Anh đã thấy và tôi đã thấy.
Những con thuyền vượt sóng ra khơi.
Đem theo đoàn người đi tìm Tự Do.
Và chị đã nghe trong đêm thâu.
Tiếng thét gào. Của người mẹ rơi con xuống biển.
Mà con thuyền vẫn phải lướt mau.
Ôi những giọt mưa buồn phiền.
Những hạt lệ long lanh trên mắt dân tôi.
(Vì Đâu ?!, Việt Khanh)
Ngày 24 tháng 4 năm 2019 trên trang mạng BBC có một bài viết của tác giả Minh Thư với tựa đề “Ngôi chùa thắp hương cho thực tập sinh Việt chết ở Nhật Bản.” Đọc xong trong tôi có một điều gì đó nhói đau, trái tim se thắt. 39 năm trước có những đoàn người, già lẫn trẻ chấp nhận cái chết, vượt biển ra đi tìm tự do. 39 năm sau vẫn có những đoàn người ra đi để tìm tương lai. Trong số này có nhiều em trẻ tuổi sinh ra và lớn lên dưới chế độ. Nhưng nhiều em tương lai chưa tìm thấy thì đã gục ngã nơi xứ người không người thân bên cạnh. Thương cho các em Thưc Tập Sinh Việt Nam và trách cho sự vô cảm đem con bỏ chợ của nhà nước Việt Cộng, một chế độ chỉ biết thâu ngoại tê qua các chương trình xuất cảng sức lao động thanh niên, trong khi thả lỏng cho lao động ngoại quốc các loại vào làm việc cạnh tranh với người Việt Nam khắp đất nước, mà không thích ứng đào tạo lao động Việt Nam cho các chương trình đầu tư ngoại quốc đủ loại trên đất nước.
39 năm, kể từ khi vượt thoát Việt Nam bằng con đường biển và tạo lập cuộc đời mới trên đất nước tự do Hoa Kỳ, vì không đành đoạn quên quê hương và những người còn ở lại, tôi đã luôn theo dõi tin tức về nước nhà, về cuộc sống của đồng bào tôi dưới chế độ toàn trị Cộng sản. Và tôi luôn mong chế độ Việt Cộng có một sự thay đổi trong nhận thức. Biết nhìn nhận sai lầm của họ, biết lắng nghe những lời ta thán của người dân trên 3 miền đất nước, biết đón nhận những lời chỉ trích của những người bất đồng, biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của đảng cộng sản, biết để sang bên sự cuồng tín dựa vào chủ nghĩa Cộng sản đại đồng không biên giới, để vun bồi cho mảnh đất cha ông đã dầy công giữ gìn từ thời lập quốc. Cũng trong 39 năm đó, tôi đã hoàn toàn thất vọng về những điều mà chế độ Hà Nội đã thực hiện. Chế độ này ngoài những thay đổi để củng cố độc quyền lãnh đạo, xâu xé tài nguyên đất nước, đã không hề có một biện pháp nào nhằm ích nước lợi dân.
Có một số người cho rằng Việt Nam hiện nay đang có sự thay đổi. Đúng là Việt Nam ngày hôm nay có những thay đổi về mặt kiến trúc và những kiểu cách sống. Như có nhiều tòa nhà chọc trời, nhiều khách sạn sang trọng, nhiều biệt thự hoành tráng, nhiều xe hơi xe máy đời mới đủ cỡ đủ kiểu, nhiều dịch vụ giải trí, nhiều trung tâm du lịch, vân vân. Nhưng tất cả chỉ nhằm biến đất nước thành một nơi du lịch ăn chơi phục vụ khách có tiền, hay khai thác, xâu xé tài nguyên nhân lực đất nước trong hướng ăn chia với các thế lực ngoại quốc. Đại đa số dân chúng khốn khổ sống bám vào những dịch vụ, kế hoạch kiểu này. Nhiều người khác thì xoay trở ra nước ngoài theo chính sách xuất cảng lao động tìm một cuộc đời khả dĩ, nhưng không thiếu gì người thất bại, Vừa phải mang nợ các trung tâm môi giới hàng trăm triệu đồng, ra đến nước ngoài công việc khó khăn lại không được các tòa đại sứ hay lãnh sự nhà nước bảo vệ đúng mức đưa đến những trường hợp bị trầm cảm, bệnh tật, quẫn trí thậm chí quyên sinh mà chết trên xứ người, như trường hợp các thực tập sinh ở Nhật trong bài phóng sự BBC. Không kể đến những trường hợp bị vong thân tha hóa, hay kiệt lực tiêu vong không mấy ai biết vì rải rác lẻ tẻ trên toàn thế giới…
Tại sao lại có thể bi quan nhận định như vậy về chế độ, về đất nước?
