30 tháng 4/1975 là ngày gì?
Tôi hỏi một cô gái Việt Nam hai mươi tuổi mới sang Mỹ được chừng nửa năm nói giọng Hà nội 75, làm ở dược phòng trong cùng building kế phòng mạch của tôi có biết 30 tháng 4 là ngày gì không thì cô trả lời “dạ không”. Mặt cô ớ ra, ngạc nhiên vì không hiểu tại sao bỗng dưng tôi lại hỏi như vậy. Tôi hỏi vì đọc được một số những bài trao đổi với đủ cách nhìn cảm tính trên mạng giang hồ điện tử của các nhà có học bụng đầy chữ ta cũng như chữ ngoại quốc, nhân bài viết đề ngày 5 tháng 5/2023 ký tên Cù Huy Hà Vũ, nhan đề “Tên gọi nào cho ngày 30 tháng 4 để hòa giải dân tộc?”.
Cù Huy Hà Vũ “gốc gác” là con Cù Huy Cận, một tay nòng cốt đóng góp vào việc thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa Hồ chí Minh dựng nên vào hạ tuần tháng 8 năm 1945.
Tra google thì được biết Cù Huy Hà Vũ tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (chuyên ngành tiếng Pháp), năm 1979. Nhận công tác tại Ban Thông tin Học viện Quan hệ quốc tế. Trong thời gian 5 năm làm việc ở Học viện, Vũ liên tục được đi Pháp để tiếp tục học tiếng Pháp và học thêm các chuyên ngành quản lý nhà nước, quan hệ quốc tế, luật kinh tế. Vì giòng dõi hạt giống đỏ. Có lẽ do đó mà Cù Huy Hà Vũ (CHHV) được tôn xưng là tiến sĩ luật.
Một người bình thường không cần vắt óc cấp bằng tiến sĩ VC như CHHV cũng biết 30 tháng 4/1975 là một ngày lịch sử. “Lịch sử” vì chế độ Việt Nam Cộng hòa miền Nam sụp đổ một cách nhanh chóng, chấm dứt hiệp định Génève Hà nội ký với Pháp chia đôi đất nước tháng 7/1954.
Thêm một chút chi tiết sụp đổ thế nào thì ngắn gọn là: Nguyễn Văn Thiệu tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc tuyên bố từ chức tối ngày 21 tháng 4 trao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Sau đó được xe hơi của CIA chở vào phi trường Tân sơn nhất bay sang Đài Loan. Trần Văn Hương giữ chức 7 ngày rồi trao trách nhiệm cho cựu tướng Dương Văn Minh ngày 28 tháng 4. Sáng ngày 30 tháng 4/1975 Minh ngồi chờ trong dinh Độc Lập. Lính Hà nội tới, đầu đội nón cối chân đi dép râu, tay cầm súng lục áp giải Minh cùng ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, lên đài phát thanh Sài gòn đọc tuyên bố kêu gọi quân đội ngưng chiến, chờ anh em bên kia tới- nghĩa là đầu hàng. Theo sau là một lũ thanh niên lâu nhâu “ba mươi” và nằm vùng. Sài gòn đã mất trong tình trạng kể là yên lặng, không có bao nhiêu tiếng súng nổ. Trừ một vài địa điểm có giao tranh ngắn ngủi vì các đơn vị tại chỗ không chấp nhận yêu cầu của Minh.
Những người nằm tù trong trại tập trung cải tạo Long Khánh Long Giao từ các đơn vị khác nhau mới có dịp kể cho nhau rằng chuyện mất miền Trung sau khi Ban mê Thuột thất thủ cũng đều chẳng có bao nhiêu tiếng súng. Do sự tiếp tay của các đài ngoại quốc BBC VOA. Họ nói rằng đơn vị đang yên lành khi nghe các đài Anh, Mỹ này nói quận nọ mất, quận kia di tản thì anh em binh sĩ nhớn nhác cùng gia đình tìm về chỗ còn kể là an toàn. Lộn xộn nếu có là ở những chỗ như bến tầu, phi trường bến xe vân vân… chen nhau để chạy. Có người khi nằm tù kể rằng có bà con là một trung úy bộ đội tên Tr. khi vào đóng ở Tân sơn Nhứt tìm đến được nhà anh ở Sàigon nói rằng anh ta từ Trường Sơn xuống quốc lộ 1 được lệnh di chuyển liên tục mệt hết hơi, không phải bắn một phát súng. Có nhiều chỗ đơn vị anh đi theo sát quân đội quốc gia chừng vài trăm thước, chẳng ai bắn ai. Có nghe những chuyện tai nghe mắt thấy này thì mới hiểu những tường thuật về cái gọi là “đại thắng mùa Xuân” trên hệ thống báo chí và truyền thông VC tiếp theo sau chỉ là những huênh hoang thổi phồng tài giỏi của kẻ thắng trận. Chịu khó nhìn lại và đối chiếu những sự kiện diễn ra vào những ngày cuối tháng tư, thì có thể nói rằng Sài gòn được những kẻ gọi là lãnh đạo lúc đó giao nộp cho Hà nội trên mâm bằng bạc.
