Chính phủ Đệ-nhất Cộng-hòa chú trọng vào việc giữ gìn phong hóa nhất là đối với thanh niên. Ngày 28 tháng 11 năm 1958, đô-trưởng Sài-Gòn ra lệnh cấm các khiêu vũ trường nhận khách dưới 21 tuổi. Ngày 25 tháng 8 năm 1959, Bộ Giáo-dục ấn định đồng phục để cho học sinh tập tính giản dị, không đua đòi, không xa hoa: nam sinh mặc quần xanh nước biển, áo sơ-mi trắng với tay ngắn; nữ sinh mặc áo dài trắng, quần trắng, khi cần lễ phục thì mặc áo dài xanh lam.
Trong phong trào “Chấn-hưng Đạo-đức Thanh-niên”, Quốc-hội ra luật Bảo vệ luân-lý (Luật 12/62) theo đó có những điều sau đây được ghi nhận: cấm vị thành niên Việt-Nam dưới 18 tuổi hút thuốc lá, uống rượu trên 12 độ, xem các phim và tấn tuồng đã bị Sở Kiểm-duyệt cấm; cấm nhảy đầm, cấm đấu võ vì tiền, cấm làm đồng bóng, cấm phù phép, cấm mãi dâm, cấm phá thai, v.v…
*
Nhà văn Thiếu Sơn (Lê Sĩ Quý 1908-1978) viết một bài nghị-luận in trong quyển Câu Chuyện Văn-Học (1943) với tựa đề “Văn-hóa với ta”. Ông nhắc đến một nhóm trí thức ở Huế mệnh danh là “Nhóm chịu trách-nhiệm” (tên Pháp là “Les Responsables”) mà theo ông hiểu thì họ chủ trương rằng “họ chịu trách nhiệm trong cuộc tiến hóa của xã hội và họ phải hành động làm sao xứng đáng với cái thiên chức của mình.” Nhóm “Les Responsables” có xuất bản một tập sách viết bằng tiếng Pháp nhan đề là “La Culture et Nous” (Văn hóa với ta).
Nhân một dịp ra Huế, nhà văn Thiếu Sơn có đàm luận với một vị giáo sư trong “Nhóm chịu trách nhiệm” về văn hóa và được biết ý kiến của vị này như sau:
“Người có culture chẳng phải là người học rộng, biết nhiều mà không có tâm hồn cao thượng. Một người vô học mà có tư cách thanh kỳ có thể gọi được là một người “cultivé”.
Nhà văn Thiếu-Sơn chỉ lấy làm hài lòng “một nửa” về ý kiến của vị giáo sư trong “Nhóm chịu trách nhiệm”. Buổi đàm luận ấy đã khiến ông phải suy nghĩ để tìm câu trả lời cho chính ông về mục đích của văn hóa. Ông viết:
“Tôi công nhận rằng văn hóa nếu chỉ tu bổ phần trí thức mà không cảm nhiễm tới tâm hồn thì văn hóa chưa hoàn toàn bổ ích. Nhưng một người vô học mà có lòng tốt tự nhiên không thể gọi là người có văn hóa được. (…)
Sự thật thì ta thấy rằng ở đời vẫn có người tốt sống chung với những người xấu mà không phải người tốt toàn là những người được ăn học đàng hoàng hay người xấu toàn là những người vô trí thức.
Nhân đó mà ta thấy rằng nhân loại không được đồng-chất mà cái cứu cánh của văn hóa là phải đổi xấu ra tốt, khai dã thành văn.”
Qua những nhận xét về tư cách đạo đức của con người trong xã hội, Thiếu-Sơn nhận ra “cứu cánh của văn hóa là phải đổi xấu ra tốt, khai dã thành văn”. Ông giải thích thêm và đi đến kết luận:
“Đối với những người có bản-chất tốt thì nó [văn hóa] làm cho được tốt thêm. Hơn nữa nó [văn hóa] làm cho họ khôn ngoan hơn, tài trí hơn để có thể phân biệt được những lẽ phải, quấy, gánh vác được những việc khó khăn.
Còn đối với những người có bản chất xấu thì phải làm cho họ lần lần giác ngộ ở trí thức để biến đổi được tâm hồn mà thành nên được những phần tử ưu tú trong nhân loại.
Như vậy thì văn hóa không phải chỉ cốt tạo nên những nhà trí thức, những nhà bác học mà còn phải gây nên ở những hạng người này một bản ngã phong phú, một tâm hồn cao thượng có khối óc thông minh mà cũng có khối tình thâm thiết.
