Cách mạng nói vắn tắt là đổi mạng, đổi số, của một nước, thường là toàn diện và có tính cách nền tản, xẩy ra một cách nhanh chóng, bất ngờ và ít nhiều có sự hưởng ứng của quần chúng. Nếu mà đổi chậm và từng phần, thì không gọi là cách mạng, mà gọi là cải cách hay canh tân. Khi xẩy ra cách mạng thì thường là thay đổi chính phủ. Nhưng thay đổi chính phù bất ngờ, nhanh chóng, không có thay đổi nền tảng xã hội thì không nhất thiết là cách mạng, mà có thể chỉ là đảo chính hay cướp chính quyền. Như trường hợp Việt Nam Cộng hòa năm 1963. Tổng thống Ngô đình Diệm bị các tướng lãnh cầm đầu là Dương Văn Minh lật đổ, với sự thúc đẩy giúp đỡ của Mỹ mà người trách nhiệm tại chỗ là đại sứ Henry Cabot Lodge. Cuộc đảo chính này đã được một số quần chúng đông đảo ủng hộ vì chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh Phật giáo khởi đầu từ ngày lễ Phật đản tại Huế năm 1963, và được khai thác thổi phồng một số khía cạnh, đặc biệt là “đàn áp Phật giáo”. Vì thế đã mang tên là “cách mạng 1 tháng 11”. Đã không có những thay đổi xã hội gì đáng kể về căn bản sau cuộc đải chính. Trừ một điều mà các tướng lãnh cho là quan trọng hàng đầu và đã thi hành ngay là bỏ chính sách ấp chiến lược, bỏ luật gia đình gọi là của bà Nhu trong đó có khoản cấm ly dị, cấm nhẩy đầm. Cho nên ngay sau đó là nhẩy đầm tiếng lóng gọi là “bùm”mở ra lu bù trong một số giới chịu chơi, và chính thức được tổ chức vào các ngày lễ trong quân đội, bởi ban tâm lý chiến. Đây là điều duy nhất tôi nhớ về chính sách lớn của các cấp lãnh đạo “tướng lãnh cách mạng”.
Trở lại với cách mạng mùa thu tháng 8/1945, ông Bùi Tín, nổi tiếng vì là người cán bộ CS cao cấp xin tị nạn chính trị đầu tiên ở Pháp năm 1990, mới từ trần cách đây một tháng ở tuổi 91, trong một cuộc nói chuyện với chương trình Việt Ngữ đài BBC đã nói rằng nhìn lại, sau 70 năm thì chẳng có gì là cách mạng, mà chỉ là “đại ngôn”.
Ông Bùi Tín có học, và may mắn vì là con ông Bùi Bằng Đoàn là một quan chức thời Bảo Đại đã theo Hồ Chí Minh từ rất sớm nên được Hồ gọi là Bùi Công, một cách quý trọng. Do đó ông có điều kiện để phục vụ tích cực và khôn ngoan chế độ Cộng sản Việt nam từ những ngày đầu, năm 1945, và đã lên tới cấp đại tá, giữ chức phó tổng biên tâp báo Nhân dân khi xin tị nạn chính trị. Ông đã được coi là một người biết rõ các nguồn tin cung đình vì là thân gần với giai cấp lãnh đạo đảng, và đã được nhiều nhà chính trị hải ngoại đon đả chạy theo khi mới tị nạn, và một số nhà truyền thông hải ngoại ca tụng khi quá vãng.
Cho nên, thử xét xem cuộc thay đổi chính trị Việt Nam khởi đầu từ ngày 19 tháng 8 /1945 và dẫn đến ngày mồng 2 tháng 9, khai sinh ra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tồn tại tới bây giờ dưới dạng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam biến thái, có phải là cách mạng hay không.
