Việt Nam dưới chế độ Công sản biến thái luôn luôn có những nguồn tin hấp dẫn, tạo chú ý, bàn tán trong các cộng đồng chống Cộng hải ngoại. Phần lớn là tin kiểu “lá cải” (gây tò mò nghe qua khoái tai rồi bỏ vì chẳng ích lợi gì). Các tin này thường được gọi là “bí mật cung đình” do các cán bộ trung cao cấp chạy ra hải ngoại tiết lộ từ thập niên 90 và sau đó. Như đời sống riêng tư và các mưu mô đấu đá nhau của đầu lãnh huyền thoại được tôn xưng là “bác Hồ”, và các đồ đảng quyền lực một thời như Lê đức Thọ, Lê Duẩn. Võ Nguyên Giáp. Và ngay cả đến những lãnh tụ sau 1975 không có nhiều thành tích nổi trội gì trừ cái gọi là “bề dầy cách mạng” mà ý nghĩa chỉ là có thâm niên theo đảng Cộng sản như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải vân vân…Hạng chót thì là những người tập kết như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng… v.. v.. là những nhân vật trong Câu Lạc bộ Kháng chiến, được biết đến vì những bất mãn với những chính sách kể là “quá lố quá đáng” của “đảng ta”, khi trở lại miền Nam sau tháng 4/1975. Nói cho công bằng thì những tin tức này có được một số nhân vật hay tổ chức chống cộng khai thác, tính xử dụng để đẩy mạnh công cuộc chống chế độ độc tài đảng trị phi nhân, nhưng đều thất bại vì nhiều lý do. Tóm tắt thì không ngoài khả năng chủ quan yếu kém. Nói như thế thì có không thiếu gì người có lòng - có tâm - buồn và bực. Mà nói theo ngôn ngữ Việt cộng thì tức là “không có tầm”. Nhưng làm sao được, trên đầu chữ I thì phải có dấu chấm, trên đầu thữ t thì phải có gạch ngang. Đơn giản chỉ là “I ngắn có chấm tờ dài có ngang”, bình dân học vụ từ năm 1945 chống nạn mù chữ cho người bình dân đã dặn thế rồi.
Từ tháng 5/2018 khi dự luật về 3 đặc khu Vân đồn, Bắc Vân Phong và Phú quốc sang nhượng cho Tầu 99 năm được chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ra lệnh cho quốc hội thông qua trước ngày 15 tháng 5 vì bộ chính trị đã quyết định rồi thì mọi chuyện khác đi. Những tin tức không còn mang tính chất cung đình nữa, nghĩa là không còn do các chuyên gia, các nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động, những nhà nghiên cứu, nhà báo tự do, nhà báo độc lập v..v.. ở trong nước, nghĩa là có môn bài chính thức hay bán chính thức đưa ra nữa. Nhưng mà là những tin và hình ảnh từ các video, audio cá nhân phóng lên mạng điện tử toàn cầu. Mà mức độ trung thực đa số không thể chối cãi được. Những tin và hình ảnh này đã cho thấy một cách chấm phá tình hình chính trị xã hội thực tế VN. Người ta xem được video bà Vũ Thị Kiên ở Thanh Hóa rành rẽ đặt câu hỏi thẳng cho Nguyễn Phú Trọng về quyết định của bộ chính trị bán 3 đặc khu cho Tầu. Lý luận của Vũ thị Kiên dựa trên quan điểm nền của một người cộng sản, không chống đảng, rằng đất là sở hữu toàn dân mà những cán bộ đương chức, nhiệm kỳ 5 năm, lấy quyền gì để bán 99 năm không hỏi ý kiến dân. Và thách đố sao không bán 100 năm đi. Người ta nghe được một phụ nữ nông thôn miền Bắc dùng những lời lẽ bình dân, mà tôi đã được nghe hồi còn nhỏ ở làng quê miền Bắc, mắng bọn công an đứng canh chừng trước nhà bà. Nói cho rõ là bà lớn tiếng cho ăn những thứ kể là không sạch sẽ của người phụ nữ mà người dân quê không ngại nói khi nổi giận. Người ta nghe được một phụ nữ thành phố mặc váy đẹp đẽ, đội mũ nhựa bảo vệ đầu loại xịn bị công ăn chặn xe vô cớ đưa ra những câu hỏi đanh thép đúng lý và dồn công an đến chỗ phải đưa giấy tờ cho xem mà cũng không tha. Người ta được nghe bà Nguyễn thị Tâm ở Dương Nội kể chuyện đứng biểu tình hợp pháp và hợp hiến mà bị ngăn cản, nên hoạnh công an đã viết giấy mời vô lý vô lối vô nghĩa lên đồn làm việc, vì thế bà không chịu đi, và điện thoại lên từng cấp chỉ huy liên hệ từ thấp đến cao mà sau chót thì kẻ trách nhiệm cao nhất chỉ có cách là cắt điện thoại không trả lời. Người ta trông thấy những cuộc biểu tình kể là to lớn chưa từng có ở VN sau 1975 với những biểu ngữ chống dự luật đặc khu nhượng cho Tầu, chống luật an ninh mạng để xiết chặt thông tin. Và nhiều người dân công khai khẳng định lãnh đạo bán nước, phản quốc một cách không ngần ngại. Nghĩa là chống chính sách lớn của bộ chính trị và quốc hội, là cơ quan quyền lực cao nhất nước.