Cái văn hóa nào chỉ lo tu bổ tri thức mà sao lãng tinh thần là một cái văn hóa nguy hiểm, dầu có giúp cho loài người được nhiều điều phát minh sáng chế, nhưng chưa đủ tạo nên được một bầu không-khí trong sạch cho thiên hạ biết sống trong tình tương ái, tương thân.”
*
Các triết gia, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, văn nhân thi sĩ và các nhà làm chính trị kể trên đã cho thấy sự quan trọng của luân lý trong đời sống xã hội và tin rằng luân lý có thể giúp giải quyết các vấn đề của xã hội. Luân lý có thể được truyền dạy qua giáo dục nơi học đường và giáo dục trong gia đình, qua tôn giáo, nghệ thuật và văn học để tạo nên một cuộc “sống trong tình tương ái, tương thân.” Văn hóa có mục đích giúp con người trau giồi nhân cách: “khai dã thành văn”, tạo được tương quan mỹ đức giữa người với người.
Học đường hiện đại có ảnh hưởng quan trọng trong việc đào tạo nhân cách của thế hệ trẻ. Học đường có phương tiện và học đường có hoàn cảnh để ảnh hưởng đến giới trẻ. Trẻ em mỗi ngày sống ở trường 7, 8 tiếng đồng hồ. Trường học là môi trường rất thuận tiện cho việc đưa dẫn học sinh vào khuôn cách đạo đức.
Cùng sát cánh với học đường là gia đình. Cha mẹ và con cái sống chung với nhau một nhà nên cha mẹ có thể ảnh hưởng sâu xa và khuyên bảo con cái được rất nhiều điều hay: từ cách xử thế đến quan niệm nhân sinh, những giá trị tinh thần. Cha mẹ còn là tấm gương về đạo đức cho con cái nữa. Ông bà ở gần hoặc sống chung với con cháu cũng lại thêm một yếu tố thuận lợi cho việc hướng dẫn luân lý đạo đức cho trẻ em vì con cháu gần gũi thân thiết với ông bà nhiều khi dễ nghe lời ông bà khuyên bảo hơn là nghe lời cha mẹ.
Từ học đường đến gia đình và xã hội, tất cả đều có thể có ảnh hưởng đến thanh thiếu niên về phương diện đạo đức.
*
Giáo dục ngày trước, dù trong gia đình hay ở học đường, dù Đông hay Tây, đều là để truyền dạy lại những cách sống của người đời trước để cho mỗi người đều biết nghĩa vụ và đặt phương châm đạo đức cho cuộc đời mình.
Trong phạm vi cá nhân, người nào thường hay suy nghĩ về đạo đức, hiểu được những điều cao thượng, tự vấn được lương tâm, thì người ấy sẽ tự hướng dẫn mình ra khỏi những cơn dông tố của cuộc đời.
Trong tương quan xã hội, người ta càng thấu hiểu về luân lý và đạo đức thì lại càng có lòng muốn thay đổi xã hội cho công bằng hơn, lại cố làm tròn bổn phận của mình và biết tôn trọng quyền lợi của kẻ khác.
Ngày nay là thời buổi của khoa học. Những khám phá khoa học và kỹ thuật có ảnh hưởng rất rộng rãi trên mọi phương diện của cuộc sống. Nhưng ngày nào con người còn sống quây quần thành đoàn thể, gia đình, xã hội thì việc học luân lý đạo đức cũng quan trọng như việc học các môn khoa học khác.
Giáo dục mà có thể thay đổi phong tục từ xấu ra tốt, có thể cảm hóa con người trở nên tốt đẹp hơn phải nhờ đến luân lý học. Giáo dục chỉ mới là phép tô nắn tượng, còn luân lý học mới bày được cho ta các “kiểu-mẫu đạo-đức” ở trước mắt để giúp cho việc nắn tượng khỏi sai lầm.
