“Chị ạ, có lẽ chúng ta nên nghĩ đến ngày trở về lại Brisbane. Chúng ta đã già rồi, con cháu mình cũng đã trưởng thành. Chị đã nghỉ hưu, chúng em một vài năm nữa cũng vậy. Khi đó mình đâu cần phải sống mỗi người một nơi nữa. Ngày trước vì công ăn việc làm, vì tương lai con cái, chị em mình mới mỗi người mỗi nơi...”
Tiếng của Đức, cậu em kế tôi, đều đều, rỉ rả giữa buổi trưa nắng gắt, không gian dày đặc sức nóng.
Đức là em trai, nhưng lại gần với tôi hơn cả. Đức là một trong hai em song sinh của tôi. Lúc còn sinh tiền, mẹ tôi hay kể về thời gian mẹ tôi sinh hai em:
“Hồi đó, khi biết mình thai đôi, mẹ lo lắm, không biết sinh nở thế nào. Hôm mẹ chuyển dạ, bà Ngoại và bà Nội đưa mẹ đi sinh. Thằng cu Việt chui ra trước, trắng trẻo, chỉ khóc tí đỉnh rồi ngủ. Khoảng 10 phút sau, thằng Đức mới chui ra, nó đen như củ thục, lại nhăn nheo như ông già, cái miệng cứ ngoác ra, khóc thật to, hành lang bệnh viện vang vang tiếng của nó. Hai đứa khác nhau một trời một vực. Lúc ấy bà Nội bảo, bà nhận nuôi thằng xấu xí, còn thằng cu xinh xẻo thì nhường cho mẹ.
“Cả hai đứa đều bú khỏe, ngủ đẫy giấc, khi cả hai biết hóng chuyện thì tự nhiên cu Việt bỏ bú, em bị sốt, bị giật kinh phong, mẹ đưa em đến bệnh viện thì đã trễ.
Hôm ấy, bà Nội cũng bảo thằng cu Đức lần đầu tiên bỏ bú, khóc mãi không nín, cả nhà cuống cuồng, bố con sợ quá, đem em đến bệnh viện để khám xem có bị gì không. Bác sĩ bảo em bình thường. Bố mẹ bớt lo, nhưng nó vẫn bỏ bú và khóc đến hai hôm, sau cùng có lẽ vừa đói, vừa mệt, nên mới chịu bú lại.
“Sau khi chôn cất cu Việt, mẹ buồn quá, nên vẫn để cu Đức bên bà Nội. Khi Đức được hơn sáu tháng, mẹ mới đem em về. Lúc ấy nó hồng hào tròn trịa và cũng có nét của cu Việt. Tội nghiệp nó chỉ được bú mẹ có vài ngày sau khi sinh, sau đó, bà Nội đem về nuôi bằng sữa bò với nước cơm, nên khi được bú mẹ trở lại, ban đầu nó không quen, cứ khóc, vài ngày sau, mới quen, và hăm hở bú lấy bú để, thật tội hết sức!”
Mỗi lần nhớ đến Đức, tôi lại liên tưởng đến lúc em còn non nớt, đã không được bú sữa mẹ, lại bị mất người anh song sinh, nên em tôi luôn cảm thấy cần mẹ, cần gia đình, và lúc nào cũng muốn mọi người ở bên nhau?. Vì nếu có dịp, Đức lại đề nghị tất cả hãy thu xếp, để chị em sống với nhau như những ngày còn nhỏ.
Tôi nhớ sau khi cộng sản chiếm miền Nam, lúc đó cha tôi đã bị bắt đi tù cải tạo. Đức là sinh viên y khoa năm thứ ba. Một hôm Đức phải đến trường học chính trị, nhưng đến tối mịt vẫn chưa về. Mẹ tôi lo đứng lo ngồi, còn tôi ra đứng hẳn ở đầu ngõ chờ Đức. Tôi đọc kinh cầu xin Ơn trên che chở cho em tôi, nhưng những cảnh bắt cóc, đánh đập khủng khiếp cứ hiện rõ mồn một trong đầu. Cho đến khi chiếc xe Honda Dame quẹo vào ngõ, tôi nhận ra Đức cũng là lúc Đức phanh xe lại vì thấy tôi, nét kinh hoàng vẫn còn trên mặt em, Đức lắp bắp: chị lên xe mình về nhà nhanh đi chị…
Đêm đó, ngồi cạnh mẹ tôi và mấy chị em vây quanh, Đức vừa khóc vừa kể: học xong lớp chính trị, một người học trên hai lớp bảo cần gặp Đức. Đức lái xe theo anh ta đến một nơi vắng vẻ thì anh ta ngừng lại. Đức chợt thấy anh ta cầm súng, nét mặt hung dữ, bảo Đức xuống xe, vào một căn nhà hoang và bắt úp mặt vào tường. Lúc này, Đức nghĩ anh ta sẽ thủ tiêu Đức, …Đức nghĩ đến cha đang trong tù, mẹ, chị và các em đang mong Đức về, Đức cầu xin Trời Phật cho Đức được về nhà…chỉ xin được về nhà thôi!
