Đối với một người Việt đi lương, học thức trung bình biết chút tiếng Hán Việt, nghe qua bốn chữ tứ vô lượng tâm thì có thể hiểu ngay là 4 cái tâm bao la, rộng rãi. Nhưng thế nào là tâm bao la rộng rãi thì tắc, không giải thích được. Tra cứu thêm một chút sách vở thì thấy bốn chữ tứ vô lượng tâm có khi được thu lại còn ba chữ là Tứ vô lượng, để chỉ 4 điều là từ, bi, hỉ, xả (tiếng Phạn là Metta, Aruna, Mudita, Upekkha). Nghĩa ngắn gọn của 4 chữ này là:
Từ= hiền; Bi= thương xót, Hỉ= vui vẻ; Xả= bỏ đi.
Thành ra chữ tâm trong 4 chữ tứ vô lượng tâm không có nghĩa vật thể là trái tim vì vật thể mà bỏ đi thì mất ý. Mà có nghĩa nôm na là ‘lòng’, trong câu “lòng tôi không vui” hay “tâm tôi không yên”. Nói khác đi tâm hay lòng ở đây có nghĩa là thái độ, hay cung cách hành xử. Mà khi nói cung cách hành xử thì có sự đánh giá đúng sai, tốt xấu. Hiểu như thế thì từ, bi, hỉ, xả không thể là những đặc tính bẩm sinh có sẵn từ khi ra đời, như có người đã nghĩ. Bởi lẽ đứa bé mới sinh chưa thể biết gì về môi trường sống để đánh giá hiền dữ xấu tốt đúng sai để mà có thái độ dễ chịu, buồn thương, vui vẻ hay vất bỏ đi.
Một hài nhi bình thường lọt lòng mẹ chỉ có đủ những điều kiện cơ thể tối thiểu với một hệ thần kinh, ngũ quan, xương cốt, da thịt, tay chân vân vân để sinh tồn phát triển. Nói đơn giản dễ hiểu cho giới trẻ thời nay thì não bộ thuộc hệ thần kinh trung ương như là một ổ đĩa cứng (hard drive) của chiếc máy điện toán mới nguyên chưa dùng.
Thực thế, khi trứng từ noãn sào của mẹ thụ tinh bởi tinh trùng của bố thì trở thành một tế-bào-nguyên- thủy mang những nhân tố di truyền trong nhiễm sắc thể của bố mẹ và phát triển theo đó để trở thành thai nhi, sinh ra với những đặc tính cơ thể như mắt xanh da trắng (Âu Mỹ), tóc đen da vàng (Á châu) hay tóc xoắn da đen (Phi châu), phản ứng nhanh hay chậm vân vân. Nói khác đi, chỉ có những đặc tính cơ thể là di truyền, là bẩm sinh. Hài nhi lọt lòng mẹ do đó được gọi trong các bài viết khoa học là “genotype”, nghĩa là ‘một mẫu gene’ . Những hài nhi này khi được nuôi dậy trưởng thành ở môi trường nào thì sẽ hành xử theo môi trường đó và trở thành một ‘phenotype’. Nói cho rõ thì một hài nhi ngoại hình Âu Mỹ (da trắng mắt xanh) lúc lọt lòng mẹ mà do người Á châu nuôi thì sẽ là nói tiếng Việt hay tiếng Tầu, tiếng Nhật, ăn cơm… chứ không nói tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức, ăn bánh mì như người Âu Mỹ.
Mở ngoặc để nhấn mạnh cho thấy sự rất quan trọng của môi trường lên con người (và các sinh vật, động vật cũng như thực vật). Thực thế, một giống tùng hay bách cao lớn trong thiên nhiên sau khi qua tay uốn nắn của người làm cây cảnh có thể biến thành một cây cảnh nhỏ trong một chậu cảnh đường kính trên dưới một gang tay. Một em bé thiếu ăn bụng ỏng đít vòn từ một nước nghèo lạc hậu trở thành một thanh niên cường tráng sau khi được một người Tây phương không con nhận làm con nuôi đem về chăm sóc cho vui cửa vui nhà. Và vô số bằng chứng khác đầy rẫy trong đời sống. Cũng nói thêm rằng tác động của môi trường lên con người là thường trực, khiến cho con người thay đổi với thời gian, nghĩa là tuổi tác. Cụ thể là một thuyền nhân lúc mới định cư ỡ Mỹ khác hẳn cũng người thuyền nhân đó sau khi đời sống ổn định, có gia đình con cái.
Trở lại với chủ đề Tứ vô lượng tâm.
