Tôi sinh ra, và lớn lên trong giai đoạn quê hương khói lửa ngút trời. Cuộc đời tôi, đã phải hứng chịu cả 2 cuộc di cư tỵ nạn CS năm 54 và 75. Tôi không có cái dũng khí để làm một người nữ quân nhân, công khai đối đầu với Cộng quân, cũng không có sự can trường để hoạt động trong chiến dịch Phượng Hoàng hay Thiên Nga, chống và diệt Cộng sản trong bóng tối. Tôi chỉ là một người đàn bà bình thường, và là vợ một quân nhân trong quân lực VNCH. Suốt đời, tôi chỉ biết chăm chỉ làm việc, kiếm tiền nuôi con, và trang trải cuộc sống, trong khi chồng tôi, luôn bôn ba đây đó, vì nhiệm vụ của một người quân nhân thời loạn.
Gia đình tôi, cũng mang những nét đặc thù của một gia đình sống trong cuộc chiến tranh ý thức hệ, còn gọi là cuộc chiến " nồi da sáo thịt". Gia đình bên ngoại tôi, đều là Cộng Sản. Các dì và cậu tôi, đã từng là những sinh viên nằm vùng, hoạt động công tác thành cho Cộng Sản, khi còn ở Hà Nội. Gia đình bên nội tôi, đều là những người quốc gia chân chính. Sự phân hóa về lập trường chính trị giữa những người thân, đã là thảm kịch cho gia đình tôi, khi gia đình bên ngoại vào thăm mẹ tôi sau ngày 30 tháng 4 năm 75. Một đám người thắng trận, hân hoan, và đầy tự tin từ ngoài Bắc vào thăm, trong khi gia đình chúng tôi đang chịu cảnh "tan đàn xẻ nghé", vì những người đi tù cải tạo không có ngày về, những người liều mình vượt biên, chưa có tin tức. Cha tôi lại mới bị chính quyền đến tận nhà bắt và giam giữ trong khám Chí Hòa. Ở nhà, chỉ còn mẹ tôi và 3 đứa em út, trong lứa tuổi thanh thiếu niên "ăn chưa no, lo chưa tới", luôn hậm hực, và bất mãn chế độ mới. Sự hiện diện của những người CS trong gia đình, là cơ hội cho chúng trút bỏ cơn giận dữ, oán hờn. Không bữa cơm nào mà không có những lời qua tiếng lại, mai mỉa, bóng gió, thậm chí chúng còn cả gan kết tội chế độ là "theo chính sách mẹ mìn", làm mẹ tôi vô cùng sợ hãi vì cách phát ngôn bừa bãi, và nhiều khi đã phải nghẹn ngào, không cầm được nước mắt, vì những lời can ngăn vô hiệu quả.
Tôi lớn lên trong khung cảnh thanh bình của nền Đệ nhất Cộng Hòa. Các khu trù mật đang trên đà phát triển, và đội ngũ các cán bộ xây dựng nông thôn đang được tích cực huấn luyện. Tôi đã say mê nâng niu những tờ báo "Thế giới Tự do", in bằng giấy bóng láng, trang bìa là hình hai bàn tay Việt-Mỹ siết chặt vào nhau, tượng trưng cho tình đồng minh thắm thiết. Mặt sau tờ báo, là dòng chữ: "Việt Nam, thành đồng chống Cộng của thế giới tự do" in đậm nét, làm tôi bồi hồi hãnh diện về quê hương và dân tộc mình. Tôi đã say sưa thưởng thức các bài hát: "Trăng thanh bình", "Tình quê hương", "Hương lúa miền Nam" .... Những sự kiện này đã âm thầm hun đúc trong tôi một tình yêu quê hương sâu đậm, và một lý tưởng quốc gia vô cùng vững chắc.
