Nhân dịp nhóm yahoogroups bị đóng cửa, anh bạn Phạm Nguyên Khôi đã chuyển sang googlegroups. Công việc chuyển đổi đã hoàn tất thì anh Lê Văn Tỉnh – đương kim Hội Trưởng Hội Cựu Học Sinh CVA vùng Bắc California đề nghị là nhóm CVA Bắc Cali nên tạo một đặc san cho năm mới 2021
Mặc dù việc hoàn tất một đặc san không phải là dễ dàng, nhưng tôi tán đồng lời kêu gọi của anh Lê Văn Tỉnh vì từ tháng 3/2020 chúng ta bị cô lập tại gia, báo chí tạm ngưng, ngay cả việc quan hôn tang tế cũng không thực hiện được, cho nên chỉ tái thành lập Tin Thư CVA là chưa đủ. Một thực tế không lấy gì làm vui là chúng ta hầu hết đều trên 65 tuổi nên tin thư chỉ thông báo những cụ lìa trần thế, thế các cụ còn ở tại dương thế thì sao?
Khởi đầu tôi định đặt tiêu đề bài viết này là NHỮNG NGƯỜI BẠN GÁI ĐÁNG NHỚ, “ĐÁNG NHỚ” vì tôi biết khá rõ về họ nhưng họ lại không biết gì về tôi, một số có liên lạc trao đổi hình ảnh nhưng họ cho hay là sau hơn 50 năm xa cách, họ không thể nào nhớ tôi là ai nữa.
Năm đệ lục 1962, tôi đọc tập truyện ngắn DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH của nhà văn Doãn Quốc Sỹ (trong nhóm Sáng Tạo), trong đó nhân vật “giáo sư hội họa Nguyễn Văn Thiệu” nói với người yêu là “cô dược sĩ Lê Thị Yến”: “Người ta có thể giận người yêu chứ có ai lại đi giận tình yêu bao giờ….”
Hiểu theo kiểu của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, tôi cho rằng LOVE là tình yêu và LOVER là người yêu. Đạo diễn David Lean khi quay phim Doctor Zhivago cũng chọn bài hát GOODBYE MY LOVE lồng vào trong phim để diễn tả tâm trạng của bác sĩ ZHIVAGO chia tay với cô nàng LARA, và đó cũng là chia lần cuối vì 2 người không bao giờ gặp lại nhau.
Tuy vậy, tôi cũng xin mở từ điển để xem các nhà soạn từ điển quan niệm có khác biệt với các văn sĩ và nhạc sĩ hay không?
LOVE (noun) = 1/a deep and tender feeling of fondness and devotion. Ex: the love of Romeo and Juliet
2/ a person that one loves. Ex: my own true love.
LOVER = the person who is in love with one, sweetheart.
Tôi có hỏi anh Đoàn Trọng Thê (em trai của giáo sư Đoàn Trọng Bào) là tại sao hồi mình còn trẻ mặc dù không có cuộc tình tan vỡ nào, nhưng khi nghe những bản nhạc buồn nhắc tới sự chia ly đôi lứa thì mình vẫn bồi hồi xúc động lẫn rung động như chính mình là người trong cuộc. Anh Thê trả lời là thời còn trẻ, mình đang cần sự kết nạp nhiều bạn bè và sợ sự chia ly, còn bây giờ già rồi có lắm kẻ gây phiền phức cho mình, trong đầu luôn nghĩ “hãy để tôi yên” nên cũng những bản nhạc đó, vào lứa tuổi 60 trở lên mình chỉ còn cảm giác dửng dưng!
