Lúc còn dưới tiểu học, bài tập làm văn nào cũng bắt đầu bằng hai chữ nhân dịp, kể chuyện nầy tôi cũng xin... “Nhân Dịp”!
Nhân dịp được thất nghiệp, máu giang hồ nổi lên, tôi bèn rủ một người bạn làm một chuyến du lịch vòng quanh nước Mỹ để thăm bạn bè. Bạn tôi có số nhờ vợ. Vợ chồng hắn có một tiệm chạp phô bán gạo, mắm, ớt, tỏi đủ thứ bà rằng. Vợ hắn cưng hắn rất mực, hễ hắn làm gì có vẻ lao động chân tay là bị cự ngay “Không ai mượn làm chuyện đó, tránh ra!”. Đúng là hắn tốt nghiệp “Ngạch Cai-Trị”! Hắn muốn gì, vợ hắn đều răm rắp tuân lịnh một cách vui vẻ. Còn tôi thuộc loại tứ cố vô thân, chẳng có vợ con, nhà cửa gì nên rất thảnh thơi!
Chúng tôi ở miền Đông Bắc Hoa-Kỳ, dự định đi xuống miền Nam, vòng qua Cali, rồi lên phía Tây Bắc.
Lúc đó vào cuối năm âm lịch, khoảng tháng Hai dương lịch mà tuyết và gió lạnh vẫn chưa bớt, nhưng càng về phương Nam, trời ấm dần. Trạm đầu tiên cũng là trạm chính mà tôi cố ý ghé là nhà Hùng ở tiểu bang Georgia. Vợ chồng Hùng đã chờ sẵn ở phi trường đón chúng tôi về nhà. Hôm đó đúng vào ngày ba mươi Tết, trời đã về chiều, gió hơi lạnh lại lất phất mưa, giống hệt những ngày giáp Tết ở miền Trung Việt-Nam. Nhà Hùng không lớn lắm nhưng có vườn cây cảnh rất đẹp, đứng trên lầu nhìn ra giòng sông phía xa, bên kia là những đồi cây xanh, lờ mờ trong sương như một bức tranh Tàu. Hai đứa tôi được giành cho hai căn phòng nhỏ trên lầu. Tắm rửa xong thì đã sẵn một bàn đồ nhậu ở sân thượng mà Hùng gọi là tiệc đón Giao-Thừa. Vợ Hùng làm đồ nhậu rất tuyệt. Nhớ lại sau ngày sập tiệm bảy lăm ở Sài-Gòn, mấy tay Hành-Chánh chạy được về cũng khá đông, thường được Hùng mời về nhà nhậu mấy bữa trước khi đun đầu vô rọ "Cải-Tạo"! Hùng làm ở Bộ Kinh-Tế nên thời gian đầu vẫn được “Lưu Dụng”, sau khi mấy cậu Việt-Cộng quen việc rồi thì được đuổi về, dù sao cũng thoát được nạn đi "Cải-... Tạo"!
Vợ Hùng, người Bắc, rất khéo chế biến món ăn. Cô ta vẫn như trước kia, thỉnh thoảng dưới bếp chạy lên canh chừng, xem thiếu món gì thì tiếp tế. Cô có một đức tính rất quí là chẳng bao giờ bỏ vào tai những gì chúng tôi nói với nhau. Bây giờ lớn cả rồi, chuyện lăng nhăng không còn thú vị nữa. Chúng tôi thích nói chuyện mĩa mai, thâm thúy hơn. Sau hơn hai mươi năm chúng tôi mới gặp nhau, ôn lại bao kỷ niệm, từ những ngày sống trong Ký-Túc Xá ở đường Trần Quốc Toản cho đến khi ra trường mỗi đứa một nơi. Chúng tôi chỉ kể lại những chuyện vui, chuyện oái ăm thôi. Thực ra, ở tù rồi ra tù, đâu cũng vậy, chẳng có gì đáng buồn. Ngay cả việc tôi bị vợ bỏ cũng chẳng làm tôi quan tâm! Tuy nhiên bạn bè thường rất ngại, không muốn nhắc đến chuyện đó, tưởng như thế là lấy cây mà chọot vào vết thương lòng của tôi khiến tôi đau đớn lắm! Ai cũng coi tôi như kẻ ngã ngựa, bỏ vợ thì được chứ vợ bỏ đúng là mất mặt nam nhi! Ngày tôi qua xứ Mỹ, có được số điện thoại, tôi gọi cho Hùng, vợ Hùng mừng lắm cứ giành điện thoại hỏi tôi đủ điều, nhưng khi nghe tôi bảo “Bị vợ bỏ rồi” là không hỏi nữa! Đàn bà rất tò mò chuyện nầy, vợ Hùng coi bộ ấm ức muốn biết vì sao tôi bị vợ bỏ “Bây giờ vợ tôi ở đâu, có chồng khác là ai?”.
