Tin thời sự Á châu có hai trong bốn câu chuyện nổi bật trong tháng chín 2019. Tin thứ nhất là Trung Quốc không những đưa tầu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đi vào Bãi Tư Chính của Việt Nam mà còn tuyên bố Việt Nam phải ngưng những hành động khai thác tại Bãi Tư Chính. Việt Nam trong khi đó khi đưa vấn đề lấn áp Việt Nam này ra trước hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm 28 tháng 9 năm 2019 lại không dám nói đến tên Trung Quốc! Nhìn quá lên phía bắc, sang Hương Cảng thì tại đây trong suốt 17 tuần qua người dân Hong Kong đã không ngơi nghỉ với những cuộc biểu tình đối đầu Trung Quốc và lãnh đạo Hong Kong để đòi quyền tự do dân chủ vốn thuộc về họ như trong quy chế “Một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đã ký với nước Anh khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997. Câu chuyện thứ ba là cuộc thương chiến Mỹ Trung quốc và cách hành xử cò cưa giữa hai bên, kéo dài cả hơn năm trời chưa dứt. Và cuối cùng, nhìn sang nước Mỹ thì tin đáng chú ý là chuyện Hạ Viện Mỹ đang tiến hành thủ tục bãi nhiệm tổng thống Donald Trump với cáo buộc ông Trump đã lạm dụng chức vụ để làm lợi ích cá nhân.
Câu chuyện thứ nhất xẩy ra tại Việt Nam liên quan đến Bãi Tư Chính nơi mà Việt Nam nói không thuộc vùng tranh chấp mà thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bãi Tư Chính nằm cách Vũng Tàu 160 hải lý và trong vùng EEZ vốn được tính 200 hải lý từ đường cơ sở theo luật quốc tế. Nhưng Trung Quốc vào ngày thứ Tư 18 tháng 9 năm 2019 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Việt Nam rằng các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông. Thay vào đó Trung Quốc tuyên bố Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) và Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank. Tranh chấp sẽ giải quyết ra sao, thì ai cũng biết rằng tùy thuộc ở sự cương quyết và thực lực hai bên. Riêng về sự cương quyết thì VN chẳng có mảy may, vì đem vấn đề ra Liên hiệp quốc than phiền mà ngoại trưởng VC Phạm Bình Minh không dám nói đến tên TQ thì chẳng khác gì đi kiện thằng cướp mà không dám nói tên thằng cướp. Người Việt dư hiểu rằng chuyện này chỉ là tiếp diễn thái độ lệ thuộc vào Trung Quốc mọi mặt kể từ khi thủ lĩnh đảng VC Nguyễn Văn Linh dẫn phái đoàn đảng và nhà nước VN qua Thành Đô ký kết dâng đất nhượng biển để chuộc tội đã xâm lăng Cam bốt (1978-1991), tấn công chế độc Pol Pot tay chân của Bắc Kinh, và thi hành nghĩa vụ vô sản quốc tế bành trướng đế quốc CS Liên Sô. Do đó, suốt mấy chục năm sau Thành Đô, VC chỉ giữ thái độ im lặng hay phản đối lấy lệ trước những lấn chiếm ngư trường, bắt giết ngư dân VN bởi hải quân hay hải cảnh Trung quốc, mà khi phải nói đến là dùng chữ “tầu lạ”. Gần đây, khi lãnh đạo VC lún sâu vào vòng tay TQ, vào ngày 27/5/2019, trong Hội thảo quốc tế về Kiến nghị khai thác chung ở Biển Đông do Trung Quốc tổ chức, Bùi Thị Thu Hiền, đại diện của Việt Nam từ Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã có tên trong bản khuyến nghị chấp thuận Bãi Tư Chính là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và đồng ý nên đưa Bãi Tư Chính vào diện khai thác chung! Bãi Tư Chính là lãnh hải VN rõ ràng mà quyết định như vậy thì thật là hết ý. Cho nên mới xẩy ra tình trạng VC ỡm ờ không dám khẳng định nhất quán lập trường.