Ở cấp cao nhất đảng thì Nguyễn phú Trọng chỉ trả lời bán chính thức và gián tiếp trong một chuyến đi thăm cử tri ở Cấu Giấy Hà nội, cho bà Kiên rằng “Không ại dại gì mà đi bán nước”. Viên tổng bí thư còn nói những chống đối là do lòng yêu nước bị kích động bởi một số phần tử bám vào cái thời gian 99 năm để khai thác với ý xấu, chứ không còn có thái độ thông thường của kẻ toàn quyền đầu đảng là kết án phản động mọi bất đồng với chủ trương của lãnh đạo. Trọng cũng không do dự nhận vơ rằng nước ta là trong tình trạng dân chủ chưa từng có. Còn chủ tịch quốc hội Kim Ngân kêu gọi: "Đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước”. Chẳng mấy ai để ý đến lời Kim Ngân hay là tranh cãi với Trọng về những nhận công lấy điểm này làm gì, cũng như không mấy ai cãi với ông Donald Trump đã khoe rằng tài điều đình và biết nhìn đối thủ của ông đã làm cho Kim Chính Ân phải hủy bỏ kế hoạch sản xuất võ khí hạt nhân và sau khi họp với Kim vài tiếng đồng hồ thì Trump đã thấy y ta là người tài giỏi đặc biệt vì giữ ổn định được một nước đầy khó khăn lúc lên cầm quyền chỉ mới 26 tuổi. Và Trump đã không ngần ngại tuyên bố rằng ông có vinh dự gặp được một người như thế. Người Mỹ bận rộn không để ý bao nhiêu đến chính trị trừ phi được truyền thông ồn ào thổi lên, cho nên không ai nói đến chuyện bộ trưởng ngoại giao Pompeo trong chuyến công du ngay sau cuôc họp đi sang các nước Nhật và Nam Hàn để thông báo về kết quả cuộc họp thượng đỉnh Kim-Trump đã nổi cáu khi truyền thông hỏi về những thỏa thuận cụ thể mà không trả lời được. Và mới đây cũng chẳng ai để ý đến lời Trump nhẹ nhàng thông báo rằng hiểm họa hạt nhân Bắc Hàn vẫn còn.
Tình trạng mà đại đa số người dân cả nước đều nhìn lãnh đạo là những kẻ phản bội bán nước và nói ra công khai như vậy là trường hợp chưa từng có trong lịch sử đảng VC. Trước kia, có thể có người thấy lãnh đạo đảng là tay sai Liên sô và Trung quốc, nhưng tự an ủi bào chữa rằng đó là do yêu cầu cứu quốc. Đánh Pháp để giành độc lập. Đánh Mỹ để cứu nước do tuyên truyền một chiều rằng Mỹ xâm chiếm cai tri làm dân miền Nam nghèo đói không có cái bát mà ăn. Sau tháng 4/1975, tuy đã thấy một phần sự thực khi vào miền Nam nhưng hệ thống kìm kẹp toàn trị không cho phép làm gì khác hơn là có thái độ thụ động tiêu cực như nhóm Câu lạc bộ những người Kháng chiến. Ngày nay, lãnh đạo đảng chỉ rút lại là một thiểu số đại gia với một đám tay chân giới hạn cũng giàu sang sẵn sàng chạy ra sống ở ngoại quốc. Tuyệt đại đa số nhân dân nghèo khổ sống chật vật hàng ngày bị bỏ lại với một đất nước nợ nần khủng khiếp bất cứ lúc nào cũng có thể vỡ nợ và một lãnh thổ thu hẹp, cắt ra bởi những vùng sang nhượng cho tài phiệt làm chủ mà Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là 3 vùng lớn nhất. Nhân dân, - nói theo định nghĩa của đảng – nghĩa là những người ủng hộ theo đảng từ đầu, từ lâu, thấy hết đường cục cựa, nghĩa là không còn gì để mất, cho nên không ngần ngại gì mà không nói ra, không nổi lên phản ứng dưới nhiều dạng, mà Bình Thuận là một.