Tôi biết tâm lý đó nên khi rượu đã ngà ngà, tôi bảo.
– Tôi biết bà Hùng muốn nghe chuyện tôi bị vợ bỏ ra sao? Bây giờ tôi kể, coi như món quà tôi tặng bà, để bà khỏi thắc mắc hoài tội nghiệp!?
Cô ta làm bộ miễn cưỡng.
– Cái ông nầy! Ai lại đi nghe chuyện đời tư của người ta!
– Bộ bà không muốn nghe sao? Thì thôi, tôi kể nho nhỏ cho phe đàn ông nghe.
– Ông nầy… Cứ coi như chuyện đùa. Nhưng ông kể chứ không ai ép đâu nhé!
– Nhưng bà đã lo cho mấy đứa nhỏ ăn chưa? Hay bắt chúng nhịn miệng đãi khách?
– Có cô chúng lo rồi. Đáng lẽ cho cô ấy và các cháu lên chào hai bác, nhưng vì hai bác còn mệt nên để ngày mai!
– Được rồi ngồi xuống đấy, tôi kể, nhưng hơi dài dòng một chút!
Tôi quen vợ tôi trong một tiệc cưới của một người bà con ở Đà-Lạt. Lúc đó tôi học năm thứ hai Đốc-Sự Hành-Chánh. Tiệc cưới nào cũng giống nhau, nhưng mình là người ở Sài-Gòn náo nhiệt, lên Đà-Lạt tự nhiên thấy khác liền, cảnh đẹp mà buổi tối thật yên tĩnh. Tôi được xếp ngồi cạnh một cô gái coi cũng đẹp, nhưng điều làm tôi chú ý là vẻ điềm đạm, chín chắn của cô. Cô thường yên lặng như chìm đắm vào một ý nghĩ nào đó. Tôi gợi chuyện thì được biết cô đang học Luật ở Sài-Gòn. Chúng tôi trao đổi nhau địa chỉ trước khi ra về, nhưng ngay lúc đó trời đổ mưa. Tôi hỏi cô ta về bằng gì? Cô bảo có người nhà đem xe đến đón. Từ nhà hàng ra cổng phải qua một vườn hoa, tôi hỏi cô xe hiệu gì, màu gì để tôi ra xem chừng, hễ xe đến tôi sẽ báo, cô khỏi phải ra vào ướt át. Cô bảo nhà có ba chiếc xe nhỏ nên không biết xe nào sẽ đến đón? Thời đó, ai sắm được một chiếc xe du lịch đã là sang trọng rồi, đằng nầy gia đình cô có đến ba chiếc ắt phải giàu và đông người lắm!
Hôm sau tôi đến thăm cô. Đó là một ngôi biệt thự rất xinh, trên đồi thông trông ra hồ Xuân-Hương thật nên thơ. Cô sống một mình, phía sau là gia đình người quản gia và nhà để xe. Cô bảo còn gia đình người chị nữa nhưng đã đi Đức nghỉ hè rồi vì người chị có chồng dân Đức. Sau đó về Sài-Gòn cô hay đến Ký-Túc Xá trường Hành-Chánh thăm tôi. Chúng tôi thường đưa nhau đi ăn quà rong, xem ciné giống như những cặp tình nhân khác!
Tính cô ít nói, ít khi biểu lộ tình cảm. Vậy mà chúng tôi cưới nhau không phải do tôi ngõ ý mà là cô ta! Tôi nhớ năm đó, sau hôm thi tốt nghiệp xong tôi và cô đi xem phim ở rạp Rex. Phim dở quá, chúng tôi nói chuyện rì rầm với nhau. Đột nhiên cô hỏi
“Ra trường rồi anh có định lấy vợ không?”.
“Về các Tỉnh buồn lắm, có lẽ phải kiếm một cô vợ!”.
“Anh có định cưới em không?”.
“Không! Bồ bịch nhau thì được!”