Biết diễn tiến tình hình với những chi tiết then chốt đầy đủ như trên, không thấy có chỗ nào dân quân cán chính miền Nam dính vào sự chuyển đổi lịch sử miền Nam, khiến Cù Huy Hà Vũ phải vận dụng cái bộ óc được cấp bằng tiến sĩ VC của ông ta tìm chữ để gọi tên ngày 30 tháng 4/1975 nhằm “hòa giải dân tộc”. Diễn biến 30 tháng 4/1975 với hệ quả kéo dài tai hại cho đất nước từ bấy đến nay chỉ có nghĩa là những tên lãnh đạo miền Nam đương thời phải đem ra trước tòa án dân tộc hài tội và xử bắn.
Những tội trạng này là gì?
Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu chính quyền và quân đội, không đánh mà cho lệnh lui quân, sau khi đọc diễn văn từ chức, được xe hơi CIA Mỹ đưa ra phi trường Tân Sơn Nhứt cho lên máy bay chở sang Đài Loan Trần Văn Hương là một thầy giáo có đầu óc kỳ thị Nam Bắc, sản phẩm của chính sách thực dân Pháp chia để trị VN làm ba miền: Nam kỳ là thuộc địa (coi như đất của Pháp), Trung kỳ và Bắc kỳ là đất bảo hộ do một công sứ Pháp chỉ xuống triều đình Huế và hệ thống thư lại đứng đầu là một tổng đốc người Việt ở Hà Nội. Dấu chứng của tinh thần tách rời Nam kỳ khỏi VN là hiện tượng Hương lập đảng Phục Hưng (dấu đi hai chữ “miền Nam” lộ liễu khó nghe) còn để lại một số đệ tử chính trị nhưng bây giờ thì đã im lặng nếu còn sống vì biết rằng đó là quan niệm lạc hậu tệ hại. Hương có một người con là Trần Văn Dõi tập kết theo VC. Đã nghe hắn mà tạo điều kiện để thoái trong thời gian ngắn mấy ngày ngồi ghế tổng thống kế nhiệm Thiệu. Dương văn Minh cũng nghe em là Dương Thanh Nhựt - theo Việt cộng, mà ra lệnh ngưng chiến.
Sau khi chiếm được Sài gòn Cộng sản đã: 1/nhanh chóng lừa gạt đưa hàng trăm ngàn quân cán chính vào các trại tại “cải tạo” tập trung, vợ con bị lấy nhà đuổi đi kinh tế mới không phương cách sinh sống, rút cục phải nheo nhóc trở lại Sài gòn vạ vật qua ngày. 2/Cướp của mọi thành phần quần chúng bằng cách đổi tiền 500 đồng đang xử dụng ăn một đồng tiền giải phóng mới. 3/Bần cùng hóa mọi người sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa y theo chủ trương Hồ chí Minh ‘Tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội’, nắm giữ mọi nguồn lực sản xuất và phân phối, mà cụ thể là ngăn sông cấm chợ. Đến năm 1977, sự buôn đi bán lại để sống ở chợ trời đã cạn hàng. Cả nước đi vào chết đói hết nếu Nguyễn Văn Linh trưởng ban Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa Trung ương ở vị trí bí thư thành ủy thành phố HCM không linh hoạt thích ứng quay mặt đi – không nhìn không nghe không thấy - trước những thực tế bươi chải của dân để sống, vi phạm luật lệ quy định của nhà nước .
