Năm ngoái, nhờ Fb của Lasan Mossard, tôi kết nối lại với một người đàn anh cũng là một ân nhân khi đặt bước chân lên đảo Jubilee -Hong Kong. Hai anh em từng có thời gian sát cánh 3 tháng hoạt động thiện nguyện tại trại tị nạn, phân phối quần áo lương thực cho hàng ngàn thuyền nhân. Thời ấy không có phương tiện liên lạc, rời trại xong là bặt vô âm tín. Mãi hơn 40 năm sau...」
Lúc ấy ngày nào cũng có ghe tới hoặc được tàu vớt đưa tới Hong Kong. Ký ức xa vời của tôi vẫn nhớ những chuyến ghe đầy ắp cả trăm người nhưng có chuyến ghe chỉ 2 cô gái trẻ.
Câu chuyện được nghe lại, ghe vượt biên hai cô bị tổ chức dẫn đường bỏ lại trên hoang đảo; đói quá người ta giết những người không còn sức để ăn thịt nhau, những người khỏe mạnh tìm cách lên thuyền tiếp tục ra đi nhưng cũng chết dần chết mòn, cuối cùng khi có tàu vớt thì chỉ còn hai cô đã gần như mất trí.
Dường như sợ hãi chính ngay con người, đi đâu cũng thấy hai cô dính với nhau, tôi vẫn còn nhớ gương mặt thanh tú với đôi mắt ngây dại, đưa đồ gì nhận đồ đó chứ không đòi hỏi. Có lẽ Cao ủy đã đặc cách cho 2 cô vào Mỹ và tôi vẫn mong 2 cô có cuộc sống bình yên, không còn đau khổ với những hình ảnh ghê rợn.
Thường ghe đi ngược lên hướng Bắc, mà điểm dừng là Hong Kong, sẽ mất nhiều ngày và dễ chết đói, khát hơn ghe xuôi về miền Nam gần Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi. Tuy nhiên ghe hướng nam thường bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp; có khi đàn ông thanh niên bị giết cả ghe để không còn sự kháng cự nào. Mà bọn hải tặc Thái, hầu như chỉ là ngư phủ bình thường, không hiểu sao chúng có thể trở nên những con ác thú.
Chuyến ghe gia đình bên vợ tôi không tiến được lên Bắc mà cũng không xuôi được về Nam; hình như chiếc ghe trôi dạt qua phía sau vùng biển Phi, được mệnh danh là vùng biển chết do ít tàu bè qua lại. Lênh đênh 41 ngày không lương thực và cầm cự nhờ những cơn mưa. Cuối cùng 10 người hy sinh, trong đó có anh vợ tôi, cũng là thuyền trưởng. Anh để lại 2 đứa con gái còn rất nhỏ tuổi và cái bào thai trong bụng chị dâu.
Sau này tôi hỏi vợ, -lúc thấy người trên thuyền chết như vậy có sợ không?
Đừng nghĩ câu này vô duyên, vì lúc tuyệt vọng quá, cái chết là một sự giải thoát.
Vợ tôi nói, chỉ sợ mình là người chết cuối cùng không ai cầu nguyện cho.
Trở lại chuyến đi của tôi đang kể dang dở.
Ông anh tính tọa độ để xuống miền Nam tắp vào Mã Lai hay Singapore trong vòng 3 ngày, tránh khu vực gần Thái Lan. Trước 75, anh từng là chỉ huy giang đỉnh ở Nam Du nên khá thông thạo địa thế. Thế nhưng cơn bão đã làm các tính toán trở nên vô vọng. Anh phải nương theo gió, lúc chạy lúc ngừng để giữ máy. Con tàu ngược hướng bắc, các hải đảo VN quá quen đối với anh nên anh không để bị lầm tắp vào. Nhưng lúc này thì chỉ còn chờ tàu vớt vì đã rất xa các trại tị nạn của Phi, Mã, Sin...
