Thế là tôi đã rời thành phố Vinh đầy ắp kỷ niệm vào khoảng giữa năm 1947. Cả gia đình gồm mợ tôi gầy ốm trơ xương ôm trong tay em gái út của tôi, Minh Nguyệt tuổi chừng 5 tháng. Dũng đeo cái cặp da người sĩ quan Nhật cho ba tôi trước ngày quân Tầu giải giới – tài sản quý nhất lúc đó của ba, vừa vì hàng da tốt, vì vừa tình nghĩa bạn bè. Tôi biết là tôi không đi tay không, nhưng không nhớ là mang cái gì. Ba tôi điều khiển cái xe đạp của ông nội đem từ quê vào khi về làng xin ông bà nội phương tiện di chuyển gia đình. Chiếc xe là hiệu Peugeot (tức là loại ngon lành nổi tiếng) ông nội mua từ ngày còn trong quân ngũ mà tôi thấy ông nội cẩn thận để trên cái giá xe đạp bằng gỗ, đặt trong căn nhà ngang của ông nội, mỗi khi tôi được ba mợ tôi đưa về quê chơi những năm trước. Chiếc xe đạp này có lịch sử đáng nói vì cái chuông của nó. Bà nội tôi kể rằng khi ông nội đạp xe về làng lần đầu tiên thấy người đi trước gồng gánh giữa đường vào làng đã bóp chuông kêu “kính coong, kính coong” cho họ biết mà tránh. Thì sau đó người trong làng truyền đi cho nhau nghe rằng ông nội tôi có cái xe đạp “khôn đáo để”, “thấy người là biết kêu kính coong, kính coong”. Mở ngoặc nói thêm về trình độ học vấn dân làng tôi là đến thập niên 1950, cả làng tôi chỉ có 2 anh em tôi và một người khác tên là Viên họ Nguyễn học trung học phổ thông Chu Văn An Hà nội. Thời ba tôi thì làng được ba người có trung học phổ thông là ba tôi, ông giáo Sách và ông giáo Nghiên. Cả hai ông bỏ làng đi mất tích, không bao giờ về. Có người nói ông Nghiên đi hội kín bị bắt tù Côn đảo, còn ông Sách vào Sài gòn lập nghiệp.
Ba tôi đã kiếm quần áo rách đem quấn quanh cái thanh ngang của khung xe cho thật dầy như là cái gối để cho em tôi Tường Vi ngồi lên đó và ba tôi đẩy đi. Con đường về quê dài gần 250 km. Khởi đầu từ Vinh là đi xe ô tô chở hành khách với một chi tiết đặc biệt tôi nhớ nhất là đàng sau chiếc xe có một lò than, trông gần giống như cái bình chứa dưỡng khí bây giờ, nhưng lớn gấp đôi. Trước khi cho xe chạy người ta dùng một cái máy quay thổi lửa cho than cháy đỏ hồng lên. Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu cái lò than đỏ hồng đó đã có tác dụng gì làm cho cái xe chạy vì không thấy có nồi súp de như xe lửa. Thứ hai là mỗi khi ngừng xe hay đón khách là Mợ tôi bảo mua dưa hấu vì “háo” và nóng ruột, chỉ thèm dưa hấu. Khoảng xế trưa thì đến Thanh Hóa. Thành phố vắng hoe. Đối với tôi, Thanh hóa đặc biệt vì có cầu Hàm Rồng. Cầu vồng lên hình cánh cung, không lớn, mầu xám, bắc ngang qua sông ở giữa một khe núi cao. Tôi còn nhớ đi xe lửa sau một chỗ đường vòng là đột ngột đến chiếc cầu khiến cho tôi luôn luôn thích thú. Người ta nói cái địa hình này che chở chiếc cầu làm cho nó không bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy thời chiến. Trong bụng tôi nghĩ sẽ được đi ngang qua chỗ cầu Hàm Rồng để ngắm cái cầu đã bị giật mìn trong chính sách tiêu thổ kháng chiến sụp đổ ra sao, nhưng thất vọng vì xe không ghé qua đó. Lúc xuống xe, ba tôi đi loanh quanh một hồi tìm chỗ mua cơm ăn, thì chỉ thấy một cái quán nhỏ có một cái chõng bán nước chè tươi đựng trong một cái nồi lớn ủ nóng bằng bao tải. Không có khoai lang, không có chuối như thông lệ các quán nước. Ba tôi hỏi có gì ăn không thì bà quán trả lời còn chừng một hai bát phở thịt lợn. Ba tôi mua cho cả nhà ăn. Thì tôi mới thấy đó là bát phở ngon tuyệt trần đời, mong thầm sẽ có ngày trở lại ăn nữa. Sau đó, ba tôi thuê xe tay cho Mợ tôi và bé Minh Nguyệt đi đến bến ca nô đi Điền Hộ. Vì ba tôi đã về quê thăm thú nên biết rõ, còn tôi thì chẳng biết Điền Hộ ở đâu và đến đó làm gì. Trong đoạn ngắn ngủi ngồi xe này tôi còn nhớ rõ mợ tôi chốc lát lại bật tiếng kêu đau mỗi khi xe sụp ổ gà làm người mợ tôi trơ xương đụng vào thành xe.
