tìm tông tích, và tin thế nào cũng sẽ có ngày Bố và em Nghĩa trở về.
Rồi vào một ngày của tháng 10 hàng xóm ngạc nhiên khi thấy cả nhà chít khăn tang, mời ni cô làm lễ cầu siêu cho 2 linh hồn sớm siêu thoát. Từ đó đến nay cứ đến tháng 10 là gia đình có thêm ngày giỗ mới cho bố và em Nghĩa.
Mẹ tôi đau khổ lắm vì mất 2 người thân yêu mà không biết thân xác ở đâu. Bây giờ bà thường nhắc chuyện về Bố và em Nghĩa, thỉnh thoảng nửa mê nửa tỉnh lảm nhảm “bố đang ở trên Xứ* đã về. Mẹ con mình mau lên đón bố về. Tội nghiệp bà!
Tổng cộng thì gia đình bên ngoại đã âm mưu vượt biên 13 lần, 3 lần thành công và 1 lần đi chính thức và đau đớn nhất là có 2 người đã hy sinh.
------------------
(*) Xứ là Phong Thổ Lai Châu, quê của bố vợ tôi
Bố vợ tôi là dân “Ngụy chính gốc”, ông nguyên Phó tỉnh trưởng Phước Long, (1963-1968) tốt nghiệp Đốc Sự khóa 17A Quốc Gia Hành Chánh (1968-1972), trách vụ cuối cùng là Chánh sở huấn luyện tổng nha Nhân Dân Tự Vệ thuộc Bộ Nội Vụ cho đến ngày mất miền Nam.
---------------------------
Bao nhiêu oan khiên và ngang trái mà gia đình nội-ngoại phải chịu đựng dưới thời “Xuống Hố Cả Nước” cũng đã được kể ra đầy rẫy, mỗi gia đình một hoàn cảnh, quân ta có thể tìm thấy khắp nơi. Tựu trung chỉ cần tóm gọn trong vài chữ: “khốn cùng trong phẫn nộ”. Tôi không nhắc lại.
Sau 46 năm, bùi ngùi cố nhớ ráp nối từng chi tiết ghi lại cho những con cháu trong nhà, thời đó, ngày đó ông bà, bố mẹ mình đã sống ra sao, để chúng hiểu rõ hơn tại sao chúng nó hiện diện ở đây, “lý giải” cặn kẽ hơn những việc tôi và bạn bè đang theo đuổi.
Tôi ngừng bút vì đã tạm trả lời một phần câu hỏi cho chính tôi: “Ngày đó, giờ đó, mình đang ở đâu và đang làm gì”.
Vũ Đăng Khuê
Những ngày cuối Tháng 4/2021