Mở đầu bài diễn văn trong buổi xuất hiện ra ngoài đầu tiên tại cuộc hội của tổ chức bảo thủ Federalist Society Washington DC ngày 10 tháng 9/2018 từ khi nhận làm việc với tổng thống Trump hồi tháng 4/2018, cố vấn hội đồng an ninh quốc gia John Bolton nói “Tôi tới đây hôm nay để thông báo một chính sách lớn của Mỹ đối với Tòa án hình sự quốc tế, ICC”.
Tóm tắt nội dung thông báo là “Mỹ sẽ dùng bất cứ biện pháp nào cần thiết để bảo vệ công dân Mỹ và công dân các nước đồng minh chống những truy tố không chính đáng bởi cái tòa án không hợp pháp này”. Báo điện tử The Hill chuyên về các tin tức quốc hội và Bạch cung tường thuật rằng ông Bolton cho rằng Tòa án hình sự thế giới là một đe dọa cho chủ quyền Mỹ, không hiệu quả trong việc truy tố các tội ác chiến tranh và hay nhắm vào các đồng minh của Mỹ, như là Do Thái. Ông nói “Mỹ sẽ luôn luôn đứng cùng với bạn và đồng minh của chúng ta là Do Thái. Chúng ta sẽ không cho phép ICC hay bất cứ tổ chức nào khác giới hạn quyền tự vệ của Do Thái”. Không cần nói thì ai cũng hiểu rằng người nào, nước nào cũng có quyền tự vệ. Còn ai theo rõi tình hình Trung Đông thì đều biết rằng “quyền tự vệ của Do Thái” bao gồm tất cả mọi biện pháp mà quân đội hay lực lượng an ninh Do Thái xử dụng để nhắm đánh vào các mục tiêu trong hay ngoài lãnh thổ Do thái mà Do Thái cho là đe dọa Do Thái. Thí dụ như oanh kích các địa điểm bị coi là chế tạo võ khí nguyên tử ở Syria, các đoàn xe chở võ khí cho các lực lượng chống Do Thái ở ngoài Do Thái. Hoặc là trấn áp mạnh mẽ bằng súng đạn và ngay cả xe thiết giáp, gây chết chóc cho nhiều trăm người và bị thương mười mấy ngàn người trong các cuộc biểu tình kéo dài từ tháng 3/2018 của người Palestine tại biên giới giải đất Gaza Do Thái đòi quyền trở về đất mà Do Thái đã chiếm của họ. Tất cả những biện pháp này thường là gây các thương vong khủng khiếp cho thường dân, bên cạnh các thiệt hại vật chất to lớn. Vì thế nên có những kêu gọi tòa án ICC điều tra tội ác chống nhân loại, hay là tội ác chiến tranh của Do thái.
Song song với tuyên bố của ông Bolton, bộ ngoại giao ra lệnh đóng cửa văn phòng của tổ chức PLO ở Washington, DC, vì tổ chức này vận động ICC mở ra cuộc điều tra về Do Thái. và vì “không chịu mở những bước điều đình trực tiếp có ý nghĩa với Do Thái”. Ngoài ra Mỹ đã chấm dứt đóng tiền cho quỹ cứu trợ Liên hiệp quốc dùng cho nhà thương con nít ở Gaza.
Phản ứng lại, đại diện văn phòng PLO tuyên bố rằng “Chúng tôi sẽ không bị khuất phục bởi sự đe dọa của Mỹ. Quyền của người Palestine không phải là món hàng đem bán rẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động điều tra tội ác của Do Thái”. Người ta hiểu rằng nói là như thế, nhưng thực tế làm được tới đâu thì có lẽ sẽ không là bao nhiêu như đã chứng minh bởi quá trình điều đình của chính quyền Palestine Mahmoud Abbas với Do Thái cả hai chục năm qua dưới sự bảo trợ thúc đẩy của Mỹ mà Palestine chỉ càng ngày càng thu nhỏ lại cả về mặt lãnh thổ lẫn tư thế chính trị. Đặc biệt là với Donald Trump thì “điều đình trực tiếp và có ý nghĩa” với Do Thái có nghĩa là chấp nhận những điều kiện mà Netanyahu đưa ra, và Trump hoàn toàn ủng hộ, theo đó Jerusalem thuộc về Do Thái, và các khu định cư Do Thái dần dần xây dựng trên vùng Tây ngạn sông Jordan bằng cách cưỡng bức chiếm nhà chiếm đất của dân bản địa, vĩnh viễn là đất Do Thái.