Thế hệ của cha mẹ tôi, tuy không có sự lãng mạn trong tình yêu đôi lứa nhưng tôi nhận ra dù già thật già những cặp vợ chồng già đều giữ được sự “tương kính” như thủa ban đầu, thế hệ của tôi thì “sự tương kính” may ra giữ được 50%, còn những thế hệ sau…nào ai biết được..Bày tỏ suy nghĩ của mình với giáo sư Đoàn Trọng Bào, tôi nói : sao em thấy người ta càng già càng sống chung với nhau thì lòng tương kính càng ngày càng giảm. Giáo sư Bào trả lời: Cậu nói sống tới già là quá xa, chỉ sống chung có 5 năm thôi là đã thấy lòng tương kính bị sụt giảm rồi…
Tôi gặp Cao Hoàng Lan vào năm 1962 khi cả 2 chúng tôi cùng gia nhập Gia Đình Phật Tử Chánh Hạnh tại Châu Đốc, lúc đó tôi đang học đệ lục còn Cao Hoàng Lan học lớp đệ ngũ. Tuổi còn quá nhỏ nên dù có nhiều mỹ cảm, tôi cũng “yêu một chiều” mà thôi. Ba năm sau, vào năm 1965, ba tôi về hưu nên toàn thể gia đình di chuyển về Sài Gòn. Năm 1971, bạn Ngô Thiện Đàng ghi danh học chứng chỉ dự bị Sử Địa tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và nhờ tôi lấy cours rồi gửi về Châu Đốc. Bạn Ngô Thiện Đàng cùng học lớp Nhất với tôi ở bậc tiểu học và cùng học Trường Sư Phạm Vĩnh Long với Cao Hoàng Lan. Bạn Ngô Thiện Đàng cho biết Cao Hoàng Lan sau khi tốt nghiệp đã về dạy tại trường nữ tiểu học ngay tại Châu Đốc. Niên học 1971 -1972, bạn Ngô Thiện Đàng đậu chứng chỉ dự bị Văn Khoa và đã được cải ngạch lên dạy bậc trung học. Tôi tốt nghiệp năm 1972 và được bổ nhiệm đi làm việc tại Phước Tuy nên không có dịp gặp lại bạn Ngô Thiện Đàng nữa.
Năm 2013, tôi tham dự đại hội cựu học sinh Thủ Khoa Nghĩa tại Virginia và trong website của Hội Thất Sơn Châu Đốc tôi biết tin Cao Hoàng Lan nhận được 50 dollars do các bạn của trường Thủ Khoa Nghĩa tại Hoa Kỳ quyên góp gửi tặng các bạn còn ở quê nhà. Tôi hỏi một số bạn gốc Châu Đốc nhưng không ai biết địa chỉ. Phước Đen hứa tìm địa chỉ, sau đó Phước Đen cho hay đã nhờ bác sĩ Châu Hữu Hầu tìm giúp địa chỉ vì Cao Hoàng Lan làm việc trong bệnh viện do bác sĩ Châu Hữu Hầu làm giám đốc. Sau đó tôi có gửi một số tiền tặng Cao Hoàng Lan nhân dịp Noel năm 2016, nhưng Cao Hoàng Lan không chịu nhận vì không biết người gửi là ai cả. Bác sĩ Hầu cho biết người gửi là một cựu đoàn viên của Gia Đình Phật Tử Chánh Hạnh biết Cao Hoàng Lan từ 1962. Cao Hoàng Lan nhận tiền nhưng chạy đi hỏi bạn Huỳnh Thị Diễm (là con của bác hội trưởng Hội Phật Học Châu Đốc) xác minh. Tết năm 2017, tôi gửi hình và thiệp chúc Xuân, nhưng khi hồi đáp Cao Hoàng Lan không còn nhớ là hơn 50 năm trước đã có người bạn còn nhớ tới mình.
Tôi và Quách Thanh Phương cùng nhập học đệ thất trường Thủ Khoa Nghĩa niên khóa 1961 -1962, cả hai cùng đi đón đứa em học lớp mẫu giáo nên tôi biết Thanh Phương. Biết là biết vậy thôi chứ không có cơ hội tiếp xúc hay tán tỉnh gì cả. Và năm 1965, khi di chuyển về Sài gòn, tôi không còn gặp lại Thanh Phương nữa. Năm 2013, tôi gặp lại Thanh Phương tại Đại Hội cựu học sinh Thủ Khoa Nghĩa và đồng hương Châu Đốc tại Washington D.C., lúc đó Thanh Phương từ New York xuống dự và tôi từ San José bay qua. Tôi khen Thanh Phương vẫn còn trẻ như thiếu phụ cỡ 30, Thanh Phương nói đã hơn 60 rồi đó anh, tôi nói tuổi Thanh Phương là tuổi con vịt. Thanh Phương nói anh nói dỡn hoài vì 12 con giáp làm gì có con vịt. Tôi nói tuổi con vịt vì 730 ngày chỉ tính có một năm. Tôi hỏi thăm 2 người anh họ của Thanh Phương là anh Trường và anh Lập (cả 2 đều đã qua đời). Thanh Phương cũng không thể nhớ được là 50 năm trước, tôi có mặt ở trường Thủ KHoa Nghĩa học cùng thời với Phương, Thanh Phương nói nhỏ vào tai tôi: “hồi đó anh không tán Phương nên Phương không biết anh!”. Nghe thiệt “quá đã”.
