Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mà mọi người gọi bà là bà giáo Thụ. Tôi nhớ cái danh hiệu bà như vậy vì một hôm – tính lại thì chừng là vào cuối 1944, trước khi có vụ đói tháng 3 năm Ất Dậu chết hai triệu người, bà được ông chú họ của tôi là ông đội D. trong “sa pơ” (sapeur = công binh), đưa tới nhà tôi chơi giới thiệu với mẹ tôi là như thế. Bà là nhân tình của ông D. Bà người Thanh Hóa, nước da trắng trẻo, mặt xương xương, răng đen đều đặn, chỉ có điều là mắt trái có “nhài quạt” nhỏ. Nói năng mềm mỏng dễ mến. Tôi cũng thích bà. Hai người lại nhà tôi chơi nhiều lần vì ông D. là bà con họ hàng độc nhất với gia đình tôi ở Vinh. Mẹ tôi luôn luôn đối xử đàng hoàng tử tế tuy rằng sau đó biết rằng bà là chủ một nhà cô đầu mà ông D hay lui tới ở khu phố đệ ngũ đệ lục ở gần chợ Vinh, trên đường đi Bến Thủy. Tôi biết mẹ tôi (lúc đó tôi gọi là mợ) không thích gì những người cô đầu. Vì tôi nhớ không khí trong nhà giữa ba mợ tôi có khác sau mỗi lần ba tôi cùng các bè bạn đi cô đầu. Tôi còn nhớ một lần mợ tôi khóc - chuyện này chưa bao giờ xẩy ra, vì mợ tôi luôn luôn là người điềm tĩnh, nhẹ nhàng không bao giờ cãi cọ với ba tôi – rồi mợ tôi chạy vào phòng, đóng chặt cửa khóa lại. Làm tôi sợ cuống cuồng mà không biết làm sao. Sợ mợ tôi chết. Bởi mỗi khi làm điều gì không phải bị mợ tôi nọc ra giường lấy roi dậy bảo, giải thích phải trái, có khi quật cho một hai roi. Thì sau đó lật quần tôi ra, xem thấy vết roi là chảy nước mắt khóc và nói con mà không nghe mợ dậy, không biết phải trái, nếu mợ chết thì ba lấy vợ lẽ về rồi ba nghe dì ghẻ là chết đòn. Tôi vốn là đứa bé thích chơi hơn học, cho nên chẳng để ý gì những lời này. Sau khi mợ tôi chết, khi ra đến Hà nội ở thì ba tôi chắc thương hại chúng tôi, nên không dọa nạt thúc học và học và học nữa. Nhưng tôi thì đi học buổi chiều, mà suốt cả buổi sáng cứ ngồi lì làm bài học bài cho đến khi ăn cơm trưa rồi đi học lại. Chỉ vì tự nhủ muốn làm cho mợ tôi đâu đó bên kia thế giới vui lòng. Và Dũng, em tôi cũng bắt chước như thế. Những lúc không có gì làm, Dũng tính tỉ mẩn lấy vỏ con ốc nhồi mài xuống vỉa hè thành một lỗ nhỏ. Rồi lấy một hòn đá trải đường vừa vặn ngồi mài dần cho mòn cạnh đi thành một khối vuông, rồi mài góc cho tròn cạnh thành một khối gần tròn, sau cùng cho vào cái lỗ tròn đã tạo sẵn cũng bằng cách mài vỏ con ốc trên vỉa hè, xoay đi xoay lại cho đến khi thật nhẵn nhụi thành hòn bi. Có thể dùng chơi bi đấu với những hòn bi ve của những đứa có tiền mua bi.
Sau khi ông D. về Bắc, bà giáo Thụ không lại nhà tôi nữa. Đời sống nói chung thay đổi nhiều.
