Những năm đầu 80, tôi không hiểu tại sao cả gia đình gần 10 người, lại có thể sống qua ngày với đồng lương chết đói giáo viên của cô tôi. Hình như mỗi tháng cô nhận 40 hay 50 đồng gì đó, tiêu chuẩn thực phẩm được mua 13 ký gạo, trong khi công nhân biên chế diện lao động nặng là 19 ký, bộ đội 21 ký, nông dân trực tiếp làm ra lúa gạo thì chỉ được 11 đến 15 ký. Nếu gia đình khá giả mua thêm được gạo chợ đen thì thoát được cảnh ăn độn; còn lại hầu hết tầng lớp dân thường đều phải độn gạo với bobo, hoặc khoai mì, khoai lang.
Trốn nghĩa vụ, ăn bám gia đình, không thể lao động gì nên tôi chẳng có niềm vui gì mà sống, trong đầu chỉ nghĩ tới chuyện vượt biên, chết sống phó mặc cho trời. Cũng may năm 79, bà cô thứ ba của tôi vượt biên thành công. Qua Mỹ 1 năm, cô gởi tháng một thùng quà cứu tế; nhờ thế mà cô lớn của tôi đỡ vất vả.
Phần tôi nhận được số vàng mẹ dằn dụm, tự tin nhờ cô lớn liên hệ cho chuyến đi. Thời điểm đó, nếu là ghe nhỏ, đi bất hợp pháp mất khoảng 3 cây. Đi bán chính thức, ghe lớn phải từ 6 đến 10 cây. Tuy nhiên ngay lúc tôi còn ở Việt Nam, đã nghe những chuyến đi bán chính thức bị công an lật kèo thương tâm. Trung bình ghe dài 15m máy 6 lốc là thuộc loại lớn, có thể chứa cả trăm, nhưng công an tham vàng, cho lên tàu gấp đôi số lượng người là thường; vì thế chưa ra được cửa biển đã bị chìm nghỉm, ai biết bơi thì sống, không thì trở thành mồi cho hà bá.
Mà đi, thì xác xuất 1 lần lọt chẳng khác gì trúng số độc đắc. Cô ca sĩ nổi tiếng Thanh Lan tôi có lần chơi nhạc cho nàng, di cư năm 54 chưa đủ, nàng tìm đường chạy tiếp hơn chục lần mà không lọt. Frere giám học Valery An của Lasan mà tôi biết thì phải đến lần thứ 13 mới thành công. Thằng bạn cạnh nhà thì bỏ xác trên biển…
Tôi được cô tôi giới thiệu với gia đình bạn cô; cũng là giáo viên dạy chung trường tiểu học ở Thủ Đức. Gia đình cô xem tôi như người trong nhà, chồng cô là đại úy hải quân bị học tập cải tạo 7 năm mới về. Hồi đó, sĩ quan hải quân của chính quyền miền Nam còn kẹt lại rất có giá, vì thế nào cũng được các tổ chức vượt biên đến tìm mời lái ghe đi, có quyền đem theo gia đình giới hạn khoảng 4 – 5 người. Anh ấy hứa với tôi nếu đi không lọt lần này thì sẽ kéo tôi đi lần khác vì biết tôi chẳng có tiền để đi chuyến thứ hai hay ba. Để tôi yên tâm, anh rủ tôi đi coi chiếc ghe người ta mới đóng ở Long An, mọi chuẩn bị phía chủ tàu và nhóm tổ chức đã đâu ra đó, chờ ngày tốt khởi hành.