Cả nhà tôi xuống xà lúp đi Điền Hộ lúc sẩm tối. Đó là lần đầu tiên và lần độc nhất trong đời tôi được đi xà lúp. Tiếng máy nổ bụp bụp vang lên trên giòng sông tôi chẳng biết tên là gì này tạo ra trong lòng tôi một ấn tượng mênh mang khó tả. Một lát, từ phía một cặp thanh niên nam nữ ngồi gần phía mũi tầu nổi lên giọng hát tình cảm của người con trai “ Xuân đã đem mong nhớ trở về lòng cô gái ở bến sông kia…Cô hồi tưởng lại ba xuân trước… Trên bến cùng ai đã nặng thề… Nhưng rồi người khách tình quân ấy.. đi biệt không về với bến sông…”. Anh ta cứ hát đi hát lại mãi tới khuya ý hẳn như muốn trổ tài hát hay với người đẹp, làm tôi thuộc cả bài tới bây giờ. Cái lạ là bài hát này không mấy khi được hát trong những giai đoạn về sau này, khi có phong trào trình diễn những bài hát diễm tình gọi là tiền chiến với các bài hay nhưng nghe mãi đến chán tai như Giọt mưa thu, Đêm đông vân vân… Rồi tôi ngủ thiếp đi trong đêm. Khi ca nô cập bến Điền Hộ, mở mắt ra thì ánh sáng làm tôi bị chói đến độ đau mắt không chịu được, phải nhắm ngay mắt lại. Và cứ lim dim mắt như thế lần mò dò dẫm từng bước theo đoàn người lên bờ. Đi một quãng không xa thì tới căn nhà gỗ mái rạ khang trang mà ba tôi đã thuê sẵn ngay bên bờ sông. Ba tôi chỉ ở một ngày rồi sáng hôm sau lên đường về quê để nhờ hai chú tôi là Đ. và Ph. mang võng vào khiêng Mợ tôi về, vì mợ tôi đã yếu lắm rồi. Không thể nào đi bộ hay lên thuyền, lên xe được nữa. Nằm nghỉ được một ngày, mợ tôi khỏe hơn và mỗi ngày đưa tiền cho tôi ra chợ ngay trên bến sông mua gạo đỏ và rau muống về ăn. Tôi mừng lắm, vì có dịp tiêu tờ giấy hai chục đồng ông phát báo đã cho. Ngay hôm đầu, tôi ăn hai quả trứng luộc mà chỉ trông thấy là thèm nhỏ rãi. Và cứ thể tiếp tục. Nghĩ thương mẹ thì chỉ dám dùng nó để phụ thêm tiền mua rau muống cho mẹ đỡ tốn. Nhưng không dám nói về số tiền to lớn này, vì sợ mợ tôi không tin mà cho là tôi ăn cắp của ai. Rồi một hôm nhìn quanh chợ ngoài hàng trứng luộc thấy có hàng bún bung nấu với dọc mùng và sườn, và hàng bún ốc. Hỏi giá không đắt lắm cho nên sà xuống ăn. Thì đột nhiên thằng Dũng từ nhà chạy tới, mang tiền mợ đưa thêm để mua dưa hấu. Thế là tôi cho Dũng ăn cùng và dặn nó đừng nói với mợ vì sợ mợ buồn cho rằng là tiền ăn cắp. Tôi cũng dùng chút ít tiền đó để phụ mua dưa hấu cho Mợ. Lúc đi học Y khoa mới biết rằng tôi khi đau chói mắt vì ánh sáng lúc mở mắt là bởi suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A, cho nên mắt khô (xerophtalmia), không chữa sẽ bị mù. Nếu không nhờ mấy quả trứng nhiều vitamin A thì bây giờ tôi đã có thể trở thành một anh hát xẩm cuối đường cửa Tả trước ga Vinh mà tôi từng say mê đứng nghe buổi tối mỗi khi có dịp. Anh biểu diễn đủ loại, từ lẩy kiều, tới sa mạc, bồng mạc, tới hát nói, chầu văn… kể cả ca theo yêu cầu, nhờ giọng khàn khàn và khả năng lẻo mép thêm thắt mua vui cho thính giả bình dân.