Qua cái tết 1945-46 với những màn trình diễn tập thể nơi công cộng để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu đậm với những bài hát đấu tranh hào hùng mà tôi thuộc nằm lòng nghêu ngao hát suốt ngày, sang năm 1946 cuộc sống xã hội không có nhiều đặc biệt. Trừ sự có mặt của những lính Tầu Tưởng Giới Thạch, mặt phù thũng, quần áo bông dầy cộm, hôi hám và vô kỷ luật. Tôi còn nhớ những tên lính này vào chợ Vinh mua hàng không trả tiền bỏ chạy bị dân chúng vác đòn gánh đuổi theo đánh. Ba tôi vẫn đi làm ga, đôi khi phải di chuyển tới các ga nhỏ phía Nam cách Vinh như Tân Ấp, Phúc Trạch, Chu Lễ để thay thế một vài tuần những người nghỉ phép. Một lần, cả gia đình tôi gồm mẹ tôi, tôi, Dũng và Tường Vi, đi theo tới Chu Lễ. Ở ngay một cái nhà gần ga, trên đồi. Cả ngày không có việc gì làm. Mẹ tôi ở nhà trông Tường Vi em gái tôi chưa nói sõi, và đến bữa thì chỉ có một việc là rim mắm tôm (mắm ruốc) để ăn với cơm (chắc là cho khỏi bị đau bụng). Đối với tôi lúc đó, món mắm ruốc rim đặc lại ăn với cơm là tuyệt hảo. Chỉ cần một cục bằng hạt ngô là có thể ăn hết bát cơm. Không có việc gì làm, hai anh em tôi vào rừng sau nhà nhặt những trái dâu da dại mầu nâu bóng loáng rụng xuống đất về nhà chơi. Tôi bị vắt cắn vào cạnh cái sẹo sâu quảng cũ và bị lở. Không thuốc chữa. Thì một hôm có một cô nữ cứu thương mặt mày xinh đẹp đi họp ủy ban qua nhà. Thấy tôi ngồi ở bực cửa đuổi ruồi cho nó khỏi đậu vào vết thương mới ghé lại xem. Rồi bảo tôi đun nước sôi để nguội sẵn sàng. Họp xong, cô về nhà rồi quay trở lại, mang theo một lọ thuốc tím đặc. Pha mấy giọt vào chậu nước sôi rửa vết lở cho tôi. Rồi bôi thuốc tím đặc lên trên. Mỗi ngày cô ghé lại một lần làm như thế. Vết thương tôi lành dần. Mà lòng tôi không muốn nó lành mau quá. Lúc lên tầu về Vinh lòng tôi buồn rười rượi. Tôi còn nhớ tên cô là Phùng Thị Xuân.
Trở lại Vinh, lính Tầu không còn nữa. Thành phố cũng khác xưa vì đầy khẩu hiệu chống Tây như “Độc lập hay là chết”, và “Tiêu thổ Kháng chiến”. Mọi hoạt động buôn bán giảm sút. Các chuyến xe lửa giảm đi. Rồi ngưng hẳn. Những người Quảng Ngãi buôn đường không ra nữa. Mợ tôi không còn dịp thổi cơm cho họ ăn ở nhà số 25 cửa Tả để kiếm chút lời. Bằng những món ăn tuyệt hảo. Tôi được thưởng thức chút ít vì được trộn cơm với nước sốt dính chảo sào thịt bò chua cay ngọt với dứa. Được chan nước thịt kho tầu. Số tiền 3,500 đồng Mợ tôi giành dụm hay vay nợ (tôi không rõ) đóng cọc cho họ để mua đường từ Quảng Ngãi ra Vinh phân phối bị mất. Mở ngoặc ở đây là tờ giấy ký nhận tiền cọc của một người buôn đường ở quận Nghĩa Hành mà tôi còn giữ làm kỷ niệm cho tới trước khi xuống thuyền vượt biển năm 1978 tôi mới bỏ vào một cái túi plastic dán kín, cùng với một bao hương trầm thơm đặc biệt, một cái quạt giấy trắng trên viết bài thơ chữ Hán “Xuân du phương thảo địa Hạ thưởng lục hà trì Thu ẩm Hoàng hoa tửu Đông ngâm bạch tuyết thi” của một đồng chí thân cận của Lý Đông A tên là BTT bí danh NTV, đem chôn. Tôi có những thứ này vì ông này thoát chết trong trận VM tấn công đảng Duy Dân ở Hòa Bình, trôi giạt về Hà nội, sống ở nhà tôi cho tới khi bị bệnh chết ở nhà thương Bạch Mai đầu năm 1954.