Lên Sài Gòn tôi vào học đệ tam trường Chu Văn An niên khóa 1965 – 1966, hiệu trưởng là thầy Dương Minh Kính sắp xếp khác với các trường trung học khác, đó là liên lớp đệ nhị và các lớp đệ ngũ, đệ lục và đệ thất thì học buổi sáng. Còn liên lớp đệ nhất, liên lớp đệ tam và liên lớp đệ tứ thì học buổi chiều. Đức Huy học lớp đệ Nhất, được nổi bật vì có chiếc Honda S-90 Benly, các nam sinh khác thì chiến lắm mới có Puch 3 đèn, thường thì Goebel, Velo Solex và xe đạp. Năm 1965, Tổng Cục Thực Phẩm do Trung Tá Trần Đỗ Cung làm Tổng Cuộc Trưởng có lập chương trình bán xe Honda C-50 và Velo Solex cho công chức mua trả góp. Chị tôi làm công chức của Tòa Đô Chánh bốc thăm được mua xe Velo Solex, chị tôi đang mang bầu nên chiếc Velo Solex này cho tôi sử dụng.
Một hôm, trong giờ ra chơi Bùi Phạm Thành rủ tôi lấy Velo Solex chạy xuống ngã bảy qua rạp ciné Long Vân tới tiệm kem Lan Hương mua kem. Lấy làm lạ tôi nói kem thì thiếu gì ở trước cổng trường Chu Văn An và phía bên kia đường Minh Mạng trước Nhà Thờ Ngã Sáu, hà tất phải chạy xuống Ngã Bảy làm gì. Bùi Phạm Thành nói mày mới lên Sài Gòn nên không biết chứ tiệm kem Lan Hương có Đan Kim Tâm là con gái lớn của nhạc sĩ Đan Thọ, học đệ nhị ở Trường Trưng Vương, xinh đẹp lắm.
Tôi còn nhớ 2 ly kem giá 4 đồng (mà giá xăng chỉ có 2 đồng/ một litre vào năm 1965), nhưng cũng xứng đáng vì cô Đan Kim Tâm xinh đẹp thật. Địa chỉ tiệm kem Lan Hương là 613 đường Phan Thanh Giản quận ba Sài Gòn (ngõ 611 là đường đi vào Vườn Bà Lớn, trong đó có Nhà Thờ của dòng họ Đỗ Hữu Phương). Sau 1968, bạn Bùi Phạm Thành vào Võ Bị học khóa 25, nhưng tôi còn gặp cô Đan Kim Tâm ở Luật Khoa và Đại Học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng. Cỡ năm 1971- 1972, nghe nói cô Đan Kim Tâm lập gia đình với bác sĩ Mùi Quý Bổng. Cách nay vài tháng, khi đề cập đến nhạc sĩ Đan Thọ, tác giả nhạc phẩm Chiều Tím (nhạc Đan Thọ, thơ của Đinh Hùng) trên diễn đàn CVA, bạn Bùi Phạm Thành không còn nhớ một chút gì về cô Đan Kim Tâm và nhạc sĩ Đan Thọ với tiệm kem Lan Hương trên đường Phan Thanh Giản. Đã thế bạn Bùi Phạm Thành còn cho rằng tôi nhớ lộn qua ai khác chứ Bùi Phạm Thành chưa bao giờ đến tiệm kem Lan Hương.
Năm 1967, tôi theo các bạn Vũ Duy Tiến và Vũ Đình Thục của lớp B4 lên trường Trưng Vương ngắm những “hoa khôi” của trường. Hai bạn Tiến và Thục chỉ cho tôi 2 chị em sinh đôi Minh Ngọc - Minh Phượng, Tiến còn khoe là đây là 2 chị em “sinh đôi thật” vì 2 người rất giống nhau, tôi không thể phân biệt ai là Minh Ngọc ai là Minh Phượng. Nhưng cả đám Chu Văn An đều “kính nhi viễn chi” vì Trung Tá Lưu Kim Cương thỉnh thoảng lái xe Jeep lên đón 2 cô. (chú thích: sinh đôi thật là một tế bào tự tách làm 2, còn sinh đôi giả là 2 tinh trùng kết hợp với 2 noãn châu khác nhau, nên 2 người sinh đôi có thể là 01 trai và 01 gái hay cả 2 cùng là gái hoặc cả 2 cùng là trai nhưng không giống nhau và không thể truyền máu hay lắp ghép cơ phận cho nhau được).
