(Bài đã đăng trong web Tễu Blog)
Nhà báo Đào Tuấn:
Bữa tiệc chúng ta sắp chén đẫy hôm nay…
Bữa cơm, toàn rau rừng của 7 đứa trẻ trong một câu chuyện đỉnh cao về tắc trách và máu lạnh.
Chuyện như sau: Anh Xuyên, ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang- bố của 5 đứa trẻ họ Trương, nhưng trên giấy tờ thì lại là họ Chương. Có thể là do cách phát âm khi làm giấy tờ.
Suốt bao năm, chỉ vì cái chữ Trương/Chương này mà gia đình không làm được hộ khẩu. Và 5/7 đứa con của anh, đứa lớn, đã 14 tuổi- suốt bao năm lâm vào cảnh thất học..
Nguyên do không được đến trường là vì không có hộ khẩu.
Quyền được giáo dục của trẻ em được ghi trong điều 37 Hiến pháp. Nhưng thực tế thì hiến pháp là hiến pháp, hộ khẩu là hộ khẩu mà kệ mẹ chúng mày là kệ mẹ chúng mày.
Bữa trước, một thanh niên ở Từ Sơn, Bắc Ninh đã treo cổ tự vẫn trước những áp lực của cái nghèo và sự cùng quẫn.
Dịch covid-19 đã khiến xưởng mộc của N bị ảnh hưởng. Anh, không rượu chè, cờ bạc, trai gái gì- nhưng không có cách gì để kiếm tiền.
Không một xu, trong hoàn cảnh vợ dại, 2 con thơ. Trong hoàn cảnh bố câm điếc bẩm sinh, mẹ ung thư giai đoạn cuối, bà nội, đã ngoài 80, đau yếu liên tục.
Có một chi tiết là năm ngoài, N đã phải bán đi một quả thận để có tiền chữa trị bệnh tật cho mẹ.
Và rồi giờ đây, khi không còn gì để bán nữa.
N, cũng như gia đình 7 đứa trẻ ở Tuyên Quang, đang sống ở đáy nghèo. Nghèo tiền bạc, nghèo chữ nghĩa, nghèo hiểu biết, nghèo cả tiếng nói trong xã hội này. Và, cái nghèo nhất là mất đi một lối thoát, một hi vọng.
Hãy nhìn bữa cơm chỉ toàn rau. Và cơm có thịt chỉ là một ước mơ.
Trong khi đó thì khắp nơi là cặp da, là quảng trường, tượng đài, là đấy, là 11 chữ ngót 11 tỉ bạc.
Cụ Đoàn Phú Tứ, trong bữa tiệc đám cưới người nhà đại tá Trần Dụ Châu năm xưa đã viết gì nhỉ: “Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của các chiến sĩ".