Sau khi việc giao dịch buôn đường Quảng Ngãi chấm dứt thì nhà tôi dọn từ phố cửa Tả đến ở số 238 Quang Trung (là tên gọi của quốc lộ số 1 lúc bắt đầu vào thành phố Vinh). Đây là một căn nhà rộng rãi của sở Hỏa xa đủ cho hai gia đình ở, đàng sau là một khoảng đất rộng, có một cây táo ta. Quả bằng ngón tay cái hay hơn. Một căn là bác Trương trưởng ga ở. Căn còn lại để trống, ba tôi là phó ga được dọn đến ở bên cạnh. Chỉ ít lâu sau là bác Trương về Bắc. Ở nhà to nhưng bụng rỗng. Tôi biết thế vì ba tôi, chưa từng bao giờ làm vườn, đã cố gắng trồng rau diếp với rau cải ở cái vườn rộng sau nhà. Rau cải thì cằn cỗi mau già, ra hoa vàng. Chỉ có cây thì là mọc xum xuê cao đến cả thước tây có lẽ vì hợp đất. Ba tôi sung sướng hưởng thành quả canh tác, cho nên bữa nào cũng ăn cả rổ thì là và khen ngon. Ngoài món thì là này còn món khoai lang không hề thiếu, mà ba tôi gọi là sâm, “sâm Cao ly”. Cá nhân tôi thấy món khoai lang ở Vinh này là tuyệt, vì củ to nhất chỉ thon dài quá lắm thì bằng dáng một cái bắp ngô, luộc lên vỏ mỏng, thịt trong và ngọt, khác hẳn khoai lang miền Bắc củ to, đầy bột và nhạt, không nhai kỹ mà nuốt vội có thể bị nghẹn. Tôi biết rằng ba tôi “ăn độn” vì tôi còn nhớ rằng trong nạn đói 1945 lúc còn ở phố cửa Tả, mẹ tôi đã tới sát bờ thành Vinh hái cả rổ rau má về ăn với cơm gọi là “cho mát”. Rồi Mợ lại còn quảng cáo tính bổ dưỡng của nó bằng câu tục ngữ “Đói thì ăn rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết”. Đến năm 1989 người Nga được nhập cư nhiều vào Chicago, tôi mới khám phá rằng người Nga cũng ăn rau thì là nhiều, trộn vào với bắp cải sào chín nhừ với cà chua. Tôi không biết đó là món phổ thông của Nga từ bao giờ hay là một dạng ăn độn biến thể từ sau cách mạng Nga 1917, thiết lập chế độ Cộng sản, tồn tại tới 19 tháng 8 năm 1991.
Mợ tôi cố xoay trở để có được bữa ăn cho gia đình. Làm đủ thứ. Đi tầu buôn sỉ rau cỏ về bán lẻ, từ xa đến gần Vinh. Xa nhất và nhớ nhất là mợ tôi đã đi buôn dầu vừng từ Thanh Hóa vào Vinh. Bà giáo Thụ vì quen biết rộng có giúp một tay phân phối. Được chừng vài chuyến. Đến một lần mợ tôi về tới nhà trời sẩm tối thì người nóng bừng sốt, và mệt, vào giường nằm rũ liệt. Sau đó thì bớt sốt, nhưng người yếu dần. Không đi buôn tiếp được nữa. Và thế là ba tôi tẩm bổ bằng sâm cao ly và rau thì là. Mồng một Tết năm 1946-1947 mợ tôi cố gắng làm một món ragout đặc biệt bằng sắn tầu (khoai mì) để cúng tổ tiên. Mợ tôi là con dâu trưởng, nổi tiếng nấu ăn giỏi của cả họ. Làm món ăn không bao giờ nếm, quá lắm thì chỉ đưa lên gần mũi ngửi sơ vì nếm trước các cụ là phải tội. Mợ nói nấu ragout thì phải dùng khoai tây với thịt bò. Thời buổi khó khăn thịt bò không có đã đành mà ngay cả khoai tây cũng không thể nào kiếm cho nên mợ tôi thay bằng sắn tầu. Lúc nấu thì cả nhà có ngửi thấy mùi hành thơm. Nhưng khi ăn thì thất bại vì đã không có thịt, mà mỡ thỉ chỉ có thể mua mỡ thùng vừa đủ cho thơm hành và làm ướt vài miếng sắn!
Trong hoàn cảnh túng thiếu như vậy, chắc vào khoảng đầu năm 1947 đột nhiên ba tôi bị bắt giam không hiểu vì lý do gì. Mợ tôi thông báo tin này cho bà giáo Thụ, người quen thuộc độc nhất ở Vinh. Các bạn bè quen biết hay đồng nghiệp của ba tôi đã về quê hay ra Bắc hết cả rồi, chẳng còn ai. Bà nhanh chóng ra tay giúp đỡ. Chẳng nhớ là trong vòng mấy ngày, một buổi bà đến nhà bảo cả nhà đi theo bà vào hành cung trong thành Vinh. Bà cho biết là bà có người quen là Nguyễn Thứ Lễ tức là thi sĩ nổi danh Thế Lữ và một số người tên tuổi khác đến họp với các nhân vật trong hội đồng nhân dân thành phố Vinh tối hôm đó. Bà sẽ đưa chúng tôi tới trình bày hoàn cảnh gia đình để xin cho ba tôi. Tới nơi, bà bảo cả mấy mẹ con tôi đứng chờ ở một chỗ rồi đi vào phía một phòng lớn của hành cung. Cửa mở ra cho bà vào rồi đóng lại, thoáng dưới ánh đèn lờ mờ tôi chẳng nhìn thấy rõ là mấy người. Một lát, thì bà ra bảo chúng tôi đi về. Chẳng có ai ra xem gia đình chúng tôi. Còn bà thì tiếp tục vào phòng họp.