Ở nước Việt ngày xưa, các triều đại vua từ đời Trần đến đời Nguyễn đã chỉ định luân-lý nho-học cho chương trình giáo dục. Ngày nay, người Việt ở khắp năm châu, hoàn cảnh sống và phong tục khác biệt, sinh hoạt xã hội và luật lệ trong các nước cũng khác biệt, do đó định đoạt việc học và thực hành khái niệm luân lý nào, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Xin kết thúc bài viết này với lời nói của chí sĩ Phan Châu Trinh:
“Phàm đã là một dân tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một cái lịch sử chính đáng, thì phải gìn giữ những sự vẻ vang trong lịch sử của dân tộc mình, nghĩa là gìn giữ lấy những đức hay tính tốt mấy trăm nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nước nào, dân tộc nào đối với mình cũng đem lòng kính trọng. Nói tóm lại, là một cái tính chất của một dân tộc đã trải lâu năm kết tinh lại như hòn ngọc mài không mòn, như sắt nguội đánh không bể thì mới gọi là đạo đức được.”(Sử Xanh Lưu Truyền)
NGÔ THỊ QUÝ LINH
Viết lần đầu tháng 2 năm 2011 và đọc trong chương trình “Văn Hóa Việt” trên đài Saigon Houston; đăng trong website của nhà xuất bản www.ylinhpublishing.weebly.com; hiệu đính tháng 3 năm 2023.
PHỤ LỤC 1
PHỤ LỤC 2
PHỤ LỤC 3
Dạy con ở cho có đức
Tác giả: Nguyễn Trãi (1380-1442)
Lấy điều ăn ở dạy con,
Dẫu mà gặp tiết nước non xoay vần.
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người cô quả cô đơn,
Thương người đói rách, lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rét thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên.
May ta ở chốn bình yên,
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng ngày đói tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.
Của là muôn sự của chung,
Sống không, thác lại tay không có gì!
Ở sao cho có nhân nghì,
Thơm danh vả lại làm bia miệng người.
Hiền lành lấy tiếng với đời,
Lòng người yêu dấu là trời độ ta.
Tai ương hoạn nạn đều qua,
Bụi trần giũ sạch thực là từ đây.
Vàng tuy trời chẳng trao tay,
Bình an hai chữ xem tày mấy mươi.
Mai sau bạc chín tài mười,
Sống lâu ăn mãi của trời về sau.
(Dương Quảng Hàm. Quốc Văn Trích Diễm, Xuất Bản Bốn Phương, Hà-Nội 1952)
*Lai lịch của tác phẩm Gia-huấn-ca bị ngờ là không phải của Ức-Trai tiên-sinh vì không có gì rõ rệt đánh dấu thời đại của tác giả. Lời thơ không có những chữ cổ như trong Quốc-âm thi-tập của Nguyễn Trãi. Có giả thuyết là tác phẩm này đã bị sửa chữa và sao đi chép lại bởi người đời sau cho nên các chữ cổ đã bị lấy ra. Tuy nhiên, cho đến nay tập Gia-huấn-ca vẫn được các nhà biên khảo văn học nhìn nhận là do Nguyễn Trãi làm ra nên chúng tôi vẫn ghi chép lại ở đây.
PHỤ LỤC 4
Thi hương và thi hội
Đời Trần đặt ra kỳ thi Thái-học-sinh, và tam-giáp (đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp) để định hạng những người thi đỗ. Kỳ thi này bảy năm mới có một lần. Ba người đỗ đầu đệ nhất giáp là tam-khôi có trạng-nguyên, bảng-nhãn và thám-hoa-lang. Người đỗ đầu đệ nhị giáp được gọi là hoàng-giáp. Năm 1374, vua Trần Duệ-tông mở khoa thi đình (đình-thí, thi ở sân vua) để lấy tiến-sĩ. Cuối đời Trần, năm 1396, đặt ra thi hương lấy cử-nhân và định rằng năm trước thi huơng năm sau thi hội.
Đời Lê định lệ mỗi ba năm có một kỳ thi, và cũng ấn định rằng năm trước thi hương năm sau thi hội. Năm 1466, vua Lê Thánh-tông đặt lệ xướng danh: gọi tên các người trúng tuyển, và lệ vinh-quy: người thi đỗ được rước về nguyên-quán. Năm 1484, vua cho khắc bia tiến-sĩ: tên các tiến-sĩ mỗi khoa đều được khắc trên một tấm bia đá dựng ở Văn-miếu, kể từ khoa năm 1442.
Thi hương thường tổ chức các năm tý mão ngọ dậu, thi hội các năm sửu thìn mùi tuất.
- thi hương là kỳ thi mà tất cả sĩ tử ở các đạo, châu, huyện đều dự thi để lấy cử-nhân; thi hương có bốn kỳ hoặc trường; ai trúng ba kỳ là sinh-đồ, ai trúng bốn kỳ là cử-nhân (đời Trần gọi là cử-nhân, đời Lê gọi là hương-cống). Ai đỗ hương-cống mới được đi thi hội.