Về phía TQ thì vì vừa ở vị trí nước mạnh, vừa ở tư thế bảo hộ của VC cho nên khi VC ở tư thế một chính quyền độc lập, bắt buộc phải lên tiếng cáo buộc tầu Hải Dương Địa chất 8 của TQ vi phạm chủ quyền lãnh hải VN và cản trở hoạt động dầu khí ở bãi Tư Chính, thì Cảnh Sảng phát ngôn viên bộ ngoại giao TQ đã cao tiếng tuyên bố “Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động đơn phương và phải khôi phục hòa bình trong khu vực (Bãi Tư Chính)". Không biết thực chất nô lệ Bắc Kinh của Hà nội, cụ thể biểu hiện từ thời công hàm Phạm Văn Đồng 1958 công nhận lập trường của Chu Ân Lai về biển Đông, thì người ngoài chỉ nhún vai về thái độ của kẻ có sức mạnh bá quyền. Hay quá lắm là nói vài điều “phải đạo chính trị” như là “hai bên cần giải quyết khó khăn bằng đối thoại, đàm phán”! Cũng nhân chuyện biển Đông này thì phải nhận ra rằng, tha hồ kêu đòi giúp đỡ khản cổ, chằng có người ngoài nào dù là siêu cường Mỹ quốc, mà lại bỏ công ra giúp VN bảo vệ hay giành lại những vùng bị Trung Cộng lấn chiếm.
Câu chuyện thứ hai là những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong mà cao điểm lên tới cả triệu người, nhằm phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc vào ngày 9 tháng 6 năm 2019 của lãnh đạo Hong Kong. Những cuộc biểu tình khởi đầu ôn hòa này đã dần dần có những bạo động và những đàn áp hung bạo của cảnh sát. Hai bên đổ lỗi cho nhau. Nhưng bài học là: Rất ít khi có những cuộc biểu tình hoàn toàn bất bạo động kéo dài. Và nếu mà chỉ toàn bất bạo động thì rút cuộc thất bại là về phía biểu tình vì căn bản là không có phương tiện vật chất và tổ chức điều hành hiệu quả kéo dài, như lịch sử thế giới chứng minh. Cho nên chủ trương “tuyệt đối bất bạo động” chỉ là theo yêu cầu không nói ra của chính phủ, của phía thống trị, để giảm dần áp lực đấu tranh. Trước thực tế sức mạnh biểu tình ở Hồng Kông , lãnh đạo đặc khu Hồng Kông bà Carrie Lam đã phải bỏ luật dẫn độ và chấp nhận cho bộ tư pháp điều tra về những bạo hành của Cảnh sát, nhưng không đồng ý lập một ủy ban điều tra độc lập, không đồng ý từ chức, và không mở rộng các nguyên tắc bầu cử ứng cử tự do đã đòi hỏi từ cuộc biểu tình dù vàng năm 2014 không có kết quả. Đưa đến là chính quyền Carrie Lam đã đi theo những quy tắc của nhà nước Trung Quốc. Nghĩa là chỉ thi hành 2 trong 5 đòi hỏi của những người biểu tình.
Dù sao chăng nữa thì Hồng Kông đã thuộc về TQ từ năm 1997 và tình trang “một quốc gia hai chế độ” sẽ tiếp tục trên đảo Hong Kong cho đến 2047, nếu cuộc tranh đấu bảo vệ quy chế này của người dân Hong Kong thành công, và sau năm 2047 thì Hong Kong sẽ trở thành một vùng đất hoàn toàn cai trị bởi chế độ TQ.
