New York Times tờ báo “truyền thông tin giả hàng đầu” của tổng thống Trump, ngày 29 tháng 9/2018 đăng một bài dài về một nhân vật nổi tiếng không phải tên là Donald Trump. Nhan đề “Từ anh hùng trở thành tiện dân, Aung San Suu Kyi xóa những hy vọng về Myanmar (Miến điện). Bài báo mở đầu bằng chuyện một phóng viên đã trong một tháng liền viết bài tố cáo bà Aung San Suu kyi là ăn hối lộ và chia rẽ đất nước, và là “một con đĩ say mê quyền lực”. Người này bị kết án 7 năm tù về tội khích động quần chúng. Tác giả bài báo chỉ trích rằng bà Suu Kyi có thể tha được mà không làm, vì từ người đấu tranh cho tự do dân chủ bà đã trở thành người “dập tắt mọi phê phán”. Bài báo cũng nêu ra trường hợp nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và nhân vật chính trị thế giới trong đó có phó tổng thống Pence yêu cầu thả hai phóng viên người Miến làm cho hãng Reuter, mới bị xử tù 7 năm vì tường trình về một mộ chôn tập thể 10 người Hồi giáo Rohingya bị giết. Bà Suu Kyi cho biết rằng hai người này không bị tù vì làm công việc phóng viên, nhưng bị tù vì phạm luật. Bà nói “Ai thấy xử trái luật chỗ nào xin chỉ rõ cho biết”. Người ta biết rằng đây là một điều luật cũ từ thời Miến điện là thuộc địa của Anh, chưa bị hủy bỏ.
Người có theo rõi tin tức không mấy ai không nhớ rằng bà Aung San Suu Kyi là người đã được đề cao liên tục trong trên hai thập niên bởi truyền thông Anh Mỹ là một biểu tượng của đấu tranh cho tự do, dân chủ, chống chế độ độc tài quân phiệt cai trị từ năm 1962 và theo chủ nghĩa xã hội. Khởi đầu là những cuộc biểu tình lai rai từ tháng 3/1988, phong trào chống đổi đã lên tới cao điểm ngày 8 tháng 8/1988 với sự tham gia của mọi thành phần quần chúng ở thủ đô Rangoon và khắp nước, gồm các sư sãi, sinh viên, chuyên gia, trí thức, nội trợ, thường dân… Bà Aung San Suu Kyi nổi bật vì đi hàng đầu trong những đám biểu tình được truyền thông Anh Mỹ loan đi rộng khắp. Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (National League for Democracy) được thành lập với sự ủng hộ của một số tướng lãnh hồi hưu. Và bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thư ký Liên đoàn. Những cuộc biểu tình này đã bị chấm dứt với cuộc đàn áp đẫm máu ngày 18 tháng 9/1988 mà số người bị bắn chết là từ vài trăm đến cả ngàn người tùy theo nguồn lượng giá. Bà Suu Kyi bị bắt giam. Tuy nhiên, dưới áp lực quốc tế cũng như vì số đông đảo quần chúng tham dự, chính quyền quân nhân đã cho tổ chức bầu cử năm 1990. Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ đã chiếm 81% số ghế trong quốc hội nhưng chính phủ quân nhân không công nhận kết quả và tiếp tục nắm quyền. Bà Suu Kyi bị giam lỏng tại gia. Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991. Trong thời gian trên 15 năm bị giam lỏng tiếp theo, bà được truyền thông và chính giới Âu Mỹ ca tụng hết mực.
