Mấy ngày nay do ông anh cả khởi xướng hỏi về những biến cố của gia đình đã xảy ra vào những ngày tháng 4/1975. Nhờ những phương tiện kỹ thuật cao như Viber, Zoom...các anh chị em chúng tôi từ 3 đại lục khác nhau, không những đã ghi lại mà còn có dịp nói chuyện điện thoại tất cả với nhau. Vài chục năm trước thật khó mà tưởng tượng được có ngày chúng tôi không cần phải bay 1/2 vòng trái đất, phải ổn định về tài chánh và sức khỏe để đại gia đình được gặp mặt nhau mà vẫn có thể chia sẻ 1 cách sống động về những biến cố của gia đình. Chúng tôi cũng được coi những tấm hình rất xưa rất cũ của ba mẹ họ hàng thời đó. Thật là quý giá !
Những ký ức đó phần nhiều do các chị lớn và đứa em trai tôi có 1 trí nhớ rất tốt kể lại. Các chị lúc đó N (19 tuổi, đang học Luật năm thứ nhất ), O ( 17), Y (16), ngoài ra chị kế tôi và 2 đứa em nữa đều chỉ là những đứa trẻ còn mài đũng quần trong nhà trường. Ba tôi 61 tuổi từng là 1 công chức cao cấp trong chính quyền Cộng Hòa và bị liệt vào 3 trong 4 danh sách gọi là " phản động" của Việt Cộng là nhất Giáo, nhì Di, tam Quân, tứ Ngụy.
Ngày đó tháng 4/1975, tôi, đứa bé 12 tuổi dù có nhiều điều không hiểu nhưng những cảm giác hoang mang sợ hãi và lo lắng vẫn còn nhớ như in dù đã 46 năm trôi qua.
Những ngày đầu tháng 4, ba, mẹ tôi và vài người quen cứ ngồi trên gác sếp rủ rỉ bàn tính chuyện di tản bằng máy bay mà tôi rất tò mò muốn biết nên cứ quanh quẩn bên cạnh để nghe ngóng. Mặc dầu đầu óc còn non nớt không hiểu nhiều chuyện nhưng tôi biết Cộng Sản rất tàn ác và nguy hiểm. Tôi nhớ khoảng lúc tôi 9 hay 10 tuổi gì đó, 1 người bạn của Ba mang máy chiếu phim đến nhà và cho tất cả gia đình xem phim "Chúng tôi muốn sống". Hình ảnh 2 người già bị đấu tố và chôn sống chỉ chừa cái đầu rồi dùng máy gặt chặt đầu làm tôi sợ hãi. Đứa em trai tôi cũng đã nhớ lại cảm giác này. Mẹ tôi kể ông ngoại tôi chỉ là thầy giáo Nho học và có chút ít ruộng đất nhưng cũng đã bị đấu tố. Vì vậy ba mẹ tôi đã phải trốn đi vào miền Nam năm 1954.
Những ngày gần mất nước 1975, gia đình chúng tôi vì ở Sài gòn nên tràn ngập những gia đình họ hàng ở xa chạy đến trú ẩn. Khi những toan tính di tản bằng máy bay đã tuyệt vọng. Ba tôi nói với 2 người chị lớn nhất gia đình lúc đó là N và O đi tìm anh L, người bạn thân của ông anh cả đang làm với công ty Mỹ để tìm đường đi. Vì địa chỉ quanh co 2 chị tôi không tìm ra nhà. (Vài năm sau anh L trở thành ông anh rể của gia đình tôi). Ngày hôm sau Long người cháu họ 19 tuổi đang sống với gia đình tôi lúc đó chạy xe Honđa chở chị N đi đến tòa Đại sứ Mỹ và bến tàu Bạch Đằng để tìm đường đi nhưng vì quá đông người nên đành phải trở về nhà. Long sau đó chạy ra đường 1 mình, đã có lúc nắm được sợi dây từ 1 chiếc máy bay gần Ngã Bảy tuy nhiên may mắn đã không leo lên máy bay, vì sau đó nó đã bị rớt. Em trai tôi còn nhớ rõ khoảng giữa tháng 5/1975, em có đi chơi và thấy có một máy bay, khoảng gần 100 ghế bị rớt nghiêng bên cạnh cột điện, vài cái nhà chung quanh bị hư hại nhiều nhưng không sập. Lúc đó em đã nghĩ: đây là máy bay L đã tìm cách bám lên.
Vài ngày sau ba tôi và 2 chị lên Long Khánh theo lời khuyên của bác S để tránh bị đấu tố như ở ngoài Bắc. Tôi được biết bác S là trường ty thông tin ở Quảng Ngãi do ba tôi bổ nhiệm trước kia. Trước năm 1975 bác về hưu lên LK để phá rừng làm rẫy và xây đựng đồn điền ở đây.
Bà chị kể lại dọc 2 bên Quốc lộ 1 (đường đi Nam Bắc) lâu lâu lại thấy xác người trương sình bên vệ đường, và có những cây cầu đã bị sập và những người trên xe phải xuống đi bộ trong ánh nắng chói chang khoảng hơn 1 cây số. Từ Sài gòn lên LK nếu đi suông sẻ chỉ khoảng hơn 2 giờ thôi, nhưng thời điểm đó Việt Cộng phá sập nhiều cầu nên chiều mới tới được. Gia đình tôi lên đó và ra sao thì chuyện còn rất dài và rất nhiều những tình tiết cười ra nước mắt.
Cũng xin nói thêm về ba mẹ tôi 1 chút ngay những năm tháng 1975 và 1976.
Ba tôi, người cao lớn khoảng trên 1.7m và nặng 56 kg mà chỉ có 1 tháng trôi qua tóc ông gần như bạc trắng và chỉ cân nặng khoảng 45 kg. Năm 1975-1976 ông lên xuống Sài gòn & Long Khánh cộng thêm với con bệnh suyễn hành hạ vì hoàn toàn không có thuốc men tiếp tế.
Có hôm đêm khuya mưa gió, ba tôi lên cơn suyễn nguy kịch, mẹ tôi phải dùng bơm xe đạp để bơm cho ba thở. Cũng có lúc phải dùng chai Oxygen của bộ Hàn gió đá cho ba thở, vì không tinh khiết nên bị lở ở mủi, nhưng nhờ đó ba đỡ được một thời gian. Có hôm chị N phải cõng ba vô nhà thương cấp cứu, lúc đó ba chỉ còn nặng khoảng 35 kg và hai chân phẳng phiu như hai cây sậy. Mẹ tôi rất may mắn là người khỏe mạnh và lo toan gánh nặng về kinh tế của cả gia đình 7 đứa con nheo nhóc nên nhiều chuyện chị N, O va Y phải giúp đỡ. Không những người lớn nhưng những đứa trẻ Việt nam đã phải gánh 1 gánh nặng chĩu cho ngày mất nước 1975. Chi O phải hy sinh bỏ học năm lớp 10 để theo ba tôi về sống ở LK năm 1975.
Vài hàng ghi nhớ cho biến cố 4/1975. Gia đình chúng tôi sẽ còn tiếp tục ghi lại những mẩu chuyện của gia đình để con cháu đời sau được biết đến.