Tinh thần dân tộc không phải là bẩm sinh. Tinh thần dân tộc được hình thành và phát huy từ sự nhận thức, sự giáo dục, lòng yêu nước, và tinh trần trách nhiệm đối với quốc gia và dân tộc. Các bài học lịch sử, địa lý, và công dân giáo dục... từ thưở thơ ấu đã hun đúc tinh thần dân tộc.
43 năm trôi qua từ ngày 30 tháng 4 năm 75! khi cuộc sống của những người bỏ nước ra đi năm xưa đã tạm ổn định, thì tình trạng của đất nước ngày một xấu dần. Giang sơn VN thu nhỏ lại, vì hành vi cắt đất dâng biển cho Trung Cộng. Các nguồn lợi trên đất nước VN, đều do các công ty TQ khai thác. Các địa điểm chiến lược trọng yếu của VN đều cho TQ thuê dài hạn. Ngày nay, người Tàu tràn lan trên lãnh thổ VN, ra vào không cần xin phép. Nhiều nơi, họ tụ tập sống thành một cộng đồng, nói ngôn ngữ Tàu, và trao đổi bằng đồng tiền nhân dân tệ, trước sự làm ngơ của chính quyền địa phương. Ngoài biển, các tàu cá TQ ngang nhiên tấn công, cướp bóc các tàu của ngư dân VN, ngay trong lãnh hải VN, và cảnh sát biển VN không dám can thiệp. Nhà nước ít khi lên tiếng nói. Quá lắm thì làm ngơ để cho các tổ chức ngư nghiệp địa phương gửi thư phản đối.
Trong thời gian bị Pháp thuộc, tinh thần dân tộc bất khuất của người Việt Nam đã biểu hiện mạnh mẽ từ Bắc chí Nam, từ thành thị tới nông thôn, từ trí thức tới nông dân. Liên tiếp, đã có các phong trào khởi nghĩa, kháng chiến chống Pháp, đòi độc lập cho nước nhà. Những Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Đề Thám, Nguyễn Trung Trực... Các phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, và vua Duy Tân. Những tấm gương yêu nước của Trương công Định, Phạm Hồng Thái, Phan Bội Châu... Những tờ Đăng Cổ thời Báo của Phan Khôi, Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp thời Báo, Phụ Nữ Thời Đàm, Nữ giới Chung của Sương Nguyệt Ánh đã ươm mầm, gieo hạt cho những tư tưởng ái quốc. Tuy việc lớn không thành, nhưng "Dù không thành công, cũng thành nhân" như Nguyễn Thái Học đã nói.
Ngày nay, sau 43 năm dưới chế độ CS, 90 triệu người dân Việt Nam đứng trước nguy cơ bị mất nước và Hán hóa, chỉ lác đác có một số những nhà bất đồng chính kiến lên tiếng đơn độc phản kháng. Những hành động rời rạc của từng cá nhân, chỉ làm mồi ngon cho sự bắt bớ, đàn áp, và vu cáo của nhà cầm quyền CS. Một vài cuộc biểu tình chống TQ, được tổ chức vội vã và âm thầm, không quy tụ được đông đảo quần chúng, vừa khởi phát đã bị giải tán, bắt bớ. Ấy là không kể những cuộc đàn áp thẳng tay bằng vũ lực: đạp vào mặt, đánh tới đổ máu, gãy mũi, gãy tay chân, với mục đích... răn đe của chính quyền. Trên mạng điện tử, một số những bài đấu tranh tiêu cực, dựa trên những lời tiên tri, những câu Sấm viển vông, những lý luận một chiều... chỉ có tính cách ru ngủ, hay ngồi chờ sung rụng.
Như vậy, thì ngày hôm nay, tinh thần dân tộc của người Việt Nam, có còn không? Phải chăng hào khí năm xưa, nay đã suy kiệt ? Có phải vì họ khiếp sợ sự đàn áp tàn bạo của chính quyền? Có phải vì họ sống cầu an, bưng tai, bịt mắt không muốn biết gì ngoài gia đình họ? Có phải là họ tín nhiệm chính quyền CS, giao phó toàn bộ vận mệnh đất nước và dân tộc cho chúng quyết định?
Tôi đã có cơ hội thăm dò ý kiến của một số những người Việt Nam quen biết. Tôi hỏi họ những cảm nghĩ về sự lấn áp của TQ, với hiện tình đất nước, và đối với những nhà bất đồng chính kiến đang bị bắt bớ tù đầy. Tôi rất ngạc nhiên, là nhiều người không hề biết đến những tên tuổi quen thuộc như Việt Khang, luật sư Nguyễn văn Đài, linh mục Nguyễn văn Lý, blogger Mẹ Nấm... Tôi hỏi về chuyện Formosa xả chất thải làm chết một vùng biển ở Hà Tĩnh, khiến ngư dân phải treo lưới, thì họ thờ ơ: "có thấy báo đăng, nhưng chuyện ấy đã được nhà nước giải quyết xong rồi mà!" Tôi hỏi về chuyện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc thăm dò dầu khí trong vùng Hoàng Sa, lãnh hải của VN, thì họ trả lời: " Đó là chuyện chỉ nhà nước mới có thẩm quyền xử lý." Tôi biết, họ không được thông tin trung thực, vì họ chỉ được đọc báo lề phải, loan những tin tức một chiều, phổ biến theo lệnh của chính quyền. Nhiều người dân VN, sinh ra, và trưởng thành trong chế độ CS. Họ đã quen uốn mình dưới một chế độ, mà mọi chuyện đều do nhà nước quản lý, kể cả đời sống của họ, tình trạng đất nước, và đường lối chính trị. Họ đã trải qua một cuộc sống khó khăn trong thời toàn trị bao cấp. Đến nay, nhờ nhà nước mở cửa theo kinh tế thị trường, nên cuộc sống của họ được thoải mái hơn, và một số người nương vào thời cuộc để làm giàu trong một sớm một chiều, nên họ hết lòng cảm kích. Nói chung, một số những người VN, dù họ rất bất bình với hành động cường quyền, sự tham ô, nhũng lạm của những cá nhân trong đám lãnh đạo, nhưng họ không hề có ý muốn lật đổ chế độ CS, và một số người còn cảm tình với Hồ chí Minh.