Tháng 9/1990 Nguyễn văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi sang Thành đô ký mật ước sáp lại gần Tầu với Giang trạch Dân và Lý Bằng. Nội dung mật ước cho tới nay vẫn còn giữ kín, nhưng những sự kiện xẩy ra cho thấy VN đã trở thành một loại chư hầu của Tầu. Vắn tắt mà nói thì chế độ độc tài toàn trị VC chủ yếu dựa vào TQ đã không tạo được điều gì hay ho, mà chỉ đưa VN vào vị trí dính chặt vào TQ. Dân Tầu ra vào VN không cần chiếu khán, tự tiện ở thành làng thành xóm riêng biệt từ Bắc tới Nam. Rừng đầu nguồn, quặng mỏ bauxite vân vân… công nhân chuyên gia Tầu chiếm lĩnh khai thác, khiến Võ Nguyên Giáp - một tay cột trụ cạnh Hồ chí MInh chống đỡ chế độ từ những ngày đầu, cũng phải lên tiếng than phiền. Đặc khu kinh tế Vân đồn, bắc Vân Phong, Phú Quốc cho người Tầu tự nhiên khai thác dài hạn khoe khoang ầm ĩ theo mô thức Quảng Ninh thời bí thư tỉnh ủy Phạm minh Chính rập theo khuôn mẫu phát triển Thẩm Quyến bị dân chống đối rộng khắp đã phải đưa vào âm thầm thực hiện, vì không thể bỏ giao ước với Bắc phương, cho tới nay.
Người bình thường mắt không mù tai không điếc, sống ở miền Nam phải thấy dân chúng hai miền Nam Bắc gặp nhau không có vấn đề gì. Nghe chế độ VNDCCH tuyên truyền miền Nam đói khổ dưới sự thống trị của Mỹ Ngụy bà con miền Bắc đã đùm dúm túi gạo gói đường đem vào tiếp tế. Và lúc về thì tay đeo đồng hồ “hai ba cửa sổ”, mắt đeo kính dâm, sách theo cái “đầu máy”, “cái đài”… là quà tặng của thân nhân miền Nam.
Cho nên nếu cần “hòa giải dân tộc”, thì chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nay trở thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải làm, nghĩa là thẳng thắn nhận sai lầm đã phạm tội ác úp chụp chủ nghĩa Mác Lê lên toàn dân cả nước, dùng nó để thiết lập chuyên chính vô sản . Khi Cù Huy Hà Vũ nói phải đặt tên ngày 30 tháng tư để “hoà giải dân tộc” thì: Một là cố tình lẫn lộn nhà nước chuyên chính vô sản- tức là giai tầng thống trị- với nhân dân là thành phần bị trị; Hai là tuy sống trong tiện nghi đặc quyền của một công- tử- đỏ nhưng không phải là thành phần được quyết định chính sách nên vẫn gặp những khó khăn bất cập mà bất mãn nghĩ mình chỉ là dân mèng, đòi hỏi phải được biệt đãi, được quan tâm hơn.
Với chiến thắng của bộ đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai miền Nam và Bắc đã nhập làm một. Phe thắng trận đã gọi sự kiện này là giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Về mặt địa lý chính trị thì thống nhất không sai, nhưng về mặt xã hội và tâm lý thì chẳng thể nào đúng. Vì phe thắng trận đã cướp đoạt mọi thứ và trấn áp tàn tệ phe thua mà những dữ kiện đã tóm tắt ở trên. Lý do chỉ là người bị cướp không thể yêu thương kẻ cướp, “thống nhất với kẻ cướp”. Giải phóng thì chỉ đúng nếu diễn giải theo lối cưỡng từ đoạt lý. Là: giải phóng miền Nam khỏi ảnh hưởng của Mỹ đến Việt Nam để ngăn chống sự bành trướng của Cộng sản sau khi Mao Trạch Đông chiếm trọn lục địa Trung Hoa năm 1949. Khi mối lo ngại TC bành trướng xuống phía Nam tới Indonesia và sang phía Tây tới Thái Lan không còn nữa thì Mỹ lui ra. Quay về thực hiện chủ thuyết The Great Society của Lyndon Johnson để giải quyết những tác dụng di hại của chính sách khai thác người Da đen những năm đầu lập quốc.
Không thể gọi là ngày giải phóng mà cũng không phải là ngày thống nhất, vì những lý do khách quan không nặng cảm tính như đã trình bầy ở trên, thì ngày lịch sử 30 tháng 4/1975 có thể gọi là gì? Xin ngưng một chút để chờ bài sau phân giải.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 24 tháng 5/2023
**
.