CÂY THÔNG Ở BẮC BÁN CẦU
Cây thông là một loại cây hình nón to lớn ở miền khí hậu ôn đới, bán hàn đới và hàn đới. Ở vùng khí hậu bán nhiệt đới cây thông được tìm thấy trên cao độ 1,000 m. Ở Việt Nam cây thông được tìm thấy ở miền Bắc, Trung và trên cao nguyên Nam Trung Bộ. Nó vắng bóng hoàn toàn ở Nam Bộ.
Cây thông cao từ 25- 35 m; lá nhọn và nhuyễn tựa như cây kim. Trái cứng và có vẩy. Lá thông xanh quanh năm ngay cả vào mùa đông đầy tuyết trắng. Cây thông thuộc dòng Pinus và gia đình Pinaceae. Thực tế có nhiều dòng cây thông khác với dòng Pinus và gia đình Pinaceae như thông Bunya thuộc dòng Araucaria và gia đình Araucariaceae hay thông đen Matai dòng Prumnopitys taxifolia thuộc gia đình Prumnopityaceae v.v.
Ở Âu- Mỹ có nhiều rừng thông mọc tự nhiên trên các dãy núi cao như Alps, Pyrénées, Urals, Allegheny v.v. Gỗ cây thông rất thông dụng ở các quốc gia ôn đới. Gỗ dùng để làm nhà, cửa, sàn nhà, đóng bàn, ghế, tủ, làm bột giấy. Nhựa thông dùng để làm dầu sơn. Dầu lấy từ lá thông được dùng trong y khoa. Hột cây thông Pinus sabiniana được dùng làm thức ăn.
Cây thông lá xám (gray leaf pine) mang tên khoa học Pinus sabiniana. Nó còn được gọi là cây thông triền (foothill pine) vì thường mọc trên các triền núi. Loại thông này được tìm thấy nhiều ở California. Trái màu vàng cam dài giống như trái cà tím nhưng có nhiều vẩy cứng.
Cây thông trắng Pinus strobus và Pinus monticola được xem là loại thông có giá trị cao. Loại thông trắng này mọc trên đất cát ở những vùng tương đối ẩm. Thỏ rất thích ăn vỏ cây thông trắng này. Gỗ thông trắng mềm và có nhiều công dụng trong ngành xẻ gỗ và ngành mộc. Thông trắng có nhiều ở Đông Bộ Bắc Mỹ (Canada và Hoa Kỳ). Cây cao từ 50- 70 m nên cho rất nhiều gỗ. Nguồn sinh tố C trong cây thông trắng Pinus strobus cao gấp 05 lần nguồn sinh tố C của chanh. Phần vỏ trắng (phia trong) là nguồn resveratrol C14 H12 O3 kháng ung thư và kháng viêm rất mạnh. Ngày xưa thổ dân địa phương (người Da Đỏ) dùng vỏ cây thông trắng làm thực phẩm và trị ho. Vì vậy ho gọi cây thông trắng là CÂY HÒA BÌNH.
Cây thông đỏ Pinus resinosa ở Bắc Mỹ có nhiều liên hệ thân thuộc với cây thông Na Uy. Khi còn trẻ cây thông đỏ có hình nón. Khi lớn cây có hình tròn. Gọi là thông đỏ vì lớp vỏ trong màu đỏ- vàng. Cây thông đỏ có thể sống dễ dàng trong điều kiện thổ nhưỡng nghèo nàn. Gỗ cây thông đỏ chắc và đẹp nên cây thông đỏ có giá trị thương mại lớn. Gỗ được dùng trong ngành kiến trúc, làm cột buồm, đóng thùng, đóng hộp, làm bột giấy v.v.
Cây thông Oregon (Douglas fir) mang tên khoa học Pseudotsuga menziesii thuộc gia đình Pinaceae. Cây thông Oregon chỉ cao không bằng cây sequoia mà thôi. Cây cao nhất cao 100.30 m; đường kính gốc cây đến 5 m. Loại thông này sống đến 1,000 tuổi. Thông Oregon được dùng làm cây Giáng Sinh, làm nhà, cầu cây, cột cờ. Năm 1915, khi Panama tổ chức triển lãm, một cột cờ cao 91.10 m được làm bằng cây thông Oregon được dựng lên vào ngày khai mạc buổi lễ.