Một nghề hái ra tiền lúc đó là xem bói. Dù là người công giáo, đặt hết tin tưởng vào ơn trên nhưng tôi cũng thử đi xem thời vận. Kinh nghiệm thầy nào mà bói đi không được, phải cúng thì 90% là thầy mù, nhiều khi công an cài vào để nghe ngóng tin tức. Tôi chọn một bà thầy cũng người công giáo đồn bói hay. Bà ấy xem chỉ tay, nói phía dưới lòng bàn tay tôi bên phải có tỏa ra một ngôi sao, chắc chắn sẽ xuất ngoại, còn lại đi với ai có hợp hay không thì bà xóc bài, tôi rút ngay một lá “King” đặt giữa các con bài; bà phán người đưa tôi đi sẽ thành công nhưng ông ta tuổi gà, phải tạo điều kiện để con gà tung cánh. Tôi ừ hử, chẳng biết tạo điều kiện là như thế nào. Trước ngày xuất hành, tôi lên nhờ thờ Fatima thầm thì cầu xin, nếu có bề gì chỉ cần Đức Mẹ giữ gìn linh hồn tôi.
Một ngày cuối tháng 6, dưới vỏ bọc em nuôi của gia đình bạn cô tôi gồm vợ chồng và 2 cô con gái đứa 5, đứa 7 tuồi; chúng tôi lên Sài Gòn chờ xe đưa ra bãi. Tôi vẫn gọi hai anh chị bằng cô chú đúng vai vế, hai đứa bé thì gọi tôi bằng cậu. Đặc biệt, ngoài tôi là thành viên, còn một nhân vật khác, em gái khá dễ thương của ông anh nuôi làm tôi không ít lần nhìn trộm. Tôi không cho thằng bạn thân nào biết ngày đi, kể cả bố mẹ, anh em ruột của tôi ngoài Nha Trang.
Hôm đó lên Sài gòn chờ cả ngày, đến tối người đưa tin thông báo, có trục trặc phải dời ngày khởi hành. Chúng tôi lại kéo nhau lếch thếch về. Nội và cô tôi đang thấp thỏm, thấy tôi quay lại, ngạc nhiên. Thôi coi như còn duyên ở nhà thêm 1 đêm nữa. Tối đó, ngồi bóp chân cho bà nội tôi, đã gần 65 tuổi; bà nói: -“Mai đi mày thay cái áo khác, đừng mặc áo hôm nay, chú ấy tuổi gà mà mày mặc áo sọc chẳng khác gì lưới chuồng gà”… tôi bật cười nhớ lại lời cô thầy bói; ngày hôm sau thay cái áo màu xanh, màu của Đức mẹ.
Tôi linh cảm chắc không còn gần bà nội nữa vậy mà bà thủ thỉ tiếp: -“Lúc tao chết, có mày về, cô mày bên Mỹ sẽ không có mặt.” Tôi thấy rất kỳ, vì những năm đó, sống đến 70 coi như là thọ, tôi đi không hẹn ngày trở lại vì vượt biên đã là tội phản quốc rồi thì làm sao mà gặp. Nếu về, cô tôi mới có điều kiện hơn.
Thế mà 35 năm sau, đúng lúc tôi dự định về VN mừng lễ thượng thọ 100 tuổi của bà thì bà mất. Cô tôi bị bệnh bên Mỹ, khóc nức nở qua màn hình Ipad, ba tôi con trai trưởng chân yếu không vào Sài Gòn đưa tiễn mẹ được, tôi đại diện cho ba và cô tôi ở cạnh bà những giờ phút cuối trên dương thế.
Trở lại chuyến đi, tôi cùng gia đình anh nuôi lên Sài gòn trưa ngày hôm sau. Bằng chuyến xe thùng chạy than cà rịch cà tang, chúng tôi đi về hướng Vũng tàu. Chiều tới một thị trấn nhỏ, xe đỗ ngay giữa chợ, mười mấy mạng trên xe nhảy xuống với túi hành trang gọn nhẹ. Trời đổ cơn mưa tầm tã, dân chợ ném tia mắt dò xét, đâu đó có tiếng nói bâng quơ, hình như của một tên dân phòng hay công an gì đó:
-Đêm nay lại thịt được mấy con bò lạc.