Đi vào đạo bằng con đường LÝ, thì phải hiểu rõ ý nghĩa của những ngôn từ trong kinh sách Phật giáo. Mà ý nghĩa không hẳn giống ý nghĩa thông thường sử dụng hàng ngày, như Ta (Ngã), Khổ, Ngũ quan, Ngũ uẩn đã nói ở trên (bài 1). Khi đọc bài Bát nhã ba la mật đa tâm kinh gồm 252 chữ Hán Việt chỉ ra nguyên tắc giải khổ và diễn giải bởi Quán tự Tại bồ tát, chúng ta còn phải biết thêm một số ngôn từ khác nữa thì mới có thể hiểu thấu triệt được ý nghĩa để áp dụng. Bài kinh ở trong sách viết liền một mạch chữ Hán Việt không dấu chấm dấu phẩy theo lối cổ xưa, nhưng xin được ghi lại dưới đây và tạm phân ra làm 5 đoạn cho dễ hiểu.
Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
1/Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách
2/Xá lợi tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc, Sắc tức thị Không Không tức thị Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị.
3/Xá lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố Không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô sắc thanh hương vị xúc pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới, vô Vô minh diệc vô Vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận; vô Khổ Tập Diệt Đạo, vô Trí diệc vô Đắc.
4/Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật, y bát nhã ba la mật đa cố, đắc a-nậu-đa-la-tam-miệu- tam-bồ-đề *.
5/Cố tri bát nhã ba la mật đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thế khổ chân thiệt bất hư. Cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú. Tức thuyết chú viết: “Yết đế yết đế. Ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.
*A nậu đa la tam miệu tam bồ đề = Anuttara Samyak-Sambodhi. A Nậu Đa La dịch là vô thượng, Tam Miệu dịch là chánh đẳng, Tam Bồ Đề dịch là chánh giác. Tóm lại là Vô thượng chánh đẳng Chánh giác. Nghĩa là mức hiểu biết tột cùng, tuyệt đỉnh, quả vị của Phật.
Bồ-đề-tát-đỏa = bodhisattva = bồ tát
Tạm dịch bài kinh trên ra tiếng Việt là:
Bài tâm kinh Trí Tuệ Vĩ đại vượt sông
1/ Quán Tự Tại Bồ tát trong khi thực hành triệt để trí tuệ vượt sông thì đã thấy ra rằng ngũ uẩn đều là không mà nhờ thế vượt qua được mọi khổ ách.
2/ Này Xá lợi tử! Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức đều là như thế cả.
3/ Này Xá lợi tử! Tất thẩy các pháp đều là tướng không, không sanh ra không mất đi, không bẩn không sạch, không tăng không giảm. Cho nên trong Không không có sắc, không thọ tưởng hành thức, không có các loại thanh sắc mùi vị đụng chạm, không nhãn giới (cảnh địa mắt thấy=vấn đề nhìn ngắm) cho tới không ý thức giới (cảnh địa nhận biết = vấn đề nhận biết), không có vô minh mà cũng không có hết vô minh, ngay cả cho tới già chết cũng như không có hết già chết; không có Khổ Tập Diệt Đạo, không biết mà cũng không được gì.
4/ Các bậc bồ tát vì không thu nhận lấy gì, tức là y theo trí tuệ vượt sông, mà tâm không có gì vướng mắc, tâm không có gì vướng mắc cho nên không có gì sợ hãi, sa rời được những mộng tưởng lung tung mà tới niết bàn. Các chư Phật ba đời, y theo trí tuệ vượt sông mà đạt mức giác ngộ tột cùng.
5/ Vì thế mà biết Trí tuệ Vượt sông chính là “một thần chú vĩ đại, là chú rất sáng suốt, là chú không gì so sánh bằng, có thể trừ khổ nạn một đời, đúng là như thế không sai”. Cho nên nói chú Ba la mật đa tức là như thế này “Yết đế yết đế. Ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” (gate gate paragaté parasamgaté bodhi svaha = qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó).
