Nửa thế kỷ trước, nhà thơ Hồ Dzếnh đã ca ngợi những người phụ nữ Việt Nam, trong thời bình.
Cô gái Việt Nam ơi,
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi sẽ nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Hôm nay đây, để tưởng niệm 47 năm chính quyền VNCH sụp đổ, tôi xin vinh danh những người phụ nữ VN trong thời loạn! Sự mạnh mẽ, lòng dũng cảm, và can trường của họ, không thua bất cứ một ai! Tôi không nói tới những người nữ quân nhân hiên ngang đối đầu với địch, và những người nữ chiến sĩ hoạt động trong Biệt đội "Phượng Hoàng, Thiên Nga", làm điên đảo kẻ thù. Tôi muốn nói đây, là những người phụ nữ nông thôn, quê mùa, mộc mạc, quanh năm cuốc đất, trồng khoai, đào mương, đắp ruộng. Nhưng khi phải đương đầu với hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", họ dám đứng thẳng lưng, chĩa mũi súng vào kẻ thù, và mạnh dạn siết cò.... Những hành động dũng cảm của họ, không phải là ai cũng làm được! Họ hành động hoàn toàn theo bản năng tự nguyện, không hề so đo tính toán, không màng tới chuyện được thăng cấp, lên lương, hay khen thưởng. Họ là những người lính "không quân số" trong quân lực VNCH.
Tôi tới xã Đông Bình, quận Bình Minh trong một chuyến công tác "Y Tế Về Làng", khi không gian còn nồng nặc mùi thuốc súng. Trước đó 2 ngày, Việt Cộng đã lợi dụng đêm tối, áp dụng chiến thuật "tiền pháo hậu xung" để công đồn, nhưng thất bại. Theo báo cáo, thì địch quân đã rút lui vào lúc tảng sáng, để lại nhiều xác chết. Quân ta cũng tịch thu được nhiều súng ống và đạn dược.
Đông Bình là một xã "xôi đậu", ta và địch nằm xen kẽ nhau như "răng lược" trong dân. Ban ngày thì Quốc gia làm chủ, khi màn đêm vừa buông xuống, thì Việt Cộng ló mặt, đi thu thuế, đốc thúc mọi người đi đắp mô, cài bàn chông, đặt mìn, tải đạn...Người dân một cổ hai tròng, đóng thuế cho cả hai bên, ấy là chưa kể, còn bị bên này kết tội là theo địch, bị bên kia xử án tội việt gian, mất mạng như chơi!
Chương trình "Y tế về làng" là do Bộ Y Tế khởi xướng vào năm 1972, luân phiên các bác sĩ dân sự về khám bệnh và phát thuốc tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, hay "xôi đậu". Mục đích là dùng tâm lý chiến, để dành dân với địch, khi cuộc hòa đàm Paris đang lúc căng thẳng, và giải pháp ngưng bắn "da beo" đã được đề xướng.
Trên chuyến xe hồng thập tự di chuyển tới địa điểm công tác, mọi người đều hăng say bàn luận về một đề tài nóng hổi, mới xảy ra tại Đông Bình: một cô gái 20 tuổi hiên ngang chống trả cả một đại đội Việt Cộng, cứu nguy cho các anh em địa phương quân trong xã. Theo lời ông y tá già, quê tại Đông Bình thì: "chiến công này, đáng lẽ phải thuộc về con Năm Sang, vợ của thằng Sáu Đực, một địa phương quân trong xã." Người ta cho tôi biết, đây là một cặp vợ chồng mới cưới, dính nhau như sam. Mỗi khi anh chồng đi trực gác, thì chị vợ đòi theo giúp đỡ, và tò mò tìm hiểu về súng đạn. Đêm hôm ấy, tới phiên anh Sáu Đực gác, thì Việt Cộng tấn công, anh được lệnh ra giao thông hào chiến đấu, thì chị vợ sợ hãi, nhất định níu áo đòi đi theo. Trong giao thông hào, khi VC tấn công ác liệt với quân số gấp 3 lần bên ta, chị Năm Sang nằm sát bên chồng, hồi hộp quan sát và theo dõi. Tình thế