Sau khi tra hỏi Đức về hoàn cảnh gia đình, ông cụ ở binh chủng nào, có nợ máu với nhân dân không, trong gia đnh có mấy người đi lính, Đức có tham gia một tổ chức phản động nào không…anh ta bảo tha cho Đức…
Đức lập cập lái xe trên con đường tối đen, và lo anh ta có thể bắn mình từ đâu đó…cho đến khi quẹo dược vào ngõ và gặp tôi… Thương em quá!
Tôi nhớ ngày mẹ tôi mất, ai cũng khổ. Riêng Đức như người mất hồn. Đức ràn rụa nước mắt, và cứ lẩm bẩm hỏi tôi: “Chị, mẹ mình mất rồi hả?”.
Sau khi chôn cất mẹ tôi xong, Đức lập bàn thờ mẹ ở nhà riêng và trải chiếu nằm dưới chân bàn thờ. Các em tôi nghĩ có lẽ Đức vì quá thương mẹ nên mới như thế. Nhưng tôi biết tâm hồn em tôi đang bị tổn thương trầm trọng,vì đây là lần thứ hai em bị rứt ra khỏi mẹ, và lần này em có trí khôn, em biết không còn có cơ may gặp lại mẹ nữa, nên nỗi đau vì thế mà sâu hơn, lớn hơn. Phải sau Lễ 49 ngày của mẹ tôi, Đức mới bình tĩnh lại, và chấp nhận mất mát lớn lao nhất trong đời. Nhưng cũng từ đó, nỗi khao khát sáu chị em sum họp lại càng mạnh mẽ hơn.
Lần này, chúng tôi về nhà, làm lễ giỗ mẹ lần thứ tư. Đức về sau tôi một ngày, vừa xuống xe, thấy tôi đón ở cửa, Đức đã nói: “Em cần nói chuyện với chị một tí.” Tôi bảo Đức vào nhà rửa mặt, còn nhiều thời gian lắm, nhưng Đức nói ngay: “Chị à, em về hôm sinh nhật bố, em thấy bố mình không khỏe như mình tưởng đâu. Tay ông cụ run nhiều, và có vẻ thính giác kém lắm. Em nghĩ chúng ta phải thu xếp thôi chị ạ, phải về nhà lo cho bố.”
Tôi nói: “Từ ngày mẹ mất, bố mình từ một người không biết gì chuyện bếp núc, bây giờ đã biết nấu nồi cơm điện, biết luộc rau, rán trứng... Bố muốn đời sống độc lập không lệ thuộc vào con cái. Bố mình bị bệnh tiểu đường từ hồi tù cải tạo về, nhưng không uống một viên thuốc nào, ông cụ tự kiểm soát việc ăn uống rất gắt gao. Cứ coi như thế, bố mình biết cách giữ gìn sức khoẻ. Cơm nước đã có hai em gái ở gần chăm lo. Cho nên chúng ta có ở gần thì cũng không làm gì hơn được.”
Đức vừa kéo valise vào phòng, vừa nói: “Em chào bố xong, hai chị em mình ra ngoài vườn, em có việc phải bàn với chị.”
Tôi không thể cưỡng lại lời đề nghị của Đức. Đôi mắt to xuôi theo chiều cong của đôi chân mày rậm, lúc nào cũng ánh lên sự thành khẩn và lòng biết ơn.