Ngoài lập trường bênh vực mạnh mẽ Do Thái trong vấn đề Palestine, ông Bolton còn đưa ra một điểm khác là nếu ICC tiếp tục tiến hành điều tra tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh của quân nhân và nhân viên tình báo Mỹ ở Afghanistan theo như là yêu cầu của công tố tòa ICC đề ra hồi tháng 11/2017 thì Mỹ sẽ thi hành các biện pháp chế tài đối với các nhân sự ICC. Mỹ sẽ cấm các quan tòa và công tố ICC vào Mỹ, chế tài đối với tiền bạc của ICC trong hệ thống tài chính Mỹ và ngay cả truy tố hình sự đối với họ. Mỹ cũng sẽ xét lại vấn đề viện trợ cho các nước trong ICC, và người ta biết rằng trong đó có một số đồng minh của Mỹ trong khối NATO. Tuy trong cuộc tiếp xúc với truyền thông tiếp theo, ông Bolton không cho biết việc viện trợ hay chấm dứt trả tiền sẽ diễn ra sao, nhưng thục tế cho thấy rằng là Do Thái nặng ký hơn với chính phủ Trump hơn là các nước thành viên NATO. Nói khác đi Mỹ sẽ làm những điều ông Bolton tuyên bố.
Ông Bolton cũng cho biết rằng Mỹ đang điều đình với các nước để có thỏa ước song phương không giao các công dân Mỹ cho tòa án ICC, và đã có một số nước đồng ý. Ông khẳng định “Chúng ta không hợp tác với ICC, không giúp đỡ ICC, không gia nhập ICC. Chúng ta sẽ để cho ICC tự chết”. Và đối với chúng ta, nó đã chết rồi.
Lập trường cứng rắn này của ông Bolton đối với ICC vì nó đã biểu lộ ra thời ông còn làm đại diện Mỹ tại Liên hiệp quốc thời ông Bush con. Và với ông Trump thì ông Bolton đã không ngần ngại nói thẳng trong cuộc họp rằng ông nói thay cho tổng thống cũng như khẳng định y như ông Trump rằng Do Thái là bạn và đồng minh mà Mỹ luôn luôn đứng cạnh bảo vệ.
Nhân chuyện này người ta hiểu rằng lập trường của Mỹ ở Trung Đông là lập trường của Do Thái. Nghĩa là cho dân Palestine chọn giữa chấp nhận sự cai trị của Do Thái hay là bị tiêu diệt dần dần bởi các biện pháp thi hành quyền tự vệ của Do Thái. Tổ chức Hamas ở Gaza cho dù có quyết tâm nhưng liệu có thể tiếp tục chống đối hiệu quả được Do Thái hay không là tùy ở khả năng viện trợ của Iran. Mà Iran thì cũng đang bị Mỹ vân dụng các nước đồng minh Âu châu bao vây kinh tế, tác dụng ra sao sẽ hé thấy vào tháng 11 là đáo hạn ông Trump cho phép. Cuộc tấn công kể là cuối cùng của Syria với sự giúp đỡ của Nga và Iran vào Idlib là cứ địa chót của phe nổi loạn gồm chừng 50,000 lính thuộc mấy chục nhóm khác nhau hỗ trợ bởi các thế lực khác nhau trong vùng, trong đó có các nước Ả Rập, Thổ nhĩ Kỳ và Do Thái, ngoài Âu Mỹ, theo nguyên tắc là đã bất đầu rồi, nhưng chưa tiến hành nhanh chóng như dự tính. Lý do là tuyên bố của Mỹ sẽ quyết liệt can thiệp nếu có xử dụng võ khí hóa học mà Liên hiệp quốc đã cho biết là cả hai bên phiến quân cũng như chính phủ đều có khả năng xử dụng. Và Nga thì đã cảnh báo rằng phiến quân sẽ có thể dàn dựng ra một cuộc tấn công bởi võ khí hóa học để lấy cớ cho Mỹ can thiệp. Tình hình căng thẳng đến độ Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã họp bàn khẩn cấp, mà xu hướnng chung là vấn đề Syria không thể giải quyết bằng quân sự mà phải bằng ngoại giao với chính trị. Chưa biết có biểu quyết nào có tính quyết định không, nhưng có thể thấy rằng thực tế là tùy thuộc vào thái độ của hai đối lực chính là Do Thái Mỹ và chư hầu Ả Rập một bên, còn bên kia là Nga Iran Syria.
Một điều thấy rõ là tự do dân chủ và nhân quyền đã là những chiêu bài được khai thác bắt đầu bởi tổng thống Bush con trong mục tiêu thay đổi tình hình địa lý chính trị Afghanistan, Iraq, Syria, mà kết quả là không có gì khá hơn ngoài thực tế là tất cả dân chúng ở các nước đó đều triền miên cả chục năm hay hơn chìm trong chết chóc, thù hận và tàn phá. Các nhà chính trị đang nói về thảm họa cho dân chúng Idlib nếu cuộc tấn công dứt điểm xẩy ra. Nhưng thực sự họ nghĩ gì khó mà ai biết.
Trần Xuân Ninh (ngày 11 tháng 9/2018)