Chẳng cần tìm đâu xa, có thể thấy dễ dàng trên mạng điện tử hình ảnh những kẻ gọi là “dư luận viên” ăn nói tục tĩu để binh vực cho chế độ, những “nhóm cờ đỏ” trợ lực cho công an hung dữ, đánh người đổ máu tùy theo thú tính không gớm tay, mà không hề hấn gì. Những phụ nữ thì y phục hở hang vào chùa lễ Phật. Sư mô thì hát hỏng mua vui cho đệ tử trong chánh điện hay uống rượu hôn nhau khuyến khích đóng tiền gây quỹ. Dân thường già trẻ lớn bé trai gái trong các thành phố thì chờ dịp “đi bão” mỗi khi có một lý cớ hãnh diện cỏn con. Làm sao không ngao ngán được khi thanh niên tràn ra các đường phố, la hét, nhún nhẩy, thoát y để bày tỏ hãnh diện khi đội bóng Việt nam chiếm giải trong một vòng thi đấu với các nước lân bang? Làm sao mà không thất vọng lắc đầu khi các đoạn phim trên mạng điện tử cho thấy các nữ sinh tát tai, lên gối, nắm tóc đánh hội đồng bạn đồng học trong khi những học sinh khác đứng vỗ tay cười? Làm sao không cười ra nước mắt khi lệ trường quyết định chỉ phạt nữ sinh sau bốn lần làm tình đi khách.
Y tế thì có gì đáng nói nếu không phải là chuyện các nhà thương, các trường đại học y khoa mọc lên không thiếu, nhưng người bệnh muốn chữa thì phải sẵn sàng từ cổng cầm tiền lót tay cho mỗi chặng nhân viên. Từ làm giấy nhận bệnh, đến hộ lý đến y tá đến bác sĩ? Và không thiếu gì các trường hợp mổ không cần mổ để rồi sinh biến chứng mà chết. Cũng không thiếu những trường hợp cần điều trị không được trông nom, đúng lúc, đúng cách, không có thuốc thật để dùng mà chết, chỉ vì không có tiền.
Giáo Dục thì nổi bật với câu ví von trong dân gian cho sự nâng đỡ các con ông cháu cha theo thứ tự: nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn mới tới trí tuệ. Và mới đây nhất là sự việc hàng trăm con em của các đảng viện lãnh đạo tại các tịnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã được sửa đổi điểm thi để đậu và đâu cao vào các trường kiếm ra tiền như Y Khoa, An Ninh, Quân Sự vân vân. Điều này cũng phù hợp với phát biểu của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục rằng: “Từ lúc tôi làm Bộ Trưởng, học sinh thi trường nào đỗ trường ý.” Cũng đáng nói là có những sinh viên đậu cao sau mấy năm đại học thì không kiếm được việc làm, mà cụ thể như mới đây trên báo nhà nước có phóng sự và hình ảnh hai sinh viên tốt nghiệp phải đi làm nghề móc cống, người thường xuyên hôi hám dầu tắm rửa, cho nên có điều không vui là không có người yêu, nhưng vẫn tư hào an ủi rằng dù sao cũng là phục vụ xã hội, đồng bào, và chẳng có nghề nào xấu.
Dân Sinh thì không thể nào yên tâm với lời tuyên bố của nhà lãnh đạo cao cấp đảng Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố về nạn ấu dâm: “tội hiếp dâm trẻ em thì không thể tha được nhưng cần xét tới thân nhân tốt, là đảng viên, cán bộ thì có thể cho tại ngoại để tu dưỡng đạo đức sẽ có kết quả tốt hơn…”.