Cây thông mật (sugar pine) Pinus lambertiana có nhiều ở Bắc Mỹ và Mễ Tây Cơ. Cây cao từ 60- 80 m nên cung cấp một nguồn gỗ quan trọng. Nhựa cây thông này ngọt như đường. Thông mật có liên hệ đến cây thông trắng Pinus strobus đề cập ở phần trên. Tuổi thọ của cây thông mật có thể lên đến 800 tuổi.
Cây thông vỏ trắng (whitebark pine) Pinus albicaulis mọc trên núi từ cao độ 1,500 m trở lên. Loai thông này có vỏ trắng nhưng khác với cây thông trắng Pinus strobus. Nó không có hình nón như những loại thông khác. Cây thông vỏ trắng tăng trưởng rất chậm. Cây thông này chỉ cho nhiều gỗ khi được 200 tuổi!
Cây thông lông gà hay thông tre Podocarpus neriifolius thuộc gia đình Podocarpaceae. Đây là loại cây thông vùng khí hậu bán nhiệt đới. Nó được tìm thấy ở Hoa Nam, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Cambodia, Lào, Mã Lai, Taiwan (Đài Loan), quần đảo Ryu Kyu (Lưu Cầu- Nhật Bản), hải đảo Thái Bình Dương. Gọi là thông tre vì có người cho rằng lá của nó giống lá tre. Có người gọi là thông lông gà vì thấy lá của nó giống cái lông gà. Cây thông tre cao từ 20- 40 m; vỏ xám, có nhiều sợi. Trái to (karpus: trái- Hy Lạp ngữ) có hình chân (podos: chân) màu đỏ khi chín; hột rất cứng. Gỗ cây thông lông gà rất cứng nên được dùng để đóng tàu, xây dựng nhà cửa, làm dụng cụ âm nhạc. Người Anh gọi là brown pine (thông hung đỏ- do màu của gỗ mà ra).
Cây thông rừng mà người Anh gọi là Larch và Pháp gọi là Meleze có nhiều ở Bắc Âu, Trung Âu, Đông Âu, Bắc Mỹ, Tân Tây Lan. Tên khoa học là Larix decidua thuộc gia đình Pinaceae. Cây có thể cao đến 50 m. Gỗ dùng để đóng du thuyền. Dầu thông được lấy từ cây thông rừng này. Vỏ và nhựa cây thông rừng Larix decidua được dùng để trị bịnh về đường hô hấp, viêm đường tiểu, tiêu chảy, kiết lỵ, trùng lãi, kinh nguyệt bất thông. Người bị bịnh thận không được dùng. Ở Bắc Mỹ có cây thông rừng Larix laricinacao cao tối đa 20 m. Gỗ cây thông này được dùng làm giày đi tuyết, dụng cụ âm nhạc, cây cảnh bonsai, cột đèn điện, làm củi đốt. Ngày xưa thổ dân dùng vỏ cây thông Larix laricina (tamarack larch) để trị đau khớp xương, hoàng đản.
Cây thông vùng khí hậu lục địa và hàn đới được người Anh gọi là spruce âm từ tiếng Ba Lan Zpruss ám chỉ Prussia (nước Phổ trong nước Đức ngày xưa). Người Nhật gọi là shin- kaya mà gỗ được dùng làm bàn cờ. Cây thông vùng khí hậu lục địa và hàn đới có lá xanh quanh năm, nhiều nhánh lia chia và có hình nón được tìm thấy khắp các lục địa Á, Âu, Bắc Mỹ có khí hậu lục địa và hàn đới. Đại để thông hàn đới gồm có:
- Thông Picea glauca tức thông trắng ở Canada và Alaska
- Thông Picea purpurea tức thông tím ở Tây Bộ Trung Hoa
- Thông Picea abies ở Na Uy được dùng như thông cảnh, cây thông Giáng Sinh
- Thông Picea mariana là cây thông đen ở Bắc Mỹ
Cây thông khí hậu lục địa và hàn đới có thể cao đến 60 m; lá nhuyễn, trái dài và có nhiều mắt tựa như trái thơm. Thông hàn đới có công dụng đa dạng: trong kiến trúc, kỹ nghệ làm bột giấy, dụng cụ âm nhạc. Khung chiếc phi cơ đầu tiên do anh em Wright thí nghiệm được làm bằng gỗ cây thông hàn đới. Lá và nhựa thông hàn đới được dùng làm si- rô hay rượu bia. Người Anh gọi là Spruce Beer. Nhựa còn được dùng để làm chewing gum. Lá có nhiều sinh tố C. Người ta dùng lá để nấu nước uống ngừa chứng scorbutus hay scurvy do thiếu sinh tố C. Các nhà hàng hải Anh ngày xưa dùng phương pháp này để ngừa bịnh scorbutus cho thủy thủ trên tàu trong các cuộc hải hành xa xôi.