Tết Mậu Thân 1968 xảy ra, một thời gian sau nghe tin Trung Tá Lưu Kim Cương tử trận rồi Lệnh Tổng Động Viên ban hành, tôi ghi danh theo học chứng chỉ MPC ở Đại Học Khoa Học. Tôi có thấy một trong hai cô sinh đôi cũng ghi danh học MPC mà không dám hỏi là Minh Ngọc hay Minh Phượng. 02 tháng sau, tôi chuyển qua Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc nên không biết cô sinh viên Minh Ngọc (hay Minh Phượng) ra sao nữa.
Năm 1984, sau khi trở về Sài Gòn từ trại tù Bình Điền ở Huế, bà bác của tôi có thuê một tiệm ở đường Lê Thánh Tôn để bán mứt kẹo vào dịp Tết 1985 và gọi chị tôi ra giúp bán hàng. Tên cũ của tiệm này là Tiến Phú, trước kia bán len và quần áo, tôi nói chị tôi hỏi thăm Minh Ngọc – Minh Phượng như tôi đã nói về 2 cô ở đoạn trên. Và 2 cô cũng ngạc nhiên là các tin tức của tôi đều đúng nhưng các cô không biết tôi là ai cả. Tới năm 1987, tôi vượt biên sang Thái Lan và hoàn toàn không biết một chút tin tức gì về 2 cô Minh Ngọc – Minh Phượng nữa.
Năm 1970, lúc tôi bắt đầu năm thứ ba của Trường Cao Đẳng Canh Nông thì cũng là lúc 3 trường Cao Đẳng Thủy Lâm, Trường Cao Đẳng Canh Nông và Trường Cao Đẳng Thú Y và Chăn Nuôi mở cuộc thi tuyển sinh viên mới. Số thí sinh nạp đơn quá đông nên các sinh viên năm thứ ba được gọi vào giúp việc nhận đơn của thí sinh. Tôi đứng ở bàn của Trường Thú Y và Chăn Nuôi, nhưng thấy bên hàng chờ đợi của Trường Canh Nông có một thí sinh rất xinh đẹp. Khi cô ấy nạp đơn xong và đi ra, tôi chạy sang bàn bên trường Canh Nông và nói với cô Hải (thư ký của phòng sinh viên vụ) cho xem lá đơn của cô đó. Tôi ghi vội tên tuổi là Nguyễn Thị Khánh Linh, sinh năm 1952 tại Hà Nội và địa chỉ là ngõ 222 đường Trương Minh Giảng (lâu quá không nhớ số đuôi của nhà này).
Hàng ngày tôi làm huấn luyện viên của võ đường Chung Do Kwan cũng ngõ 222 Trương Minh Giảng từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng nên tôi đi tìm nhà cô Khánh Linh không khó. Đó là một căn biệt thự có 2 xe Jeep của Hải Quân có antenne truyền tin, tôi đoán bố của cô Khánh Linh tối thiểu phải là Trung Tá Hải Quân mới có phương tiện này. Nên biết để mà biết vậy thôi. Tháng 7 năm 1971, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp biểu tình chống đối lớp Sinh Viên Học Đường, nên khi vào Quang Trung, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp chỉ có 3 người là tôi, Nguyễn Quốc Hùng và Lâm Đắc Thắng. Đơn vị Sinh Viên Học Đường Giai Đoạn 3 chỉ có 18 người mà đa số là các sinh viên của trường Đại Học Minh Đức. Tôi gặp lại anh bạn Mai Văn Bọt học lớp B1 CVA, anh này mắt bị cườm nặng nên bị coi như thấy đường có một mắt và đương nhiên không bị động viên.