……
Tháng 11, tháng cuối Xuân, lẽ ra trời vẫn còn mát. Mọi năm, cây Phượng tím cuối vườn nở hoa tím ngát. Hoa tím rụng đầy trên nền cỏ xanh thật đẹp. Nhưng năm nay, khí hậu thay đổi, trời nóng bất thường, Phượng tím nở sớm, và tàn nhanh trước khi chúng tôi về nhà. Cây Phượng đỏ của bà hàng xóm đang lún phún trổ hoa, còn con đường trước nhà, ngay đầu dốc lại ngập hoa Phượng đỏ.
Tôi lấy miếng giấy lau hai chiếc ghế ngoài vườn, và ngồi chờ Đức. Tôi cũng đã nghĩ đến một lúc nào đó, tôi sẽ trở về thành phố này, vì mẹ tôi đã nằm lại đây.
Ngày vượt biên, chúng tôi không hề có ý nghĩ chọn bất cứ mảnh đất nào trên thế gian này làm quê hương thứ hai, vì chuyến vượt biên không có mẹ. Vậy mà mẹ tôi đã đến, đã sống và nằm lại đây. Thời gian qua thật nhanh và cũng thật huyền diệu.
Lúc còn trẻ, cứ nghe mẹ tôi than thời gian trôi nhanh như vó câu qua cửa, tôi chẳng thấy nhanh chút nào. Mọi ngày như mọi ngày, đi học, làm bài tập ở nhà, sáng mai lại đi học, rồi thi cử...chán ơi là chán. Không chỉ tôi mà cả đám học trò chúng tôi chỉ mong hè đến, được nghỉ học, được rong chơi với các bạn, đạp xe đạp giăng hàng ngang ngoài đường lộ.
Lại mong thời gian đi thật nhanh, để được lớn, được đi làm, có đời sống độc lập, muốn đi đâu thì đi, không phải xin phép cha mẹ. Càng bước vào tuổi thanh xuân, càng có nhiều mộng mơ, nhiều khao khát, nhiều nôn nao…nên thời gian theo đó cứ dài ngoằng như cả thế kỷ.
Bây giờ đến tuổi già, cũng chừng đó thời gian 24 giờ một ngày, lại thấy thời gian sao ngắn quá, sao thời gian trôi nhanh quá!? Thật không sao hiểu nổi!
....
Có tiếng của Đức:
- Ông cụ vừa giảng cho một bài moral.
Tôi cười:
- Có phải Đức ca cẩm bài “hội tụ” không?
Đức cười phá lên:
- Sao chị hay thế? Đúng, đúng là em bàn với ông cụ việc mấy chị em mình sẽ trở về đây, vì già rồi, cần phải nương lẫn nhau và cũng để sống với Cụ. Chưa nói hết câu, Cụ đã cho một bài thật dài.
Tôi hỏi:
- Cụ nói sao?
Đức nhìn tôi phân bua:
“- Cụ bảo em là lý thuyết gia, không bao giờ thực tế cả. Dù là anh chị em ruột, nhưng trời sinh mỗi người có một bản tính riêng, một quan niệm sống riêng, đừng bắt người khác phải theo ý mình, vì như thế là độc đoán, độc tài.
“Và không biết có chuyện gì, ông Cụ giáng cho em một câu: Cụ không thích là gánh nặng của bất cứ đứa con nào, trai cũng như gái, vì thế, đừng làm Cụ có cảm giác bị lệ thuộc.
“Nghe xong em mướt mồ hôi, nhưng em nói chăm sóc bố mẹ là bổn phận của con cái, thuận đạo lý làm người. Còn việc chị em mình được sống gần nhau là hạnh phúc, là phước đức và cũng là chuyện thực tế, vì mọi người đã hoặc sửa soạn về hưu, không còn bị ràng buộc bởi nơi ăn chốn ở, công ăn việc làm. Con cái cũng đã lớn, mình không còn trách nhiệm nhiều như khi chúng còn nhỏ. Hằng ngày chị em điện thoại thăm hỏi nhau có khoẻ mạnh không, thì tại sao không sống gần nhau để mắt thấy tai nghe về sức khoẻ của nhau, như thế có tốt hơn không?”
Tôi nói:
“- Ai bảo cái tật nói dai không chừa. Chị biết ý của Đức, gia đình quây quần với nhau ở một nơi là tốt, là hay, nhưng không thực tế. Ai cũng vậy, khi còn bé, còn đang ở thời kỳ cần được nuôi dưỡng, dạy dỗ, huấn luyện, nên cần phải nương nhờ cha mẹ. Khi trưởng thành thì phải ra đời và tự lập. Phải đóng góp, xây dựng môi trường mình đang sống sao cho tốt đẹp hơn. Do đó, chân trời mới luôn là một hấp lực huyền bí kéo người ta đi tới.
