THỤY ĐIỂN. Ăn tối tại nhà hàng An Nam, thực khách phải im lặng tuyệt đối. Quanh họ không có bồi bàn, cần thêm gì cũng không thể gọi.
Vào chủ nhật cuối cùng của tháng 8, tại nhà hàng Việt ở thành phố Uppsala diễn ra một bữa ăn kỳ lạ, thu hút đông thực khách. Đó là một đêm mà chủ nhà hàng, Nguyễn Tư Phong - một nhà văn người Việt, yêu cầu thực khách phải im hoàn toàn khi ăn. Yêu cầu này được nhà hàng đưa ra khi khách đặt bàn cho bữa ăn có tên "Silent Dinner" (Bữa tối yên lặng).
Trước khi khách đặt bàn, nhà hàng giải thích cặn kẽ các yêu cầu: Khách phải đặt món trước, liệt kê những loại gia vị mình dùng hay không dùng; cần hay không cần gì trên bàn ăn để nhà hàng chuẩn bị trước vì trong bữa ăn sẽ không có nhân viên phục vụ. Khi ăn, thực khách không được nói chuyện, phải giữ im lặng tuyệt đối. Thực khách phải đến đúng giờ bởi sau khi chuẩn bị món ăn, đồ dùng trên bàn, nhà hàng sẽ tắt toàn bộ đèn điện chỉ để ánh nến đủ cho thực khách dùng bữa và tăng thêm không khí yên tĩnh. Sau 30 phút khách dùng xong món, đèn mới được bật trở lại.
Mặc dù những yêu cầu này có vẻ kỳ lạ, đông đảo thực khách tò mò đặt bàn, chỉ trong hai ngày suất đặt bàn hết sạch. Tuân thủ quy định giãn cách xã hội vì Covid-19, nhà hàng cũng chỉ nhận tối đa 30 khách, dù không gian đủ sức chứa tới 80 người.
Cũng như những nhà hàng khác, An Nam gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh dù Thụy Điển không có chính sách giãn cách xã hội. Nhưng người dân vẫn hạn chế đến nơi công cộng, đi ăn tại nhà hàng. Doanh thu sụt giảm, khiến nhà hàng này từng đứng trên bờ vực phá sản.
Không gian nhà hàng tinh tế mang đậm nét văn hóa Việt. Uppsala - thành phố lớn thứ 4 Thụy Điển về dân số, cách Stockholm 70 km, rất ít người Việt sinh sống, nhưng lại thu hút giới trí thức, yêu chuộng văn hóa và đông đảo nghiên cứu sinh người Việt
Ý tưởng về bữa tối yên lặng ra đời trong đại dịch. Khi có thời gian trầm ngâm nghĩ về cuộc sống, nhà văn Nguyễn Tư Phong nhận thấy con người luôn cần những khoảng lặng để suy nghĩ, nhìn lại chính mình, nhận ra những điều mà bình thường không kịp nhận ra. Từ đó, ông muốn truyền tải thông điệp này qua một bữa ăn yên tĩnh.
Điều thú vị, hấp dẫn thực khách ở "Silent Dinner" chính là giới thiệu ẩm thực và văn học Việt Nam. Ví như món "Canh chờ chồng" được làm nên từ tác phẩm "Hai người đàn bà xóm trại" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Chỉ là canh dưa nấu tép đơn giản, nhưng món ăn đã kể lại một góc nhỏ đời sống của những người đàn bà chờ chồng qua cuộc trường chinh.
Hay món bánh đa ngũ sắc nói về sự phong phú trong ẩm thực của người Việt, một món quà quê bình dân nhưng mang đến rất nhiều mầu sắc, mùi, vị và cả kí ức về một thời thơ bé khi đợi bà, đợi mẹ đi chợ về. Ký ức đó quá đẹp qua "nét cọ ngôn từ của" nhà thơ Tuyết Nga trong bài thơ "Nói với con về bà ngoại". Còn món nộm của Việt Nam, được chế biến với tất cả các vị đắng, cay, ngọt, bùi, giống như cách chúng ta đang trải qua cuộc sống này.