Trước hết là yếu tố nhanh chóng bất ngờ. Không đi vào chi tiết vì sao cuộc thay đổi đã xảy ra, được mô tả kỹ lưỡng từ cả hai phía - thua (tức là chính phủ Bảo Đại/Trần Trọng Kim,) và thắng (Việt Minh /Hồ chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp). Bởi vì bên thua thì đưa lý do tại sao thua để biện minh là mình không dở. Bên thắng thì đưa lý do tại sao thắng để khoe tài. Mở ngoặc xin ghi lại một chuyện nhỏ cho vui trong sách của ông Trần Trọng Kim là khi gặp Bảo Đại ở Hồng Kông Bảo Đại nói với ông Kim rằng “Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn”. Nhưng chỉ xét qua các sự kiện thì thấy rằng bắt đầu là cuộc biểu tình của công chức hay là/và một số các tổ chức nhưng sau đó đã bị chuyển sang cuộc biểu tình của Việt Minh, với cờ đỏ sao vàng giương lên và khẩu hiệu ủng hộ VM dần dần hô to. Thì căn bản chỉ vì những người trong ban tổ chức nguyên thủy không có kinh nghiệm tổ chức quần chúng, kiểm soát đám đông. Còn phía VM thì có tính toán và có những người, không nhiều nhưng không ngán làm những chuyện khác thường để lôi đám đông.
Thứ nhì là sự hưởng ứng của quần chúng. Quần chúng biểu tình không có định kiến gì trong đầu. Và tham dự thụ động, Khi có người hô khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh thì lẻ tẻ hô theo rồi do áp lực đám đông cho nên tiếng hô lan dần vang đi. Và thế là biểu kiến tại chỗ có sự ủng hộ VM.
Sau khi Hồ chí Minh tuyên bố độc lập, và đánh Tây thì không ai không thích, tuy không biết Hồ chí Minh là ai, cho nên nói chung là ủng hộ. Các đảng phái có phản ứng thì người dân cũng không thấy lý do chính đáng để theo vì đã có Hồ chí Minh ra trước nhận chỗ rồi.
Những chuyện kế tiếp như mở các lớp bình dân học vụ để giệt giặc dốt, bài trừ mê tín, tổ chức các đoàn thể nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, phụ nữ đi họp hành thảo luận là những điều hoàn toàn mới. Vì lôi con cái ra khỏi gia đình. Xóa bỏ phân cách người bình dân với giới trí thức cũng là điều mới. Tổ chức tự vệ trong dân chúng cũng là chuyện đặc biệt, lôi tất cả mọi người vào việc bảo vệ đất nước, dù chỉ là tâm lý. Nói khác đi cái cấu trúc, trật tự xã hội có thay đổi ở hạ tầng, và ngày càng rõ nét. Những thay đổi này không nhất thiết được ủng hộ bởi những thành phần thành thị có học, và có thể bị chống đối, nhưng không bày tỏ mạnh mẽ công khai, cho nên kẻ cầm quyền dần dần lấn lướt. Chính quyền không còn là quan chức mà là các hệ thống ủy ban hành chánh, ủy ban nhân dân, vân vân..
Với những chuyện lược kể như trên, ý thức về tương quan người với người trong xã hội, ý thức về giá trị, ý thức về tôn giáo, và tổ chức chính quyền rõ ràng là thay đổi tự căn bản, cho nên không thể không gọi là cách mạng. Còn cách mạng này đem lại tốt hay xấu cho đất nước và dân tộc thì là một vấn đề rất lớn, có nhiều mặt và lý do cần xem xét mới hiểu rõ ngọn ngành. Tuy rằng ngắn gọn thì có thể nói là đã rất xấu, nếu chỉ nhìn quá trình thay đổi và thực tế dân tộc và đất nước hiện nay. Nhất là khi so sánh với các nước khác gần gạnh trong cùng hoàn cảnh.
Quay trở lại với nhận định của Bùi Tín về cách mạng thì có lẽ ông Tín đã kết luận trên nền tảng định nghĩa của các nhà chính trị trước đây: Cách mạng là thay đổi một chế độ xấu xa tồi tệ để có một chế độ mới tốt đẹp hơn. Vì chế độ toàn trị VC mà ông Bùi Tín kể là biết rõ bởi đã đi theo phục vụ từ năm 1945 cho tới 1990, rồi chứng kiến từ ngoài, đồng thời có những nỗ lực cá nhân để cải thiện mà thất bại, cho tới khi từ trần năm 2018 ở “91 năm tuổi”, cho nên mới kết luận không có gì đáng gọi là cách mạng, mà tất cả chỉ là ngoa ngôn, khoa đại,
Ông Bùi Tín đã đóng góp những gì để cải thiện chế độ từ khi xin tị nạn ở Pháp thì là một vấn đề có thể đem ra bàn giữa những người hiểu biết, mà câu trả lời thì không may ông đã mang theo.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
Ngày 11 tháng 9/2018