“Chị em mình cũng vậy, sau khi được cha mẹ nuôi dưỡng thành tài, chúng ta cần phải tự lập, cần phải vinh danh công ơn cha mẹ qua sự thành công của mình trong xã hội, nên vấn đề địa lý trở thành thứ yếu. Sáu chị em mình đã như đàn chim đủ lông đủ cánh bay đi tứ phía để trưởng thành.
“Mấy chục năm qua, chúng ta đã tạo dựng cho mình một cuộc sống riêng biệt, với những thành công, thất bại, và nỗi vui nỗi buồn. Những điều này tưởng là riêng tư, nhưng thực sự, chúng là kinh nghiệm quý báu chung của đại gia đình.
“Tuy ở xa nhau, nhưng có điều gì mà chị em mình không chia sẻ với nhau chứ? Mua cái xe, cái nhà, còn bàn với nhau cơ mà. Chuyện vợ chồng con cái, thay đổi ngành nghề, đám cưới đám xin, lúc nào cũng hỏi ý nhau. Ngày xưa thì điện thoại, bây giờ thêm email, webcam..Chị nghĩ, chúng ta luôn ở gần nhau đấy chứ! Còn việc thu xếp để thực sự gần nhau, sát vách nhau, không dễ đâu. Phải bán nhà, bán xe, rồi lại mua nhà, mua xe, chọn địa phương thích hợp thuận tiện cũng nhiêu khê lắm, chúng ta đã lớn tuổi, thay đổi chỗ ở sẽ không dễ như lúc mình còn trẻ.
“Một điều quan trọng nữa là mỗi người mình, đều có vòng bạn hữu ở nơi mình cư ngụ, làm việc từ mấy chục năm qua, cùng các bạn đã chia ngọt sẻ bùi, vui buồn kinh nghiệm, nên phần đời còn lại, chúng ta cũng không thể thiếu họ.
Đức cố thuyết phục tôi:
“- Em nghĩ chúng ta sẽ chung vốn mua một miếng đất, và xây sáu căn condo riêng biệt ở đó. Chúng ta vẫn có đời sống riêng, nhưng được ở gần nhau. Bạn bè của tụi mình thì cũng sẽ về hưu như mình, khi ở xa nhau, mọi người sẽ có cơ hội vừa đi thăm bạn, vừa đi du lịch nữa. Và khi chúng ta đi du lịch, đi chơi với bạn, vẫn có người ở nhà chăm sóc nhà cửa, an toàn lắm chị ạ. Bạn của chị sẽ là người thân của chúng em. Bạn của chúng em sẽ bầu bạn với chị. Chị thấy nhất cử lưỡng tiện không? Nếu chị đồng ý, em sẽ nói với các em, em tin các em cũng sẽ ủng hộ chị ạ.”
Tôi nhìn Đức, hình ảnh đứa bé đỏ hỏn không được ở bên mẹ, và người đàn ông có đôi mắt hiền, lúc nào cũng thoáng nét chịu đựng… bỗng xen kẽ ẩn hiện, chồng lên nhau, chìm vào nhau và chợt nhoè nhoẹt.
Tôi hiểu và thương em tôi. Tuổi càng cao, tình cảm chị em không chỉ gắn bó bởi máu mủ tình thâm, mà còn là tình bạn chân thực, một lòng vì nhau.
Đức đứng lên, đặt tay lên vai tôi và nói: “Em thấy chị gầy và yếu hơn năm ngoái, em rất lo, lỡ có chuyện gì, em ở xa không lo ngay cho chị được. Chị ráng thu xếp về.”
Tôi lặng lẽ thổn thức. Tấm lòng nhân hậu của Đức đã luôn sưởi ấm tình nghĩa gia đình ruột thịt.
Nắng đã lên cao phủ hết sườn đồi phía sau nhà, đám cúc dại có hoa vàng, hoa tím được ủ ấm, sẽ rẽ đất vươn lên và hoa lại tràn lan như mọi năm. Tôi gật đầu hứa với Đức, thế nào thì cuối cùng tôi cũng sẽ về với các em. (PDH 11/13).