càng ngày càng bất lợi, khi các anh chiến sĩ địa phương quân lần lượt đều bị thương vì đạn pháo như mưa của địch, thì anh Sáu Đực vẫn dũng cảm chiến đấu, và chị Năm Sang vẫn nằm kế bên anh lo sợ, hồi hộp, và động viên chồng. Kịp tới khi một viên đạn xuyên qua vai phải của anh Sáu Đực, thì anh buông súng, rú lên vì đau đớn. Máu trên vai anh tuôn ra xối xả. Chị Năm Sang thất thần vì sự kiện xảy ra quá mau, ngoài dự tính. chị dựt vội chiếc khăn rằn trên vai, đắp lên vết thương, rồi cầm bàn tay trái của anh đè mạnh vào chỗ đó để cầm máu. Trong giây phút, Việt Cộng thấy tiếng súng từ giao thông hào im bặt, chúng tin chắc đã làm chủ được tình hình, và bắt đầu hô "xung phong". Đó, là lúc chị Năm Sang giựt lấy khẩu súng từ tay chồng, và đặt hết mấy trái lựu đạn lên thành giao thông hào. Tụi VC chủ quan, muốn mau lập chiến công, trước khi trời rạng sáng, nên không đề phòng. Khi chúng chạy gần tới giao thông hào chừng vài mét, thì bỗng dưng 3 trái lựu đạn được liên tiếp tung ra ngoài, và phát nổ, làm chúng hỏang hốt, chạy dội ngược trở lại. Tiếp theo sau, một tràng súng nổ vang. Nhiều thân hình bị đốn ngã như cây chuối. Chị Năm Sang như điên dại, chạy dọc theo giao thông hào, giựt mấy khẩu súng chưa hết đạn của các anh lính đang nằm ngổn ngang vì bị thương, tiếp tục nhả đạn về phía quân thù. Bên ngoài, có tiếng chân chạy ngược trở lại, và tiếng la hốt hoảng: "Bị phục kích rồi! Rút lui". Khi đó, trên bầu trời, những tia sáng ban mai vừa ló dạng.
Ông y tá già chỉ kể tới khúc đó, rồi cười rung cả người: "tụi nó mà biết được sự thực, chắc phải tức, đấm ngực mà chết! ". Mọi người đều cười rộ, không ai quan tâm tới phần còn lại của câu chuyện. Tôi tò mò hỏi: Rồi sau đó ra sao? Anh Sáu Đực có được đưa đi cứu cấp kịp thời không? Và chị Năm Sang có được chính quyền khen thưởng không? Ông y tá già trả lời: "Nghe nói ngay sáng hôm đó, ông Tỉnh trưởng và phái đoàn đã về tận nơi tặng quà khen thưởng, và thăng cấp cho các anh em tham dự trận đánh mỗi người lên một cấp, và làm danh sách thu giữ các chiến lợi phẩm. Thằng Sáu Đực và các anh em bị thương được chuyển lên bệnh viện tỉnh cứu cấp.” Tôi nóng ruột hỏi: "Còn chị Năm Sang thì sao?". Ông chậm rãi đáp: "Sáng hôm đó, người ta tìm thấy con Năm Sang, quần áo dính đầy máu, nằm bất tỉnh trong giao thông hào, nhưng cũng may, nó không bị thương. Có lẽ do bị kiệt sức và căng thẳng thần kinh thôi. Người ta cũng chuyển nó lên trạm xá tỉnh". Tôi hỏi thăm về sự khen thưởng của chính quyền với người nữ anh thư này, thì ông ta chép miệng: "Nếu có khen thưởng thì chỉ là bên lề, theo tình cảm thôi, chứ nó có quân số gì đâu mà được hưởng quy chế!"
Cuối năm 1972, tôi mở phòng khám bệnh tư trong thị xã Vĩnh Long, và được cô Vân, người y tá thân tín trong bệnh viện, giới thiệu cho tôi một cô tạp dịch, tức là dọn dẹp vệ sinh văn phòng, sau giờ làm việc, tên là Ba Tươi, người cháu họ, kêu cô Vân bằng dì.
Cô Ba Tươi khỏe mạnh, làm việc nhanh nhẹn, ngăn nắp, lại sạch sẽ, vén khéo, nên tôi ưng bụng lắm, chỉ phải cái cô ít nói cười, nét mặt lúc nào cũng buồn, đôi mắt như đang tư lự, lo nghĩ điều gì. Nhìn cách ăn mặc, tôi biết là cô nghèo lắm, vì quần áo, còn đặc mùi...phèn.