Ông chủ nhà là người dễ thương. Ông nấu rượu trắng để bán. Ông hay cho chúng tôi ăn cháy gạo nếp nấu rượu. Sau khi cất rượu xong, bã chua còn lại đổ ra một cái vại sành không có vung trước sân để tích lại đem ra chợ bán làm dấm bỗng. Nhặng đậu bên rìa vại có con chết nổi, có lẽ vì say? Thấy thế cho nên khi ra đến Hà nội và về sau này, khi đi ăn cơm khách mà có món riêu cá nấu dấm bỗng mọi người suýt soa khen ngon, tôi cũng hùa theo cho phải phép mà ít khi ăn thật sự. Cả nhà ông chủ là người Công giáo thuần thành. Sáng 5 giờ dậy đi ra nhà thờ lễ. Khoảng xế trưa đi cầu. Tối lại đi lễ nữa. Về nhà trước khi ngủ cả nhà lại ời ợi đọc kinh.
Khi ba tôi trở lại Điền Hộ thuê xe đưa Mợ tôi qua Phát diệm rồi đến Cầu Yên để hai chú tôi mang võng tới đó khiêng về thì số tiền hai chục của tôi cũng hết. Có một buổi trưa nắng tất cả đoàn chúng tôi ghé vào một quán nước cách nhà ông nội tôi hơn một ngày đi bộ, nghỉ chân uống nước. Mợ tôi nằm nguyên trên võng ôm Minh Nguyệt miệng ngậm vú mẹ khóc nhẽo nhẹt yếu ớt, vì mẹ tôi ốm không lấy đâu ra sữa. Chỉ uống nước cơm hay ăn cháo lỏng với muối. Thì đột nhiên một người phụ nữ mặc áo cánh trắng quần đen không hiểu từ đâu bước tới, nhìn Minh Nguyệt và mợ tôi. Rồi nói cháu bé này khát sữa và không ngần ngại bế nó lên, vạch áo ra cho MN bú. Nó nín khóc, nút vú chùn chụt một hồi, ợ lên một tiếng to rồi nằm yên, thoải mái.
*
Ở Vinh tôi gặp bà giáo Thụ cứu ba tôi ra tù. Ở chợ Vinh có người bán rau nhường xu hào, bắp cải, củ cải vân vân cho mẹ tôi bán kiếm cháo, lại bảo đứa cháu nhường báo Cứu quốc Kháng chiến cho tôi bán phụ theo. Có ông phát báo người Quảng Bình hút thuốc Cẩm lệ cho tôi điếu thuốc đầu tiên, - cũng là điếu thuốc duy nhất trong đời mà chỉ một hơi ngậm trong miệng khiến đủ say không đứng nổi phải nằm xuống cỏ. Để có những phút nhìn lên trời xanh mây trắng bao la. Không khỏi nghĩ đến thân phận một con dế trong đám cỏ. Và hai chục đồng bạc của ông phát báo cứu đôi mắt tôi gần mù. Tại quán nước không tên không rõ ở đâu này tôi gặp người phụ nữ vô danh áo trắng quần đen cho Minh Nguyệt một bầu sữa ngon lành bổ dưỡng. Có thể đó là bữa sữa no nê độc nhất của em tôi từ ngày lọt lòng mợ tôi ốm đau suy dinh dưỡng, 10 ngày trước khi thỉu đi chết, trong khi mợ tôi cũng đang thiêm thiếp trên giường bệnh ở nhà ông Nội và qua đời sau đó 3 ngày.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 1 tháng 1/2021