“Sao vậy?”.
“Vì gia đình em giàu quá, người ta bảo anh đào mỏ, vả lại em dư sức lấy Kỹ-Sư, Bác-Sĩ! chọn anh làm gì?”.
“Em không hiểu ý anh muốn nói gì?”.
“Em sung sướng quen rồi, nếu theo anh về Tỉnh lẻ, có khi về các Quận thôn quê, em chịu sao thấu?!”
“Anh đừng lo chuyện đó. Hay là anh chê em, hay là anh đang yêu ai?”.
“Anh không chê em, anh cũng yêu em nữa! Nhưng yêu ít hơn một người khác!!!”.
Cô tò mò một cách bình tĩnh:
“Em có thể biết được người đó là ai không? và chuyện hai người đi tới đâu rồi? có định cưới nhau không???”.
“Đúng ra là chuyện một người chứ không phải hai người! Anh yêu cô ta hơn hai năm rồi, trước khi gặp em nữa kia,! Nhưng cô ta không đáp lại vì cô đang có người yêu! Thực ra anh được gặp và nói chuyện có một lần thôi, còn những lần khác chỉ ngồi trong quán bên đường nhìn cô ta! Anh tưởng quen với em sẽ quên được cô ta vì em đẹp hơn! Nhưng rồi chẳng có gì thay đổi trong tình yêu của anh!!!”.
“Anh yêu thì cứ yêu nhưng đừng hy vọng gì, đừng phá đám người ta! Ngoài ra, còn có người nào anh có cảm tình nhất?”.
“Sau đó là em!”.
“Không chê em, cũng có yêu em nữa, anh lại thấy cần một người vợ, vậy anh chọn ai?”.
Tôi ngạc nhiên trước lối lý luận thẳng thắn và thực tế của cô. Lúc bấy giờ tôi không có một chút ý niệm gì về gia đình cả vì giấc mơ của tôi về một ngày được sống với người con gái tôi yêu đơn phương kia chỉ là không tưởng!
Thế là chúng tôi cưới nhau! Hôm ra trường, chọn nhiệm sở ở Bộ Nội-Vụ, vợ tôi dặn, cố chọn cho được tỉnh Lâm-Đồng. Chuyện đó quá dễ vì tôi đậu cao, nhiều ưu tiên hơn các bạn! Nhưng tôi thắc mắc thì vợ tôi kể rằng. Chị cô có chồng dân Đức, họ đang thầu vận chuyển tất cả những gì của Quân-Đội Đồng-Minh từ các hải cảng miền Trung lên Cao-Nguyên, làm chủ hàng mấy chục chiếc xe tải. Họ còn có cả một hệ thống đại lý phân bón và thuốc sát trùng cho toàn miền Trung. Nay thấy cô em lập gia đình, cô chị nhường cho em các đại lý từ Dầu-Dây, Long-Khánh lên đến Di-Linh, Đức-Trọng.
“Nhưng anh không quen hoạnh họe hay năn nỉ ai cả!”.
“Anh khỏi làm gì, chỉ cần các Cán-Bộ Xã, Ấp biết anh là chồng em là đủ, còn mọi việc để em!”.
Tôi nghe có lý nên làm theo như lời vợ tôi dặn. Tôi làm Trưởng-Ty Hành-Chánh tỉnh Lâm-Đồng. Những dịp Tỉnh họp Quận, Xã tôi vui vẻ chào hỏi mọi người, có khi mời họ uống cà-phê, ăn điểm-tâm nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện làm ăn của vợ tôi! Chúng tôi dọn lên Đà-Lạt, mỗi tuần tôi về nhà một lần. Vợ tôi sinh được một thằng con rất kháu khỉnh. Công việc kinh doanh của vợ tôi cũng chẳng có gì vất vả, thỉnh thoảng cô đi một vòng các đại lý để thăm viếng, tìm hiểu còn mọi việc có nhân viên lo cả!!!
