Ăn Mày Hiện Tại ( Mai Thị Mùi) gửi Mạc Văn Trang
“Giải phóng” 5 năm mới có tôi trên cõi đời này. Tức là tôi thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn. 1985 nhà tôi mới từ Nam Định vào đến đất Biên Hoà. Tôi mặc định là thế hệ bị tiếp thu nền giáo dục cộng sản.
Tôi không tiếp xúc nhiều và cũng không tham gia bất cứ chương trình tri ân, hỗ trợ, giúp đỡ TPB VNCH nào hết, nhưng cũng có duyên gặp một số chú bác quân nhân cán chính của bên “thua cuộc”. Những người mà tôi gặp không ai tự nhiên xưng mình là VNCH hết. Chỉ sau khi trò chuyện cởi mở thân mật họ mới nói sâu về quá khứ của họ. Ông MVT kể chuyện có hư cấu không, khi tả 1 ông TPB VNCH chưa chào hỏi đã xưng danh?
Tuổi của các TPB VNCH ít nhất phải là 70. Ở tuổi 70 không ai xưng “em” với người xa lạ. Là đàn ông lại càng không. Ông MVT viết bài với ý ông TPB VNCH đang lên giọng. Nếu thực sự đang lên giọng lại càng không xưng “em”. Giọng hống hách phải là “tôi/tao/bố mày”.
Những TPB VNCH tôi biết, không ai hỏi xin hay ăn vạ xã hội cả. Họ chấp nhận số phận và định mệnh. Sức còn đến đâu mưu sinh tới đó. Chú Trần Thiện Thanh Sơn bị thương từ đồi Charlie vẫn ngày ngày đi bán vé số. Chú không ngửa tay xin ai. Vợ chết, con gái chết lặng lẽ nuôi cháu ngoại không kêu cứu tới hội đoàn nào. Hôm nào bị kẻ gian lừa mất vé số nhịn ăn ngày đó, không kể khổ gợi lòng thương hại của bất cứ ai. Chú Trần Ngọc Sơn sống già cô đơn bệnh tật ở phòng trọ quạnh hiu cũng không kêu gào, xin xỏ. Ai biết thì giúp, ai cho thì nhận. Tất cả những TPB VNCH mà tôi biết không có ai có hành xử như ông Trang vẽ.
Cộng đồng người Việt tại hải ngoại vẫn âm thầm theo dõi giúp đỡ TPB VNCH. Trước đây dòng Chúa Cứu Thế có chương trình tri ân TPB VNCH. Sau khi bị đánh cho tan đàn xẻ nghé thì các hội đoàn hải ngoại vẫn âm thầm đi tìm và giúp đỡ họ. Trong nước, các thế hệ con cháu của VNCH và những người có lòng nhân cũng vẫn tương trợ những người lính của quốc gia họ. Ở đâu ra TPB VNCH đi ăn xin? Ông Trang có đang vẽ ra một câu chuyện không?
Tôi bị gọi là Bắc kỳ 75, bị cho là lứa tiếp thu nền giáo dục băng hoại, nhưng khi cho người khác cái gì đều được cha mẹ dạy không được đứng ở thế ban bố. Thay vì “vài đồng” nghe nó trịch thượng, “chút tiền” nghe nó khiêm tốn về phía người cho và trân trọng về phía người nhận phải không ông Trang?
Lời cuối: giả dụ người lính VNCH (mà ông vẽ ra) có đang ăn mày thì họ cũng ăn mày quá khứ. Còn ông mới chính là kẻ ăn mày hiện tại. Ông đang ăn mày trên cái chính thể đi ăn cướp mà có. Ông đang ăn mày địa vị, danh lợi, và cả con chữ của bọn ăn cướp đó ông Trang ạ.
MAI THỊ MÙI
"ĂN MÀY DĨ VÃNG" (FB Ong Thế Quyên)
Status mới nhất của bác Mạc Văn Trang đã làm rất nhiều người phẫn nộ.
Ngay ở tiêu đề bác đã đặt là "ăn mày dĩ vãng" và sau đó bác kể ra câu chuyện một người ăn xin tự xưng là lính VNCH cũ bị cụt chân trong chiến tranh.
Điều này vô tình sát muối vào nỗi đau mất nước, mất người thân, mất gia đình của những người dân Quốc gia ấy.
Và sau đó bác nói với ông ấy rằng "tôi Việt Cộng!" làm ông già sững sờ bối rối và sau đó là bác gái bố thí cho ông vài đồng.
