April 18, 2021
Tết té nước (hay Tết Thingyan) là ngày lễ thường niên đặc biệt nhất đối với người Myanmar. Đây cũng là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Tết Thingyang bắt đầu vào ngày 13/4 dương lịch và kết thúc khi bước sang năm mới vào ngày 17/4. Người dân Miến sẽ tổ chức lễ hội té nước mỗi khi hoa Padauk (Pterocarpus indicus) nở, đúng sau trận mưa đầu tiên giữa tháng Tư. Thêm một cái tết nữa lại về. Dưới ánh nắng chói chang của những ngày giữa tháng tư, tất cả các cây hoa Padauk đua nhau khoe sắc vàng trên đường phố, tạo thành khung cảnh rất đẹp và rất đặc trưng của đất nước chùa Vàng Myanmar.
Thế nhưng năm nay, mọi thứ đã hoàn toàn khác biệt. Hoa Paduak vẫn nở vàng ươm dưới ánh nắng mặt trời; có điều lòng người dân Miến chả còn tâm tư nào để đón chào những ngày đầu năm mới nữa. Suốt hơn hai tháng qua, kể từ sau cuộc đảo chánh của quân đội và những cuộc biểu tình rầm rộ của cả dân tộc Miến Điện. Phía người dân đã có gần tám trăm người bị quân đội bắn và giết chết. Trong đó có cả trẻ em, phụ nữ mang thai và phần lớn trong số đó là những người trẻ. Các tinh hoa và tương lai của Miến Điện đã bị quân đội thảm sát không thương tiếc.
Có thể kể đến các nạn nhân vô tội, những tấm gương hy sinh hào hùng, những tấm lòng quả cảm bất khuất đã tạo nên nhiều xúc động như:
– Khin Myo Chit, một bé gái 7 tuổi đã bị lực lượng an ninh Myanmar bắn chết hôm 24/03 ngay trên tay cha mình ở nhà riêng của gia đình em.
– Những ngày đầu tháng 2, Mya Thwe Khaing, 20 tuổi, đã trở thành người biểu tình đầu tiên thiệt mạng trong các cuộc tuần hành chống đảo chính ở Myanmar sau khi cô bị bắn vào đầu.
– Ngày 3/3, cô gái 19 tuổi Ma Kyal Sin, có tên thường gọi là Angel, mặc chiếc áo thun in dòng chữ “Mọi chuyện sẽ ổn” khi tham gia biểu tình ở Mandalay, nhưng cô bị cảnh sát bắn chết ngay sau đó.
– Pan Ei Phyu, mười bốn tuổi, đã làm một số video TikTok do chính cô hát các bài ca ủng hộ dân chủ. Lo lắng cho an nguy của con gái, bà mẹ Thida San đã không cho cô tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố nữa. Nhưng chẳng đủ để cứu cô bé, và Pan Ei Phyu bị bắn ngay trong nhà lúc em mở cửa để giúp những người biểu tình chạy trốn khỏi cuộc đàn áp của quân đội ngày 27/3.
Đây là ngày đẫm máu nhất trong các cuộc đàn áp người biểu tình. Riêng ngày này đã có hơn 114 người, trong đó có 11 trẻ em, bị quân đội tàn sát.
Vâng, máu vẫn đổ và nước mắt vẫn không ngừng tuôn rơi tại Miến Điện mỗi ngày như thế đó. Nên người dân Miến không còn tâm trí để nhớ đến ngày tư ngày Tết nữa. Nhưng dân Miến đang cương quyết dấn thân vì một tương lai tự do, dân chủ và nhân quyền… Họ đã chọn lựa ăn mừng ngày lễ Tết truyền thống của dân tộc lồng vào các cuộc tranh đấu…, để rồi tiếp tục lao mình quyết liệt vào các nỗ lực giành lại nền dân chủ mới tạo dựng được trong thập niên qua.
Người dân Miến Điện đã không thờ ơ, dửng dưng trước thảm cảnh đen tối của dân tộc. Trái lại, họ đã chấp nhận mọi hy sinh, và tổ chức lễ Tết theo cách riêng của mình. Không còn té nước vào nhau như những ngày thanh bình nữa. Người dân đã “té” vào nhau bằng nước mắt và máu, để tất cả xác quyết một ý chí rằng: nếu phó mặc tiền đồ dân tộc trong tay những kẻ vô lương, ác độc thì Miến Điện sẽ lâm nguy, sẽ không còn những ngày lễ Tết té nước nữa… Để thay vào đó, là những tháng ngày tắm máu người dân vô tội.
Sự ngã xuống của mỗi người dân Miến, đã giúp họ thêm kiên định lập trường trước một thể chế độc tài quân phiệt; những kẻ bất đếm xỉa gì đến hạnh phúc và sinh mạng con người. Chúng đã nhẫn tâm bắn giết thẳng tay những ai lên tiếng cho công lý, dân chủ và đòi hỏi các quyền căn bản theo hiến pháp, và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Cho đến nay, người dân Miến Điện vẫn tiếp tục xuống đường, trên tay cầm những bông hoa Paduak ươm vàng, biểu hiện cho tuổi trẻ và tình yêu. Tất cả những biểu tượng đó đã biến thành động lực, thúc đẩy họ mạnh mẽ đấu tranh vì một tương lai tự do, hạnh phúc thực sự của dân tộc; thay vì cứ theo một tập tục “lễ Tết” truyền thống chỉ mua vui được vài trống canh, mà chẳng đem lại thành quả gì.
Nó cho thấy, người dân Miến đã quan tâm đến những giá trị trường cửu, chứ không chú trọng vào các giá trị truyền thống nữa. Lễ Tết truyền thống có thể tạm dừng để nhường chỗ cho công cuộc đấu tranh mang lại các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền lâu dài cho thế hệ này và cả các thế hệ mai sau.