Chúng tôi sống với nhau được ba năm thì xảy ra vụ "Sập Tiệm" năm bảy lăm. Trước vụ Di-Tản KChiến-Thuật từ Cao-Nguyên về, tôi được thư của vợ tôi từ Sài-Gòn nhắn tôi về gấp, tòa Đại-Sứ Đức sẽ đưa cả gia đình lên máy bay, tên tôi đã có trong danh sách chuyến bay rồi! Sau đó tôi lại được liên tiếp hai lá thư cầm tay nữa! Tôi viết trả lời vì bận việc, nếu không về kịp gia đình cứ đi trước, đừng lo cho tôi! Thực ra Đà-Lạt, Lâm-Đồng đâu có bị tấn công, công việc các Ty, Sở Tòa Hành-Chánh lúc đó cũng chẳng ai cần nữa, nhưng tôi không rời Nhiệm-Sở! Sau nầy tôi mới biết, không phải chỉ riêng tôi, biết bao Đơn-Vị Hành-Chánh, Cảnh-Sát, Quân-Đội Cấp Chỉ-Huy đã chạy đâu mất tiêu mà người Chiến-Sĩ vẫn không rời Vị-Trí Chiến-Đấu cho đến khi gục chết vẫn không hề ân hận điều gì!?!
Họ cảm thấy Đất Nước Lâm Nguy, Bi Đát đến độ chỉ biết đem thân ra chống đỡ một cách tuyệt vọng, quên cả Bản-Thân, Cha Mẹ, Vợ Con. Khi tôi về thì tất cả đã đi rồi. Tôi đi tù, và bây giờ ngồi đây! Chuyện chỉ có thế!!!
Vợ Hùng có vẻ bất mãn.
– Nhưng ông phải tìm cho ra vợ con chứ! Ông không thương vợ con ông à?
– Thương chứ, nhưng tìm vợ con để làm gì? Mỗi người đã có một số phận! Cứ để cho vợ tôi coi như tôi đã chết rồi! Hơn hai mươi năm không có tin tức chồng, dù thương yêu bao nhiêu, cô ta cũng không thể làm "Hòn Vọng Phu" được! Còn thằng con, có thể Mẹ nó bảo rằng tôi đã chết hoặc người Cha sau nầy là Cha ruột của nó! Ở bên Đức chắc chắn họ sung sướng, thế là tôi yên tâm! Làm xáo trộn sự yên tĩnh của họ chẳng có lợi cho ai cả!!!
Mọi người yên lặng như đang tưởng niệm đến bao Mối Tình, bao Gia-Đình tan nát vì Chiến-Tranh! Và trong không khí yên bình của một đêm cuối năm ở xứ người, bỗng xôn sao trong tâm tưởng hình ảnh Đất Nước Thân Yêu năm nào trong những ngày khói lửa tang thương…
Vợ Hùng chợt lên tiếng.
– Theo ông kể thì chẳng biết vợ ông có thương yêu ông không nữa?
– Lúc đầu tôi cũng phân vân như thế. Nhưng càng về sau, sống với nhau, tôi mới hiểu tấm lòng của vợ tôi. Người con gái dù có yêu ai bao nhiêu cũng không bao giờ tỏ tình trước, vậy mà cô ta dám gợi ý cho tôi cưới cô, nhưng khi biết được tim tôi đã gởi cho người khác, tuy tranh đấu được tôi trong vòng tay, nhưng cô không bao giờ biểu lộ tình cảm nữa! Cô đã dâng tôi cả Trái Tim, Tâm-Hồn và cả Cuộc-Đời nữa, nhưng chỉ nhận được ở tôi cái Bản-Năng, cái Lương-Tri của một Người Chồng có học, đứng đắn thế thôi! Tôi thấy mình ở tù là đáng đời, chẳng phải vì Việt-Cộng trả thù mà chính Trời phạt tôi đã phụ một Tấm Chân Tình! Tôi không xứng đáng với Tình Yêu của cô ta! Hạnh-Phúc trong tay không chịu hưởng lại chỉ Tơ-Tưởng đến một Bóng Hình xa xôi, vô vọng! Tôi vừa đau đớn vừa cầu mong Cô Ta yêu được người Chồng sau nầy!!!
– Nhưng theo ông kể, ông chỉ gặp cô gái kia chỉ một lần mà lại yêu say mê, dai dẳng như thế, chuyện cũng khó tin.
– Chính tôi cũng không hiểu mình nữa. Có lẽ Trương Chi giải thích được vì sao anh ta chỉ gặp Mỵ Nương có một lần mà thất tình đến độ quả tim hóa đá luôn.
– Ông thử kể cô ta hương trời sắc nước ra sao và gặp trong trường hợp nào.