Diễn nghĩa
Đoạn 1
*Ma ha Bát nhã ba la mật đa là phiên âm Hán Việt của chữ Phạn Maha prajnaparamita. Ma ha là to lớn, vĩ đại, maha prajnaparamita có nghĩa là “sự hiểu biết- hay trí tuệ, vĩ đại vượt sông”.
*Quán Tự Tại bồ tát là tên gọi khác của Quan Thế Âm bồ tát, tiếng Phạn là Avalokitesvara. Cũng còn tên gọi khác là Thiên thủ thiên nhãn bồ tát, là vị bồ tát trí tuệ siêu việt có nghìn tay nghìn mắt, trông thấy rõ mọi sự ở mọi nơi, với tới giúp đỡ ở mọi nơi.
*Xá lợi tử hay Xá lợi Phất= Sariputra là một đại đệ tử của đức Phật Thích Ca, được xem là người có trí tuệ bậc nhất trong 10 vị đệ tử khởi thủy.
*Sắc nghĩa là gì?
Trong ngôn ngữ thông thường, sắc là màu sắc. Màu sắc thấy được là nhờ mắt. Nhưng mắt không chỉ thấy màu sắc, mà còn thấy hình thể (vuông tròn, to nhỏ…), đẹp xấu, sự vật. Cho nên hiểu rộng ra thì sắc là chỉ mọi sự vật luôn.
*Trí tuệ vĩ đại vượt qua sông là gì?
Bài giảng đầu tiên của đức Phật sau khi đắc đạo, là về Tứ diệu đế, tóm lại bằng 4 chữ Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Chỉ ra sự khổ trong đời, nguyên nhân sự khổ, tiêu diệt sự khổ và đi vào đạo, đến chỗ hết khổ. Nói thì đơn giản như thế, nhưng làm sao diệt khổ thì không dễ. Một trong những phương cách diệt khổ đã được chỉ ra trong bài kệ:
Ái hà thiên xích lãng (Sông yêu cao ngàn thước)
Khổ hải vạn trùng ba (Biển khổ sóng vạn lớp)
Dục thoát luân hồi khổ (Muốn thoát sự khổ luân hồi)
Tảo cấp niệm di đà (Sớm mau niệm Phật Di Đà)
Phương cách này đơn giản, không cần suy nghĩ gì, chỉ cần tin mà làm theo. Đó là đường lối Tịnh Độ tông, có rất đông đảo tín đồ, đã nói đến ở trên (bài thứ nhất) trong phần vào đạo bằng HÀNH rồi
Ở đây, chúng ta nói đến giải khổ bằng LÝ là đi theo tiến trình Văn Tư Tu đức Phật chỉ ra trước khi tịch diệt: Nghe, suy nghĩ để hiểu ý nghĩa rồi theo đó mà làm, mà sửa (tu).
Đức Phật đã chỉ ra rằng đời là bể khổ. Đạo Phật là đạo giải khổ. Mục đích tu tập là để thoát khổ, tương tự như vượt sông. Con sông thì có hai bờ, bờ bên này và bên kia. Bờ bên này là khổ não. Bờ bên kia là không khổ não. Trong Phật giáo sự hiểu biết được phân ra làm hai loại: 1/Hiểu biết để làm các việc đời thường mà sống, trong cái khổ của đời sống. 2/Hiểu biết để thoát khỏi mọi khổ não của cuộc đời giống như vượt một con sông rộng thường xuyên sóng lớn của thất tình lục dục (con người vất vả ngụp lặn trong đó, mà Quán Tự Tại bồ tát nhận ra nhờ xử dụng sâu sắc triệt để “trí tuệ vượt sông”, và nói ra trong câu đầu tiên của bài Tâm kinh. Cái trí tuệ vượt sông này tóm tắt lại chỉ bằng 4 chữ “ngũ uẩn giai không”.
Muốn hiểu tại sao tất cả ngũ uẩn đều là không thì phải nhìn lại một số dữ kiện khoa học y học .
