Tối thứ sau, tôi nhận được tin từ cô em gái rằng ông anh Cả của tôi ở Việt Nam đã qua đời. Nghe hung tin thật là thảng thốt. Đau lòng nhưng tôi lại nghĩ là anh tôi đã được giải thoát từ nỗi đau thể xác mà anh tôi đã phải chịu đưng từ mấy tháng nay. Anh tôi bị chứng ung thư da, giai đoạn cuối. Đến đêm thì tôi nhận được các bức ảnh chụp ông anh thứ ba của tôi về thăm ông anh Cả. Trong đó có bức ảnh anh Cả của tôi với đôi tay gầy guộc đã ôm ghì lấy đầu anh thứ ba của tôi vào lòng. Đêm nằm ngủ mà lòng tôi trằn trọc nhớ về anh tôi với những ký ức anh em đã có với nhau. Và tôi đã cầu nguyện cho anh Cả tôi siêu thoát ở bên kia thế giới.
Sang đến sáng thứ bẩy, nói chuyện với một cô em gái khác tôi được biết anh Cả tôi, dù trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ vì ảnh hưởng của thuốc giúp giảm đau nhưng đã thật mừng rỡ khi nghe tiếng anh Ba của tôi từ Mỹ về thăm. Sau đó tôi gọi sang anh Ba tôi hỏi chuyện và hai anh em đã khóc với nhau trên điện thoại. Anh Ba tôi bảo, chỉ có anh Ba tôi là có tình cảm sâu sắc với anh Cả vì có nhiều ký ức với anh, còn anh em chúng em tôi vì ít gần gũi, cho nên tuy thương nhau vì là anh em, nhưng tình thương không được nồng thắm. Anh Ba tôi tuy nhiên không biết là tôi cũng rất thương anh Cả tôi, vì những ký ức về anh Cả, và cách cư xử của anh dành cho tôi, cho anh em chúng tôi sau ngày anh em chúng tôi rời Việt Nam. Một mình anh Cả tôi ở lại đã chăm lo mộ phần của ba mẹ chúng tôi chu đáo, sau mấy lần nhà nước VC phá bỏ các nghĩa trang ở Sài gòn để chiếm đất xây cất. Lý do chính thức là để mở mang thành phố. Nhưng trong đầu óc bệnh hoạn của những kẻ chiến thắng man rợ là trả thù không cho ngay cả người chết phe Ngụy nằm yên. Không có anh thì di cốt của ba mẹ chúng tôi đã không còn được gìn giữ yên ổn và chăm sóc cho đến bây giờ.
Tưởng chừng là chỉ có sự ra đi bất ngờ nhanh chóng của mẹ tôi ở Việt Nam 29 năm về trước mới khiến cho tôi đớn đau, gục ngã, nhưng bây giờ sự ra đi của anh Cả dù đã thấy dần dần bởi sự phát triển của căn bệnh hiểm nghèo, cũng đã đem đến cho tôi sự quặn đau trong nỗi thương cảm mất đi một người thân yêu đặc biệt.
Giữa những giòng nước mắt tôi đã thấy anh Cả tôi trở về lại trong ký ức. Năm 1990 ngay sau khi mẹ tôi chết, thì cả gia đình tám anh em tôi tại Việt Nam có tên trong danh sách cùng mẹ đi Mỹ theo diện đoàn tụ, do tôi bảo lãnh. Người phỏng vấn gia đình tôi lúc đó là vị trưởng đoàn của phái đoàn Mỹ. Khi ông gặp các anh em tôi, thấy họ đeo khăn tang mà không thấy mẹ tôi. Hỏi chuyện ra thì ông biết là mẹ tôi đã mất. Thay vì trả hồ sơ lại cho gia đình tôi, vì trong giấy tờ bảo lãnh mẹ tôi là chính, các con chỉ đi kèm theo, ông trưởng đoàn phỏng vấn đã quyết định chấp thuận cho tất cả gia đình các anh em tôi đi Mỹ, dù người chính đã không còn. Ông còn bảo về gọi những người không có tên trong danh sách đi Mỹ bổ túc hồ sơ để ông cho đi tất cả. Thế là các anh tôi đã đưa thêm giấy tờ của anh Cả và cô em gái thứ Sáu vào danh sách xin đi. Vài tháng sau đó thì gia đình chín anh em của tôi tại Việt Nam bao gồm cả vợ con là 18 người đã được sang Mỹ. Chỉ riêng có anh Cả của tôi thì quyết định ở lại Việt Nam để chăm sóc mộ phần của mẹ tôi.