Cây thông Tây Bá Lợi Á Pinus sibirica thuộc gia đình Pinaceae được tìm thấy ở Bắc Hàn, Mãn Châu, Mông Cổ, Kazakhstan v.v. Loai thông này có trái to có vẩy màu đen mốc giống như trái thơm. Hột dùng để khai thác dầu để ăn, dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm hay kỹ nghệ dược phẩm. Tuổi thọ cây thông Tây Bá Lợi Á xê dịch từ 350 đến 550 năm. Cây già nhất lên đến 850 tuổi! Dầu thông Tây Bá Lợi Á dùng để trị béo phì (obesity), ngừa loét dạ dày, chống xơ động mạch, làm mịn da, nhuận trường, trị suyển, viêm phế quản, tăng cường hệ thống miễn nhiễm. Sự hiện diện của pinoleic acid C18 H30 O2 giải thích tính năng trị liệu chứng béo phì của dầu thông Tây Bá Lợi Á ở Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn.
CÂY THÔNG Ở NAM BÁN CẦU
Cây thông Bunya gốc ở Chile mang tên khoa học Araucaria bidwillii và thuộc gia đình Araucariaceae. Cây thông này được nhà thực vật học John Carne Bidwill (1815- 1853) nghiên cứu. Do đó trong tên khoa học có tên Bidwill của ông. Gọi là cây thông Bunya vì loại thông này được tìm thấy nhiều trong dãy núi Bunya (Úc Đại Lợi). Thổ dân tôn kính cây thông này. Nhờ vậy loài thảo mộc này được gìn giữ trọn vẹn.
Cây thông Bunya cao từ 30- 45 m; lá xanh quanh năm nhưng cây không có hình nón mà có đỉnh tròn. Trái thông Bunya to và có nhiều hột. Thổ dân ở Úc xay hột trái thông Bunya rồi để cho lên men để làm một loại bánh mì ngon. Người ta giữ hột bằng cách đặt hột dưới suối rồi dùng hột trái thông lên men để làm thức ăn. Gỗ cây thông Bunya được dùng để làm nhà, làm đàn để có âm thanh ấm. Cây thông Bunya được trồng quanh vùng Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California, các nước Nam Mỹ và Âu Châu. Trái cây thông Bunya cũng là nguồn thức ăn quan trọng đối với chim to lớn vì trái thông Bunya to, đường kính lối 35 cm, mỏ chim nhỏ không sao mổ nổi. Hột trái thông Bunya dài từ 3 dến 4 cm. Tuổi thọ của cây thông này có thể lên đến 500 tuổi.
Cây thông Chile được gọi là cây đuôi khỉ (hầu vĩ mộc)(Monkey tail tree) mang tên khoa học Araucaria araucana thuộc gia đình Araucariaceae. Cây cao đến 40 m; lá sần sùi như mặt lá có vây. Thân và nhánh cây cũng sần sùi. Cây không có hình nón mà có hình tròn. Cây thông Chile sống rất thọ nhưng gỗ không thông dụng như các loại cây thông khác. Cây không có nhánh ở phia dưới; thân sần sùi nên khỉ không leo lên được. Người Pháp gọi cây thông Chile này là desespoir des singes (nỗi thất vọng của loài khỉ). Người Anh gọi đơn giản là Chile pine. Đó là quốc mộc của xứ Chile. Thực tế ngày nay cây thông Chile được tìm thấy ở Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ, Na Uy, Canada.