Tuần lễ đầu đi phép, anh bạn Nguyễn Văn Hiển nói với Mai Văn Bọt: “Ê Bọt, chủ nhật này tao không có xe, mày đến đón tao 2 đứa mình đi chơi Sài Gòn”. Mai Văn Bọt nói:” Tao chơi với mày trong trường, chớ tao đâu biết nhà mày ở đâu?”. Hiển đọc địa chỉ nhà cho Bọt ghi chép, bỗng dưng tôi nhớ đúng là địa chỉ của cô Khánh Linh nên nói với Hiển : “nhà bồ ở trong ngõ 222, chạy thẳng từ đường Trương Minh Giảng vào đến cuối ngõ, rẽ trái chừng 500 mét, trong nhà có 2 chiếc xe Jeep sơn màu xám của Hải Quân và cả 2 xe đều có antenne truyền tin phải không?”. Hiển nói đúng vậy, tôi nói tiếp: “em gái của Hiển là cô Khánh Linh đang học Văn Khoa phải không? Hiển đang nằm ở giường trên vội nhảy bổ xuống đất hỏi tôi lia lịa: “sao bồ biết nhà tôi rõ như vậy, mà tôi chưa bao giờ thấy bồ vào nhà tôi cũng như tôi mới chỉ biết bồ ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung này mới có vài ngày?” Điều đó khiến Mai Văn Bọt, Nguyễn Quốc Hùng và Lâm Đắc Thắng cười bò ra vì Bọt nói “tao chơi với mày khá lâu mà tao đâu có biết mày có em gái tên là Khánh Linh”. Tuy vậy tôi cũng không nói lý do tại sao tôi biết cô Khánh Linh ở địa chỉ trong ngõ 222 đường Trương Minh Giảng.
Năm 2019, nhân đọc bản tin của Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trưng Vương miền Nam California trên internet, tôi thấy tên Nguyễn Thị Khánh Linh trong Ban Chấp Hành của Hội, tôi liền viết một bức thư gửi Nguyễn Thị Khánh Linh về địa chỉ của Hội để hói thăm tin tức của ông bạn Nguyễn Văn Hiển, nhưng không được trả lời vì Nguyễn Thị Khánh Linh không biết tôi là ai cả.
Phải chăng những người “đáng nhớ” của tôi vì tôi giữ được hình ảnh và cảm nghĩ đẹp về họ là vì chưa bao giờ sống chung cùng nhau? Phải chăng khi cùng chung sống với nhau đã nảy sinh những bất cập mà dù còn hiện hữu trên cõi đời nhưng chả ai muốn nhớ về nhau nữa ? Đó là NHỮNG NGƯỜI BẠN GÁI KHÔNG ĐÁNG NHỚ chăng?
Bài viết này không có ý định phân tích và lý giải những hiện tượng không muốn và không thích nhớ về nhau nữa. Phần phân tích và lý giải thuộc về người đọc.
Nhà văn PHÁP NHẬT (có lẽ là bút danh) viết trên internet vào ngày 12 Dec/2020 như sau : “bạn có từng nghĩ rằng một ngày nào đó, những người thương của bạn sẽ không còn sống bên bạn nữa không? “. Nhưng đảo đề của câu nói này thì lại là : “bạn có nghĩ rằng một ngày nào đó, người đang sống bên bạn thì không còn thương bạn nữa ! “Câu đảo đề này không có từ SẼ, nên giá trị của nó là một thực tế.
Thời còn trẻ (khoảng 22 cho đến 35 tuổi), đại đa số thanh niên đều có ý nghĩ “đời sẽ ra sao nếu mình không có người con gái mà mình yêu thương bên cạnh”. Thậm chí có anh còn bạo miệng + bạo phổi tán tỉnh công khai rằng: “đời anh mà thiếu em thì anh sống không đặng”
Biến cố 30 tháng 4 năm 1975, rất nhiều thanh niên của VNCH đi vào tù của VC, bị giam cầm từ 5 năm đến 10 năm, nghĩa là đời sống của “anh chàng” không có em bên cạnh mà” anh chàng “vẫn chẳng có sao cả. Nói rằng SỐNG MÌNH ÊN thì cũng hơi quá vì chỉ có mẹ và các chị em gái đi thăm nuôi mà thôi (lắm anh có vợ có con rồi mà vẫn chỉ là con bà soeur trong trại tù ).
Anh bạn tù của tôi cha mẹ bị VC giết hồi 1946, ông nội nuôi anh rồi 1954 ông nội của anh dẫn anh vào Nam (đi cùng gia đình người cô). Tới năm 1962, ông nội của anh qua đời, gia đình bà cô cũng nghèo và con đông nên anh gia nhập quân đội với cấp bậc hạ sĩ quân cụ đóng ở Sài Gòn. Anh cũng ghi danh học lại để đi thi Tú Tài I, nhưng thời loạn lạc, đi học không thường xuyên nên anh bị mất căn bản, do đó thi nhiều lần mà vẫn không đậu Tú Tài I. Tới năm 1966, chiến trường bắt đầu ác liệt, nhu cầu sĩ quan gia tăng nên Bộ Tổng Tham Mưu ra chỉ thị các hạ sĩ quan có chứng chỉ đệ nhị được đề cử học lớp sĩ quan đặc biệt.