Vụ thứ ba là thương chiến Mỹ Trung mở ra bởi ông Trump và cò cưa kéo dài hơn một năm nay. Ông Trump ra đòn, TQ vừa trả đòn vừa đỡ ở những lãnh vực và với những cường độ khác nhau. Hôm 24 tháng 9, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chỉ trích gay gắt cách thực hành thương mại của Trung Quốc và nói rằng, ông sẽ không chấp nhận một "thỏa thuận tồi tệ" trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Để tránh cho thị trường Trung Quốc khỏi chịu thêm thiệt hại vì bị Hoa Kỳ áp đặt thêm các sắc thuế vào các mặt hàng nhập cảng vào Mỹ, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 26 tháng 9 bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đã xuống nước khi phát biểu: “Chúng tôi hy vọng hai bên (Hoa Kỳ và Trung Quốc) có thể tiến hành các biện pháp nhiệt thành hơn nữa, đồng thời giảm bớt các lời lẽ và hành động bi quan. Nếu tất cả cùng làm như vậy, đàm phán không chỉ được nối lại, mà còn tiến triển và mang lại kết quả.” Và, “Về phía Trung Quốc, chúng tôi sẵn sàng mua thêm sản phẩm (Mỹ) mà thị trường Trung Quốc cần”.
Tương quan Hoa Kỳ Trung quốc chủ yếu là tương quan kẻ mua người bán. Hoa kỳ vừa có sức mạnh của một siêu cường, vừa có cái thế và cái yêu cầu của một thị trường tiêu thụ vĩ đại cần thỏa mãn. Trung quốc có cái vị trí của một nhà sản xuất hàng tiêu thụ. Cả hai đều vừa cần nhau vừa tìm cách bắt bí nhau để có lợi tối đa. Thực tế này cho ta hiểu thực chất tình trạng cò kè lời qua tiếng lại giữa ông Trump và các giới chức trách nhiệm thương mại TQ là giữa hai bên thương lái. Đi một chút vào chi tiết thì có thể kể ra việc tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận hoãn tăng thuế 250 tỷ USD lên hàng Trung Quốc trong hai tuần theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ngược lại Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc vào ngày 13 tháng 9 đã đưa một số nông sản Mỹ, trong đó có đậu tương và thịt lợn, ra khỏi danh sách hàng hóa bị nước này đánh thuế bổ sung, đồng thời miễn áp mức thuế mới đối với 16 sản phẩm nhập cảng của Mỹ từ ngày 17 tháng 9 năm 2019.
Về thời sự Hoa Kỳ thì Hạ Viện Hoa Kỳ đang tiến hành thủ tục để bãi nhiệm Tổng Thống Donald Trump với cáo buộc rằng tổng thống Trump đã tìm kiếm sự giúp đỡ của ngoại quốc để bôi nhọ đối thủ chính trị của mình. Trong toan tính này, tổng thống Trump đã giữ lại viện trợ quân sự cho Ukraine như một công cụ để thương lượng và gây áp lực cho Tổng thống Ukraine để điều tra đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, người chạy đua vào Bạch cung vào tháng 11 năm 2020 với ông. Kết quả ra sao không cần luận bàn ở đây. Điều đáng nói là chuyện này đã xẩy ra được vì nền chính trị tự do dân chủ Hoa kỳ, với thể chế tam quyền phân lập, (tư pháp, hành pháp, lập pháp) và quyền tự do phát biểu bất khả xâm phạm. Vì thế, ông Trump là người đứng đầu hành pháp, quyền hành kể như không giới hạn, mà không dễ dàng thực hiện mọi điều ông muốn theo ý riêng. Cơ chế chính trị này đã giúp kiểm soát và giữ được quân bình giữa các phe phái quyền lực khác biệt trong một xã hội hợp chủng, có gần như đầy đủ các sắc dân trên thế giới.