Khi còn trong bụng mẹ đứa bé ở trong một môi trường tương đối là tiện nghi êm ái, ấm áp, không bị đói rét đau đớn. Khi mẹ chuyển dạ sinh con thì tử cung co thắt đẩy đứa bé ra ngoài. Trong tiến trình này, đứa bé phải đi qua xương chậu nhỏ hẹp rồi mới ra ngoài được. Nghĩa là chịu chấn thương cho nên khi lọt lòng mẹ là òa khóc, trừ trường hợp bị chấn thương quá dài, thiếu dưỡng khí lên óc đến độ bị mê mụ, không khóc được.
Sự thích hay ghét, ràng buộc hay không ràng buộc chỉ xẩy ra sau một thời gian đứa bé được giáo dục (nghĩa là được điều kiện hóa) bởi cuộc sống trong môi trường mới, ngoài bụng mẹ. Vì hưởng những cảm giác tiện nghi được mẹ ôm ấp, cho bú và thay tã … cho nên sau một thời gian đứa bé mới nẩy ra sự thương yêu quyến luyến với mẹ. Nếu không là mẹ đẻ mà là một người khác, bất kể là đàn ông hay đàn bà thì đứa bé cũng có những quyến luyến yêu thương như thế. Nếu người chăm sóc dùng ngôn ngữ nào thì đứa bé sẽ nói tiếng đó, giọng đó.
Đứa bé có bố mẹ ruột là Âu Mỹ thì hình dáng bề ngoài là da trắng, mắt xanh, mũi lõ... Bố mẹ ruột từ Phi châu thì da đen, môi dầy, mũi to vân vân… Nhưng nếu được người chăm sóc nuôi nấng là Tầu thì đứa bé sẽ nói tiếng Tầu, ăn cơm Tầu, lớn lên phản ứng hành xử theo lối Tầu. Những đặc tính cơ thể mắt xanh, tóc quăn, mũi lõ, da đen, da trắng… được quyết định bởi các nhân tố di truyền (genes) ở trong tinh trùng của bố và trứng của mẹ. Vì thế, có thể gọi đứa bé mới sinh là con người di truyền (genotype).
Những động thái của đứa bé, mà đơn giản nhất là tiếng nói, là cách ăn uống, là những biểu hiện của con người hiện thực (phenotype). Con người hiện thực là con người di truyền được điều kiện hóa từ khi lọt lòng mẹ, qua ngũ uẩn nhờ ngũ quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân- thị giác, thính giác khứu giác, vị giác, xúc giác). Con người hiện thực thay đổi tùy theo hoàn cảnh và môi trường sinh sống. Cùng hoàn cảnh và môi trường, con người hiện thực còn có những thay đổi theo thời gian mà chính mình không nhận biết. Cho nên vì thế có thể một cách vô thức, ôm chặt lấy cái Ta, cái Cá nhân với những cái cho là “giá trị” mà thật ra chỉ là những hành trang cồng kềnh nặng nề từ ngoài chụp vào cuộc sống, để mà vì thế khổ lụy.
Tại sao thấy ngũ uẩn là không mà lại vượt qua mọi khổ ách? Như trên đã nói, ngũ uẩn là những ràng buộc của con người do giác quan đem tới, qua mắt tai mũi lưỡi thân. Nếu hiểu như thế thì khi mắt không nhìn thấy, tai không nghe thấy, mũi không ngửi thấy, lưỡi không nếm thấy, tay không sờ thấy, thì không còn thất tình lục dục, thèm khát ham muốn hay sợ sệt mất còn. Vì thế mới có trường hợp những người bỏ cuộc để lên núi đơn độc tu cho yên thân. Lối tu này có thể kể như so sánh được với chuyện bưng tai bịt mắt loại bỏ ngũ uẩn, nghĩa là loại bỏ đi diễn trình “thọ tưởng hành thức”.
Đoạn 2
Này Xá lợi tử! Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức đều là như thế cả.
Tại sao?