Ra trường anh xin phục vụ tại binh chủng Biệt Động Quân, may mắn lên tới Trung Úy, qua sự giới thiệu của bà cô, anh lấy vợ là một cô giáo. Anh còn tâm sự là nếu không phải là Trung Úy thì làm sao anh lấy được cô giáo. Năm 1974, anh thăng cấp Đại Úy và có một đứa con trai. Tới năm 1975, đơn vị của anh được tăng phái cho vùng I, rồi Huế thất thủ, các đơn vị như Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Sư Đoàn 1 Bộ Binh…bị bắt làm tù binh rất nhiều nên gia đình của các quân nhân tại Sài Gòn không biết tin tức của thân nhân.
Tới năm 1977, vợ của ông Đại Úy BĐQ tái giá với một ông giáo sư khác, ông giáo sư này vợ con đi Mỹ hết cả vì ông phải ở lại Sài Gòn chăm sóc bà mẹ già (trong khi bên nhà vợ của ông không đồng ý để bà mẹ của ông đi cùng). Tới năm 1978, ông đại úy BĐQ mới liên lạc được với gia đình thì ông cũng đành làm con bà soeur trong trại tù. Tới 1984, tôi trở lại Sài Gòn và anh đại úy BĐQ mãi cuối năm 1985 mới trở về Sài Gòn. Năm 1987, tôi vượt biên sang Thái Lan nên không biết những gì sau đó.
Tới năm 1992, tôi gặp lại anh đại úy BĐQ ở San José, anh nói từ khi có chương trình H.O anh được ưu đãi và anh sang Mỹ với một cô giáo khác, cô này có một đứa con riêng cỡ 10 tuổi, bố của thằng bé bị hoàn toàn mất tích trong cuộc vượt biên hồi những năm 1985-1986. Tôi và một số các bạn cựu sĩ quan ghi danh học về ngành machinist (thợ tiện) tại San José City College. Anh bạn đại úy BĐQ học quá yếu vì mất căn bản nên khi học về sin, cosin, tang và cotang anh chẳng hiểu gì cả. Vị giáo sư Mỹ có nói với chúng tôi là phải giúp đỡ anh thi đậu 2 basic credits của ngành này để anh kiếm việc (vị giáo sư cho phép anh copy bài làm của chúng tôi để anh có điểm đậu). Gần hết khóa học, anh nói với chúng tôi là cô giáo vợ sau của anh dẫn đứa con riêng biến mất tiêu, anh không biết đi đâu và cũng không thể liên lạc. Về sau có một người quen của tôi cho hay rằng cô giáo vợ thứ hai của ông đại úy BĐQ dẫn con riêng đi về Nam Cali vì ông bạn của tôi “dốt quá”, không biết tiếng Anh mà còn không chỉ dạy hướng dẫn bài vở cho đứa con riêng của bà ấy nữa. Tôi biết bà vợ sau này nói thực vì khả năng của ông bạn đại úy đã được kiểm nghiệm trong thời gian học ở San Jose City College rồi
Coi vậy mà cũng chưa phải là cùng đường, vì nhờ 2 chứng chỉ của ngành thợ tiện, ông bạn đại úy BĐQ cũng bắt được cái job trong hãng tiện ở San José, và làm ở hãng này trên 10 năm cho đến khi anh ta về hưu. Gần 60 tuổi, anh cũng lấy được cô vợ khác và năm 60 tuổi anh có được 01 đứa con gái. Năm 2018, anh qua đời vì bị lên cơn suyễn và tắt thở trong bồn tắm, hưởng thọ 79 tuổi.
Trong thời gian liên lạc với anh, tôi chưa bao giờ nghe anh than vãn hay trách móc gì về 2 bà vợ “cô giáo” của anh. Như vậy, tôi liệt kê 2 bà vợ này là NHỮNG BẠN GÁI KHÔNG MUỐN NHỚ của ông bạn đại úy BĐQ của tôi.
