10 tháng 1, 2022
Đồng bào trong nước và hải ngoại sáng Chủ nhật 9 Tháng Một có một dịp cười không khép được miệng khi nghe ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim chủ tịch nước Việt Nam tâm sự: “Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước”.
Báo Tuổi Trẻ trong nước tường thuật ông Phúc đã phát biểu như trên khi dự lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 9 Tháng Một 2022 tại trụ sở hội.
Mong ước thật thà mà ngô nghê của người đứng đầu đất nước cho thấy dường như ông ta chẳng hiểu gì về văn chương, về giải Nobel mà “nổ” theo căn bệnh hoang tưởng mãn tính của các nhà lãnh đạo cộng sản, cố tô son trát phấn lên cái bản lai diện mục phản nhân văn phản tiến bộ của thể chế đảng trị.
Giải Nobel là vinh dự lớn nhất của một người làm khoa học hoặc văn chương nghệ thuật, được tặng cho những tác phẩm, công trình khoa học “có lợi ích lớn nhất cho nhân loại”, theo di nguyện của nhà công nghiệp Thụy Điển Alfred Nobel. Tác phẩm, công trình đó không tự nhiên nảy ra mà là kết tinh của một nền văn hóa lâu đời và sâu rộng, có đóng góp lớn vào sự tiến bộ của nhân quần xã hội. Việt Nam đã đóng góp cái gì cho nhân loại mà mơ giải Nobel?
Văn chương là hoạt động tinh thần đặc thù, chỉ có thể phát triển trong môi trường tự do tư tưởng, tự do biểu đạt. Nhà văn có thể bị tù, bị mất tự do thân thể, nhưng không thể mất tự do tư tưởng. Không có tự do tư tưởng thì không có nhà văn mà chỉ có viên chức văn nghệ, tệ hơn nữa là bồi bút, không có tự do thì không có tác phẩm văn chương mà chỉ có tuyên truyền nhồi sọ. Việt Nam từ những năm 50 thế kỷ trước ở miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước là một “vùng trắng” về văn chương nghệ thuật; cái được gọi là văn chương ở trong nước thì hoặc “minh họa” cho đường lối chính sách của đảng Cộng sản, hoặc sa vào việc thỏa mãn những bản năng tầm thường. Ngay đến ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng phải than thở tại cái gọi là hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 cuối Tháng Mười Một năm ngoái: “Bây giờ nhìn thấy có ai, tác phẩm lớn nào không? Bảo tàng thì cho thuê mặt bằng làm kinh tế mất cả giá trị bản sắc văn hóa đi…”
Trong khi đó, thực tiễn xã hội Việt Nam mấy chục năm qua bày ra ngồn ngộn “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du – Truyện Kiều). Tính chất bi hùng của thân phận con người thấm trong từng gia đình, từng ngõ phố đến cả đất nước, nếu được tự do suy nghĩ, cảm nhận và sáng tác ắt hẳn nhà văn Việt Nam sẽ không thiếu chất liệu để tạo ra những tác phẩm xuất sắc, lay động nhân tâm hoặc cảnh báo cho thế giới về số phận con người dưới chế độ toàn trị phi nhân.
Nhưng đảng Cộng sản coi tự do của con người, đặc biệt là tự do của những người sáng tạo như nhà văn và nghệ sĩ, là thứ tuyệt đối cấm kỵ, là thứ cần phải bóp chết không thương tiếc. Ngay sau khi chiếm được miền Bắc cuối năm 1954, đảng lập tức ra tay trấn áp các văn nghệ sĩ có khuynh hướng tự do trong cái gọi là vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm. Ngay sau khi chiếm được miền Nam tháng Tư 1975, công việc ưu tiên mà đảng thực hiện là truy lùng, đốt cháy toàn bộ sách vở, văn hóa phẩm mà văn nghệ sĩ miền Nam tạo ra trong hơn hai mươi năm tự do; hàng trăm nhà văn, nghệ sĩ bị đưa vào trại tập trung cải tạo… Nỗi đau của đại thi hào Nguyễn Du “Văn chương vô mệnh lụy phần dư” (Văn chương không số mệnh mà cũng bị đốt) chưa bao giờ bức bối như dưới thời cai trị của đảng Cộng sản.
Chính sách khủng bố văn hóa của đảng đã gieo một nỗi sợ hãi triền miên trong những người làm văn nghệ. Chỉ một câu thơ, một mẩu truyện bị tuyên giáo của đảng cho là “có vấn đề tư tưởng” thì không chỉ người viết bị giam cầm, bị sỉ nhục mà sinh kế gia đình cũng bị triệt, tương lai con cái cũng mịt mờ. Một nhà văn lão thành, nổi tiếng từ thời Tiền Chiến, tâm sự với đàn em sở dĩ ông còn sống, còn viết lách là nhờ ông biết sợ! Nỗi sợ hãi bóp chết sĩ khí, làm xơ cứng rung động, triệt tiêu tự do, người sáng tác không dám phô bày ra cảm xúc thật, suy nghĩ thật của mình trước cuộc đời nếu cho rằng suy nghĩ cảm xúc đó “không phù hợp” với đường lối chủ trương của đảng cầm quyền. Bình luận về mong ước của ông Phúc, nhà văn Thận Nhiên chỉ viết một câu nhưng đầy đủ ý nghĩa: “Trừ những đứa thuần như chó nhà được nuôi ra, những đứa còn lại cục cựa chút xíu là bắt nhốt thì lấy đâu ra nhà văn mà hòng đoạt giải”.
Có lẽ ông Phúc sợ mong ước Nobel của ông có thể kích thích khát vọng tự do bị kìm nén của giới sáng tác, ông vội rào đón: “Ông chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tạo ra không gian sáng tạo để các nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng đã xây dựng” (!!!), theo bản tin trên của báo Tuổi Trẻ.
Làm thế nào có “không gian sáng tạo” – mà cốt lõi là tự do tư tưởng và tự do biểu đạt – khi trên đầu các nhà văn vẫn treo lơ lửng lưỡi gươm của đảng, của tuyên giáo và công an, sẵn sàng chém những ai bất phục theo những tội danh mơ hồ và vô lý như tội “tuyên truyền chống nhà nước”, tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ…”.
Trong giới chóp bu cầm quyền ở Việt Nam, ông Phúc có lẽ là người “nổ” to nhất, địa phương nào ông cũng muốn thành đầu tàu, thành mũi nhọn, lên ngang tầm thế giới v.v… Nhưng với ước mong được giải Nobel văn chương, ông như thằng ngốc ngồi dưới hố mơ hái những vì sao trên trời. Nghiệt ngã là dân tộc Việt đang phải chịu sự dẫn dắt của những kẻ “ngáo đá” (*) như vậy.
—
(*) ngáo đá: từ lóng chỉ trạng thái tâm thần hoang tưởng của những người vừa sử dụng ma túy tổng hợp