Một buổi xế chiều, tôi ghé văn phòng lấy tập hồ sơ, thì thấy cô đang ngồi ăn cơm. Bữa ăn của cô đạm bạc lắm, chỉ có một túi nylon đựng cơm, một cái muỗng sắt và một bịch nhỏ đựng muối và 2 trái ớt. Tôi sửng sốt hỏi:"bộ cô ăn có thế này sao?”, cô ấp úng trả lời: "Dạ, con ăn đã quen rồi!" Tôi hỏi thêm:"Rồi mấy đứa nhỏ ở nhà ăn gì?", cô lại lúng túng và cúi đầu nói nhỏ: "Con có nấu cho tụi nó mấy trái hột vịt". Tôi nghe mà thấy lòng vô cùng bất nhẫn, vì tôi biết, cô có 3 đứa con, trạc tuổi với con tôi. Từ đấy, tôi tìm dịp giúp đỡ gia đình cô, khi thì kêu cô trước khi ra về, ghé nhà tôi lấy thức ăn còn dư đem về cho mấy đứa nhỏ, khi thì gửi đồ chơi và quần áo của con tôi cho mấy đứa con cô. Tôi còn ứng trước tiền lương, để cô may mấy bộ quần áo sạch sẽ mà đi làm.
Ngày Tết năm đó, tôi dặn chị bếp soạn sẵn một giỏ đồ ăn, bánh mứt, và không quên để vào giỏ 3 cái bao lì xì, và kêu cô ghé lấy. Cô nhìn giỏ đồ ăn đầy ắp, xem ra cảm động lắm. Cô ấp úng nói lời cám ơn, rồi thình lình nắm lấy tay tôi, rơm rớm nước mắt: "Con biết bác sĩ thương, và giúp đỡ gia đình con nhiều lắm. Con rất cảm kích! Bấy lâu nay, con có nhiều điều khổ tâm, khó nói ra miệng, nên con không có can đảm kể cho bác sĩ hay về gia cảnh của con, dù dì Vân đã nhiều lần thúc hối."
"Con sinh ra tại xã Quới Thiện, thuộc quận Tam Bình. Con tên Lài, thứ bảy trong gia đình 8 anh em. Gia đình con, mấy đời sống nhờ vào vườn, ruộng của ông bà để lại. Năm con 16 tuổi, ba má gả con cho anh tá điền Bảy Kết, vì thấy anh hiền lành và chăm chỉ làm ăn. Cưới xong, ba con cho vợ chồng con một miếng đất cất nhà, và mấy công vườn để hai vợ chồng sinh sống. Chúng con sống với nhau rất thuận thảo, sinh được 3 người con. Anh là lính nghĩa quân, đóng ở quận Châu thành. Những năm đầu, khi "mấy ổng" còn chưa ra mặt, thì gia đình con vui lắm. Anh Bảy vì mồ côi cha mẹ, nên bao nhiêu tình thương, anh dồn hết cho mấy đứa con. Lương tháng, anh không dám tiêu xài, mà đem về hết cho gia đình. Những ngày rảnh rỗi, anh cõng thằng con trai lớn trên lưng, một tay bồng, một tay dắt 2 đứa con gái ra chợ ăn chè. Cha con vừa đi vừa cười rỡn um sùm, vui lắm. Từ ngày "mấy ổng" về xã hoạt động, thì anh bị "mấy ổng" kết tội là "việt gian", đi theo địch, anh không còn dám ở nhà ban đêm. Nhiều khi nhớ con, anh ghé thăm nhà vào sáng sớm, rồi hấp tấp ra bến xe về tỉnh vào lúc trời chạng vạng. Nhìn cảnh cha con bịn rịn, níu kéo, khóc lóc trước khi anh dời nhà, mà con muốn đứt ruột. Mỗi lần về, anh đều lận theo một cây súng ngắn, có nạp đạn sẵn, và dặn con cẩn thận gác trên nóc tủ, vì sợ bầy nhỏ nghịch ngợm, cướp cò súng, mà gây tai họa.