Câu này của bác bị nhiều người lên án rằng chính bác mới là kẻ ăn mày dĩ vãng. Vì có lẽ bác đang tự hào rằng dù bác từng là Việt Cộng, một đảng viên Đảng Cộng Sản và đã bỏ đảng nhưng hiện tại bác đang được hưởng cuộc sống rất sung sướng, hạnh phúc bên gia đình, chứ không phải khổ cực như người lính VNCH kia.
Nhưng bác sai ở chỗ, bác, thân phận một vị giáo sư với trình độ học thức rất cao, từng ăn lương và bổng lộc của chế độ Cộng Sản hết tuổi lao động, đến khi nghỉ hưu rồi bác mới xin ra khỏi đảng phải không?. Vậy mà bác lại đem mình đi so sánh với một người lính chỉ biết cầm súng ra chiến trường hy sinh cho lý tưởng Tự Do của Quốc gia, của những người lãnh đạo dấn thân cho tư tưởng đó. So sánh vậy chẳng khác nào một vị lãnh đạo của một công ty xuống nhà máy so sánh mình với một người công nhân.
Cứ cho là ông ấy dựa vào dĩ vãng để được lòng thương xót của mọi người nhằm kiếm ít tiền ăn uống, để sống hết những ngày còn lại đi chăng nữa cũng chấp nhận được, chẳng có gì sai cả.
Những người VNCH mà đủ tầm suy nghĩ, viết được ra tư tưởng, có thể làm lãnh đạo được thì họ đã mất vì quyên sinh, vì bị bắn, bị giết từ lâu rồi bác ạ. Chứ họ đâu có còn đi lang thang trên đường để xin ăn. Và nếu họ còn sống thì với trình độ, tư duy của họ thì dù họ cụt chân, cụt tay nhưng họ còn bộ não, họ có thể làm đủ thứ nghề bằng chính tư duy và bộ não của mình chứ làm gì phải đi ăn xin. Ví dụ như dạy học, chuyên gia tư vấn , kinh doanh,...
Cháu biết ý của bác viết lên tus đó là tốt, ý muốn nói với mọi người rằng đừng có hằn học chia rẽ VNCH, Việt Cộng này nọ.
Vậy thì bác hãy góp ý với Bộ Giáo Dục VN, lãnh đạo VN ấy. Tại sao mấy chục năm qua lại đưa những ngôn từ Ngụy nọ ngụy kia, bán nước,... vào trong giảng dạy, và đến lá cờ VNCH đặt trong bảo tàng còn không ghi là cờ VNCH, mà lại ghi là "Cờ Ngụy". Tại sao bây giờ vẫn hằn học, chia rẽ, thù hằn, đuổi cùng giết tận tất cả những ai cầm lá cờ đó ở trong nước.
Trong khi ở Úc, Pháp, Mỹ, Canada hàng triệu người dân VN vẫn giương cao lá cờ đó bình thường và được chấp nhận bởi chính quyền văn minh của nước sở tại. Tại sao họ làm được với dân mình, còn mình lại không làm được thế với dân mình?
Bác cũng biết rằng nhiều quốc gia, dân tộc chỉ có mấy trăm nghìn người, hoặc vài triệu dân như Brunei, Sip, Đông timo, Singapore,...
Và số người đang giương cao lá cờ VNCH ở ngoại Quốc cũng tương đương một quốc gia đấy chứ không phải là nhỏ.
Đấy là chưa kể đến những người trong nước ở phía Nam, tuy rằng họ không còn treo lá cờ đó nữa vì chính sách hà khắc của chính quyền hiện tại không cho phép họ làm điều đó. Nhưng không ít người họ vẫn tôn trọng dĩ vãng của cha ông họ chứ phải không bác.
Đôi lời mạn phép góp ý với bác như vậy, mong rằng với vị trí học vị giáo sư chắc bác hiểu ra rằng không phải lúc nào mình cũng đúng.Cháu cũng vậy, sai nhiều lắm bác ạ.
Chúc bác luôn mạnh khoẻ
FB Ong Thế Quyên
Ăn Mày Dĩ Vãng (Trần Trung Đạo)
Trong một bài viết ngắn trước đây trên Facebook, tôi giải thích lý do viết khá nhiều cho các thế hệ Việt Nam sinh ra sau cuộc chiến.