Ngày còn bé anh Cả tôi là người trông nom tôi khi ba tôi không có mặt. Nhà tôi có một căn phòng trên lầu dành cho anh Cả tôi và một người anh họ gọi Ba tôi bằng cậu là anh Trường để làm phòng học. Trong căn phòng đó rất nhiều điều hấp dẫn với tôi bao gồm tủ sách, bàn học, một cái bảng to treo trên tường, và… dĩ nhiên đi đôi với bảng thì có rất nhiều phấn viết đủ mầu, vốn là những loại mà tôi rất thích để nghịch ngợm. Anh Trường đặt cho tôi cái tên ngộ nghỉnh: Ngọc Tủn. Còn các em tôi thì đứa là Ngọc Toét, đứa thì Ngọc Toát, vân vân. Mỗi lần các anh tôi đi học, anh Cả của tôi học trường Pétrus Ký, thì tôi làm đầu trò, dắt các em tôi vào phòng học của anh tôi để lấy trộm phấn ra chơi. Phấn đỏ thì chúng tôi cạo ra, thấm nước để chấm mặt làm mấy người trong phim Ấn Độ nhẩy múa quanh nhà. Phấn các mầu khác thì tôi bắt chước anh Tư của tôi lấy cái nhíp hay đầu dài của cái kẹp tóc, khắc mặt người con gái hay người da đỏ lên mặt to của thanh phấn đã được bẻ ngắn xuống. Còn phấn trắng thì để viết lên bảng trong vai trò cô giáo dậy học. Mỗi khi anh tôi đi học về, nghe anh gọi to lên: “Ngọc Tủn đâu rồi? là tôi lại hấp tấp chạy vội, đến nấp sau cánh cửa….
Khi tôi lớn lên, trong các kỳ thi Tú Tài 1 và Tú Tài 2, sách cũ anh tôi để lại rất nhiều và tôi đã lấy sách của anh tôi để đọc thêm. Tôi thích nhất là các sách Danh nhân nước Việt hay đạo lý Thánh Hiền. Có thể nói rằng tôi đã chịu ảnh hưởng những đức tính hướng thượng, nghĩa khí, của người quân tử, từ sách vở của anh tôi. Đến khi anh tôi vào Đại Học và dọn đi giữ biệt thự bỏ trống của dì tôi thì tôi ít khi còn có dịp gặp anh. Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Cả tôi trẻ trung, học giỏi, cao lớn, đẹp trai, đi xe máy to Suzuki, được nhiều bà có danh thế trong xã hội muốn gả con gái cho nhưng anh đều từ chối vì chưa gặp được người anh thương. Đến khi anh gặp được người vừa ý thì cô gái ấy lại chê là anh già vì lớn hơn cô 5 tuổi. Đúng là cuộc đời trớ trêu và có duyên số cả. Cho mãi đến giữa thập niên 1990s anh mới lập gia đình. Năm tôi 17 tuổi, có một lần anh tôi về nói với mẹ tôi rằng anh có một người bạn để ý đến tôi và xin đánh lời được đem ba mẹ sang hỏi tôi cho anh ấy. Nhưng rồi anh cũng nói kèm theo là mẹ tôi không nên chấp nhận lời hỏi ý này bởi vì bạn của anh là con trưởng, e rằng tôi không kham được trách nhiệm làm dâu, bởi vì khi đó tôi vẫn rất trẻ dại chỉ chuyên đi học chứ không biết gì về nội trợ. Nghĩ lại, anh Cả tôi đúng là anh lớn lo cho em.
Bây giờ thì anh đã ngủ yên. Trong tâm em, anh Cả ơi, ở cõi đời này em sẽ mãi nhớ đến anh. Và em xin hứa sẽ không quên đứa cháu trai duy nhất, con trai của anh tại Việt Nam. Những gì có thể làm được trong khả năng để giúp cháu nên người hữu dụng em sẽ làm. Thanh thản ra đi anh Cả nhé. Những gì em hứa với anh, em rồi sẽ thực hiện.