(Viết năm 2014)
Thế mà cũng đã gần 1 năm ngày anh ra đi. Sáng nay ngủ dậy, mở máy thì được Mail của chị Phương Mai, hiền nội của anh.
“Tháng bẩy này là giỗ đầu của anh Thiệp, anh Uyên Thao và một số bạn hữu đang thu xếp để in cuốn sách cuối cùng của LT đang viết nửa chừng về cuộc chiến với ung thư. Nếu có thì giờ anh nguệch thêm một bài ngăn ngắn về những ngày biểu tình, đấu tranh của cậu Thiệp cùng các anh chị em VN ở Nhật được không? Tôi còn giữ vài tấm hình biểu tình của các anh chị em. “
Trong cuộc đời của Lê Thiệp, có những quá khứ mà anh nghĩ không thể cắt bỏ (chữ của anh), có lúc buồn bã anh than thở: “vẫn là chân ướt chân ráo, đứng bên lề cuộc sống”, nhưng có lúc anh sống rất hào hãnh. Theo chủ quan của tôi thì đó là thời gian anh tạm dung tại Nhật. Trong đoạn cuối của bài viết “Giã Từ Chế Độ” mà anh viết lúc mới đến Nhật năm 1978 có đoạn: “Chúng tôi đã tìm lại Tự Do ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân lên tàu Sun Swallow này. Bổn phận còn lại của chúng tôi trong những ngày sắp tới là đấu tranh cho tự do, cho đồng bào ruột thịt của chúng tôi hiện đang sống tại Việt Nam. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, chúng tôi cũng tâm niệm và rao truyền cho con cháu chúng tôi điều này”.
Vì thế có thể nói là những “tâm niệm” này của anh đã ảnh hưởng lên suy nghĩ với người bạn đời khiến chị Mai đã gợi ý với tôi như thế mỗi khi có dịp nhắc về Nhật.
Tôi với tay lấy quyển sách nằm ở ngoài cùng trong tủ sách trước mặt, quyển Chân Ướt Chân Ráo mà anh gửi tặng tôi ngày 19 tháng 2 năm 2003 có hàng chữ:
Da vâng, tôi sẽ theo gợi ý của chị Mai cố gắng hồi tưởng lại những ngày xa xưa đó. Xin được kể từ từ.
Cuộc biểu tình 3 người.
Người tị nạn thời đó chưa đông và sống rải rác tại các trại tạm cư trên khắp nước Nhật, nếu có nhớ thương về quê cũ muốn làm một điều gì thì cũng chỉ là những hình thức tượng trưng, hơn nữa thời đó Cao Ủy LHQ quản lý rất “chặt chẽ” người tị nạn về hành động chính trị, nói cho rõ hơn là ba cái vụ biểu tình chống chế độ vì họ sợ phiền, sợ thêm việc. Ngày 10 Tháng 12 năm 1977, nhân mùa nhân quyền, tuy chỉ có vài “ngoe”, ban tham mưu lại thiếu Ngô Chí Dũng (đang công tác tại Hoa Kỳ) nhưng ai cũng nghĩ phải làm một điều gì dù nhỏ nhoi: quyết định “xuống đường” dù thành phần tham dự chỉ có 3 người.
Gọi là 3 nhưng thực ra là 4. 3 người cầm và đeo biểu ngữ, còn 1 thì chụp hình quay phim. Thầy Thích Trí Hiền (đã mất năm 2010) đi đầu, đi giữa là thầy Thích Chơn Thành (đang ở Cali) và 1 đàn anh sinh viên của tôi (đang ở Mỹ) đi cuối. Người chụp hình là anh Huỳnh Lương Thiện thì… chạy lên chạy xuống.
2 nâu sòng và 1 thường phục khởi đầu từ nhà ga Shibuya, đi ngang đài NHK với mong ước là “có ai đó ra quay phim lên tin tức”. Mục tiêu cuối cùng là sứ quán việt cộng. Cách nhau 3 thước, với biểu ngữ trên ngực trên tay, 3 người từ từ tiến bước. Đến trước cửa sứ quán việt cộng, vài tên cộng con lố ra mai mỉa:
- Sao có 3 người vậy, buồn quá?