– Chuyện chẳng có gì ly kỳ nhưng hơi rắc rối. Tôi nhớ lễ Giáng Sinh năm đó, tôi cùng vài người bạn đi nhà thờ Đức Bà xem người ta đi lễ. Tất cả các lối đến nhà thờ đều cấm xe cộ nên ngang chợ Bến Thành chúng tôi gửi xe đi bộ, chen lấn với mọi nguời tìm ngắm người đẹp. Một lúc sau tôi bị lạc mất bạn. Đang nhướng cổ tìm kiếm, bỗng tôi thấy một cô gái cũng đang ngơ ngác nhìn quanh, có lẽ cô cũng lạc bạn như tôi.
Trong mắt tôi, cô nổi bật như đóa hoa rực rỡ giữa đám cỏ dại. Chẳng phải cô đẹp nhưng có những nét đặc biệt mà tôi tưởng như quen biết, thân yêu từ lâu lắm. Da cô ngăm ngăm, hai mắt đen nhánh dưới đôi lông mày rậm, khi tôi đến gần, cô nhìn tôi với tia nhìn sáng rực như quật mạnh vào nơi sâu kín nhất tâm hồn khiến tôi ngất ngây. Tôi rung động cả thần trí lẫn thể xác, như chết chìm trong một hạnh phúc tái ngộ đâu từ kiếp trước. Giây phút bất chợt đó, tôi biết tôi đã yêu.
Trang phục cô màu đen, tóc ngang vai, cô cài trên tóc một đóa hoa vàng, không rõ hoa giấy hay hoa nhựa, hai tai cô cũng có hai đóa hoa vàng nhỏ. Hình ảnh đầu tiên đó đến bây giờ vẫn còn nguyên trong trí tôi. Khi tôi đến gần cô thì giòng người như đặc cứng. Cô bị xô đẩy và muốn thoát ra khỏi đám đông một cách tuyệt vọng.
Tôi đến phía sau cô đẩy những cậu thanh niên vừa la cười vừa giả vờ ngã vào người cô. Chúng tưởng tôi là người thân của cô nên lảng ra. Hai tay tôi giăng ra như một cái khung và cô ở giữa được an toàn. Chúng tôi trôi theo giòng người. Cô biết tôi bảo vệ cho cô nhưng không nói gì. Thỉnh thoảng cô khựng lại, ngã vào ngực tôi. Đầu cô vừa tầm mũi tôi, tôi nhận được mùi thơm con gái ngọt ngào từ mái tóc, từ người cô toát ra. Giòng người càng chen lấn, cô càng như nằm trọn trong vòng tay tôi, nhưng tuyệt nhiên tôi không có một ý nghĩ vẫn đục nào. Cô thân yêu, quý giá và cao sang đến độ tôi tưởng mình là tên nô lệ được hân hạnh bảo vệ cho một nữ hoàng.
Buổi tối hỗn độn như thế mà tôi thấy thế gian vắng lặng chỉ còn mình tôi với cô ta mà thôi. Mùi thơm đó, làn da mềm mại của lưng cô, ngực cô, cánh tay cô cứ vương vấn mãi trong tôi thành một ước ao mãnh liệt đến bơ vơ vì tuyệt vọng.
Khi chúng tôi thoát ra khỏi đám đông, cô quay lại nhìn tôi mỉm cười. Đời tôi chưa bao giờ thấy một nụ cười đẹp và làm tôi sung sướng đến như thế, và đó là lần duy nhất tôi được ân sủng tuyệt vời cô ban cho. Rồi cô bước nhanh hơn như muốn rời tôi. Tôi vẫn đi theo, cô quay lại nói:
“Cám ơn!”.
Tôi cố đi song song với cô và hỏi:
“Cô đi nhà thờ phải không?”.
Cô gật đầu, tôi nói:
“Cho tôi đi theo với!”.
“Để làm gì?”.
“Để cầu nguyện với Chúa!”.
“Cầu nguyện gì?”.
“Cầu nguyện cho chúng mình yêu nhau!”.
Cô quay nhìn tôi, lắc đầu:
“Không được đâu! Tôi có người yêu rồi!!!”.
