Tôi vẫn thường tự hỏi, nếu không có tháng tư năm ấy, miền Nam và miền Bắc giờ này đã ra sao? Nhiều bạn trẻ sinh ra sau 75 sẽ không bao giờ nghĩ rằng Việt Nam đã từng có thời gian 20 năm, mà lúc đó Sài Gòn là Nam Hàn và Hà Nội không khác gì Bắc Hàn.
Có lẽ bây giờ mà ngồi hoài niệm những biến cố đã xảy ra cách đây 44 năm, không khéo có nhiều bạn trẻ sẽ cho tôi là thành phần phản động. Tuy nhiên từ ngày bỏ nước ra đi tôi vẫn thường tự nhủ với bản thân, hãy luôn luôn là một thằng yêu nước chứ đừng bao giờ yêu CNXH theo định nghĩa của cộng sản. Gần 40 năm sống ở xứ người, tôi thật sự dị ứng với từ ngữ gọi mình là Việt kiều, tôi vẫn là thằng VN với những thao thức và những món nợ ngàn đời đối với người ra đi.
Tháng tư năm đó, tôi mất trường mất luôn giấc mơ.
Tháng tư năm đó, có những con người ưu tú của miền Nam phải cầm cuốc lên rừng, vào trại để sống lần chết mòn.
Tháng tư năm đó, những cửa tiệm hơi khá giả đều bị qui thành tư sản mại bản, bị tịch thu tất cả tài sản trong khi hiện tại có biết bao kẻ làm giàu một cách bất lương mà vẫn nhởn nhơ sống trong sự che chở của pháp luật.
Tháng tư năm đó, có những người già dắt díu trẻ thơ, bị bắt buộc lên vùng kinh tế mới chỉ có thú dữ và nước độc.
Cũng từ tháng tư đó, có những con người phải bỏ nước ra đi, bị hải tặc hãm hiếp trên đường vượt biển; bị giết chết ngay trước cửa thiên đường.
Tháng 4 đến, ngậm ngùi nhớ lại những người bạn, người anh, trở về theo một đoàn quân tìm tự do cho quê hương, đã hy sinh ở một cánh rừng nào đó của biên giới Lào-Việt.
Buổi tối nằm kề nhau trước ngày lên đường, tôi hỏi anh Huỳnh trọng Hà, một cựu đại úy biệt động quân có dáng dấp thật thư sinh, đẹp trai:
-Anh có gia đình chưa?
Anh cười: -Nợ nước chưa xong sao mà anh dám nghĩ tới chuyện nhà.
Ở một tình cảnh nào khác, có thể câu trả lời của anh nó hơi sáo. Nhưng chúng tôi đang sống trong một quốc gia đầy đủ tiện nghi, tương lai đang chờ đón trước mặt. Vậy mà anh từ bỏ tất cả chỉ vì hai chữ nợ nước. Cái nợ của trai thời chiến đúng ra anh đã trả sau cuộc chiến 75; sau thời gian cầm súng giữ gìn yên ổn cho miền Nam và sau thời gian tù đày cải tạo.
Những người như anh Hà, tôi đã nợ anh tới hai lần.
Tôi còn nhớ, ông bạn thân trên tôi tới năm, sáu tuổi mà lúc nào cũng mày tao với nhau, Lâm Thao. Một hôm anh đưa tờ giấy thông báo của Tổng bộ tị nạn Nhật Bản, cho biết thủ tục bảo lãnh vợ con đã hoàn tất. Đồng thời cũng thố lộ là trước đó anh đã có quyết định về Việt Nam.
-Mày cho ý kiến, tao phải làm sao bây giờ? Bảo lãnh vợ con qua sống hay về uýnh tụi độc tài cộng sản?
Tôi sững sờ, anh đã từng bị thương tật ở chân thời còn trong quân ngũ, từng là một thiếu úy nên cũng phải đi cải tạo. Anh đã làm tất cả bổn phận của một người trai đối với tổ quốc và bây giờ là lúc anh cần dành trách nhiệm cho gia đình.
Nhưng cuối cùng Lâm Thao ra đi. Anh đặt nợ nước trên tình nhà. Tôi nợ anh, nợ những con người gần gũi như anh và xa hơn nữa là những anh hùng đã lấy cái chết hào hùng để đền nợ nước.
Chúng ta còn món nợ quá lớn đối với những người lính VNCH, thương phế binh, tù cải tạo, các vị HO; những con người từ bỏ đời sống tiện nghi để về nước hy sinh… Điều đắng lòng là hiện nay một số người muốn quên cái nợ đó.
Tháng 4, một nén hương xin khất cái nợ kéo dài 44 năm đối với những người anh, người bạn, những vị tướng hào hùng và những người KCQ kiên cường đã gục ngã.
Lại một 30 tháng 4, nhưng năm nay nước Nhật, trong đó có tôi, đang đón chờ một biến cố lịch sử; Thiên hoàng triều đại Heisei thoái vị để nhường lại cho Hoàng thái tử mở ra triều đại Reiwa. Người dân họ đã trải qua một thời đại yên bình, no ấm và giờ họ đang chờ đợi một thời đại tốt đẹp hơn.
Cái mà dân ta vẫn còn ngủ mơ trong giấc mộng“thế giới đại đồng”.