Cây thông đen gốc ở Tân Tây Lan mang tên khoa học Prumnopitys taxifolia thuộc gia đình Prumnopityaceae và được thổ dân trên đảo gọi là Matai. Đó là một cây thông có vỏ màu hung đỏ và gỗ màu hung đỏ ngã đen. Cây cao từ 25- 40 m. Chữ taxifolia trong tên khoa học của cây thông đen cho thấy lá của cây thông đen thuộc lá thủy tùng (yew), màu vàng- xanh nhạt. Trái có nhiều cơm. Phải mất từ 12 đến 18 tháng trái mới già.
Nhựa cây thông đen dùng làm rượu bia Matai (Matai Beer). Gỗ cây thông đen cứng nên được dùng trong việc xây cất nhà cửa, đóng bàn, ghế, tủ.
Cây thông Kauri được tìm thấy ở Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Cây Kauri cao đến 55 m. Cây tăng trưởng rất chậm. Cây 30 tuổi chỉ cao lối 10 m. Nhưng tuổi thọ của cây Kauri xê dịch từ 600 đến 2000 tuổi! Lá cây Kauri không giống lá hình mũi kim của cây thông nhưng trái Kauri giống như trái thông. Trái già màu vàng cam. Dầu Kauri được dùng như dầu copal trong kỹ nghệ ở Tân Tây Lan. Nhựa cây Kauri dùng để sản xuất vẹt- ni.
CÂY GIÁNG SINH
Nói đến Giáng Sinh thi chúng ta liên tưởng ngay đến cây Giáng Sinh. Mùa Giáng Sinh rơi vào mùa đông giá buốt. Chỉ có các loại cây thông, tùng bách còn xanh tươi mà thôi nên người ta chặt cây thông và trang trí bằng ngôi sao nhỏ lấp lánh, hình tượng các Thiên Thần, trái cây, bóng đèn màu để mừng ngày Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế. Một ngôi sao lớn và sáng được gắn trên đỉnh của cây Giáng Sinh. Ở Việt Nam cây thông rất hiếm nên vào mùa Giáng Sinh người làm hang đá bằng giấy màu và làm những ngôi sao bằng tre với nhiều màu sắc rực rỡ để chào mừng Chúa Giáng Sinh ‘trong máng cỏ, trong hang lừa’.
Cây Giáng Sinh xuất hiện trước tiên vào thời Phục Hưng (Renaissance) (?). Ngày nay người ta cho rằng nó xuất phát từ Đức vào thế kỷ XVI và lan sang các quốc gia Bắc Âu trước khi thâm nhập trên toàn lục địa Âu Châu và Mỹ Châu. Martin Luther (1483- 1546), người lãnh đạo Giáo Hội Cải Cách (Tin Lành), đã thắp đèn cầy trên đỉnh cây Giáng Sinh đầu tiên. Ở Hoa Kỳ mãi đến thập niên 90 của thế kỷ XIX cây Giáng Sinh mới được quảng bá rộng rãi. Mãi đến năm 1923 tổng thống Calvin Coolidge mới tạo ra truyền thống đặt cây Giáng Sinh trong tòa Bạch Ốc.
Thoạt tiên người ta vào rừng thông tìm một nhánh cây thông đẹp đem về nhà trang trí theo ý muốn của chủ nhà. Ngày nay ở Hoa Kỳ có 22,000 đồn điền trồng cây Giáng Sinh để bán hàng năm. Đó là những cây thông có tối thiểu từ 3 đến 4 tuổi. Những cây thông từ 5 đến 7 tuổi được bán với giá cao hơn. Vật trang trí cây Giáng Sinh có bán đầy đủ tùy theo sự lựa chọn, sở thích và túi tiền của người mua. Các tiểu bang California, Oregon, Michigan, Washington State, Wisconsin, Pennsylvania, North Carolina là những tiểu bang nổi tiếng về việc trồng cây thông Giáng Sinh. Có lối 1,500,000 acres đất được dùng để trồng cây thông Giáng Sinh (acre: 4,070 m2: 40.7% của hectare) và thu hút lối 100,000 nhân công vào việc trồng trọt và chăm sóc cây Giáng Sinh. Thông thường các cây Giáng Sinh bán chạy ngoài thị trường là:
- cây thông Scots Pine; tên khoa học: Pinus sylvestris
- cây thông Douglas Fir tức cây thông Oregon; tên khoa học: Pseudotsuga menziesii
- cây thông Fraser Fir ( Basalm Fir); tên khoa học: Abies fraseri
- cây thông trắng (white pine); tên khoa học: Pinus strotus
Ở Hoa Kỳ có hai loại cây Giáng Sinh:
a. cây Giáng Sinh tươi được liệng vào thùng rác sau ngày 25-12.
b. cây Giáng Sinh nhân tạo được bỏ vào bao để tránh bụi hầu trưng bày trong nhà vào những ngày Giáng Sinh sau.