Ta đã biết, như trên đã nói, sắc là chỉ sự vật và mọi loài. Trước khi có sự vật, mọi loài và vũ trụ thì không ai biết là gì mà chỉ là suy đoán hay tưởng tượng. Sự suy đoán này thay đổi với thời gian, không gian, tùy theo người suy đoán, hay khẳng định mà không có mấu cứ chắc chắn. Như Tây phương khoa học bây giờ thì giải thích bằng thuyết Big Bang mà đa số dân thường không hiểu là gì. Ở Đông phương thì khởi đầu là hỗn mang rồi tới thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái vân vân… Nói cách khác khởi đầu là không, không có gì. Từ cái không này sinh ra tất cả mọi sự vật, mọi loài. Nhìn quá trình hình thành vũ trụ như thế thì thấy ngay trước khi có Sắc chỉ là Không. Và như vậy thì chẳng có gì khó hiểu câu kinh khẳng định “Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức đều là như thế cả”.
Phật sinh trước khi chúa Jesus sinh ra đời vào năm 624 trước TC, nhập diệt lúc 80 tuổi, vào năm 544. Phật đã giải thích sự vật như thế. Và không nói tới nguồn gốc con người từ đâu. Với đạo Jesus Ki tô bắt nguồn từ Kinh thánh Cựu Ước người Do Thái viết giải thích nguồn gốc con người và mọi loài là do Chúa Trời tạo dựng ra. Con người phải tin như thế. Tin loài người bắt đầu bằng ông A-dong và bà E-và người Do Thái. Khi nói đến tin thì không cần và không thể bàn cãi sai đúng được. Cũng như Đông phương thời xưa tin là đất có Thổ công, sông có Hà bá, biển có Long vương. Tin như thế chẳng sao cả. Vì tin hay không thì đất, sông, biển vẫn có những đặc tính của chúng mà con người có thể khai dụng được.
Ngoài ra đứng về mặt lý luận mà nói thì cho dù có tin Chúa Trời tạo dựng mọi sự vật và con người, nhưng không ai thấy Chúa, hay nói cho đúng kinh sách là sẽ thấy chúa sau khi chết, vào ngày phán xét cuối cùng chẳng biết bao giờ xẩy ra, thì cũng như không. Cho nên nói “Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức đều là như thế cả” chẳng có gì nghịch lý.
Đoạn 3
Này Xá lợi tử! Tất thẩy các Pháp đều là tướng không, không sanh ra không mất đi, không bẩn không sạch, không tăng không giảm. Cho nên trong Không không có sắc, không thọ tưởng hành thức, không có các loại thanh sắc mùi vị đụng chạm, không có nhãn giới (vấn đề nhìn ngắm), cho tới ý thức giới ( vấn đề nhận biết), không có vô minh mà cũng không có hết vô minh, ngay cả cho tới già chết cũng như không có hết già chết; không có Khổ Tập Diệt Đạo, không biết mà cũng không được gì. Cả đoạn này nói về đặc tính của Pháp.
Để hiểu đoạn 3 này phải hiểu nghĩa hai chữ “tướng Không” và chữ “Pháp”.
Tướng là cái dáng vẻ của mỗi người hiển lô ra ngoài khiến cho người khác thấy được phần nào những đặc điểm của mình. Các cụ ta ngày trước hay nhận xét thí dụ như “tướng hiền lành”, “tướng đần độn”, “tướng láu lỉnh”. Thí dụ như trong câu “Những người mặt nạc đóm dầy, mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn”. Cũng có người những so sánh như “Tướng hổ” để tả dáng đi oai vệ vững chãi , “tướng khỉ” là chỉ người gầy còm, nhanh nhẹn như khỉ . Trong mạch nhận định này, hai chữ “tướng không” trong bài tâm kinh ý nói rằng là không tạo ấn tượng gì, không có đặc điểm gì.
Chữ Pháp trong sách vở Phật giáo được dùng một cách rất tùy tiện lung tung, có nhiều nghĩa khác nhau. Như Sư Giác Hạnh bút danh Minh Đức Triều Tâm Ảnh trụ trì một cơ ngơi lớn ở đèo Hải Vân là chùa Huyền Không Sơn thượng trong bài viết dài gần 30,000 chữ nhan đề “Những hiểu lầm về đạo Phật” có viết rằng “từ thiện xã hội là một pháp hành của cư sĩ: Bố thí, trì giới, tham thiền”. Chữ Pháp như vậy nghĩa là phương cách. Từ điển Phật học của Chân Nguyên Nguyễn Tường Bách giải thích Pháp là “tất cả những gì có đặc tính của nó” (nghe thật khó hiểu), là “giáo pháp của đức Phật” (dharma). Còn chữ Pháp trong bài tâm kinh là chỉ nguyên lý vận hành của sự vật, vũ trụ.
