Điệp viên Liên Xô duy nhất sống một thời gian dài ở miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh ở Việt Nam được biết đến cho đến nay là một bác sĩ lao phổi người Pháp. “Vụ án bác sĩ người Pháp” là một câu chuyện tình báo hấp dẫn trong chiến tranh Việt Nam nhưng vẫn ẩn chứa nhiều điều chưa được làm sáng tỏ.
CIA nhận ra sự tồn tại của một điệp viên Liên Xô ở Sài Gòn khi chặn các tin nhắn vô tuyến mã hóa được phát đi từ thành phố này. Phân tích các tín hiệu cho thấy các tin nhắn được gửi từ một máy phát tốc độ trung bình kiểu Liên Xô và truyền thẳng tới Moscow. Một cuộc điều tra kéo dài và không mấy dễ dàng đã chỉ dẫn tới điểm truyền tín hiệu: nhà của bác sĩ Pierre Hautier, một người sống tại Sài Gòn ít nhất từ đầu những năm 1960.
Ông Hautier mở một phòng khám bệnh lao phổi ở Sài Gòn và là giảng viên trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Ông có vợ là người Việt, là họ hàng của Trung tướng Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Đặng Văn Quang, trợ lý đặc biệt về quân sự và an ninh quốc gia của Nguyễn Văn Thiệu. Đôi vợ chồng này thường xuyên đi ăn tối với Quang và các quan chức cấp cao khác của Nam Việt Nam.
Thông tin công khai duy nhất về việc những người Cộng sản đã tuyển dụng Hautier là từ lời thú nhận của ông ta khi bị thẩm vấn bởi Tổng cục Giám sát Lãnh thổ (DST) – cơ quan tương đương với FBI của Pháp. Cơ quan này đã bắt giữ vị bác sĩ vào năm 1972.
Nhà báo người Pháp Thierry Wolton đã tiết lộ chi tiết về lời thú tội và các khía cạnh khác của vụ án trong cuốn sách “Le KGB en France” (tạm dịch “Nhân viên KGB ở Pháp”), xuất bản năm 1986, dựa trên thông tin từ các viên chức tình báo và an ninh Pháp giấu tên. Trong lời kể về vụ án, có lẽ theo yêu cầu của các viên chức Pháp đã cung cấp nội dung câu chuyện cho Wolton, ông gọi bác sĩ Hautier bằng bí danh Victor Gregoire.
Không thể biết được bao nhiêu phần trong lời thú tội của Hautier là sự thật nếu không thể tiếp cận các hồ sơ tình báo của Liên Xô và Việt Nam, nhưng theo Wolton, vị bác sĩ đã nói với cơ quan điều tra Pháp DST rằng ban đầu ông được Việt Cộng tuyển dụng để cung cấp tiền và thuốc men cho các lực lượng Cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Sau đó, bác sĩ được yêu cầu cung cấp cho “những người bạn” Việt Cộng các thông tin tình báo quân sự và chính trị thu thập được nhờ các mối quan hệ xã hội rộng rãi của mình. Hautier cho biết ông đã đến Moscow vào năm 1967 để được đào tạo về gián điệp và liên lạc bí mật. Sau đó ông còn đến Moscow hai lần nữa trước khi bắt đầu gặp gỡ các sĩ quan tình báo Liên Xô tại Paris. Những cuộc gặp này diễn ra một lần mỗi năm, trong kỳ nghỉ hàng năm của bác sĩ tại Pháp.
Ở Sài Gòn, Hautier sẽ báo hiệu cho các đầu mối Việt Cộng bằng cách đỗ xe theo một cách nhất định. Sau đó, đóng giả là bệnh nhân lao phổi, họ sẽ đến phòng khám của Hautier để nhận thông tin mà ông đã thu thập được. Theo lời thú nhận, ông đã gửi cho Liên Xô các báo cáo riêng biệt được viết bằng mực tàng hình hoặc truyền qua các hình thức liên lạc bí mật khác.
Hautier thừa nhận rằng từ năm 1967 đến năm 1972, Liên Xô đã trả cho ông tổng cộng 20.000 đô la Mỹ, một số tiền lớn vào thời điểm đó và cho thấy thông tin ông cung cấp hẳn rất quan trọng. Hautier sử dụng một phần tiền để tổ chức những bữa tiệc xa hoa cho các sĩ quan quân đội và các chính trị gia cấp cao trong chính quyền Sài Gòn để ông có thể lấy thông tin tình báo từ họ.
Khi các điệp viên CIA biết được Hautier là gián điệp từ các tín hiệu vô tuyến bị chặn, lúc đầu họ chỉ biết nơi ông sống. CIA vẫn phải xác định xem loại thông tin nào đang được truyền đi, ai đã cung cấp thông tin đó cho Hautier và ông ta đang liên quan tới hoạt động gián điệp ở mức độ nào.
Thay vì thông báo cho cảnh sát của chính quyền Sài Gòn để họ có thể lục soát nhà của vị bác sĩ để tìm máy phát và các tài liệu buộc tội khác, CIA quyết định giữ thông tin cho riêng mình. Các sĩ quan phản gián của họ đã chơi trò chờ đợi, hy vọng tìm hiểu thêm về bác sĩ và các đầu mối liên lạc của ông ta. Mục tiêu của họ là biến hoạt động này thành “hai mang” – khiến bác sĩ chống lại những người chủ Liên Xô của mình và dụ dỗ ông ta bí mật báo cáo về những lần liên lạc với các đầu mối Liên Xô.