Cũng không nhớ rõ mấy hôm sau bà nói với mẹ tôi là việc đã xong vì đã xin được cho ba tôi được thả và phải đóng ít tiền tại ngoại. Tôi không biết là mất bao nhiêu tiền, nhưng mẹ tôi nói với bà sẽ bán hết đồ đạc trong nhà cùng với tủ sách của ba tôi. Đồ đạc thì tôi không tiếc, nhưng nghe đến tủ sách thì tôi tiếc hùi hụi vì biết trong đó có nhiều sách quý, nghe tên hấp dẫn như Tiêu Sơn tráng sĩ, Nửa chừng Xuân… là những tiểu thuyết mà ba tôi cấm không được đọc nên rất tò mò muốn biết, bên cạnh những báo như Phong Hóa, Ngày Nay vân vân… mà tôi được đọc và thấy là rất thích thú. Nhờ số tiền này, ba tôi mới được thả ra và mới có thể dọn sang nhà số 224 Quang Trung cách đó ít căn, vì không còn được ở 238 Quang Trung là nhà của sở Hỏa xa nữa. Ít lâu sau, mẹ tôi sinh bé Minh Nguyệt trong tình trạng đau ốm, cũng nhờ bà giáo Thụ giúp đỡ. Ra tù, ba tôi đi ngay về quê xin ông bà nội giúp đỡ phương tiện để đưa cả gia đình về.
Còn lại, mẹ tôi trong tình trạng hậu sản, yếu ớt. Lúc đi chợ có người bán hàng rau thấy mợ tôi tiều tụy, hoàn cảnh đáng thương mới chia xẻ cho xu hào, bắp cải, cà rốt để bán kiếm sống. Mẹ tôi chưa từng gồng gánh mà người gầy cho nên phải lấy quần áo rách ra bao quanh đòn gánh để gánh cho đỡ đau. Cũng chẳng được bao nhiêu. Có hôm bị ế hàng, mang rau về ăn. Những khi tình cờ vừa có xu hào vừa có cà chua ế, là tôi có bữa ăn ngon lành. Vì hai thứ bỏ vào luộc, cho thêm muối vào là thành món canh vừa vặn, có vị ngọt ngọt của xu hào được làm dịu đi bởi cà chua. Rồi một hôm mẹ tôi đi bán hàng về gọi tôi ra khóc mà nói rằng “Mợ kiếm không đủ mua gạo. Người chia rau cho mợ bán có đứa cháu lớn hơn con đi bán báo. Nó sẵn lòng dẫn con đi và chia báo cho con bán. Con chịu khó nhe”. Tôi biết làm nghề bán báo không dễ vì phải khỏe mạnh nhanh chân. Buổi sáng tranh nhau vào hàng cung cấp báo, cách chợ chừng khoảng một cây số, để lấy báo. Rồi chạy nhanh ra tới chợ là chỗ đông người, vừa chạy vừa rao “báo Cứu Quốc Kháng chiến báo ơ” để bán. Đứa nào nhanh chân thì bán được nhiều. Đứa chậm phải chạy vào thành phố mà cũng chưa chắc có ai mua. Tức là chậm chân thì húp cháo. Tôi là đứa gầy còm, đọ làm sao cho được ở tất cả các giai đoạn đó. Thế mà trời thương có đứa lớn nhường nhịn giúp đỡ cho quá nửa phần. Nó lấy báo, là lúc khó nhất vì có thể phải chen lấn giành giật đến mức đánh nhau. Rồi đem chia cho tôi mà chạy đi bán. Mẹ tôi còn dặn kỹ lưỡng buổi trưa có đói thì vào hàng cơm nào trong chợ, mua thức ăn gì, mà ăn để khỏi đau bụng. Tôi vâng dạ, nhưng trong suốt thời gian bán báo chưa có lần nào tôi vào chợ ăn cơm. Lúc nào cũng mang trọn vẹn số tiền kiếm được là vài đồng bạc về cho Mợ. Tôi hiểu vì sao Mợ tôi khóc. Vì tình trạng nhà sa sút, mợ tôi không đủ sức khỏe lo cho con cái để đến nỗi tôi phải đi làm một cái nghề mà cho tới lúc đó kể là mạt hạng xã hội. Dần dà tôi quen ông phát báo, có lẽ vì thấy tôi nhỏ bé tội nghiệp nên thấy tôi là ông đưa báo cho, không phải chen lấn. Ông người Quảng Bình, mặt vuông, da trắng, hút thuốc lá Cẩm Lệ.