Tôi viết để hy vọng sáng mai đây khi bước ra đường các em sinh ra và lớn lên ở miền Nam sẽ nhìn người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang lê lết chuỗi ngày tàn bằng cặp mắt khác hơn. Các em, thay vì bước nhanh như hôm qua, sẽ ngồi xuống bên cạnh người lính miền Nam tàn phế kia và nghe ông kể lại những chặng đường bi tráng mà ông và đồng đội đã trải qua, từ đó các em sẽ hiểu ra rằng cha chú các em đã sống và chiến đấu trong cuộc chiến tự vệ đầy chính nghĩa mà họ không có chọn lựa nào khác. Các em sẽ lớn lên trong tự tin và hy vọng thay vì mặc cảm “tội ác ba đời” mỗi khi đọc lại lý lịch mình.
Đối với các em sinh ra ở miền Bắc, tôi hy vọng các em sẽ biết sự thật và chân lý không phải là những lời đảng CS dạy. Đảng CS không giúp các em “sáng mắt sáng lòng” mà làm các em thành những kẻ mù loà đi lùi giữa nền văn minh nhân loại mỗi ngày mỗi mới. Các em có thể không dễ dàng tin ngay những điều tôi viết, nhưng ít ra cho các em thấy một phía khác của vấn đề để tìm tòi, học hỏi, so sánh và qua đó các em sẽ thấy mục tiêu đích thực mà đất nước Việt Nam cần phải đến là gì.
Tuổi trẻ Việt Nam, Nam hay Bắc, phải có cơ hội đọc và hiểu một cách khách quan từ nhiều phía về bản chất, nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam.
Nhiều người từ miền Bắc, dù hôm nay ngao ngán và ngậm ngùi nhìn lại một quá khứ bị lọc lừa nhưng không phải ai cũng thấy ra sự thật bị che giấu bên trong. Nhiều trong số họ đã dành cả phần lớn cuộc đời mình đánh thuê cho đảng CS, cho Trung Cộng và Liên Xô nhưng vẫn nghĩ mình đã chiến đấu cho “độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Gần một đời bị tẩy não đã biến không ít người thành những người chấp nhận sự giả dối như một thói quen, một hạnh phúc cuối đời.
Mời đọc bài viết dưới đây để biết ai thật sự là" lính đánh thuê" trong cuộc chiến Việt Nam.
-------
AI LÀ LÍNH ĐÁNH THUÊ?
Các bạn trẻ tại Việt Nam nghe ba chữ “lính đánh thuê” từ khi mới tập đọc nhưng chắc không hiểu rõ định nghĩa quốc tế của ba chữ này.
Theo Nghị định thư (Protocol) 1977 được Liên Hiệp Quốc công bố ngày 8 tháng 6 năm 1977 để đính kèm theo Công Ước Geneva quy định các nguyên tắc hành xử trong một xung đột võ trang ra đời năm 1949, những điểm căn bản định nghĩa lính đánh thuê (mercenary) gồm: (1) không thuộc quân đội chính thức của chính phủ, (2) được tuyển dụng tại địa phương hay nước ngoài để tham gia một cuộc xung đột võ trang chỉ vì ước muốn riêng tư và được hứa đền bù cao hơn một người lính cùng cấp trong lực lượng võ trang của chính phủ mướn người đó, (3) không phải thành viên hay đang cư ngụ trên lãnh thổ được kiểm soát bởi chính phủ.
Theo định nghĩa trong Nghị định thư 1977, người lính miền Nam không đánh thuê cho ai cả mà chỉ chiến đấu trong một cuộc chiến tranh tự vệ trên mảnh đất mà chính họ chọn làm quê hương và nhiều trong số họ đã chết trên mảnh đất đó.
Nếu gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa là lính đánh thuê cho Mỹ vì Mỹ trang bị vũ khí, tài trợ là không đúng với các định nghĩa quốc tế cũng như thực tế chiến tranh.
Trong Thế chiến Thứ hai, phần lớn trong khoảng 60 quốc gia trực tiếp hay gián tiếp đứng về phía đồng minh, trong đó có Liên Xô và đã nhận vũ khí của Mỹ qua đạo luật Lend-Lease Act nhưng không ai gọi họ là “lính đánh thuê” vì họ có kẻ đối đầu chung là Khối trục.
Tương tự, từ khi bắt đầu cuộc chiến cho đến khi Hiệp định Paris ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, quyền lợi và mục đích chiến lược của Mỹ và VNCH giống nhau là ngăn chặn làn sóng CS tràn xuống phía Nam Việt Nam. Sau khi Mỹ thay đổi trục chiến lược bằng việc thỏa hiệp với Trung Cộng, VNCH phải chiến đấu trong cô đơn và cô thế.