Từ, bi, hỉ, xả là bốn chữ thường được nhắc đến và nêu ra trong chùa, cho nên nhiều người nghĩ là từ Phật giáo. Bốn chữ này không phải là câu nói thường ngày cửa miệng vì người Việt Nam tuyệt đại đa số chỉ là ‘đi lương’, tức là chịu ảnh hưởng của tam giáo gồm Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Khổng giáo biểu hiện cụ thể là thờ cúng tổ tiên, kính trên nhường dưới, gọi dạ bảo vâng, nhân lễ nghĩa trí tín vân vân. Người dưới ảnh hưởng Lão giáo thì tin theo phù thủy, lên đền, cầu đảo, ngồi đồng chữa bệnh, hay là bỏ cuộc đời vào núi tu tiên. Phật giáo thì lý thuyết là y cứ theo lời Phật dậy trước khi nhập diệt là “văn tư tu” để suy nghĩ thấy điều phải để sửa mình cho khỏi khổ. Giới bình dân không suy nghĩ sâu xa, theo Phật giáo pháp môn Tịnh độ, chỉ đơn giản tụng kinh, đi chùa lễ Phật, cầu an cầu phúc vào những ngày rằm mồng một. Hay ít ra thì cũng vào những dịp lễ lạc như Phật thành đạo, Phật đản, tết nguyên đán…Vào thập niên 1960 ở miền Nam, vì những lý do chính trị, Phật giáo được thổi lên địa vị nổi bật để cạnh tranh với Công giáo mà tổng thống Ngô đình Diệm là người Công giáo thuần thành, tin tưởng chỉ có Công giáo mới có thể chống bành trướng Cộng sản hiệu quả. Cũng từ đó, năm 1963 sau khi ông Diệm bị lật đổ, Phật giáo ở miền Nam mới trở thành có tổ chức giáo hội, chức sắc . Trong khi trước đó thì các sư sãi cùng một giáo phái thường chỉ gần gạnh liên lạc với nhau quanh một vị sư trưởng trong một vùng, một miền. Tạm kể một vài chùa lớn ở Hà Nội thì có chùa Quán Sứ, ở Huế thì có chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm…, ở Sài gòn có chùa Kỳ Viên, chùa Từ Nghiêm, chùa Ấn Quang vân vân.
Khi hiểu tứ vô lượng tâm hay tứ vô lượng là thái độ, cung cách suy nghĩ hành xử thì tức là được giáo dục, học hỏi dần dần. Trong môi trường Á châu dưới ảnh hưởng tam giáo, đời sống một người đi lương Việt Nam không chỉ dựa trên giáo lý Phật giáo, mà phản ảnh tư tưởng tam giáo ở những mức độ khác nhau. Sự dung hợp này không thể nào có ở những trẻ lớn lên trong môi trường Tây Phương Do Thái Thiên chúa giáo tin tưởng tuyệt đối ở một đức Chúa, không y theo là một tội nặng. Do đó mà nguyên tắc hành xử là “oeil pour oeil, dent pour dent” (tức là ‘ăn miếng trả miếng’).
1/ Đi vào chi tiết giải thích Từ hay hiền, người ta thường hay nghĩ đến hai chữ ‘từ mẫu’ hay ‘hiền mẫu’ cho dễ hiểu. Nhưng nghĩ như thế là không đủ ý, vì chỉ giới hạn giữa mẹ với con có quan hệ máu mủ ruột thịt, trong khi ‘từ’ hay ‘hiền’ là một cung cách đối xử - giữa ‘ta’ (từ Hán Việt là ‘ngã’) với một đối tượng không phải là ta (từ Hán Việt là ‘tha’). Trong tinh thần bao la vô lượng ‘Tha’ không chỉ giới hạn ở loài người, mà là bao trùm hết mọi sinh vật, động vật cũng như thực vật.. Những người có tính để ý chắc hẳn đã thấy có những đứa bé vô cớ trông thấy con giun dưới đất là đạp chân lên di cho chết, hay là cầm cái hoa xé từng cánh… Người ta cũng biết có những thường nhân cũng như các nhà tu hành mê xem đấu vật Mỹ (wrestling), rú lên hay rít lên cổ võ khi một đấu thủ quật được đối thủ xuống, dùng chân nhẩy lên đạp, đá vào người đã nằm dưới sàn vân vân…Những thái độ này dù là vô tình không suy nghĩ (như trường hợp đứa bé) hay chỉ phản ứng tự nhiên (như tu sĩ xem đấu vật) không phải là hiền mà là dữ. Tóm lại:
Từ hay hiền là không có suy nghĩ xâm phạm hay tán thưởng làm hư hại đến cái ngoài mình (tha) đang yên lành. Bởi tư tưởng đúng thì hành động đúng, tư tưởng sai thì hành động sai.
2/ Bi, hay thương xót.
Thông thường người ta dễ thương hại người khác khi trong tình trạng no đủ. Tuy nhiên trong cuộc đời xưa cũng như nay có những người tuy nghèo nàn túng thiếu mà vẫn chia xẻ miếng ăn cho kẻ cơ hàn. Như chuyện bà già Phiếu Mẫu kiếm ăn bằng nghề giặt đồ thuê mà vẫn chia xẻ miếng cơm cho Hàn Tín danh tướng nhà Hán (sinh năm 229 TCN, chết năm 196 TCN) thuở Hàn Tín hàn vi. Hành động này nghĩ cho đúng thì không do ảnh hưởng Phật giáo. Bởi vì đức Phât sống từ 563 TCN đến 483 TCN ở Ấn Độ. Đạo Phật truyền sang Tầu khoảng thế kỷ thứ nhất sau Thiên Chúa cho nên Phật giáo không thể có ảnh hưởng rộng rãi đến bà Phiếu Mẫu người Tầu nghèo xơ xác sống trước Công nguyên. để mà chia cơm cho Hàn Tín.