Những người dân miền Nam, nhờ được sống dưới 2 chế độ, nên họ có cơ hội để so sánh và dễ dàng nhận biết những thối nát của chế độc CS. Họ lên án hành vi bán nước buôn dân, cường quyền tham nhũng của giai cấp thống trị. Họ bất mãn vì chế độ ưu tiên dựa vào lý lịch trong xã hội, họ than phiền vì sự cưỡng chiếm đất đai, sát nhập vào hợp tác xã, chính sách hộ khẩu, và họ mong chờ, trong vô vọng, một sự thay đổi. Họ mạnh dạn thổ lộ cảm nghĩ với những người họ tin cậy, nhưng lại câm nín, dè dặt với những người xa lạ. Điều đó cũng dễ hiểu, vì quá khứ của họ có liên hệ với... bên thua cuộc.
Cái tinh thần dân tộc của người dân VN hiện nay, hầu như không còn được chủ động bởi người dân, như dưới thới Pháp thuộc.
Tuy nhiên, tinh thần dân tộc của VN, lại được biểu hiện, một cách quá nồng nhiệt, khi Việt Nam thắng Qatar để được vào chung kết trong trận bóng đá 2018 AFC U-23 Championship. Trận bóng đá so tài này được cử hành tại Bắc Kinh, khởi sự ngày 9 và chấm dứt vào ngày 27 tháng 1 năm 2018, với 16 nước ở châu Á tham dự. Các cầu thủ trong trận tranh tài này đều là những người trẻ, giới hạn trong lứa tuổi từ 18 tới 23.
Sau khi VN chính thức được vào chung kết trận bóng đá, thì dân Hà nội phát...cuồng vì mừng rỡ. Giới trẻ ùa nhau ra đường phố, hò reo rầm rĩ, bất kể tới xe cộ lưu thông trên đường. Họ mặc áo thung đỏ sơn sao vàng trước ngực, đầu quấn khăn đỏ, sao vàng trên trán, tay cầm cờ phất lia lịa, miệng hò reo. Tình trạng lộn xộn, tắc đường ngày một gia tăng, nhất là vào giờ tan sở. Một thành phố mất hết kiểm soát kể từ khoảng 3:30 chiều. Nhiều đám trẻ tụ tập từng nhóm, đi trên một xe truck, gõ phèng la vang động tới nhức óc. Họ phất cờ, la lối. Nhiều người quá phấn khích, cởi hết quần áo trần truồng chở nhau trên chiếc xe đạp, miệng la lớn những khẩu hiệu. Tới 10 giờ tối, thì tôi thấy một cô gái, đứng trên xe truck, hai tay đánh trống. Cô chỉ mặc áo thung cao trên rốn, và... ở truồng tô hô. Sự phấn khích của cô, được một đám thanh niên cổ võ bằng cách lái xe theo xe truck thành đoàn dài. Họ hoan hô cô, nói cười lớn, bình phẩm ồn ào.
Báo Tuổi Trẻ loan tin, nhiều cô gái trẻ đã viết cho các cầu thủ trên facebook: " Anh ơi, em muốn xin anh cho em một đứa con. Con trai hay con gái cũng được., miễn là xuất phát từ cơ thể anh..." và nhà báo có lời khuyên là "vui, nhưng đừng nên sa đà quá !"
Sự cuồng nhiệt của người dân VN sau khi đoàn tuyển thủ được vào chung kết, đã được truyền thông trong nước ca ngợi là... tinh thần dân tộc dâng cao tới tột độ. Phần tôi, thì lại cho là "quá khích", vì xếp hạng nhì trong một cuộc thi đá bóng, dù là quốc tế, và ngay cả đứng vô địch thì cũng chẳng phải là một thành tích gì ghê gớm đến cuồng điên sung sướng.
Tuy nhiên, thắng hay bại ở đây cũng không hẳn là chuyện đáng nói. Điều đáng nói ở đây, là ngày nay, cái tinh thần dân tộc của người VN, đang được nhà nước “trông nom” một cách gắt gao. Đối với những chuyện... tầm phào, như đá banh, thì nhà nước cho dân "sả xú bắp", bằng cách tạo cơ hội, khuyến khích, cổ võ.... Còn những chuyện quốc gia đại sự, như các cuộc biểu tình đòi Hoàng Sa và Trường Sa, cuộc biểu tình phản đối TQ xâm phạm lãnh hải VN, và các cuộc biểu tình chống Formosa làm làm ô nhiễm môi trường, thì nhà nước đàn áp thẳng tay, trước là để bảo vệ quyền lực, sau là e ngại sự nổi giận của đàn anh TQ. Chính ra, những cuộc biểu tình này mới xứng đáng để tượng trưng cho tinh thần dân tộc, cần được cổ võ!
Hôm nay đây, trước thềm của ngày Quốc Hận 30 tháng 4, chúng ta cần nhận định rõ nguyên nhân vì sao mà tai ách CS, với chính quyền thối nát, tham nhũng, bán nước, hại dân, lại tồn tại được 43 năm, và vẫn chưa có dấu hiệu gì thay đổi ?
Có phải là tại dân trí và dân khí của dân tộc VN đã xuống dốc rồi hay sao? Lỗi tại ai?
Hoàng Thế Hiển
04/18