Cách đây 2 năm, vào dịp Tết, anh hai con có mấy người bạn học trên tỉnh về ghé chơi, ăn nhậu mừng xuân. Tới xế chiều, các bạn anh ra về, thì ngay đêm đó, có 3 người mặc đồ đen tới nhà, kiếm anh con. Họ căn vặn về mấy người bạn của anh con, và nghi ngờ họ là "công an chìm", về xã lấy tin tức. Thấy tình thế nguy cấp, ba má con hiệp với anh hai con hết lời giải thích. Má con khóc lóc, lạy lục, van xin, thề thốt xin mấy ông nương tay. Ba con xin lấy tính mạng bảo đảm cho lý lịch của mấy anh kia, nhưng họ vẫn khăng khăng, nhất định dẫn anh hai con về trụ sở. Vì thương anh, con lúp xúp chạy theo, và được chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng: khi vừa ra khỏi nhà một khúc, thì tên chính ủy móc túi lấy ra một tờ giấy, và đọc to bản án tử hình dành sẵn cho anh hai con, nói là để răn đe mọi người. Một tên móc trong bụng ra một khẩu súng, và bắn thẳng vào anh con mấy phát. Nghe tiếng súng, gia đình con đổ xô ra ngoài, thì thấy mọi người đã bỏ đi, và anh hai con đang nằm chết trên vũng máu.
Sau cái chết tức tưởi của anh hai, ba con uất ức, buồn rầu, và bắt đầu nhuốm bệnh. Được hơn một năm, thì ba con mất. Con nhắn anh Bảy về nhà chịu tang. Khi trời vừa xế chiều, con đã vội dục anh ra bến xe, lấy chuyến xe đò chót về tỉnh. Tối hôm đó, khi mấy mẹ con đang ăn cơm, thì thấy chồng con lơn tơn xách túi về nhà, nói là bị lỡ chuyến xe đò chót trong ngày. Con hết hồn, vội chạy ra đóng hết cửa lại, rồi 2 vợ chồng ngồi chờ sáng để anh Bảy lấy chuyến xe sớm nhất lên tỉnh. Tuy nhiên, nửa đêm hôm đó, thì có tiếng kêu cửa um xùm. Con biết là có chuyện lớn rồi, nên nói chồng con lánh ra sau vườn, để con ra mở cửa. Nhưng chưa kịp, thì 3 người đàn ông lạ mặt, đã đạp cửa tông vô nhà. Họ kêu tên chồng con um xùm, đòi phải lên cơ quan trình diện. Con nhận diện được thằng chính ủy đã đến bắt anh con, thì sợ, nổi gai ốc cùng mình. Chúng lấy sợi dây chão, đòi trói 2 tay chồng con. Trong lúc kinh hoàng, hồn vía bất định, con chạy vào phòng, lấy khẩu súng đã nạp đạn sẵn, để trên nóc tủ, rồi chạy ra ngoài, hướng về phía chúng và siết cò. Có lẽ chúng chủ quan, không đề phòng, cũng có lẽ do con bắn chúng từ phía sau lưng, nên con không gặp sức kháng cự nào cả. Thấy máu văng tứ phía, rồi thấy 3 thân hình đổ xuống, con tự nhiên hết sợ, bình tĩnh trở lại, và dục anh Bảy vào nhà thay bộ quần áo vấy đầy máu. Rồi, ngay lập tức, vợ chồng con bồng bế mấy đứa nhỏ lội qua con mương sau hè, len lách qua đám ruộng mía để leo lên lộ cái, chờ chuyến xe đò sớm nhất lên tỉnh.
Từ hôm lên đây, chồng con vào trại gia binh tá túc với mấy người bạn, còn 4 mẹ con tới nương nhờ dì Vân, em họ của má con. Con thay tên đổi họ và không dám ra ngoài. Sau đó, dì Vân liên lạc được với má con, được biết là "Anh Bảy bị mấy ổng kết án tử hình, vì đã dùng súng sát hại cán bộ nhân dân." Họ không nói gì tới con, và ngay cả mọi người trong xã, cũng không ai mảy may nghi ngờ con làm chuyện này. Nhờ vậy, mà con mới mạnh dạn nhờ dì Vân kiếm cho con việc làm, để phụ thêm tiền chợ với dì." Kể xong, cô ngồi sụp xuống chân tôi, ôm mặt, nức nở phân trần: "Bác sĩ ơi, con cũng là bị xô vào đường cùng mà thôi. Con không đành lòng phải nhìn thấy 3 đứa con mất cha!".