Khi tôi lên Đại học, chiến tranh ở Việt Nam còn mới khởi sự, chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn hẻo lánh, thường là những cuộc phá hoại lẻ tẻ của bọn cán bộ "Giải phóng miền Nam" như đặt mìn, cài bàn chông, đắp mô, bắn sẻ, hoặc quá lắm, là một nhóm du kích mặc quần áo đen, ra chặn đường các chuyến xe đò, giết hại, hoặc bắt cóc các quân nhân, và tuyên truyền những hành khách dân sự. Thủ đô Saigon vẫn còn vô tư. Những cuộc vui, các phòng trà, và vũ trường vẫn còn tiếp tục mở cửa.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với chiến tranh, khi theo chồng ra thăm đơn vị đóng quân của anh tại Đà Nẵng. Chồng tôi là một trung úy quân y, phục vụ tại binh chủng Biệt Động Quân, đồn trú tại căn cứ Tiên Sa, Đà Nẵng. Chúng tôi ở trong trại gia binh, trong một căn phòng đơn sơ, nhỏ bé, mái lợp tôn, hơi nóng hầm hập vào mỗi buổi trưa hè, và sàn nhà là nền đất nện, mấp mô. Tôi được đón tiếp nồng ấm bởi gia đình các quân nhân trong trại gia binh. Họ thăm hỏi ân cần, khi biết tôi vừa tới. Tôi được ăn những bữa cơm đạm bạc, nhưng ngon miệng, do vợ một chú trung sĩ nấu cơm tháng cho chồng tôi, và tôi nhớ nhất là hai món cá kèo kho tiêu và đu đủ trộn nước mắm.
Đêm hôm đó, khi màn đêm vừa buông xuống, thì Việt Cộng bắt đầu pháo kích. Tiếng nổ lúc đầu còn xa và thưa thớt. Chúng tôi cùng hồi hộp lắng nghe. Tuy nhiên, những tiếng nổ ngày một lớn, dồn dập, và nghe rất gần, làm rung chuyển cả mặt đất. Mái tôn oằn mình kêu răng rắc, như sửa sọan đổ ụp xuống đầu tôi. Tim tôi đập loạn xạ, đầu óc tôi tê cứng vì quá sợ hãi. Trong lúc hoảng hốt, chồng tôi đưa cho tôi một đôi vớ nhà binh dầy, và dặn rằng: "nếu chúng nó không ngưng pháo kích, thì mình phải chạy ra hầm trú ẩn. Em phải đi đôi vớ này sẵn sàng, đừng đi dép vì khó chạy trên cát." Tôi vội vàng xỏ đôi vớ vào chân bằng đôi bàn tay run rẩy. Nhưng cũng may, là khoảng 10 phút sau, Việt Cộng ngưng pháo kích. Suốt đêm đó, tôi không tài nào chợp mắt được, vì tim cứ đập thình thịch, chờ đợi một đợt pháo kích thứ hai. Sáng sớm hôm sau, chồng tôi lên bộ chỉ huy họp. Khi trở về, anh vội vã gửi tôi theo một chuyến máy bay quân sự đặc biệt về thành phố, vì lý do áp lực của Cộng quân đang rất nặng. Chuyến đi chơi của tôi, theo dự tính là một tuần lễ, thì chỉ được vỏn vẹn có 2 ngày.
Sau ba năm phuc vụ tại đơn vị hành quân, chồng tôi được thuyên chuyển về làm việc tại Bệnh viện tiểu khu Vĩnh Long. Vợ chồng tôi, tuy chung sống, nhưng thời gian xum họp chẳng được là bao! Năm nào, anh cũng được cục quân y chỉ định về tu nghiệp tại Bệnh viện Cộng Hòa, khi thì về giải phẫu, khi thì về gây mê, hồi sức...., khi thì 3 tháng, khi thì 6 tháng. Ngoài ra, còn những lần đi tăng phái cho các bệnh viện tiểu khu khác, do nhu cầu chiến tranh. Rồi những đợt đi trao trả tù binh vô hạn định. Những lần ấy, tôi ở nhà, một mình nuôi con, thắt lưng buộc bụng, giựt gấu vá vai, cho đủ chi phí "một chốn đôi nơi". Nhưng tôi vui vẻ chấp nhận, coi đó, như bổn phận của người vợ quân nhân trong thời chiến.