Vào nửa sau thập niên 2000, vì cá nướcTây phương muốn lại gần với chế độ quân phiệt Miến trong chiến lược “tiếp cận để thay đổi”, bà Aung San Suu Kyi được đẩy mạnh như là một nhân vật đối trọng để làm công cụ trả giá với chế độ quân phiệt. Vì thế rất nhiều các nhân vật tiếng tăm chính trị, tôn giáo, cũng như tổ chức quốc tế, trong đó có cả Liên hiệp quốc, lên tiếng đòi thả bà cũng như đến gặp bà trong khi bị giam lỏng. Năm 2007 Canada trao tặng bà danh hiệu công dân danh dự. Năm 2008 bà được trao huy chương vàng quốc hội Hoa kỳ. Năm 2010 bà được trả tự do, nhưng Phong trào Dân tộc vì Dân chủ không tham gia cuộc bầu cử, và đảng quân phiệt tiếp tục nắm quyền, nhưng đã thi hành một số thay đổi. Như tháng 3/2011 hội đồng tướng lãnh giải tán và MIến mở cửa ra ngoài buôn bán với các nước không Cộng sản. Trong những chuyến công du điều đình với chính phủ quân phiệt MIến điên vào tháng 12/2011 và sau đó 2012, ngoại trưởng Clinton và tổng thống Obama đều có đến gặp bà nói chuyện. Trong cuộc bầu cử năm 2015, Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ đã chiếm 86% số ghế. Mặc dầu vậy, theo hiến pháp, bà không được làm tổng thống vì có chồng và con là quốc tịch ngoại quốc (Ăng lê). Qua những thu xếp chính trị, từ năm 2016 bà mang danh vị “cố vấn nhà nước” (state counselor), là một chức vụ mới tạo ra, kể là tương đương với thủ tướng, và bà cũng kiêm bộ trưởng ngoại giao. Bà có quyền bổ nhiệm chức vụ tổng thống chỉ có trách nhiệm báo cáo với bà. Tuy Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ chiếm đa số quốc hội, nhưng chỉ là những nhà chính trị đủ xu hướng, chứ không phải là một đảng nhất chí, nên thực quyền vẫn nằm trong tay quân đội. Ngoài ra hiến pháp cho phép tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung HLaing được độc lập, giữ trách nhiệm coi lực lượng an ninh, có quyền bổ nhiệm ba bộ trưởng, và ¼ tổng số thành viên quốc hội, đủ sức để chặn mọi thay đổi hiến pháp . Sức mạnh chính trị của bà do đó có thể thấy phần lớn là đến từ ngoại quốc và sự ủng hộ của quần chúng, nhưng không phải là những sức mạnh dễ dàng vận dụng bất cứ lúc nào.
Từ tháng 8/2017, những người Hồi giáo Rohingya ở tiểu bang Rakhine nổi lên tấn công vào nhiều đồn cảnh sát, một đơn vị quân đội và đốt phá nhà dân, đa số là theo đạo Phật. Lực lượng chính phủ bị thiệt mạng 12 người. Chuyện này đã tạo nên sự xung đột giữa dân địa phương và người Rohingya, trong đó có những tin loan đi là quân đội chủ xướng, đốt làng, giết chóc và hãm hiếp. Theo các nguồn tin thế giới, trong một năm qua, tổng số có chừng 10,000 người Rohingya chết và 700,000 người chạy sang Bengla Desh tị nạn. Chính phủ Miến không cho biết con số dân thường không thuộc sắc tộc Rohingya chết bao nhiêu nhưng giới chức địa phương ước tính là trên 50. Các nhân vật chính trị Âu Mỹ cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế quen tên như Liên hiệp quốc, Ân xá quốc tế… đã đòi đem ra Tòa hình sự quốc tế ICC (International Criminal court) xử tướng Hlaing và một số tướng lãnh ở cấp chỉ huy khác về tội diệt chủng, tội thanh lọc sắc tộc …Ngoài ra, các nước Tây phương đã ra những biện pháp chế tài kinh tế và đối với một số nhân vật chính trị Miến điện. Bà Aung San Suu Kyi bị chỉ trích là ở cương vị người lãnh đạo mà không ngăn chặn các hành vị bạo lực này. Canada tước bỏ danh vị công dân danh dự trao tặng bà năm 2007.
Trong tình hình này, khi dự “Diễn đàn kinh tế thế giới cho Á châu (World Economic Forum for Asean) ngày 13 tháng 9/2018 ở Hà nội, bà đã không kết án quân đội mà nói rằng “Tuy chúng tôi chỉ có 75% quyền hành, chúng tôi chấp nhận 100% trách nhiệm. Chính quyền được bầu ra là phải như thế”. Và “Nhìn lại, thì dĩ nhiên là có những phương cách mà chúng tôi thấy rằng có thể hành xử tốt hơn. Nhưng chúng tôi tin rằng vì lý do ổn định lâu dài và an ninh, chúng tôi thấy cần phải công bình với mọi phía”.