Nói rộng hơn, ngoại trừ các hoạt động gián điệp mà bất cứ cuộc chiến tranh lớn nào cũng có, Việt Nam Cộng Hòa không chủ trương đánh chiếm miền Bắc. Nếu CS miền Bắc, tính luôn các thành phần CS cài lại ở miền Nam sau 1954, để yên cho miền Nam ổn định và phát triển về mọi lãnh vực thì đã không có gì xảy ra.
Nếu áp đụng Nghị định thư 1977 trong Công Ước Geneva 1949, câu hỏi “Người lính miền Bắc có đánh thuê không?” lại có vẻ thích hợp hơn và đáng phân tích hơn.
Những người lính miền Bắc thỏa mãn các điều kiện căn bản của định nghĩa “lính đánh thuê” vì:
(1) “Không thuộc quân đội chính thức” mà là các thành phần khủng bố, xâm lược, được lén lút đưa vào Việt Nam Cộng Hòa từ một quốc gia khác, trong trường hợp này là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH).
(2) Vô thừa nhận, đảng CSVN không thừa nhận những thanh niên nói giọng Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng v.v.. bị quân đội VNCH bắt được là từ miền Bắc mà cho họ là “nhân dân miền Nam tự đứng dậy”.
(3) Phục vụ cho quyền lợi của những kẻ trả lương và cung cấp vũ khí trong đó gồm đảng CSVN, Liên Xô và Trung Cộng.
Không chỉ rút ra từ Công ước Geneva mà từ cấp cao nhất của đảng CSVN cho đến cấp cao nhất của nhà nước VNDCCH đều thừa nhận “lính miền bắc là lính đánh thuê”.
Lấy các phát biểu của Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và Nguyễn Mạnh Cầm để chứng minh họ đã thừa nhận.
Về phía đảng, Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng CSVN thừa nhận quân đội CSVN là quân đội đánh thuê.
Nhân dịp “40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam”, Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Bộ trưởng Ngoại Giao CSVN, khi trả lời phóng viên Vietnamnet đã nhắc lại câu nói của Lê Duẩn: "Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!" (Dân tộc và thời đại với nội hàm mới..., Vietnamnet phỏng vấn Nguyễn Mạnh Cầm, 24/1/2013)
Để công bằng và trung thực cho câu nói của Lê Duẩn, xin lưu ý, một số tài liệu khi viết lại đã cố tình bỏ chữ “cả” để vạch ra bộ mặt đánh thuê của CSVN là “đánh cho Trung Quốc và Liên Xô”. Thật ra, trong câu đó có chữ “cả” nữa, nhưng “cả” gồm những ai, xin đọc tiếp.
Câu trả lời của Lê Duẩn có thể phân tích đầy đủ hơn gồm “cho ta”, “cho Trung Quốc” và “cho Liên Xô”:
1) Quân đội CS miền Bắc “đánh cho ta” nhằm CS hóa toàn cõi Việt Nam. Nếu theo dõi dòng lịch sử đảng CS từ thập niên 1920 khi Hồ Chí Minh nước mắt chảy dài đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin viết ngày 5 tháng 6, 1920 cho đến hôm nay rồi đem so sánh giữa thực tế đất nước qua cách sống như vua chúa của tập đoàn cai trị CS bên cạnh những mái tranh nghèo của hơn 90 triệu dân còn lại, sẽ thấy “ta” trong câu của Lê Duẩn là đảng CSVN chứ không phải toàn dân Việt Nam.
(2) Quân đội CS miền Bắc đánh thuê cho Trung Cộng để bảo vệ vùng an toàn phía nam quan trọng của Trung Quốc và cửa ngõ ra Biển Đông. Chính sách bành trướng nhanh chóng của Tập Cận Bình ngày nay một phần do quan điểm Trung Quốc và Việt Nam như anh với em, như môi với răng, như nước với sữa mà CSVN đã lặp đi lặp lại từ lâu. Nếu CSVN biết cứng rắn như Philippines hay kiên quyết như Bắc Hàn thì dù không chận đứng hẳn ít ra đã làm họ Tập chậm chân chứ không có những căn cứ, những phi trường quân sự trên đảo Chữ Thập của Việt Nam như ngày nay.
(3) Quân đội CS miền Bắc đánh thuê cho Liên Xô để giảm áp lực của Mỹ bằng một mặt trận nóng trong Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Giới lãnh đạo CS Liên Xô biết không sớm thì muộn Liên Xô sẽ nguy khốn nếu không làm chậm cuộc chạy đua võ trang với Mỹ.
Về phía chính phủ CS, Phạm Văn Đồng, thủ tướng CSVN, cũng thừa nhận quân đội CS đánh thuê cho Trung Cộng.