3 người vẫn đứng trước sứ quán việt cộng cả giờ như thế dưới cơn rét của mùa đông.
Chẳng báo, đài nào lên tin ngoài tờ Người Việt Tự Do. Nhưng đó cũng chính là điểm khởi đầu, một cái đà phất lên khi nhóm “Sun Swallow” xuất hiện.
Ra quân bất thần
Tháng 6/1978, có một nhóm người được tàu Đại Hàn vớt chuyển về Fujisawa, trại gần nhất trong những trại tạm cư. Tụi tôi đến thăm hỏi và tìm hiểu tình hình. Tôi nhớ nhất Lê Thiệp và Trịnh Ngọc Bằng. Hỏi chuyện gì về quê nhà mà chưa hiểu rõ thì: “anh hỏi thằng Bằng, chuyện này nó rành hơn tôi” hay “anh cứ hỏi thằng Thiệp, chuyện sẽ rõ”, sau đó tôi được biết 2 anh cùng trường cùng thời. Một là nhà binh và một là nhà báo, nhưng có cùng điểm chung: “Ra đi mà lặng im là có tội với người ở lại”.
Vào một ngày của tháng 7 năm 1978, sứ quán việt cộng tại nhà ga Yoyogi bị bất thần bao vây bởi một rừng cờ và biểu ngữ của nhóm Sun Swallow và nhóm Kamakura bên cạnh. Giả dạng làm hòa, một cộng con lấp ló:
- Dầu sao mình cũng là người Việt mà….
Chưa nói hết câu, Lê Thiệp dõng dạc cất tiếng:
- Không, các anh không phải là người Việt đích thực, các anh là việt cộng.
Tiếng la hét lại vang trời: “Nhân quyền cho Việt Nam”, “Đả đảo bọn việt cộng mình lang dạ thú”. Liên Hiệp Quốc ngỡ ngàng vì cuộc ra quân quá bất thần, cảnh sát cũng bó tay không can thiệp kịp vì bất ngờ dù được sứ quán cầu cứu. Từ 3 người lưa thưa đứng trước sứ quán đến một rừng người phủ kín cửa sứ quán, Người Việt Tại Nhật đã bước một bước khá dài.
Vành khăn tang cho Việt Nam
Buổi chiều ngày 2 tháng 9 năm 1978, khu vực gần nhà ga Yoyogi không giống như mọi ngày, có một đoàn người xếp hàng một, đầu chít khăn tang, họ bắt đầu di chuyển từ nhà ga Yoyogi, băng qua con dốc thoai thoải tiến vào sứ quán việt cộng. Người Nhật đi bộ đã ngừng lại vì đoàn người đó. Họ ngừng lại để nhìn cho rõ và chợt nhận ra: đoàn biểu tình của người tị nạn Việt Nam đây mà, cũng nơi đây hai tháng trước cả khu phố đã vang dội vì tiếng hét to đòi tự do dân chủ, nhưng hôm nay thì những người này chỉ lặng yên âm thầm bước tới.
Phùng Tấn Hiệp đi đầu, rồi Ngô Chí Dũng, theo sau là Lê Thiệp và những người Việt thầm lặng của nhóm Sun Swallow và nhóm Kamakura. Từng bước một, đoàn người tiến đến dàn hàng ngang trước cửa sứ quán. Bên trong thì ồn ào vì bọn họ đang mừng cái ngày gọi là “độc lập”, bên ngoài thì im lặng ngoại trừ tiếng điện đàm từ máy liên lạc của cảnh sát, chỉ có một giọng nói duy nhất từ đoàn người rõ ràng từng tiếng một rót vào bên trong: Ngày 2 tháng 9 chỉ là ngày độc lập với nhân quyền, độc lập với tự do, độc lập với tình thương. Sáng kiến “vòng khăn tang cho Việt Nam” là của ban tham mưu gồm Ngô Chí Dũng, Lê Thiệp và linh mục người Mỹ Martin của cơ quan Caritas.