****
Tôi chân thành cám ơn nữ thi sĩ Đặng Ngọc Lệ Khánh gợi ý về đề tài này khiến tôi nhớ đến:
- Nguyễn Công Trứ khi viết:
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
- ca dao Việt Nam đề cập đến những loại thảo mộc hình nón có lá xanh quanh năm như thông, tùng, bách:
Ông Tiên ngồi dựa gốc tùng,
Phất phơ râu bạc lạnh lùng ông Tiên.
*
Có gió lung mới biết tùng, bách cứng,
Có ngọn lửa lừng mới rõ thức vàng cao.
*
Tuế hàn tri tùng bách chi tâm.
- nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (1899- 1943), người dùng bút hiệu Thông Reo khi viết những bài bình luận chánh trị. Tôi xin cúi đầu ngưỡng mộ một trí thức Tây học xuất thân từ một gia đình giàu có ở Hóc Môn, Gia Định, đã từ bỏ cuộc đời nhung lụa để đấu tranh cho độc lập xứ sở và hạnh phúc của dân tộc và chấp nhận cái chết âm thầm ngoài Côn Đảo. Chuông Tự Do đã bể (Ông chủ trương tờ La Cloche Fêlée- Chuông Nứt). Dưới tuyền đài không biết hồn ông đã mãn nguyện hay vẫn còn ray rứt triền miên. Ông vẫn còn sống và sống mãi mãi vì ‘anh hùng tử nhưng danh bất tử’ và người chết vẫn còn sống nếu vẫn có người sống nhắc đến tên minh. Xin ông nằm yên giấc trong giấc ngủ thiên thu giữa tiếng gầm thét của đại dương và tiếng gió rú kinh hoàng của đại phong.
- quí linh mục Thuấn (Phạm), Thuấn (Đinh), Thiều (Vũ), Trân (Đinh), Dương (Nguyễn), Sơn (Nguyễn), Tiên (Nguyễn), Thanh (Phạm), Thành (Phùng) vào những ngày Giáng Sinh nửa thế kỷ trước. Năm nào đến dịp Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán tôi đều được quí cha tặng rượu lễ. Là người ngoại đạo, gia đình tôi vẫn tổ chức ăn Giáng Sinh hàng năm bằng gà tây như người Mỹ cử hành lễ Thanksgiving vậy. Ở Việt Nam phần lớn những người nuôi thỏ và gà tây đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Để có gà tây ăn Giáng Sinh tôi nhờ cha Trân, dòng Đa Minh (Dominicain), chỉ cho mua. Cha chỉ tới một tu viện gần hồ tắm Thủy Tiên Thủ Đức. Tôi đến đó và gặp một tu sĩ người ngoại quốc. Sau buổi nói chuyện tôi được biết ông là người Đức. Tôi nói tôi muốn mua một con gà tây để ăn réveillon. Vị tu sĩ hỏi lại tôi bằng tiếng Việt: “Ông muốn mua gà tây đàn ông hay đàn bà?” Nhờ đi mua gà tây mà tôi học được gà đàn ông và gà đàn bà. Lời nói đơn giản và thân thương nay còn đâu nữa! Tôi muốn nghe lại nhưng không biết nghe ở đâu?
Tôi xin mượn những dòng chữ vô hương, vô sắc và vô vị này để gởi lời chúc Giáng Sinh và Tân Niên 2015 đến quí cha và các thân hữu. Mong rằng lời chúc này như nguồn nước mát không màu sắc, không hương vị nhưng ai cũng cần và ai cũng dùng trong suốt quá trình sống của mình.
Giáng Sinh Vui Vẻ
Tân Niên Vạn Phúc
Hòa Bình Trong Tâm
Hòa Bình Trên Trái Đất
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.