- thi hội để lấy tiến-sĩ cũng chia làm bốn trường; ai không trúng thì bổ tăng-quảng-sinh trường Quốc-tử-giám, trúng ba trường thì bổ chức vụ ở nha hoặc giáo chức, trúng bốn trường thì được vào thi đình.
- thi đình được tổ chức ở điện (đình) bằng một bài văn sách để định cao thấp. Người nào nhiều số phân thì được lấy đỗ tiến-sĩ, ít số phân được lấy đỗ phó-bảng.
Các tiến-sĩ được chia làm ba giáp:
- đệ nhất giáp gồm có ba người đỗ đầu là trạng-nguyên, bảng-nhãn, thám- hoa, được cho chữ tiến-sĩ cập-đệ;
- đệ nhị giáp cho chữ tiến-sĩ xuất-thân;
- đệ tam giáp cho chữ đồng tiến-sĩ xuất-thân.
Nhà Nguyễn năm 1807 định lệ thi hương, ai đỗ tam-trường gọi là sinh-đồ, đỗ tứ-trường là hương-cống, sáu năm mới có một lần thi; lấy thêm phó-bảng dưới bực tiến-sĩ: chánh-bảng viết tên các tiến-sĩ, phó-bảng viết tên những người đỗ dưới bực tiến-sĩ. Đời Minh-Mạng năm 1828, thi hương đỗ ba trường là tú-tài, bốn trường là cử-nhân.
Thi hương được mở ở nhiều nơi. Về đời Lê có chín trường: Hải-Dương, Sơn-Nam, Tam- Giang, Kinh-Bắc, An-Bang, Tuyên-Quang, Thanh-Hoa, Nghệ-An và Thuận-Hóa. Triều Nguyễn có các trường thi Thừa-Thiên, Gia-Định, An-Giang, Bình-Định, Nghệ-An, Thanh-Hóa, Nam- Định, Hà-Nội. Thi hội thì sĩ tử họp lại ở kinh đô. Thi đình được xem là kỳ thi cuối cùng của khoa thi tiến-sĩ để phân định thứ hạng.
Trong các kỳ thi đình, vua thường thân ra đề văn-sách hỏi về các đề tài thuộc phạm vi triết lý chính trị nho-học, tỷ dụ như: - trị đạo của các đế vương; đạo trị nước; nhân tài và vương chính; đạo vua tôi đời xưa; biết người yên dân; đạo làm vua làm thầy; chính sự đắc thất, v.v…
Đề thi phú năm 1304: “Đế đức hiếu sinh hiệp vu dân tâm” (đức hiếu sinh của Thượng đế hợp với lòng dân).
Đề văn sách kỳ thi hội năm 1472: Ý nghĩa dị đồng của Kinh và Thư; việc chính sự hay dở của các đời.
---------------------------------------------------------------------------
“Chiếu rằng:
“Muốn có người giỏi, trước hết là chọn người văn học. Chọn người văn học, lấy khoa mục làm đầu. Nhà nước ta từ trải loạn lạc đến giờ, người anh tài như lá mủa thu, bậc tuấn kiệt như sao buổi sớm. Thái-tổ ta mới dựng nước, đầu tiên mở nhà học hiệu, Khổng- tử dùng cỗ thái-lao*, sùng nho trọng đạo rất mực. Song vì nước mới dựng nên chưa đặt khoa thi. Trẫm nối theo chí trước, mong được hiền tài để thỏa lòng chờ đợi. Nay định thể lệ về khoa thi kỳ thi. Bắt đầu từ năm Thiệu-bình* thứ 5, thi hương ở các đạo, năm thứ 6, thi hội ở sảnh đường tại kinh-đô. Từ đấy về sau cứ ba năm một lần thi làm lệ thường. Ai đỗ đều cho tiến-sĩ xuất-thân. Thể lệ thi như sau đây” Kỳ thứ nhất một bài kinh-nghĩa, tứ- thư mỗi sách một bài, mỗi bài hạn từ 300 chữ trở lên; kỳ thứ hai chiếu chế biểu đều một bài; kỳ thứ ba một bài thơ một bài phú; kỳ thứ tư một bài văn-sách, từ một nghìn chữ trở lên.” (Đại-Việt Sử-ký Bản-kỷ Thực-lục, Kỷ nhà Lê, năm 1434)
*thái-lao: lễ tam-sinh, dùng trâu dê lợn để tế.
*Thiệu-bình: niên hiệu của vua Lê Thái-tông từ 1434 đến 1439.
*Nhà thập-đạo là nơi thu quyển của thí sinh.
(còn tiếp)