Cái tinh thần thương xót này được mô tả trong câu tục ngữ Việt Nam
Thấy người hoạn nạn thì thương
Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn
Trong tinh thần vô lượng tâm, Bi là thương xót không giới hạn, không phân biệt ‘ngã’ với ‘tha’
3/ Hỷ là vui. Không phải chi vui với cái mình có, mà vui cả với cái người khác (‘tha’ ) có. Với điều vui thứ hai này, thì hỷ có nghĩa là không ghen tị. Nói khác đi là mình chỉ có cái xe hơi nhỏ rẻ tiền không có nghĩa là mình không vui được cho người hàng xóm có cái xe hơi to đắt tiền hơn. Mình nghèo nhưng không vì thế mà không vui cho người giầu. Hỷ còn có nghĩa là chấp nhận, là vui với hoàn cảnh của mình. Như trong bài thơ Ngô đệ cựu ca cơ của Nguyễn Du tả người hầu cũ của em ruột mình khi thịnh thời làm quan.
Phồn hoa nhân vât loạn lai phi
Huyền lạc quy lai kỷ cá tri
Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly
Phúc bồn dĩ hỷ nan thu thủy
Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử
Khả lân do trước khứ thì y
Lược dịch:
Người ca công cũ của em tôi
Nhân vật phồn hoa từ khi có loạn đã khác trước
Hạc đen trở về mấy người biết đến?
Từng nghe tiếng hát uyển chuyển trong tay áo hồng
Đầu bạc gặp nhau cùng khóc nỗi lưu li
Chậu đã đổ rồi chỉ còn vui với chuyện khó thu lại được nước
Ngó (sen) đã đứt rồi vẫn chưa dứt tơ
Nghe nói đã lấy chồng được ba con
Đáng thương còn mặc áo cái áo cũ lúc ra đi
Trích dẫn từ cuốn «Tố Như và Đoạn Trường Tân Thanh» (tác giả: giáo sư Trần Ngọc Ninh)
Nguyễn Du khi đi sứ sang Tầu, qua Bắc Thành (Hà nội) có tổ chức một buổi họp mặt những người quen biết xưa cũ, tự ví mình như con hạc đen (theo truyền thuyết đi xa nghìn năm) trở về. Trong buổi có người hầu cũ hát hay đã lấy chồng có ba con, mặc chiếc áo hồng cũ ngày cũ đến dự làm ông cảm động viết bài thơ Ngô đệ cựu ca cơ.
4/ Xả là vất đi bỏ đi. Thông thường vất bỏ đi cái không cần thiết, như xả rác. thì không nói làm gì. Bỏ đi cái ít nhiều hữu dụng, vì hết chỗ chứa thì có thể hơi ngần ngại. Khiến lâm vào tình trạng ‘ôm rơm nặng bụng’. Nhưng bỏ đi cái mình yêu thích thì thực là khó. Nói thế, nhưng thực tế trong đời có nhiều trường hợp bỏ đi những điều không vui tạo bực cho mình còn khó khăn hơn. Thí dụ như bỏ đi sự căm ghét một chuyện gì đó, một kẻ nào đó, một sự tình nào đó tuy chẳng đáng gì. Người Việt mình biết cái thái độ này chẳng phải là điều hay cho nên tục ngữ đã có những câu : ‘Chín bỏ làm mười’, ‘Một sự nhịn chín sự lành’
Rút lại, thì có thể nói là cái cung cách ứng xử Tứ vô lượng (từ bi hỉ xả) bắt nguồn từ yêu cầu đời sống của con người. Vì não bộ con người có khả năng suy nghĩ cao, sâu và rộng cho nên hiểu được nhu cầu khai dụng khả năng cá nhân và tha nhân để tăng trưởng. Con người không phải là động vật sống một mình mà có xu hướng sống tập thể, nhỏ thì là gia đình mà lớn hơn thì là bộ lạc, để có thể sinh tồn, phát triển. Nếu muốn quy kết cho một nguồn gốc ảnh hưởng triết lý thì có thể tạm coi là của Khổng Tử (sống từ 551 TCN đến 479 TCN) - Khổng tử chủ trương nhân lễ nghĩa trí tín, dù có chết cũng chấp nhận để bảo vệ lẽ phải này - hay Lão Tử (571 TCN - 471 TCN - Lão tử chủ trương vô vi, chẳng cần làm gì, vào núi tu tiên.
Nếu hiểu hai triết gia này có thái độ về cuộc đời như thế thì quy mấy chữ Từ Bi Hỷ Xả cho họ khó mà có thể nói là khiên cưỡng.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 30 tháng 3 năm 2023)