Tôi kêu lên: “Thôi chết! Tôi làm sao sống nổi đây?!”. Cô làm thinh đi nhanh hơn nữa. Biết là cô chán tôi vì câu tán tỉnh rẻ tiền đó nên tôi đi chậm lại, tần ngần nhìn theo cô đang khuất dần vào đám đông! Thế là tôi thành kẻ thất tình. Chiều nào tôi cũng ra đường Lê-Lợi, quãng từ chợ Bến-Thành đến đường Tự-Do, đi lang thang lên xuống để hy vọng mong manh gặp lại cô! Trước kia, tôi cũng có thói quen lang thang như thế, ghé nhà sách Khai-Trí tìm một quyển sách, vô quán cà-phê ngồi nhìn thiên hạ qua lại. Bây giờ tôi được thêm cái thú chờ mong!!!
Đôi khi tôi đến cả nhà thờ Đức Bà, đứng dưới tượng Đức Mẹ lầm thầm cầu nguyện “Lạy Mẹ cho con gặp lại nàng, chỉ một lần nữa thôi, con nhớ nàng lắm!”. Tôi không phải con chiên Công-Giáo, nhưng hình như Đức Mẹ nghe thấy và thế là tôi được gặp cô ta lần thứ hai! Hôm đó tôi ra chợ Bến-Thành coi thiên hạ sắm Tết. Từ xa, chỉ thấy dáng người tôi biết ngay là cô ta rồi! Cô đi với bạn trai, cô mặc áo màu xanh nhưng vẫn đeo đôi hoa vàng. Lần nầy tôi quyết theo cô đến nhà. Cũng may, chỗ gửi xe của tôi và cô gần nhau nên tôi theo cô về đến quận Tư. Hóa ra là nhà người bạn học mà tôi có đến vài lần nhưng tôi chỉ đứng ngoài chờ hắn vào lấy gì đó trước khi đi chơi với nhau. Lẽ ra với người khác đó là dịp bằng vàng để được làm quen với cô ta, nhưng vì biết cô đã có người yêu lại thêm mặc cảm cô chẳng thèm để mắt đến tôi nên tôi không dám đến nhà người bạn ấy nữa! Sợ cô ta gặp tôi, nhớ ra, rồi kể lại chuyện tán tỉnh lăng nhăng của tôi, chỉ thêm xấu hổ chứ chẳng được gì!?!
Nhưng tôi không thể quên được cô nên mỗi chiều tôi vào một quán cà-phê trước nhà cô chờ ngắm cô đi học về, khi thì với người yêu, khi thì một mình! Trong đời dù trai hay gái, ai cũng trải qua vài mối tình bất ngờ, đơn phương như thế nhưng rồi cũng sẽ quên đi! Vì đó chỉ là tiếng kêu vô vọng!!! Duy với mối tình nầy tôi không bao giờ quên. Sau nầy ra Trường đi làm việc nơi xa nhưng có dịp về Sài-Gòn tôi lại ghé quán cà-phê ngồi nhìn qua nhà cô. Có lẽ cô đã theo chồng nhưng tôi vẫn tưởng tượng rằng cô vẫn còn ở trong đó, vẫn đi lại, nói năng, sinh hoạt bình thường! Đó là cách để tôi đỡ nhớ cô, để mơ tưởng được nhìn thấy cô! Ngay cả khi đi tù về, tôi hành nghề đạp xích-lô, mỗi khi ngang trước nhà cô là tôi gác xe ngồi nhìn vơ vẩn, làm như đang chờ khách! Dù tôi biết nhà đã đổi chủ từ lâu nhưng khi đến nơi thân yêu mơ hồ ấy tôi cảm thấy cuộc đời lẻ loi của mình như có một chút an ủi, một chút vui! Nếu nói rằng mỗi người một Định-Mệnh thì đúng là tôi sinh ra chỉ yêu có mình cô ta thôi!!!
Mọi người vẫn yên lặng. Vợ Hùng phê bình một câu.
– Tưởng ông kể chuyện tình lâm ly, gay cấn lắm, không ngờ chẳng có gì cả. Thế ông có biết bây giờ cô ta ở đâu, ra sao không?
– Câu đó tôi định hỏi vợ chồng bà!
– Cái ông nầy! Vợ chồng tôi có dính dáng gì đến người ông yêu đâu!
– Sao không. Đó là cô Mai! Em gái ông Hùng chứ ai?!
Vợ Hùng trợn mắt lên vì ngạc nhiên. Hùng gật gù bảo.
– Tớ nhớ ra rồi, lúc ở trường Hành-Chánh, tớ có nghe hình như có cậu nào yêu em tớ, tớ không để ý, hóa ra là cậu!