Tôi vô cùng xúc động khi biết được hoàn cảnh khắc nghiệt của cô ba Tươi. Tôi an ủi cô, và từ đó, tôi cố tìm dịp để giúp đỡ cô. Những ngày giỗ, ngày Tết, hoặc khi có tiệc tùng đãi khách, tôi đều kêu cô tới nhà tôi, phụ giúp nấu nướng, và dọn dẹp. Rồi, khi cô ra về, tôi không quên gửi theo đồ ăn cho mấy đứa nhỏ, và chút tiền công cho cô dằn túi.
Cô giúp việc cho tôi tới ngày mất nước, 30 tháng 4 năm 1975. Xế chiều hôm đó, tôi thấy cô chạy từ chiếc xe ôm, hối hả tới nhà tìm tôi. Cô nói là đến để xin nghỉ việc, và từ giã tôi, sáng sớm mai, cô sẽ đem gia đình lên Saigon với chuyến xe đò sớm nhất. Cô cũng kể thêm, là sáng hôm nay, khi nghe tin ông Dương văn Minh đầu hàng Việt Cộng, thì má cô đã sai người cháu đem lên cho cô mấy chỉ vàng, nhắn là phải đem gia đình mau mau dời khỏi nơi này, qua xứ khác làm ăn. Tôi nắm chặt tay cô thương cảm. Cả hai chúng tôi cùng khóc. Tôi tặng cô một số tiền làm lộ phí, và chúc cô đi đường bình an.
Cô ba Tươi đã đi rồi, mà tôi vẫn còn ngồi lặng lẽ khóc. Tôi không cầm được nước mắt, vì nghe lòng buồn mênh mang. Tôi khóc cho số phận đất nước hẩm hiu. Tôi khóc vì hoang mang lo sợ cho tương lai bất định của gia đình tôi, và tôi khóc vì buồn, phải chia tay với một người thân, mà không có hy vọng gì gặp lại!
Cảnh mất nước là buồn như vậy đó! Nước mất, thì nhà tan là chuyện không tránh khỏi. Tôi thương cho thân phận những người phụ nữ Việt Nam, đã phải trôi nổi, bầm dập trong thời chiến, đến khi hoà bình đã vãn hồi, chiến trường im tiếng súng, thì họ vẫn còn phải bôn ba, lận đận. Một chị bạn tôi, cũng là một bs, đã phải cải dạng nam trang, dắt 4 đứa con, đi vượt biên bằng đường bộ, qua ngả Cambochia. Một chị bạn khác, có chồng trốn trại cải tạo. Chị dấu anh lên trần nhà, trong khi bọn công an khu vực mỗi ngày tới sục sạo, điều tra, theo dõi, lùng bắt anh. Chị kể lại, khi đó, tinh thần chị căng thẳng như sợi dây đàn, không biết đứt lúc nào! Các chị em khác, thì suốt ngày lê la ngoài chợ trời kiếm sống, người đi buôn chuyến, thì leo lên nhảy xuống từ nóc xe đò để chất và gỡ hàng, chị nói "giống như con khỉ làm xiếc".
Cuộc chiến tranh VN kéo dài 20 năm, gây bao tang tóc, hoang tàn, đổ nát, nhưng cũng từ cuộc chiến này, những người phụ nữ "sống trong song cửa" được dịp bước ra ngoài xã hội mưu sinh, đem sự khôn ngoan, tài tháo vát ra thi thố với đời, để tồn tại. Người xưa đã nói:"ngọc bất trác, bất thành khí.”
Ví thử đường đời bằng phẳng mãi
Anh hùng hào kiệt cũng như ai
Đúng vậy, nếu VNCH không sụp đổ ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì người dân VN đâu có thể nhận diện được ai là tướng hùng? ai là tướng hèn? và những ai là tướng "ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng Sản."?
Nếu Ukraine không bị Nga xâm lược, thì Tổng Thống Volodymyr Zelenskyy sẽ chỉ mãi mãi được biết như một Tổng Thống bình thường, với quá khứ là một danh hài, đâu có ai biết một vị Tổng Thống can trường, mà cả thế giới ngưỡng mộ.
Và nếu không có chiến tranh, người phụ nữ VN đâu có cơ hội để chứng tỏ bản lãnh của mình!
Đoan Nghi.
(Viết cho ngày Quốc Hận)
4/2022