Trực diện kẻ thù
Từ trái sang phải: Lê Thiệp, thầy Trí Hiền và Tư Nhiễn, 1 đồng bào tị nạn trước sứ quán việt cộng (cả 3 người đã trở về cõi ấy)
Tháng 10/1978, bị cả thế giới lên án, chế tài vì tội xâm chiếm Campuchia, quá đói việt cộng đã cử Phan Hiền sang ăn mày viện trợ. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không thể ngồi im. Qua 2 lần kinh nghiệm, cuộc tiếp rước “Phan Hiền” khá chu đáo. Ta vây bọn chúng 2 ngày, 1 là trung tâm của một công ty nào đó (đã lâu tôi quên mất), 2 là tòa đại sứ việt cộng. Lần này, thì báo chí đã lên tin đầy đủ về cuộc biểu dương. Lê Thiệp, Ngô Chí Dũng, thầy Thích Trí Hiền vẫn luôn là “thinktank” của nhóm.
3 ngày rượt đuổi
Vẫn chưa xin được gì, sau chuyến của Hiền, sang tháng 11/1978 Nguyễn Duy Trinh, ngoại trưởng việt cộng tiếp tục công tác ăn mày viện trợ. Lẽ dĩ nhiên đã biết tin trước nhờ quân ta có nội ứng là các ký giả Nhật (vốn là bạn Lê Thiệp), các bạn nằm trong Cao Ủy LHQ…. nên đường đi nước bước của Trinh ta đều nắm rõ. Ta ra quân 3 ngày.
- Ngày thứ nhất đón Trinh ngay tại khách sạn.
- Ngày thứ hai, chia nhau ra canh giữ các địa điểm Nguyễn Duy Trinh sẽ đến chẳng hạn như tháp Tokyo, bộ ngoại giao.
- Ngày thứ ba là cuộc biểu tình chính thức trên các đường phố chính. Địa điểm cuối hẹn nhau là công viên Hibiya trước Press Center nơi Nguyễn Duy Trinh họp báo.
Cả 3 ngày quân ta đều đại thắng.
- Ngày thứ nhất tại khách sạn, Trinh và đồng bọn bỡ ngỡ bàng hoàng trốn chui trốn nhũi vì rừng người Việt vang trời la đả đảo.
- Ngày thứ hai thì trên đường đến tháp Tokyo, xe chở Trinh đã bị ăn trứng thối. Trên tháp Tokyo Trinh bị một thanh niên trẻ nhào tới “tát tai” ngay lúc bước vào thang máy, khi Trinh mới ló đầu ra khỏi thang máy thì lại bị một thanh niên nữa với nhiệm vụ chụp hình đã “chơi nguyên” máy hình bổ vào đầu Trinh, nhưng các “cận vệ” của hắn đã cản được. Cả 2 đều bị cảnh sát Nhật “dẫn độ” xuống chân tháp Tokyo, cảnh cáo vài câu…. có lệ.
- Đến gần bộ ngoại giao xe chở Trinh bị chị Bùi phu nhân anh Nguyễn Hữu Điển “lao ra” chận. Ngay tối hôm đó, đài VOA đã có bản tin: một phụ nữ Việt Nam đã nhào ra chận đường đoàn xe chở ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Duy Trinh. Vài tiếng sau, tụi tôi nhận được lời chúc mừng từ cựu dân biểu Trần Văn Sơn từ Hoa Kỳ (nhà bình luận Trần Bình Nam) trước “thành quả” rực rỡ này.
- Ngày thứ ba sau khi đồng loạt cất cao tiếng hét phẫn nộ khi diễn hành qua các đường phố chính, đến trước Press Center thì “đụng”. Phe ta bên này đường, cộng con bên kia đường, lúc đang đấu võ mồm thì được tin “nó” đến, chẳng ai bảo ai mọi người nhào ra tiến thẳng vào cửa chính Press Center, nhưng quân ta bị chận ngay tại cửa, không thể lọt vào bên trong, với một lực lượng cảnh sát khá hùng hậu, cứ 2 bạn dân thì lo cho 1. Lê Thiệp người lêu khêu bị hai bạn dân lực lưỡng “hộ tống” vào một nơi gần đó, nhưng cũng cố gân cổ la to: “Trinh cút về, go home”. Lê Thế Đàn, em họ Lê Thiệp năm đó mới 17 tuổi bị 2 bạn dân khiêng thẳng ra công viên từ bậc thang gần cửa, Đàn tức tối chửi rủa: Đụ má việt cộng. Còn các bạn khác thì bị đẩy trở lại vào công viên và tất cả được hộ tống “an toàn” về điểm tập trung là các trại.….tạm cư
Mấy hôm sau, ban tham mưu tụ tập lại nhà tôi để “kiểm điểm”, lúc đang phân vân về cái tít cho bản tin biểu tình nên đặt thế nào để tờ Người Việt Tự Do kịp ra báo, Lê Thiệp phán ngay:
- Ông viết thế này cho tôi: Liên tiếp 3 ngày rượt đuổi tên ăn mày viện trợ: Nguyễn Duy Trinh.
