Thời gian gần đây một số trạm thu phí BOT như Cai Lậy, Bắc Thăng Long – Nội Bài, Tam Nông … do Bộ giao thông vận tải (BGTVT) là chủ thể hợp đồng đã bị người dân và dư luận trên khắp cả nước lên án, phản đối kịch liệt. Những trạm thu phí này bị dư luận và người dân đặt cho cái tên là BOT bẩn.
Lý do bị gọi là BOT bẩn có lẽ là vì đường làm một nơi, trạm thu phí (trước là thu giá) đặt một nẻo nên người dân không đi qua BOT vẫn phải móc hầu bao trả phí một cách vô lý trong nhiều năm trời. Một lý do khác nữa có lẽ dư luận nghi ngờ dạng BOT kiểu này có dấu hiệu tham nhũng hoặc lợi ích nhóm.
Thủ phạm chính của BOT bẩn là BGTVT, vì khi thương lượng và ký kết việc đặt trạm thu phí với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT, những người được giao thẩm quyền đã bất chấp quy định pháp luật để cho phép đặt trạm thu phí sai chỗ. Còn doanh nghiệp BOT chỉ là những kẻ đồng lõa vì lòng tham vô đáy của họ.
Lãnh đạo BGTVT cũng đã thừa nhận việc đặt một số trạm thu phí BOT sai vị trí. Nhưng thay vì sửa sai là di dời trạm vào đúng chỗ thì họ lại nại ra đủ các lý do để biện bạch cho những quyết định trái luật của mình như do lịch sử để lại hoặc việc di dời gây tốn kém … và tiếp tục dung dưỡng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT móc túi người dân.
Quyền sở hữu tài sản được luật pháp bảo vệ rất nghiêm ngặt bởi các quy định trong Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự … và trong nhiều văn bản dưới luật khác. Minh chứng cho vấn đề này là vụ án hai thanh niên cướp chiếc bánh mỳ ở thành phố Hồ Chí Minh và vụ án 4 cậu học sinh trêu đùa cướp mũ ở Hải Phòng chỉ đáng giá vài chục ngàn đồng nhưng cũng bị xử tù.
Thế nhưng chỉ cần vài quyết định hành chính trái luật, BGTVT đã trạo quyền cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT đặt trạm móc tiền tỷ của người dân thì lại vô can.
Xét ở góc độ pháp lý, thì việc đặt trạm BOT nhầm chỗ để thu tiền của người dân không sử dụng sản phẩm chẳng khác gì hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hay nói theo ngôn ngữ dân dã thì đây là hành vi trấn lột. Hành vi này bị pháp luật hình sự nghiêm cấm.
Tuy nhiên trong trường hợp này không thể xử lý hình sự đối với BOT bẩn được, vì trạm thu phí đã được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là BGTVT cấp phép nên họ không sai. Vấn đề cần được xử lý ở đây là làm rõ những sai phạm của BGTVT trong việc cấp phép cho doanh nghiệp BOT xây trạm thu phí sai địa điểm.
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, do đân và vì dân nên không cho phép bất kỳ ai lạm quyền nhân danh nhà nước để gây thiệt hại cho dân. Sai phạm để BOT bẩn móc túi người dân như trên đã đề cập thuộc về BGTVT, cho nên cần phải làm rõ lý do tại sao lại có những quyết định xây trạm thu phí trái luật này?. Ngoài ra cũng cần phải làm rõ những cá nhân được giao thẩm quyền thương lượng, ký kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT có lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao ưu ái cho doanh nghiệp BOT là sân sau hay không để truy cứu trách nhiệm. Và phải xử lý nghiêm những kẻ coi thường luật pháp này để làm gương dù kẻ đó là bất kỳ là ai.
Rõ ràng BOT bẩn đã xâm phạm trắng trợn đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và gây bất ổn cho xã hội. Rõ ràng có những cá nhân được Cơ quan nhà nước trao thẩm quyền đã coi rẻ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bắt người dân phải làm vật tế thần để làm giàu cho doanh nghiệp BOT.
Thế nên cần phải có những biện pháp đấu tranh để chấm dứt ngay việc BOT bẩn thu tiền của người dân một cách bất hợp pháp và để mang lại sự bình yên cho xã hội.
Đã có nhiều phương pháp đấu tranh chống BOT bẩn như dùng tiền lẻ, tiền ướt, tiền mệnh giá lớn trả phí, dừng xe gây ùn tắc … hay dùng giá đỗ để thanh toán khi qua trạm thu phí, thu giá. Những phương pháp đấu tranh này phần nào cũng đã có kết quả nhất định nhưng rủi ro cũng không thiếu (đã có nhiều người bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng) mà vấn đề cốt lõi là loại trừ BOT bẩn tận gốc thì không thể đạt được.
Tuy nhiên, có một biện pháp đấu tranh cần thiết và văn minh để giải quyết dứt điểm vấn nạn BOT bẩn bằng con đường pháp lý thì chưa thấy người dân bị xâm phạm quyền và lợi hợp pháp nào thực hiện.
Mới đây Luật sư Trần Vũ Hải đã lên tiếng về biện pháp này và sẵn sàng cùng nhiều Luật sư khác tư vấn miễn phí. Đây có lẽ là cơ hội và thời điểm tốt nhất để người dân đòi lại sự công bằng và loại trừ được BOT bẩn tận gốc.
Để thực hiện biện pháp đấu tranh bằng con đường pháp lý thì người dân bị BOT móc túi chuẩn bị những cuống vé và lộ trình mình thường xuyên phải đi qua làm bằng chứng hoặc bất kỳ chứng cứ nào chứng minh cho việc mình không sử dụng BOT mà vẫn phải trả tiền. Sau khi chuẩn bị xong, người dân thực hiện quyền kiến nghị, quyền khiếu nại đến BGTVT để yêu cầu dỡ bỏ trạm thu phí và yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc cho phép xât dựng trạm thu phí trái luật gây ra. BGTVT phải có trách nhiệm trả lời kiến nghị và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Nếu nội dung giải quyết kiến nghị, khiếu nại của BGTVT không thừa nhận sai phạm, không dỡ bỏ và vẫn cho trạm BOT đặt nhầm chỗ thu tiền thì người dân chuẩn bị hồ sơ khởi kiện BGTVT ra tòa án có thẩm quyền.
Theo quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành thì người dân không được khởi kiện tập thể. Cho nên mỗi người dân bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp (không sử dụng sản phẩm nhưng phải trả tiền) có quyền tạo ra một vụ kiện. Sau khi được Tòa án có thẩm quyền thụ lý thì mọi vấn đề liên quan đến trạm BOT bẩn sẽ được giải quyết.
Vẫn biết việc kiện cáo đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình, đòi lại sự công bằng hay đòi lại những đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt, thậm trí là cả bằng máu của mình là công việc vất vả, gian nan. Nhưng việc loại bỏ BOT bẩn tận gốc cũng là việc đáng làm.
Và biết đâu đấy “Người đốt lò vĩ đại” mà để mắt tới thì có thể thu được cả tấn củi, trong đó có cả củi tươi lẫn củi khô.