Chính sách ngoại giao đảng và nhà nước nổi bật với câu nói của Võ Thị Thu Thủy, phó chủ tịch của Ủy Ban Nhân Dân Quảng Ninh: “Xin đừng vì một vài cái đảo nhỏ ở Biển Đông mà mất đi tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, bởi vì không có đảng Cộng Sản Trung Quốc chống lưng, đảng ta sẽ không thể tồn tại cho đến ngày hôm nay.” Hay lời phát niểu của Đại Biểu Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên: “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ... đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại về an ninh quốc phòng hay không?”
Luật Pháp thì không trông mong gì Quốc Hội mà cho đến nay vẫn chỉ là những con rối bù nhìn của đảng, chẳng hạn như trong vụ cho thuê mướn đặc khu, Phó Chủ Tịch Phùng Quốc Hiến đã phát niểu: “Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải lựa chọn những bàn tay tinh túy nhất, chứ không phải là ai cũng cho vào.” Với những đại diện như vậy thì làm sao mà luật pháp Việt Nam bảo vệ được cho người dân, cho sự độc lập của nước nhà.
Chỉ có điều an ủi chút đỉnh, là với tình trạng mọi mặt đời sống trong nước sa đọa suy đồi như vậy kéo dài, cho nên đã phần nào khiến người dân thức tỉnh, quyết định tư ra tay giải quyết những vấn nạn. Như qua hình ảnh người dân mới đây, tham gia đối đầu doanh nhân có công an bảo kê về những vụ việc BOT Bẩn. Hay qua sự việc người dân lấy công lý vào tay bằng cách cho in logo hình ảnh kẻ ấu dâm và dán trên xe chạy trên đường phố để mọi người cùng nhận diện kẻ ấu dâm khi chế độ tìm cách bao che cho các đảng viên của mình. Nhưng sau chót thì cũng chẳng có bao nhiêu hy vọng trước khẳng định của người lãnh đạo cao nhất đảng và nhà nước Nguyễn Phú Trọng rằng từ trước đến nay nước ta chưa từng bao giờ ở tư thế cao như bây giờ. Và người trách nhiệm giáo dục hoan hỷ hãnh diện vì Việt Nam đứng trong 10 nước hàng đầu về mặt giáo dục (?).
39 năm trước đã có những đoàn người trốn chạy chế độ Cộng Sản, vượt biển để tìm tự do. 39 năm sau những con người may mắn đến được bến bờ tự do đó lại đau lòng nhìn về đất nước nơi các làn sóng người dân lại đang tìm cách ra đi để tìm tương lai. Những đợt sóng ra đi ngày nay không bằng đường bộ hay vượt biển như những năm 1980s mà bằng những phương tiện tiền bạc của chính mình, theo các luật lệ di cư bảo lãnh, đầu tư, bằng cách lập gia đình với người ngoại quốc, bằng phương diện xuất khẩu lao động, vân vân. Những người bỏ nước hiện nay không phải thuộc phía thua cuộc, không chấp nhận phe thắng. Những người ra đi hiện nay là những người thắng cuộc và những người chấp nhận phe thắng, nhưng đã rời bỏ cái xã hội mà họ đã xây dựng nên sau 44 năm đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào.
Những người ngày nay không ra đi được vì lý do này hay khác thì tiếp tục sống trong cuộc đời làm công ở đợ bấp bênh ngay trên đất nước của mình, cho những kẻ quyền thế bản xứ hay ngoại quốc.
Bởi thế, câu hỏi “Vì Đâu ?!” 39 năm trước trên con đường vượt biển, ngày nay lại vang vọng trong tôi.
Hôm nay.
Sau 39 năm trở lại.
Trên quê hương. Anh thấy gì? Và tôi đã thấy gì?
Trên những cánh đồng. Nguy nga những tòa nhà. Dành cho du khách phương xa. Về đây dập dìu.
Ôi gầy xanh đói khát em thơ. Cười khan đôi mắt cha mờ. Ôi những con người bỏ nước ra đi. Nay về đây nước mắt lăn giòng.
Mưa rơi, mưa rơi …!.
Anh đã thấy, và tôi đã thấy. Quê hương mình lắm nỗi điêu linh. Dân tộc mình sao mãi tội tình. Vì đâu anh ơi vì đâu?! Vì đâu chị ơi, mắt mẹ lệ không ngơi
Vì đâu, vì đâu, vì đâu ?! …
Mưa rơi, mưa rơi ...!
(Vì Đâu ?!, Việt Khanh)
Tuệ Vân
Ngày 28, 2019