Ríu ríu, tôi nghe lời và chỉ trong vòng hơn một tiếng, anh viết cho tôi (bằng tay nhé) bản tường trình cả 3 ngày đầy đủ.
Ngoài ra, anh còn có những buổi tường trình tại các khuôn viên đại học về nhân quyền Việt Nam những tháng ngày sau đó.
------------------
Anh ở với tụi tôi chỉ vài tháng thì sang định cư Hoa Kỳ năm 1979, nhưng tôi biết chắc rằng, anh vẫn nhớ đến Nhật, đến tụi tôi. Qua 1 người bạn, tiếng Anh thuộc loại dấm dớ, không biết nói với anh thế nào mà anh thư cho tụi tôi bằng nhiều mảnh giấy ghép lại. Anh viết
- Tôi nghe nói lại, - quân ta có vẻ mệt mỏi? Kiên cường như đảng trưởng Ngô Chí Dũng chẳng lẽ mệt mỏi hay sao?
Sang đến Mỹ, lúc đang làm cu ly tại Connecticut, tháng 2 hay tháng 3 năm 1981, chi bộ Người Việt Tự Do ở Hoa Kỳ nhờ anh về giúp sức vì tưởng là tờ báo có thể sống nhờ lấy thêm quảng cáo.
- Anh về đây giúp anh em, tụi tôi cố gắng chi cho anh mỗi tháng 600.
Anh nhận lời về San Jose, làm việc được vài tháng, nhưng trái hẳn với dự tính, không có chỗ cho anh ăn, không có nơi cho anh ở, lẽ dĩ nhiên là 600 cho anh cũng chỉ là cơn gió thoảng. Anh trở ngược về “quê nhà” tiếp tục làm cu ly không một lời than vãn.
Đầu năm 1983, Ngô Chí Dũng từ chiến khu trở ra đề nghị anh về lại phụ trách tờ Kháng Chiến của mặt trận tướng Hoàng Cơ Minh. Anh ậm à ậm ực rồi anh nhận lời. Tờ báo rất khởi sắc vì nhờ anh mà có những người bạn cùng thời đóng góp.
Được 2 năm vì có rối loạn trong nội bộ Mặt Trận, anh ngậm ngùi quay gót, nhưng không một lời trách móc. Tôi có đọc ở đâu đó, hình như Nguyễn Khanh của đài Á Châu Tự Do hỏi anh đại khái: anh theo phe nào, ông Liễu hay ông Minh. Anh rơm rớm nước mắt trả lời: “Tôi chả theo phe nào cả, tôi theo phe người Việt Nam”
Nhưng trong cái “rủi” anh lại được cái “may” to lớn, anh đã gặp được và nên duyên chồng vợ với chị Phương Mai trước khi quay về DC trở thành anh bán phở.
-----
Xin chấm dứt bài đã viết theo sự gợi ý của chị Phương Mai, người bạn đời xinh đẹp của anh. Cám ơn chị Mai đã tạo cho tôi cơ hội nhớ lại những ngày hào hùng đáng sống của tuổi thanh xuân với người đàn anh mà tôi luôn kính trọng.
Vũ Đăng Khuê
Tokyo 2014
------------------------------
Trích từ Tạp Ký “Ung thư ơi Chào Mi!”của tác giả Lê Thiệp được viết lúc ông đang chống chọi với Ung Thư vào giai đoạn cuối được phát hành vào tháng 7/2014 bởi
Tủ Sách Tiếng Quê Hương
P.O. Box 4653
Falls Church – VA 22044
Email: uyenthaodc@gmail.com & uyenthao174@yahoo.com