Nhưng “nguyên lý vận hành của vũ trụ” là gì?
Là ngày sáng đêm tối, quả chín trên cây thì rụng xuống đất. Nước bốc thành hơi, hơi gặp lạnh thành mưa. Cây mùa thu thì vàng lá, mùa đông rụng lá, mùa xuân đâm chồi, mùa hạ xanh tốt. Phấn hoa đực gặp đài hoa cái do ong bướm hay gió đem tới, thì kết thành quả.. Trong loài động vật thì con đực gặp con cái. Người nam người nữ khi trưởng thành giao hợp thì có thai, sinh con vân vân…Tất cả những điều này không thể nói là xấu hay tốt được. Nói khác đi nguyên lý vận hành của con người và vũ trụ này không xấu không tốt, có từ trước khi Phật ra đời, và tồn tại tiếp tục sau khi Phật tịch diệt. Xấu tốt là do con người tùy tiện đặt ra vì một lý do chính trị hay xã hội. Thí dụ như Trung quốc, Việt Nam cho tới thời hiện đại chữ trinh nếu không đáng giá ngàn vàng thì cũng là một cái gì quí giá lắm. Và vì thế cho tới cách đây chừng dăm bảy năm người Tầu đã chế ra “màng trinh giả” để bán cho những cô gái cần có chảy máu trong đêm tân hôn. Trong vài xã hội Hồi giáo thì chữ trinh có thể đáng giá mạng người con gái. Ở các nước Âu Mỹ thời nay chữ trinh nói chung chẳng còn có mấy ai để ý, nhưng không phải là tất cả đều nghĩ như vậy. Cho nên ở Anh quốc, theo một cuộc điều tra của báo Sunday Times, năm 2020 còn có 22 y viện chuyên môn vá màng trinh (hymenoplasty) với giá 3,000 bảng Anh. Ngược lại tại một bộ lạc Trung quốc gần Tây Tạng theo Phật giáo khi người con gái đến tuổi dậy thì được ở trên một căn lầu trong nhà có cửa mở xuống đường để tối đến thanh niên nào muốn có thể trèo lên. Nếu người con gái đồng ý thì hai bên ăn nằm rồi người con trai ra đi. Người con trai khác có thể đến rồi đi tương tự. Khi người con gái có thai đẻ con ra thì cả gia đình gồm mẹ, và bà sẽ trách nhiệm nuôi đứa bé, không cần biết ai là bố đứa bé. Bộ lạc này sống bình ổn cho tới gần đây, khi người Tây phương tới, đem theo thói tục Do Thái Thiên chúa giáo thì mới đang dần dần có những thắc mắc nơi giới trẻ về mô thức gia đình kiểu Âu Mỹ. Duyệt qua những sự kiện trên rồi thì rõ ràng hiểu giá trị và xấu tốt là do con người đặt ra tùy tiện để phục vụ cho một mục tiêu. Như Khổng giáo thì đưa ra những quy luật tam cương ngũ thường, nhân nghĩa lễ trí tín vân vân là để thiết lập một trật tự xã hội ổn định gồm cá nhân gia đình và xã hội mà người đàn ông đóng vai quan trọng, chủ chốt. Lão giáo thì đưa ra nguyên tắc tu tập cho những con người muốn nhàn hạ không dính líu vào sự đời. Phật giáo chỉ ra những nguyên tắc cho mọi người sống trong đời mà khỏi khổ, với những ý niệm chính xác về Pháp, về Không, về Sắc, về Ngũ uẩn.
Đến đây có thể nói rằng với những biểu hiện khác - đa diện đa dạng - về các nguyên lý vận hành vũ tru như thế ở nhiều nơi trên thế giới thì các diễn giải về Pháp trong tâm kinh chẳng có gì khó hiểu, lạ lẫm.