Một trong những thức uống đặc biệt của nhà hàng là trà "Nước mắt Majka" được pha bằng năm loại hoa: đậu biếc, hoa nhài, hoa cúc, nụ hồng và kim ngâu. Majka, tên một con chó mù trong truyện ngắn "Nước mắt con chó mù" của chính nhà văn Nguyễn Tư Phong. Elena cô chủ nhỏ của Majka đã bị kẻ gian bức hại đến chết trong căn nhà hoang giữa đồng, vài năm sau Majka nhận ra một trong những kẻ thủ ác đi ngang nhà, nó lao ra định trả thù. Khi băng ngang qua vườn, Majka ngửi thấy mùi quần áo của Elena, do bố mẹ cô bé thường mang ra vườn phơi để nhớ về cô bé, nó dừng lại, quyết định tha thứ và khóc. Những giọt nước mắt của Majka ra đời từ đó, đầy lòng trắc ẩn và nhân ái.
Mỗi món ăn đều chứa đựng một câu chuyện, một triết lý nhân văn về cuộc đời. Những điển tích, ý nghĩa văn học đó được nhà hàng viết thành trong phần tóm tắt nhỏ trên thực đơn, giúp thực khách hiểu rõ hơn món ăn mình thưởng thức. Sau bữa ăn tối yên lặng, đèn điện vừa được bật lên, trên bàn của các thực khách đã được đặt một chiếc thiệp 3D với những hình ảnh văn hóa tiêu biểu của Việt Nam như Chùa Một Cột, Văn Miếu, xích lô... cùng lời cảm ơn chân thành đã quan tâm đến ẩm thực, văn hóa Việt.
Nhà văn Nguyễn Tư Phong chia sẻ, hiện nay ẩm thực Việt đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người châu Âu nói chung và người Thụy Điển nói riêng. Họ yêu thích cách chế biến thuần Việt tốt cho sức khỏe nhờ những món hấp, luộc, hạn chế dầu mỡ, mùi vị cũng khác biệt, đặc biệt là phở, nem, bánh mì... Người Thụy Điển rất yêu văn hóa, cách chế biến ẩm thực từ vẻ đẹp văn hóa đánh trúng tâm lý này, nên nhà hàng của ông đã thu hút được đông đảo thực khách địa phương.
Joel Blomberg, một thực khách, đánh giá hầu hết đồ ăn châu Á ở Thụy Điển đều quá ngọt với "nguyên liệu tầm thường" nhưng nhà hàng An Nam đã nâng tầm ẩm thực Việt đến mức khó tìm thấy ở Thụy Điển với giá cả phải chăng.
"Tôi từng gọi 6 món khác nhau và tất cả đều rất ngon. Có lần nhà hàng không mở cửa khi tôi gọi đến, nhưng cuối cùng vẫn có thể vào trong và thưởng thức hai món, dịch vụ tuyệt vời!", Joel bày tỏ.
Địa chỉ ẩm thực này còn có một tủ sách văn học nổi tiếng Việt Nam miễn phí dành cho người Việt và những người quan tâm văn hóa Việt ghé qua mượn đọc. Bạn đọc yêu văn chương Việt Nam có thể tìm đến khu Trung tâm mua sắm St:Per Galarian, đường Svartbäcksgatan, Uppsala.
"Silent Dinner" diễn ra vào các ngày chủ nhật cuối cùng của tháng với thông điệp "sự tĩnh lặng sẽ mang lại năng lượng cho một tuần mới, một tháng mới". Đêm thứ 2 của sự kiện này được tổ chức vào 27/9 cũng đã có khách đặt bàn.
Chủ nhà hàng không ngờ bữa tối yên lặng có thể tạo hiệu ứng tích cực đến vậy giữa thời khắc ông tưởng như phá sản. Hiện tình hình tài chính của nhà hàng ổn định, những con người nơi đây tràn trề hy vọng giữa đại dịch.
"Niềm tin vào cái đẹp, vào những ý tưởng giới thiệu văn hóa ẩm thực thuần Việt là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục công việc, vượt qua dịch bệnh", nhà văn Nguyễn Tư Phong bày tỏ.