Tình trạng phân rẽ rõ ràng giữa một bên là quần chúng bị trị, trấn áp lâu năm và bên kia là thiểu số thống trị đã khiến lãnh đạo lâm vào thế bị động, nhưng cũng đồng thời ráo riết tìm phương cách đối phó. Mà cốt lõi là những biện pháp để xóa lằn ranh, tạo ấn tượng là đảng luôn luôn đứng lại với nhân dân. Nhưng chẳng có gì khác hơn là khẳng định nói mồm rằng lãnh đạo lắng nghe, cụ thể là hoãn quyết định thông qua dự luật để nghiên cứu, mà ai cũng biết rằng câu giờ. Cả hệ thống thông tin tuyên truyền chính thức, bán chính thức, bất đồng có môn bài và không có môn bài, những dư luận viên, vân vân được huy động. Tung ra đủ loại ngụy luận để nhắm vào từng loại đối tượng cần tranh thủ ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Vì thế đã lại nẩy ra những câu hỏi rằng nếu đảng và nhà nước bị xụp thì cái gì thay thế? Sự lo ngại xung đột nổi dậy giữa quần chúng sẽ là nội chiến máu đổ thịt rơi. Những câu hỏi về vai trò có thể có của Nguyễn Tấn Dũng, là kẻ đã có trách nhiệm về những thối nát nhũng lạm làm tan nát nền tài chính kinh tế đất nước, và mở cửa cho Tầu vào những vùng nhượng địa lớn nhò khắp nước, từ khai thác bauxite đến Formosa, đến khai thác rừng đầu nguồn… Những ngụy luận về một nhà nước do quân đội lãnh đạo và giải tán đảng CS… để thi hành tự do dân chủ, sửa hiến pháp, trong khi vấn đề cốt tử là việc nhượng 3 đặc khu đất vàng cho Tầu. Những bàn cãi tủn mủn về lợi ích và phương cách khai thác đặc khu ở các nước lạc hậu khác Á Phi vân vân…Nhưng người dân trong nước chẳng mấy ai có thì giờ nghe những luận cứ này. Đối với họ sang nhương cho thuê 99 năm chỉ là tương tự như triều Thanh giao Hồng Kông cho Anh, Macau cho Bồ đào nha 99 năm để tiếp tục giữ quyền. Từ người phụ nữ nông thôn miền Bắc không quen những ngôn từ hoa mỹ trí thức mắng công an, người phụ nữ Cộng sản liên khu tư hỏi Nguyễn phú Trọng, người phụ nữ thành phố chống lại cảnh sát chặn xe vô cớ, người đàn ông trên bãi biển Nha Trang nghe loa phóng thanh bằng tiếng Tầu đơn giản hỏi lớn đây là thành phố Tầu hay thành phố Việt. Những người khóc lóc khi chợ Kỳ Anh bị cưỡng chế hung bạo và những la hét khi xe ủi đất cướp nhà dân lạnh lùng cán lên người đàn bà bị cướp đất cầm cờ đỏ sao vàng chống đối. Rõ ràng chế độ không bảo vệ mình. Người dân hiểu thế, biết thế. Thực tế chỉ còn có một con đường cho mỗi người dận: Là chống lại sự trấn áp vô lối của chế độ lên đời sống hàng ngày của mình. Chống cách nào cũng được. Đánh vào đâu cũng được. Tùy hoàn cảnh thực tế cho phép. Bởi vì kinh nghiệm đau xót là không đánh mà dựa lưng vào chế độ, như người đàn bà cầm cờ đỏ chống xe ủi đất. Thì lá cờ đỏ còn đó. Nhưng mạng mình không còn. Và ruộng đất nhà cửa mình bị san bằng.
Lâm Phong
Ngày 29 tháng 6/2018