Một anh bạn khác cũng than phiền về bà vợ của anh ta, bà mẹ vợ được vợ anh ta bảo lãnh qua Mỹ gần 15 năm nay, bây giờ bà cụ đã 80 tuổi và bắt đầu lẩn thẩn vì đã có dấu hiệu của bệnh Alzheimer cộng thêm có vẻ hơi điếc và nghễnh ngãng. Khi đi làm về, phải hầu hạ bà mẹ già nên lời nói và hành động có nhiều sỗ sàng và gay gắt. Anh bạn này nói có lần vợ anh ta nói: “kiếp sau, tôi không đầu thai làm con bà nữa đâu”. Nghe vậy anh bạn tôi nói: “tao nghe mà ớn ăn quá, lạy trời tao muốn chết thình lình như đứng tim hay bị tai nạn chết liền thì quá là hạnh phúc”. Tôi hỏi thế thái độ của bà nhạc anh ra sao? Anh nói, ông Trời có luật bù trừ vì không nhớ và không nghe rõ những gì người con gái của bà cư xử với bà nên bà vẫn sống trong “hạnh phúc” (nói theo kiểu cách của VC, bà cụ vẫn sống VÔ TƯ)
Và trong tâm tưởng của tôi, bà vợ của ông bạn tôi vừa nêu được tôi liệt kê vào danh sách NHỮNG NGƯỜI BẠN GÁI KHÔNG ĐÁNG ĐƯỢC NHỚ.
Những độc giả đọc bài viết này sẽ hỏi tôi là nếu gặp trường hợp giống như những trường hợp điển hình vừa nêu thì thái độ ứng xử thích nghi phải làm gì? Sau đây chỉ là lời đề nghị của người viết.
Năm 1984, sau khi đi tù VC về Sài Gòn, ba má tôi muốn tôi lập gia đình vì đã 34 tuổi và là trưởng nam, nhưng tôi nhất quyết vượt biên nữa nên không tính tới chuyện đó. Một số bạn gái hỏi tôi bây giờ anh định làm gì? Tôi trả lời là LÀM THINH và LÀM BIẾNG. Các cô bạn tôi nói LÀM THINH thì họ hiểu, nhưng họ không hiểu tại sao phải LÀM BIẾNG. Giải thích, đối với Việt Cộng TỰ GIÁC LÀ TỰ SÁT, vậy phải LÀM THINH để khỏi bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần. Còn LÀM BIẾNG vì VC đâu có cho mình làm cái gì đâu thì phải làm biếng để cha mẹ nuôi mình (ngày xưa chính phủ VNCH có cho một số thanh niên được hoãn dịch vì lý do “con độc nhất của cha mẹ già trên 65 tuổi được hoãn dịch để phụng dưỡng cha mẹ”. Thời VC, trai tráng đi tù về thì được cha mẹ phụng dưỡng !!)
Những độc giả lão niên có vợ giống như NHỮNG PHỤ NỮ KHÔNG ĐÁNG NHỚ thì nên:
1) Giữ im lặng vì thời gian sống chung với nhau đâu còn bao lâu nữa. Có la lối hay mè nheo thì chỉ mang lại sự bực mình mà cũng không giải quyết được gì. Tuyệt đối không tâm sự những “bất hạnh” với con cháu vì chưa chắc nhận được sự cảm thông.
2) Cố gắng tự làm, tự săn sóc lấy mình không nhờ vả bất kỳ một ai dù là con cháu. Ngay cả khi không còn lái xe được, cũng nên tự sử dụng xe bus để đến những nơi cần thiết.
3) Cùng bất đắc dĩ, xin vào nursing home với tư thế tự nhiên và thoải mái, không cần phải lo lắng níu kéo ở lại với gia đình. Câu nói “thương nhau là xa nhau” không những đúng trong mùa dịch CoronaVirus mà còn đúng với những người cao tuổi không muốn phiền hà người thân.
4) Cô Đơn và Cô Độc thì không làm người ta chết ngay lập tức, mà COVID mới làm người ta chết nhanh chóng.
Dường như nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã có lần phát biểu: “Giữa chia ly và chia lìa, chia ly ít đau đớn hơn vì tuy không ở gần cùng nhau nhưng vẫn biết là 2 người vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này. Trong khi chia lìa là không còn nhìn thấy nhau được nữa”.
San José ngày 24 tháng 12 năm 2020
Kỷ niệm Giáng Sinh năm 2020
Trần Trung Chính