Tình trạng bệnh của Mợ tôi không thể nào khá hơn. Vì tình trạng suy nhược, thiếu dinh dưỡng kéo dài sau khi sanh. Người càng ngày càng gầy dộc đi. Sữa không đủ cho Minh Nguyệt bú. Chỉ có uống nước cháo với muối. Mà trong nhà thì cũng chẳng có đủ tiền mua gạo muối và khoai. Tôi nhớ có khi hai anh em tôi đã phải theo đuôi những người lớn vào lấy đồng vụn và sắt vụn trong vòng rào ga đem bán. Có khi đi trộm củi trên tăng đe xe lửa. Bệnh trạng mợ tôi thay đổi. Có những lúc mợ tôi lên cơn đau bụng không hiểu tại sao. Chỉ có cách lấy cây ngải cứu mùi hăng hắc, để lên bụng chườm gạch nóng do bà Thụ mách bảo. Có những lúc trong người thấy nóng hổi chỉ muốn ăn dưa hấu cho mát. Và giải thích cho tôi nghe rằng người ốm gần chết thì trong người bốc hỏa. Hỏa bốc ra hết thì chết. Cho nên phải làm hạ hỏa. Nhưng mà chẳng phải lúc nào chợ cũng có dưa hấu và nhà có tiền mua dưa hấu. Có lần, mợ tôi mệt quá, hỏi tôi “Ninh, nếu mợ chết thì con làm thế nào?” Tôi trả lời con sẽ tìm bà giáo Thụ. Mợ tôi yên lặng gật đầu. Nhưng Mợ tôi đã qua khỏi hôm đó. Cho đến lúc ba tôi vào đưa cả gia đình về. Trước khi đi, tôi không quên ghé lại chào ông phát báo. Tôi không nhớ ông nói gì. Nhưng nhớ là ông đã rút trong túi ra tờ giấy hai chục đồng cho tôi. Và vấn một điếu thuốc Cẩm Lệ cho tôi hút. Tôi chưa từng hút thuốc lá bao giờ, từ chối. Nhưng ông bảo cứ hút đi, không sao đâu. Nể lời, tôi hút. Nhưng chỉ ngậm khói trong miệng để khỏi sặc, rồi thả khói ra. Bước ra khỏi nhà báo đến sân cỏ thì tôi lảo đảo. Phải nằm xuống đất, nhìn trời xanh, chẳng biết bao lâu mới đứng dậy được. Nhớ mãi điếu thuốc tình cảm đầu đời và độc nhất trong đời.
Lúc rời Vinh về quê, mợ tôi gầy như một người một người chết đói nằm đường năm Ất Dậu trước đấy. Về nhà 10 ngày mới mất. Trước khi qua đời còn kêu nóng ruột, muốn được uống một bát bột sắn. Tôi đã đi bộ xuống nhà bà ngoại cách nhà ông bà nội tôi chừng 5 cây số để xin. May mà bà ngoại tôi còn một chút bột sắn để dành. Uống xong bát bột sắn, được vài ngày thì mất, sau em tôi Minh Nguyệt ba ngày.
**
Bây giờ rảnh vào internet nhìn lại hình ảnh cũ Việt Nam, tìm thấy ga Vinh đã hoàn toàn đổi khác.
Thành cổ đã biến mất. Hành cung trước từng là nơi vua ngự khi ra Vinh, và là nơi họp ủy ban Nhân dân mà bà giáo Thụ đưa tôi đến một buổi tối đã không còn. Nhà tù trong thành cổ chỗ ba tôi bị giam ít ngày đã biến luôn cùng với cái thành. Chỉ còn trơ ba cái cửa Tả, Tiền, Hữu lỏng chỏng được Việt Cộng tu bổ gọi là di tích lịch sử để lôi kéo du khách.
Rời Vinh, tôi không có dịp tìm chào bà giáo Thụ. Và cũng chẳng biết bà ở đâu để tìm chào. Bây giờ nếu còn sống thì bà cũng phải ở trạc tuổi 105 như ba tôi. Nhưng bà giáo Thụ đã là một nhân tố quan trọng đóng góp cho cái nhìn về cuộc đời và cách đánh giá con người, của tôi, cho tới tận nay.
Trần Xuân Ninh
Ngày 25 tháng 12 năm 2020.