Nếu Hoa kỳ cho tới nay vẫn là một siêu cường giầu mạnh nhất thế giới, là vì có thể khai dụng và phát huy được mọi khả năng cá nhân. Các vị trí trách nhiệm chính trị từ quận hạt đến tiểu bang, liên bang đều được bầu ra, tuyển chọn theo những nguyên tắc rõ ràng, chứ không theo quy lệ giới hạn kiểu “đảng cử dân bầu” như tại Việt Nam hay Trung Quốc. Tuy vẫn có những biệt lệ cho những thành phần lắm tiền nhiều bạc như trong nhiều xã hội trên thế giới, nhưng tiêu chuẩn quyết định vị trí cá nhân nói chung là tùy thuộc vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ dù to hay nhỏ, bất kể lãnh vực công hay tư. Nói khác đi, tại Hoa Kỳ tài năng luôn luôn có điều kiện phát huy và được đãi ngộ thích đáng. Bởi vì một nguyên tắc quan trọng khác của xã hội Hoa kỳ là mọi người đều có thể làm những điều mình muốn nếu không có luật cấm. Không đồng ý với những điều trái thường của các chính trị gia cũng có thể đem ra tòa nhờ phân xử. Điều này thể hiện rõ ràng nhất hiện nay dưới nhiệm kỳ Donald Trump.
Bốn bản tin vừa tóm tắt trên đã liên quan đến những lãnh vực riêng biệt. Nhưng với những người để ý thì có thể rút tỉa ra được một số điều. Thứ nhất đó là cái quy luật “Đánh không được tha làm phúc” nhìn thấy rõ trong cuộc thương chiến TQ và Hoa Kỳ. Thứ hai, đầu óc tay sai yếu nhược thì dù khoác lác tự đại đến mấy, cũng chỉ làm trò cười như chế độ VC trước Liên hiệp Quốc khi than vãn khó khăn ở bãi Tư Chính với TQ mà không nêu đích danh. Thứ ba, một đất nước giầu mạnh bền vững không nhất thiết vì lãnh đạo nắm chắc quyền hành, mà nhờ có điều kiện khai dụng phát huy được mọi khả năng cá nhân. Thứ tư, tinh thần yêu trọng dân chủ và ý thức được nhu cầu đấu tranh cho quyền lợi của chính mình cũng như hiểu rõ hoàn cảnh chính trị đặc biệt của Hồng Kông, đã khiến cho người dân Hồng Kông không có tổ chức mà tự phát biểu tình, tạo sức mạnh đáng kể. Kết quả là đẩy lùi ý định TQ trong sự thâu tóm Hồng Kông chặt chẽ trong tay, chấm dứt quy chế “một quốc gia, hai chế độ” sớm trước kỳ hạn 2047. Tuy kết quả sau cùng trên lý thuyết là không đổi, nhưng không ai có thể nói trước thực tế sẽ diễn ra thế nào sau hai thập niên nữa, trong thời đại thông tin điện tử và phát triển nhanh chóng của thế giới đa cực hiện nay, và sự giầu mạnh của TQ là nằm trong tay một cá nhân Tập Cận Bình và một nhóm cận thần, có một cơ chế điều hành hiệu quả nhờ trấn áp.
Qua vài sự kiện diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới vừa lược trích ở trên, người Việt Nam có thể thấy tại Việt Nam một đảng cộng sản độc tài tham nhũng, dập khuôn Tập Cận Bình mà không có những nhân sự có khả năng và ít nhiều vì quyền lợi đất nước như TCB. Chưa kể rằng VC không có được sự độc lập quyết định của TCB vì cam tâm chấp nhận vai trò tay sai TQ. Cũng chưa kể rằng những thành phần lãnh đạo của VC đều chân trước chân sau tìm cách lủi ra ngoại quốc bằng mọi giá. Lại cũng có thể nói rằng trong chế độ VC không có được bao nhiêu những đầu óc xây dựng chế độ mà chỉ có mưu toan khai thác chế độ làm giầu nhằm kiếm phương tiện ra sống ở ngoại quốc. Chuyện người dân Hồng Kông tự phát đòi quyền lợi với sức mạnh đủ khiến chế độ phải lui bước là một bài học lớn cho người VN suy ngẫm. Không đấu tranh cách này hay cách nọ tại chỗ để giành lại những quyền lợi chính đáng của mình thì chẳng có ai từ ngoài có thể giúp đổi thay hoàn cảnh.
Tuệ Vân (ngày 3 tháng 10/2019)