– Tôi vượt cả nghìn cây số xuống đây chỉ cốt hỏi một câu là bây giờ cô Mai ra sao? Chiến-Tranh, Ly-Loạn… Tôi chỉ sợ cô gặp chuyện không may!!!
– Chồng cô là Thiếu-Tá Nhảy-Dù, tự tử chết trong trại Hoàng-Hoa-Thám ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Hai đứa con tốt nghiệp Đại-Học, đã lập Gia-Đình! Hiện cô sống một mình!!!
Vợ Hùng bảo tôi “Chờ đấy!”, rồi vội vả xuống lầu. Một lúc sau, cô đi lên và nói lớn.
– Cô ấy đang ở bên Việt-Nam, ông có dám về tỏ tình một lần nữa không?
– Tôi ước được gặp cô ta một lần nữa, cho đỡ nhớ! Lúc đó có lẽ tôi sẽ liều mạng bảo với cô rằng “Tôi yêu cô”! Thế là tôi mãn nguyện rồi! Còn chuyện cô đáp lại, coi bộ khó vì lúc trai trẻ còn bị làm ngơ, bây giờ thì hy vọng gì?!
– Nhưng cô ta cũng lớn tuổi rồi, sợ ông không nhận ra nữa đấy!
– Làm sao tôi quên được đôi mắt và miệng cười. Chỉ cần thấy dáng người sau lưng, tôi tin mình sẽ nhận ra cô ngay!
Đã hai mươi năm chúng tôi mới có dịp nhậu nhẹt, cười nói thoải mái với nhau. Tôi không biết uống rượu, chỉ một loong bia là đã mơ màng rồi, nhưng tối đó tôi uống hơn chục loong, quả là một kỷ lục! Có điều sau đó tôi phải chạy vào phòng vệ sinh ói thốc tháo ra! Tôi chỉ kịp giật nước, rửa mặt qua loa là mắt tối sầm lại, đứng không vững, các bạn vội dìu tôi lên giường. Người tôi toát mồ hôi, nằm bẹp, nhưng một lát sau cũng cảm thấy một bàn tay dịu dàng dùng khăn nóng lau mặt tôi rồi đắp mền cho tôi.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, người vẫn còn ngầy ngật, đầu nhức nhối khó chịu. Tôi nghe tiếng vợ Hùng dặn dò ai đó ở dưới nhà.
– Khi ông ấy dậy nhớ chỉ viên thuốc trên bàn rồi pha cho ông ấy một ly cà-phê, hỏi có ăn cháo không thì nấu. Tụi nầy đi chợ độ một giờ sau sẽ về. Tôi giao ông ấy cho cô trách nhiệm đấy nhé!
Có tiếng đối đáp nho nhỏ rồi tiếng cười rộ lên, tiếng chân xa dần ra phía sân nhà. Tôi dậy đánh răng, rửa mặt xong lần xuống bếp. Nhà vắng hoe, trên bàn ăn có ly nước lạnh và viên thuốc. Tôi ngồi xuống uống thuốc rồi dung tay xoa xoa mặt, miết mấy ngón tay lên lông mày cho bớt nhức đầu. Bỗng tôi nghe tiếng nói.
– Anh uống cà-phê nhé!
Tôi ngẩn lên thấy một người đàn bà quay lưng về phía tôi đang vặn bếp ga, tiếng lửa cháy phì phì nho nhỏ.
– Dạ, chị cho xin một ly.
– Anh ăn cháo nhé!
– Dạ không, cám ơn chị.
– Gớm, lúc tối các ông nhậu nhẹt… Sao mà lắm thế!
Tôi lừ nhừ trả lời.
– Bạn bè lâu ngày mới gặp nhau!
Người đàn bà mặc đồ đen, nhìn sau lưng dáng thon thả, tóc hơi ngắn, đôi vai nhỏ. Tôi chợt rúng động tâm thần, người run lên.
– Cô Mai!
Cô quay nhìn tôi, môi mím lại như đang dọa nạt một em bé, nhưng đôi mắt cô sáng lên một nụ cười triu mến, long lanh niềm vui. Hai tai cô vẫn y nguyên hai đóa hoa vàng, giống như hoa mai, loại hoa chỉ nở vào dịp Tết ở quê nhà. Cô nói chậm rãi.
– Từ nay em cấm anh không được uống rượu nhiều nữa!
Sau nầy cô ta kể với tôi rằng cô đã khóc khi rình nghe tất cả… !!!
Phạm-Thành-Châu