4 ngày lênh đênh, gặp nhiều tàu lớn nhưng tất cả đều làm ngơ bỏ đi mặc dù ông anh tôi đã hy sinh chiếc áo cuối cùng mặc trên người, đốt để báo hiệu S.O.S vào ban đêm khi thấy một con tàu chạy tới. Nhưng nó cũng bỏ đi tuốt. Cũng may trên tàu mọi người rất trật tự, tuân theo hướng dẫn của nhóm tổ chức. Lúc khỏe tôi cũng phải nhảy xuống buồng máy thay phiên cùng các chàng trai khác múc nước tràn vào ghe. Mỗi ngày uống vài ngụm nước và ngậm tí sữa “Ông Thọ”; phải chi khi đó có sữa Cô gái Hà Lan thì những cơn mơ trong lúc chập chờn theo sóng nước chắc sẽ đã hơn.
Thế nhưng tới ngày thứ tư, nước và sữa cũng đã cạn, người lớn để dành cho các em bé. Mọi người bắt đầu biết cơn khát nó hoành hành cơ thể như thế nào, mệt quá nên đói lã đã không còn cảm giác.
Sau này lên trại, một cậu trên ghe mà tụi tôi hay gọi là “Hải bóng” viết thư về cho má nó kể lể: -Không còn nước, con hoa mắt lịm dần, trong cơn mơ con thấy có dòng nước suối chạy ra rót vào miệng, nhờ thế mà sống!”
Đám độc thân tụi tôi chộp được lá thư chưa kịp gởi của nó, đọc xong mấy thằng ồn ào phân tích, -Nó ngồi dưới con bé Hoa (lúc đó 16 tuổi), con chủ tàu, dòng nước suối mà nó uống chỉ là của con bé này đ..i xuống... lỡ trúng vào miệng...
Chọc vậy mà nó không giận, giờ thì không biết lang bạt ở phương trời nào trên đất Nhật.
Ngày thứ 5, ông anh phát hiện chiếc phi cơ vần vũ trên bầu trời. Anh hét lên, “có máy bay chắc của Mỹ”. Đã từng đi huấn luyện bên Mỹ nên anh khá rành chuyện phối hợp giữa tàu bay và tàu thủy. Không còn gì để đốt, anh kiếm được mảnh bìa có ghi sẵn S.O.S giơ lên trời, cao quá chắc phi công cũng chẳng thấy chữ gì đâu, nhưng chắc chắn chàng ta đã biết, nó là con tàu vượt biên.
Bằng một cú chao thấp, từ máy bay, một cái phao màu cam, rồi 2 cái, 3 cái, 4 cái được thả xuống quanh chiếc ghe. Ông anh ngưng máy chạy, nói mọi người, nó báo mình không nên đi ra ngoài phạm vi của phao đã thả, chắc tìm tàu cho mình.
Mọi người lên tinh thần, chờ đợi 30 phút ... rồi 1 tiếng. Không biết có tàu nào chịu vớt. Trong thời gian chờ đợi, mấy tên thanh niên kể đủ loại món ăn đang thèm, từ bánh mì thịt, bánh xèo, bánh bao, phở rồi bún bò... Chao ơi thời đó trong nước chưa chắc đã ăn được. Riêng tôi, liên lỉ cầu nguyện trong đầu, những bản thánh ca ca tụng Mẹ Maria vang vọng mồn một...
May mắn sao, từ xa thấp thoáng bóng tàu. Mọi người la hét, còn sức thì nhảy cẩng. Chiếc phi cơ quay lại trên bầu trời, phi công lại cho chao một vòng điệu nghệ như từ giã, chúng tôi vẫy cao tay... Cám ơn người hùng không ngày gặp lại.
Con tàu chở hàng tới gần, họ quăng dây, một người đại diện ghe trình bày hoàn cảnh với thuyền trưởng. Sau đó lần lượt con nít phụ nữ được ưu tiên đưa lên, tôi và cô em nuôi chuyền hai đứa cháu gái cho thủy thủ, tụi nó có vẻ còn tỉnh hơn người lớn. Rồi tới lượt tôi bám chắc dây thang, vẫn còn say sóng nhưng giờ thì hình như có sức mạnh vô hình làm chủ bản thân. Lên được trên bong, tôi nhìn xuống, chiếc ghe đã được cắt dây cho trôi ra xa, vài cơn sóng cao che khuất; vật nối thân thương cuối cùng của quê hương nghìn trùng xa cách chìm vào lòng đại dương.