Xem xét lại diễn tiến mọi sự việc như vậy thì có thể nói rằng câu chuyện đã khởi đầu bởi những cuộc tấn công đốt phá tháng 8/2017 của người Hồi giáo Rohingya. Tiếp theo là những phản ứng của quân đội và dân chúng, mà bà Aung San Suu Kyi thẳng thắn nhận rằng có thể giải quyết tốt hơn. Từ xa không ai có thể biết chắc lý do từ đâu mà người Rohingya vốn sống từ lâu ở Miến Điện lại đột nhiên bùng lên tấn công cảnh sát và quân đội như vậy. Nhưng nếu xét tình hình toàn cầu, cụ thể là những cuộc chiến Lybia và Syria thì không thể loại bỏ yếu tố ngoại quốc.
Thực thế, với sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của Anh Mỹ và Âu châu, bà Aung Sang suu Kyi đã trở thành một nhân vật chính trị đối lập chính thức lãnh đạo Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ, được chấp nhận bởi chế độ quân phiệt. Rồi trở thành người lãnh đạo Miến điện không có mấy thực quyền như người ta thấy.Trải mấy chục năm thăng trầm vật lộn trong trường chính trị để trở thành một nhân tố quyền lực, bà có chậm hiểu cũng phải thấy đâu là thái độ cần có, đâu là chỗ đứng phải giữ, không phải chỉ cho riêng mình (nay đã ở tuổi 73), mà là cho dân với nước Miến điện đã triền miên trong đói nghèo, lạc hậu và chiến tranh, giết chóc từ khi Anh trả độc lập năm 1948 tới nay. Chiến tranh vì chủ nghĩa, vì tôn giáo, vì sắc tộc, vì buôn bán ma túy, được khai thác tận tình bởi các thế lực bên ngoài dưới chiêu bài đẹp đẽ tự do độc lập dân chủ nhân quyền, bình đẳng bình quyền nam nữ, cũng như phát triển và phồn thịnh.
Có lẽ vì thế mà bài báo New York Times cho bà là ‘người kiêu căng, cứng đầu, tự nghĩ mình có khả năng giải quyết mọi sự, trong khi thực sự bà không có bao nhiêu ý kiến”. Dán nhãn khen chê ra sao là tùy ý kiến mỗi người. Nhưng cứ nhìn cuộc đời 30 năm trong trường chính trị thế giới của người đàn bà vốn liếng chỉ kể là “có lòng với đất nước”, mà trên 15 năm bị giam lỏng, rồi trở thành “tiếng nói lãnh đạo” của một nước trên 50 triệu dân, rộng hơn gấp đôi Việt Nam một chút và nghèo nàn, lạc hậu, độc tài, tiếp giáp với BenglaDesh, Ấn độ, Tây Tạng,Tầu, Lào và Thái Lan, thì không thể nói là không có khả năng giải quyết, ít nhất là cho sự tồn tại của mình giữa các thế lực đối nghịch cả ngoài lẫn trong.
Để có thêm một vài nét kết luận về người đàn bà này xin tạm lấy mấy lời bà nói:
“Quyền lực không làm thối nát hư hỏng mà sợ hãi mới làm thối nát hư hỏng. Sợ hãi mất quyền lực làm thối nát hư hỏng những kẻ có quyền và sợ hãi sự hành hạ của quyền lực làm thối nát hư hỏng những kẻ bị quyền lực hành hạ”.
“Chỉ có một nhà tù thật là sự sợ hãi, và chỉ có một tự do thật là tự do không sợ hãi”.
(It is not power that corrupts but fear. Fear of losing power corrupts those who wield it and fear of the scourge of power corrupts those who are subject to it.
The only real prison is fear, and the only real freedom is freedom from fear}.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 10 tháng 11/2018)