Quyển sách viết tặng:
Những chiến sĩ đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do
Những người đã từng sống trong ngục tù Cộng Sản
Những người vượt biển tìm Tự do
Những người đánh mất quê hương
Và các anh em trong dòng họ Trần Xuân
Vào một chiều mùa đông Cali. Nhìn qua khung của kính với bầu trời ảm đạm, lòng tôi bâng khuâng bỗng nhớ về quê hương Việt nam. Ôm nỗi buồn đơn độc, không cùng ai chia sẻ, chợt nhận được cuốn sách” Sống Chẳng Còn Quê của Bác sĩ Trần Xuân Dũng,
Thoáng nhìn đã thấy, đó là một quyển sách rất đẹp, dày 696 trang gồm 60 chương, hình bìa trình bầy rất trang nhã và nghệ thuật, khiến người đọc phải trân trọng cất trong tủ sách vì chưa có thì giờ. Và đến hôm nay mới có thời gian nghiền ngẫm.
Sau một tuần lễ đọc xong, tôi nhận thấy tác giả là một người có nhiều tài năng:
Là một họa sĩ đã vẽ lên một bức tranh của cuộc đời dâu bể. Từ thưở ấu thơ, 4 tuổi đến nay đã là 80.
Nhìn về tổng thể không có lời nào diễn tả bằng cách dùng 4 câu thơ Bức Tranh Vân Cẩu của Ôn Như Hầu trong Cung oán Ngâm Khúc:
Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.
Là một văn sĩ, tác giả đã biết nhiều chuyện đông tây kim cổ, sắp xếp các ý tưởng thành nhiều chương mục khác nhau.
Những chương đầu nói về ký ức của tuổi thơ sống trong một gia đình có nên nếp văn học, những kỷ niệm về họ hàng quyến thuộc, trưởng thành trong nghèo khổ, gian nan giứa hai cuộc chiến. Cũng vì sự đau thuong này đã hun đúc tinh thần và ý chí của tác giả. Điều này đã được ghi lại để làm gương cho những thế hệ con cháu mai sau
Những chương kế tiếp diễn tả thời gian tác giả đã là một Bác Sĩ Thiếu Tá, danh vọng, địa vị nhưng luôn luôn có tư cách và tư tưởng của một vị Bác sĩ trong Quân Lực VNCH. Nếu khi xưa bạn đã từng là một sỹ quan, chắc hẳn bạn đã rất hãnh diện từng phục vụ trong quân lực VNCH, mặc dù nay đã buông súng và lưu lạc khắp bốn phương trời.
Sau thời gian sống oai hùng vì “Tổ quốc, Danh dự và Trách nhiệm” nhận ra rằng cuộc đời chỉ là vô thường” Tác giả cũng không tránh khỏi “mệnh nước nổi trôi” bị Cộng sản cầm tù gần 3 năm trong trại Tập Trung. Với kiến thức sâu rộng, tác giả đã giúp đỡ các anh em cùng cảnh ngộ. Đem niềm vui đến cho họ với hết khả năng và tâm chí của mình bằng cách kể chuyện kiếm hiệp hằng đêm. Làm thơ những lúc buồn và nhớ nhà.
Sau khi được thả, tác giả về lại Saigon, và được hành nghề lại tại một trạm xá nhỏ. Xong tâm trí luôn luôn tìm đường vượt biên dù rằng trong tay không có lấy một chỉ vàng.
May mắn thay, có một bệnh nhân là con của một người tổ chức vượt biên, đã đề nghị cho đi free cả gia đình 4 người và tác giả phụ trách về y tế, hải đồ, cùng phương hướng cho cuộc hành trình. Có lẽ đó là phúc đức của gia đình tác giả để lại. Sau ba ngày lênh đênh trên biển, tầu đã cặp đảo Mã Lai và rồi thì định cư tại Melbourne –Australia cho tới nay.
Khi tới Úc, tác giả đã phải nhận vắt sổ thuê, người vợ nhận may thuê quần áo để sinh sống qua ngày và dành thời gian học thi lấy lại bằng Bác sĩ. Sau đó mở phòng mạch. Ông còn dành nhiều thời gian chăm dạy các con. Ngày nay, các con đã thành tài, một là Nha Sĩ, một là Luật sư trong nghành Ngoại giao và một là Dược sĩ.
Thời gian trôi qua, nay đã gần 80, tác giả vẫn còn làm phòng mạch, những lúc nhàn rỗi, “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” chạnh lòng mơ về quê hương, mang tâm tư nuối tiếc, nhớ thương. Tất cả chỉ là hoài niệm. Có ai ôm được quê hương suốt đời? Tôi nhớ đến cuốn sách Tự Do Trong Lưu Đầy của Đức Đat Lai Lạt Ma. trong đó có cảnh một gia đình chạy trốn Cộng sản Trung quốc trong đêm tối. Một em bé 10 tuổi đã vội vàng lấy một nắm đất trong vườn sau nhà, dấu trong túi áo đem theo. Quê hương là đó!
Năm 1981 tôi về làng Lý Nhân, quê của tác giả, đi theo con đê dẫn vào làng, hai bên đê có giàn cây tơ hồng với những rễ vàng óng mượt xen lẫn lên hàng lá xanh tươi, dưới một bầu trời nắng chói chang. Đã 37 năm trôi qua, hình ảnh làng Lý Nhân với con đê dài và hẹp, rặng tơ hồng nằm yên trong nắng, đường vào thôn xóm mát rượi bọc quanh bởi những khóm tre xanh mướt vẫn còn hằn nguyên trong tâm trí tôi. Là chứng nhân của lịch sử thăng trầm, tôi vẫn sống với niềm hy vọng: “Quê hương đã mất chỉ là giai đoạn” Quê hương nằm trong tâm khảm của chúng ta. Ai mà lấy được!
Dung Tran (Hội LGVN)
(Hayward, 08/28/2018)