Rằng, có một vị tướng quân có công lớn, được vua ban thưởng theo cách: tướng quân có thể phi ngựa liên tục không ngừng nghỉ; ngựa phi tới đâu thì đất vua ban tới đó. Và vị tướng quân này lên ngựa, phi liên tục trong nhiều ngày không nghỉ. Ngựa của ông đã đi qua những vùng đất bao la rộng lớn nhưng ông thấy đất vẫn chưa đủ. Rồi phi tiếp. Tới khi, người và ngựa đã rất mệt, ông vẫn cố gắng. Ông muốn lãnh địa của mình phải rộng lớn hơn tất cả. Cuối cùng… khi sức lực đã cạn kiệt, thì cả người và ngựa đều gục ngã xuống đất. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông mới sực hiểu: thực ra mình không cần nhiều đất như thế (mà chỉ cần có sáu tấc mà thôi).
Như vậy, tâm "biết đủ" là vô cùng quan trọng đối với đời sống và sinh mệnh một con người. Bởi, có tâm biết đủ - mà chúng ta biết gìn giữ, quý trọng những gì đang có. Và ngược lại, nếu không biết cách coi trọng những phúc phận, tài sản ấy thì sẽ có ngày... chúng ta tự mình đánh mất đi tất cả. Cũng như sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của con người - nhưng phần lớn chúng ta lại thường coi nhẹ và không biết gìn giữ, nâng niu.
Tương tự như câu chuyện:
Có một thanh niên nọ, lúc nào cũng kêu ca than vãn: số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày, có một ông lão đi qua nhìn thấy vẻ mặt u sầu của cậu liền lên tiếng hỏi:
- Chàng trai, sao trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?
- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.
- Nghèo ư, cháu là một người giàu đấy chứ?
- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.
- Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng tiền vàng cháu có đồng ý không?
- Không ạ!
- Giả như ta chặt một bàn tay của cháu, ta trả 30 đồng tiền vàng, cháu có chịu không?
- Không bao giờ!
- Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng tiền vàng, cháu thấy thế nào?
- Cũng không được!
- Vậy ta trả cháu 3000 đồng tiền vàng để cháu trở thành ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?
- Đương nhiên là không!
- Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30,000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?
- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.
Vâng! Trong cuộc sống, nhiều khi, chúng ta vẫn thường than thân trách phận và chán ghét bản thân mà không thực sự hiểu: mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người khác!!!
Vậy, vì sao mà con người không biết đủ??? - Phải chăng là do dục vọng, lòng tham muốn, những mong ước hoang tưởng hay là những đòi hỏi không thực tế sinh ra??? Mà, dục vọng và ham muốn của con người là vô biên, không hoàn toàn thoả mãn được, nên con người sẽ không-bao-giờ-biết-đủ. Và nếu cứ một mực cưỡng cầu hoặc khi truy cầu lợi danh không thành thì ắt sẽ sinh ra những phiền não, bệnh tật. Kỳ thực, “không biết đủ” là một loại tâm lý tối nguyên thủy của con người, còn biết đủ là một loại lạc quan và là cách ‘giải vây’ của tư duy lý tính. Và, tuỳ vào từng thời điểm, hoàn cảnh, giai tầng, độ tuổi, và kinh nghiệm sống khác nhau, thì “biết đủ” và “không đủ” là một quá trình lượng hóa, luôn có sự chuyển hóa lẫn nhau.
Tuy nhiên, có những thời điểm, dường như chúng ta không phân biệt được đâu là ranh giới giữa điều chúng ta thực sự “cần” với điều chúng ta “muốn”? Và rồi… chúng ta để cho tính thể diện, lòng ham muốn, sự cá nhân biến chính chúng ta trở thành những kẻ “phá hoại” - tiêu thụ vô độ tài nguyên, môi sinh, động thực vật (trong khi, tất cả chúng đều đang cạn kiệt, xuống cấp và có nguy cơ tuyệt chủng). Nói một cách phổ quát, chỉ khi “biết thế nào là đủ”, biết tiết giảm những nhu cầu cá nhân, biết sống một cách giản tiện, thì chắc chắn chúng ta không chỉ khiến cho Trái đất, Mẹ thiên nhiên được trong lành, bền vững, mà đó còn là tiền đề để chúng ta có thể sinh tồn tốt hơn, lâu hơn; chứ không phải lấy những món đồ vật, tài sản mà chúng ta đang sở hữu để làm thước đo giữa con người với con người lẫn nhau!
Do đó, “biết đủ” là một loại cảnh giới, giúp cho ta biết làm chủ được tâm trí và hành động của chính mình. Khi đó, ta sẽ dễ dàng phân định được: điều gì nên làm và điều gì không. Tất cả đều có sự hạn độ. Hạn độ ấy là sự đúng mực, là trí huệ, và là một loại trình độ. Thế nên, người biết đủ thường không dễ phạm lỗi lầm và đánh mất lương tâm.
“Biết đủ” còn khiến cho tâm lý ta luôn luôn được an tường, lạc quan và cân bằng nhất định. Hay, bởi “biết đủ” mà ta không có lòng đố kỵ, tâm sân si, sự toan tính, đua tranh, giành chiếm bằng mọi giá đối với người. Và… bởi “biết đủ” mà ta sống với lòng rộng lượng, không ngại ngần đối mặt với những khó khăn và chắc hẳn sẽ nhận được rất nhiều tình thương yêu trong đó.
Như Đức Phật từng dạy: “Biết đủ thường vui, người không biết đủ thì dù ở thiên đường cũng thấy khổ”. Hoặc, cổ nhân xưa cũng nói: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”. Rằng: Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn.
Sớm nay, ngủ dậy, tôi thấy hơi thở mình vẫn còn đang khoẻ mạnh , đôi mắt vẫn quắc sáng tinh anh, đôi chân còn được bước đi vững chãi và buồng tim thì vẫn đang cuộn chảy đỏ rực. Chợt… tôi thấy mình thật quá “giàu có” và may mắn đấy thôi?
Hay, lúc này đây, tôi còn rất hạnh phúc khi đang được trao gửi và lan toả những ý niệm nhỏ này tới bạn bè gần xa.
Chao ơi. Tôi “giàu có”. Tôi giàu có và hạnh phúc biết nhường nào…