Đoạn 4
Đoạn 4 tâm kinh tóm tắt sức mạnh của trí tuệ vượt sông là khiến các bồ tát và tam thế chư Phật tới mức giác ngộ tột cùng:
“Các bậc bồ tát vì không chấp nhận có gì, tức là y theo trí tuệ vượt sông, mà tâm không có gì vướng mắc, tâm không có gì vướng mắc cho nên không có gì sợ hãi, xa rời được những mộng tưởng lung tung mà tới niết bàn. Các chư Phât ba đời, theo như trí tuệ vượt sông mà đạt mức giác ngộ tột cùng, tuyệt đỉnh”.
Đoạn 5
Đoạn 5 là kết luận tâm kinh, nói rõ trí tuệ vượt sông không gì sánh nổi, như một thần chú vô cùng mạnh mẽ có thể chấm dứt mọi khổ não ở đời. Cho nên mới kết luận bằng câu Hán Phạn để đọc như một thần chú “Yết đế yết đế. Ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” (gate gate paragaté parasamgaté bodhi svaha)
Tóm tắt thì rõ ràng loại bỏ ngũ uẩn là chẳng còn gì, nói cách khác là chỉ còn Không. Và Không thì được giải thích một cách chi tiết trong bài Tâm kinh là “không có sắc, không thọ tưởng hành thức, không có các loại thanh sắc mùi vị đụng chạm, không có nhãn giới (tức là cảnh giới liên hệ đến vấn đề nhìn ngắm) cho tới không ý thức giới (cảnh giới liên hệ đến vấn đề nhận biết), không có vô minh mà cũng không có hết vô minh, ngay cả cho tới già chết cũng như không có hết già chết; không có Khổ Tập Diệt Đạo, không biết mà cũng không tiếp nhận được gì.
Câu hỏi nẩy ra ở đây là nếu đã như thế, làm người mà không cảm ứng gì thì có khác gì cỏ cây gỗ đá. Như đã nói, con người nhận biết chung quanh qua ngũ quan, bị trói buộc khống chế bởi ngũ uẩn. Và cũng như trên đã nói, những phản ứng, cảm ứng (hỉ nộ ai lạc ái ố dục) của con người với chung quanh chỉ là do bị điều kiện hóa bởi môi trường, chỉ là hành trang dính vào mình từ cuộc sống, gây ra nặng nề vất vả khổ ải cho mình. Cho nên đã hiểu thế thì nếu cần và nếu muốn, chỉ việc vất bỏ cái hành trang nặng nề đó đi. Nói cho rõ thì cây cỏ gỗ đá vì vô tri mà không có cảm ứng, cho nên từ bản chất là không có khổ, nghĩa là không có vấn đề diệt khổ. Còn con người khổ sướng là do mình, tự tâm. Vì thế, vua Trần Nhân Tông, một người đã từng đánh tan quân Mông cổ, khi thắng trận đã tha tội chết cho những hoàng thân quốc thích cộng tác với giặc. Khi đất nước ổn định, đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để vào núi ẩn tu, nhưng khi cần lại quay ra đánh tan giặc Lào quấy nhiễu phá hại trăm họ, rồi trở về núi tu tiếp chỉ với một thị giả tới khi viên tịch. Cả cuộc đời kể ra vất vả của nhà vua đã được tóm tắt trong bài tứ tuyệt 4 câu Cư Trần Lạc Đạo, không mấy người hiểu hết được ý nghĩa để lấy đó làm mốc noi theo, chưa kể rằng có kẻ coi là viển vông
Cư trần lạc đạo
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc san hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
Tạm dịch nghĩa:
Sống đời vui đạo
Sống ở đời vui với đạo tùy hoàn cảnh
Có đói thì ăn hễ mệt thì ngủ
Trong nhà có của báu rồi đừng đi tìm nữa
Gặp cảnh (khó khăn) mà không động tâm thì đừng hỏi đến thiền
Trần Thiên Ân
(Ngày 29 tháng 8/2021)