Trong khi đó, cơ quan điều tra DST của Pháp – không hề biết gì về cuộc điều tra của CIA – cũng đã hình thành mối nghi ngờ của riêng họ về Hautier. Trong suốt mùa hè năm 1971, một nhóm giám sát của DST đang theo dõi một sĩ quan tình báo được giao nhiệm vụ tại Đại sứ quán Liên Xô ở Paris đã phát hiện ra Hautier chuyển một gói hàng cho viên chức này trong kỳ nghỉ hè của bác sĩ ở Pháp (cuốn sách của Wolton nói rằng viên chức đó là một sĩ quan KGB, nhưng các nguồn khác chỉ ra rằng tất cả các sĩ quan Liên Xô liên lạc với Hautier đều làm việc cho cơ quan tình báo quân sự Liên Xô, GRU). Người Pháp đã theo dõi các hoạt động của Hautier cho đến khi ông và gia đình rời Pháp về Sài Gòn.
Năm sau, khi cuộc điều tra của CIA ở Sài Gòn vẫn tiếp diễn mà không hề biết DST cũng đã phát hiện ra, Hautier và gia đình trở về Pháp nghỉ hè. Ngay khi họ đến nơi, DST lại tiếp tục chiến dịch theo dõi. Vào ngày 11/7/1972, các sĩ quan DST đã đột kích bắt giữ Hautier khi ông đang trao một gói hàng cho Vladimir Nesterov, Bí thư thứ ba của Đại sứ quán Liên Xô. Bên trong gói hàng, DST tìm thấy các báo cáo tình báo mà bác sĩ đã viết về “tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam Việt Nam” cùng các ghi chép của Hautier về số tiền mà Liên Xô đã đưa cho ông để tiến hành các hoạt động.
Bị bắt quả tang, Hautier đã nhận tội. Sau đó, Chính phủ Pháp đã trục xuất Nesterov và hai quan chức Liên Xô khác có liên quan đến vụ án, Georgy Sliuchenko và Viktor Aleksandrovich Sokolov, tuyên bố họ là những người không được hoan nghênh (persona non grata). Hautier thì không bị trừng phạt. Một thẩm phán đã phán quyết rằng vị bác sĩ này không phạm tội theo luật pháp nước Pháp vì ông chỉ do thám người Nam Việt Nam và người Mỹ, và Hautier đã được thả. Ông không bao giờ trở lại Sài Gòn. Gia đình họ tái định cư tại một thuộc địa cũ của Pháp ở Tây Phi. Bác sĩ Hautier sống tại đó cho đến khi qua đời nhiều năm sau đó.
Khi tin tức về vụ bắt giữ Hautier ở Pháp lan truyền về Sài Gòn, cảnh sát VNCH đã ập vào nhà bác sĩ và tiến hành một cuộc khám xét cực kỳ kỹ lưỡng nhưng không tìm thấy bất kỳ tài liệu buộc tội hoặc tài liệu gián điệp nào. Máy phát sóng vô tuyến, sổ mật mã của bác sĩ và tất cả các thiết bị gián điệp khác của ông đều đã biến mất. Không ai biết ai đã “dọn sạch” ngôi nhà của vị bác sĩ người Pháp.
Tin đồn về lý do Hautier đột ngột biến mất đã lan truyền khắp cộng đồng người Pháp và giới thượng lưu ở Sài Gòn, nhưng toàn bộ vụ việc đáng xấu hổ này đã nhanh chóng bị bưng bít và lãng quên.
Không chỉ là trường hợp duy nhất được biết đến về một điệp viên Liên Xô hoạt động ở miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam, vụ bác sĩ Hautier còn cung cấp một số hiểu biết mang tính lịch sử về các hoạt động tình báo hiệu quả.
Đầu tiên, trong các cuộc điều tra phản gián, thường thì tốt nhất là hành động trực tiếp ngay sau khi đã xác định được mục tiêu. Trong vụ việc Hautier, các điều tra viên CIA đã lãng phí thời gian và công sức để cố gắng tiếp cận bác sĩ và các cộng sự của ông với hy vọng “biến đổi” một người trong số họ. Họ đã mất cơ hội bắt giữ bác sĩ cùng với máy phát của ông ở Sài Gòn, nơi cảnh sát Nam Việt Nam và CIA có đòn bẩy đáng kể mà họ có thể sử dụng để thuyết phục ông ta xác định các thành viên khác trong đường dây gián điệp của Liên Xô, các liên lạc viên Việt Cộng và các nguồn tin của ông ta. Thay vào đó, CIA hoàn toàn không thu được gì từ các hoạt động kéo dài và tốn kém của mình. Họ thậm chí không thể nhận công lao trong vụ bắt giữ Hautier vì cuộc điều tra của Pháp đã được tiến hành độc lập, phía Mỹ không hề hay biết hoặc hỗ trợ gì.
Thứ hai, vụ án này cho thấy các sĩ quan tình báo Liên Xô không giỏi như danh tiếng của họ. Các sĩ quan tình báo GRU xử lý trường hợp này đã khiến điệp viên của họ gặp nguy hiểm hai lần – một lần với CIA, khi họ sử dụng một chiếc máy phát dễ bị phát hiện và nhận dạng, và một lần với người Pháp, do kỹ năng tình báo và các biện pháp phát hiện giám sát kém cỏi mà họ đã sử dụng khi gặp bác sĩ. Ngược lại, CIA và DST không bao giờ phát hiện ra các cuộc gặp và những cách liên lạc cổ điển, phi kỹ thuật mà Hautier nói rằng các sĩ quan tình báo Việt Cộng đã sử dụng để liên lạc với ông ta. Điều này một lần nữa cho thấy “đơn giản hơn vẫn tốt hơn”.■
(Nguồn: Vietnam Magazine)
*Tác giả bài viết, Merle Pribbenow, là một cựu sĩ quan CIA, từng làm việc tại Sài Gòn từ năm 1970 đến 1975.