Theo với thời gian, chiến tranh VN dần leo thang. Người dân thành phố đã hằng đêm bị đánh thức bởi những tiếng đại bác, rung chuyển cả nhà cửa, hai mắt bị chói lòe vì ánh sáng hỏa châu, cháy đỏ một góc trời. Rồi cuộc tổng công kích của VC ngày mùng 2 Tết năm Mậu Thân: máu đổ thịt rơi, ta và địch đánh sáp lá cà ngay trong thành phố, dành nhau từng tấc đất, từng căn nhà. Cảnh VC tàn sát dân vô tội, và những mồ chôn tập thể tại Huế, đã làm người dân VN, cũng như dư luận quốc tế phải ghê tởm và hãi hùng. Lòng căm hận Cộng Sản trong tôi ngày một gia tăng!
Đầu thập niên 70, chiến tranh Việt Nam ngày thêm khốc liệt. Các trận đánh đẫm máu như Pleimei, Đồng Xoài, Tân Cảnh, Hạ Lào, Charlie, Quảng Trị...., nối tiếp nhau xuất hiện trên trang nhất tờ báo. Trong khi, ở trang tư, thì kín mít những cáo phó của các quân nhân tử trận. Mỗi khi buông tờ báo, tôi không khỏi đau lòng, vừa lo sợ, vừa ngậm ngùi, tự hỏi "không biết rồi đây, quê hương mình sẽ đi về đâu?"
Và cuối cùng, chiến tranh VN cũng kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, với một cuộc di tản vĩ đại. Tôi thuộc nhóm người chậm chân, phải ở lại để chứng kiến cảnh quốc gia đổi chủ. Tôi đau lòng đến nỗi, khi đó, đã có lần cầu mong có một trái đại bác nổ chụp xuống đầu gia đình tôi, để tôi được giải thoát, khỏi phải nhìn thấy cảnh đau lòng, xé ruột vì tuyệt vọng này!
Tôi vượt biên thành công vào năm 1981, và định cư tại Hoa Kỳ vào đầu năm 1983. Tại nơi quê hương thứ hai, một đất nước tự do và phồn thịnh, tôi lại nỗ lực phấn đấu để được tồn tại. Tôi tri ân đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang gia đình tôi, khi tôi thoát ra khỏi vũng lầy Cộng Sản. Tuy nhiên, cứ mỗi năm, gần tới ngày 30 tháng 4, tôi lại băn khoăn, trăn trở, hồi tưởng lại thời gian sống trong nước, trong cảnh chiến tranh khói lửa ngút trời. Năm nay nữa đã là 46 năm, ngày 30 tháng 4 lại đang đi gần tới, đánh dấu 46 năm dân tộc tôi trầm luân trong tai ách CS. Cho tới hôm nay, tôi chưa hề nhìn thấy được một tia sáng cuối đường hầm!
Mấy năm gần đây, những cuộc biểu tình đầy dũng khí kiên cường của giới trẻ Hong Kong, đã làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Và hiện nay, các cuộc biểu tình của người dân Miến Điện đứng lên đòi dân chủ, đã khiến tôi kính phục. Tôi luôn cầu nguyện cho họ sớm đạt được nguyện vọng. Tôi hy vọng rằng một ngày không xa, làn gió dân chủ của các quốc gia lân bang sẽ thổi tới VN, đánh thức giới trẻ đang ngủ mơ, để họ thức tỉnh, và vùng dậy, cùng chung tay tranh đấu cho một nền dân chủ của đất nước.
Đan Tâm
25/4/2021