Đoạn đối thoại dưới đây giữa Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng trích trong tác phẩm On China của Henry Kissinger. Chu Ân Lai nói với Phạm Văn Đồng: “Trong một thời gian dài, Trung Quốc bị Mỹ bao vây. Bây giờ Liên Xô bao vây Trung Quốc, ngoại trừ phần Việt Nam.” Phạm Văn Đồng cam kết: “Chúng tôi càng quyết tâm để đánh bại đế quốc Mỹ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam.” Chu Ân Lai thỏa mãn: “Đó chính là lý do chúng tôi ủng hộ các đồng chí.” (Henry Kissinger, On China, 2011)
Như vậy, cả đại diện cho đảng và nhà nước CS đều thừa nhận những người lính từ Bắc Việt và các thành phần cài lại ở miền Nam đều là lính đánh thuê, đúng theo tinh thần của Công ước Geneva 1949.
Quan điểm Mao Trạch Đông về chiến tranh tại Việt Nam phù hợp với cách giải thích của Lê Duẩn. Theo đó, giống như trong chiến tranh Triều Tiên, là tạo một vùng độn trong biên giới phía nam Trung Quốc. Để thực hiện chủ trương này, Trung Cộng đã chi dụng gần như hầu hết võ khí, đạn được cho CSVN. Trung Cộng là mẹ đỡ đầu của các chính sách và chiến lược chiến tranh của đảng CSVN từ 1949 đến 1954.
Giai đoạn đầu của chiến tranh, Mao chỉ muốn miền Bắc là phên giậu và thỏa mãn sau khi đạt được mục đích đó.
Theo nghiên cứu của Chen Jian trong China's Involvement in the Vietnam War, 1964-69, Bành Đức Hoài, 24 tháng 12, 1955 thông báo cho Võ Nguyên Giáp biết các đoàn cố vấn quân sự Trung Cộng sẽ rút về nước hết vào tháng 3, 1956. Tuy nhiên khi chiến tranh leo thang, Trung Cộng cảm thấy vùng an toàn phía nam lần nữa bị đe dọa nên đổi ý và gia tăng viện trợ cho CSVN cho đến khi chấm dứt chiến tranh. (Chen Jian, China's Involvement in the Vietnam War, 1964-69, Chinese Foreign Policy, The China Quarterly 1995)
Quan điểm Liên Xô về chiến tranh Việt Nam xác định chủ trương mướn người Việt đánh người Mỹ.
Mặc dù trước đó tỏ ra lạnh nhạt nhưng khi cuộc chiến leo thang, Liên Xô từng bước trở thành phe có lợi trong chiến tranh tại Việt Nam. Liên Xô vượt qua cả Trung Cộng trong việc cung cấp vũ khí, viện trợ kinh tế và các phương tiện tuyên truyền cho CSVN. Để làm gì? Ngày nay các tài liệu cho thấy, Liên Xô muốn (1) dùng người Việt để đánh Mỹ, (2) cố gắng nhận chìm bộ máy quân sự của Mỹ, (3) cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Cộng trong các nước thuộc phe “xã hội chủ nghĩa”, và (4) quan trọng nhất là giảm ưu thế của Mỹ trong cuộc chạy đua vũ trang.
Tóm lại, quan điểm của Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trung Cộng và Liên Xô về lý luận lẫn thực tế đều giống nhau.
Nhưng nếu đem câu “người lính miền bắc có đánh thuê hay không?” để hỏi một cựu cán binh CS đã từng chiến đấu ở miền Nam trước 1975, chắc chúng ta sẽ nhận câu trả lời “không phải.”
Nếu ai đó tiến bộ về nhận thức chính trị thì nhiều lắm chỉ thừa nhận họ bị gạt, bị lừa nhưng vẫn cho khẩu hiệu “đánh bại chính sách thực dân mới của đế quốc Mỹ” là đúng và “thống nhất đất nước” là tình cảm tự nhiên. Tuy nhiên, cho tới nay, chắc không bao nhiêu người hiểu “chủ nghĩa thực dân mới” là gì và tình cảm “thống nhất đất nước” kia từ đâu mà có.
Một số khác cũng trả lời “không”, không có nghĩa là họ không thấy, không biết, không nhận ra sự thật sau nhiều nghìn đêm mất ngủ, nhưng chỉ vì không đủ can đảm để từ chối một phần đời trai trẻ của mình và nhất là mất đi những gì họ đang có hôm nay.
Trần Trung Đạo