Không đầy 100 ngày nữa, Thế vận hội TOKYO sẽ khai mạc theo dự kiến. Đuốc lửa thiêng đã được rước chạy gần một tháng trên những lộ trình thay đổi liên tục do có nhiều chính quyền địa phương lo ngại dịch bệnh lây lan đến dân chúng tập trung cổ vũ. Và cho dù đêm đêm, những đỉnh nhà chọc trời như tòa đô sảnh, tháp truyền hình Tokyo, Sky tree...đã bắt đầu được chiếu sáng bằng ánh đèn 5 màu có trong logo Olympic, Nhật bản vẫn còn đang phải gấp rút đi tìm một giải pháp tốt nhất để có thể vừa tổ chức được đại hội thể thao lớn nhất hành tinh, vừa phải ngăn chận lây nhiễm của trận dịch cũng lớn nhất hành tinh này.
Ngoài việc không cho quan khách nước ngoài vào xem tại hiện trường thi đấu, nhiều qui định sinh hoạt nghiêm nhặt cũng được ban hành áp dụng cho khoảng 15 nghìn vận động viên và huấn luyện viên khiến gây ra không ít than phiền. Hiệu quả kích cầu kinh tế 92 tỷ đô la GDP được dự đoán là giảm mất 1,7 tỷ đô la nếu không có khách ngoại quốc, giảm 14 tỷ đô la nếu thi đấu không có khán giả. Mặt khác, không có khách ngoại quốc còn dẫn đến một thiệt hại nữa là sẽ đánh mất cơ hội quảng cáo biểu diễn những thành tựu kỹ thuật của Nhật Bản. Đồng hồ SEIKO được vang danh trên thế giới vì đã trở thành nhà tài trợ và cung cấp chính của Thế vận hội Tokyo 1964 là một ví dụ.
Việc hoãn tổ chức 1 năm cũng đã khiến các doanh nghiệp tài trợ gặp khó khăn không ít do chi phí tăng lên, khiến có thể ảnh hưởng đến mức tiền ủng hộ là 3,7 tỷ đô la trong tổng số thu nhập dự kiến 7,2 tỷ đô la.
Nhưng chính những khó khăn của dịch bệnh này cũng đã là động lực để các doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh sáng tạo kỹ thuật nhằm đáp ứng với tình hình mới. Tập đoàn Lawson đang có kế hoạch triển khai hệ thống cửa hàng tiện lợi không cần nhân viên bán hàng bằng cách áp dụng AI. Công ty điện tử NEC sẽ lắp đặt các cửa kiểm soát xuất nhập cảnh bằng kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt tại cửa khẩu quốc tế. Hệ thống camera tinh nhạy đời mới sẽ phát hiện cho biết quan khách nào không đeo khẩu trang... Đây là những bí quyết kỹ thuật chắc chắn sẽ tăng cường lợi thế cạnh tranh cho Nhật Bản trong tương lai hậu Olympic.
Điều đáng mừng cho đến nay là vẫn chưa thấy một quốc gia hoặc khu vực nào lên tiếng phản đối quyết định tổ chức của Nhật Bản. Ngay cả một số quốc gia vào năm ngoái từng tuyên bố không gửi tuyển thủ đến tranh tài như Canada, Úc cũng đã đồng ý tham gia trở lại.
Theo phát biểu của bà Hashimoto Seiko, chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo, nếu số khán giả dưới 50% sức chứa của đấu trường thì có thể kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh. Trong khi đó, các nhà khoa học như giáo sư dịch tể học Mikamo Hiroshige thì lại rất dè dặt: “không thể không xây dựng một cơ chế kiểm tra chặt chẽ, không bỏ sót một ai trong thời gian tổ chức thế vận hội”. Nhiều ca lây nhiễm chủng virus mới với cường độ lây nhiễm lớn hơn gấp nhiều lần cũng đã làm suy yếu phần nào kết luận thống kê cho rằng trong mùa giải bóng chày và bóng đá J League vừa qua chỉ có vài người bị lây bệnh trong số 8 triệu quan khách đi xem. Ngay cả lập luận cho rằng tỷ lệ bị lây từ 1 người nhiễm bệnh không có triệu chứng là 0,01 người trong môi trường 60.000 quan khách tại sân vận động Tokyo cũng đã bị lung lay trước sự xuất hiện của các virus chủng mới này. Từ những điều nêu trên có thể tạm kết luận rằng chìa khóa cho việc tổ chức thành công Thế vận hội lần này là Tokyo phải có một câu chuyện dựa vào những suy luận khoa học căn cứ trên các dữ kiện trung thực, khách quan thì mới có thể khẩu phục tâm phục được các nước tham gia.
Bên cạnh câu chuyện kể trên, Olympic, Paralympic sắp tới sẽ còn là dịp để rà soát, xác định lại các giá trị cốt lõi của sự kiện thể thao vĩ đại nhất quả đất này. Khi nói: “sự tham dự thế vận hội mang ý nghĩa lớn hơn cả những chiến thắng tranh tài”, nam tước Coubertin, cha đẻ của Olympic hiện đại đã khẳng định rõ ràng giá trị tinh thần to lớn mà đại hội thể thao này mang lại cho loài người. Số lượng huy chương sẽ thôi còn là căn cứ duy nhất để đánh giá lực sĩ, đánh giá tinh thần thượng võ của một quốc gia. Mô hình đầu tư vào tuyển thủ để đoạt nhiều huy chương nhằm biểu dương sức mạnh của các nước Nga, Tàu và một số quốc gia xã hội chủ nghĩa có thể sẽ trở nên lỗi thời. Giáo sư Yamaguchi Kaori (đại học Tsukuba) đã nêu nghi vấn của mình trong cuộc họp Hội đồng Olympic Nhật bản (JOC) ngày 23/3/2021: “mục tiêu về số lượng và màu sắc của huy chương sẽ trở nên vô nghĩa vào thời điểm mà các lực sĩ khắp nơi khó có được điều kiện thi đấu tốt nhất”. Câu nói ngụ ý Nhật bản nên suy nghĩ lại mà đừng quá chú trọng vào mục tiêu 30 huy chương vàng do những lợi thế không chối cãi khi thi đấu tại sân nhà, và trên khán đài thì không có cổ động viên của đối thủ.
TOKYO OLYMPIC, PARALYMPIC vì thế sẽ không chỉ là võ đài của tranh tài kỹ thuật, mà còn là nơi tỏa sáng của những chí khí cao thượng. Sẽ là nơi lưu truyền những câu chuyện tập luyện vượt mọi gian khổ của các vận động viên trong hơn một năm dịch bệnh vừa qua, câu chuyện của 10 năm kiên trì theo đuổi cho đến khi Matsuyama Hideki mặc áo vest xanh trở thành golfer nam châu Á đầu tiên đăng quang ngôi vị vô địch giải đấu lừng danh The Masters, câu chuyện của nữ vận động viên bơi lội Ikee Rikako đã chiến đấu chống chỏi chứng ung thư máu khiến cô giảm còn 1/2 cân nặng cơ thể để cầm chắc chiếc vé tham dự tranh tài Olympic sau chưa đầy một năm trở lại hồ bơi. Rất hy vọng Thế vận hội Tokyo 2021 sẽ là nơi tỏa sáng của những bản lĩnh làm nức lòng nhân loại. “Ichigu wo terasu” (hãy tỏa sáng phần đời của mình), câu nói của thiền sư SAICHO cho chúng ta biết rằng ánh sáng của những lực sĩ nếu cùng được góp lại sẽ là sức mạnh không nhỏ giúp cuộc đời này được tươi đẹp hơn.