Tục ngữ Việt Nam có câu “Cọp chết để da, Người chết để tiếng.” Câu nói này từ ngàn xưa đến nay vẫn mang ý nghĩa với cuộc sống và con người. Công đức giữ gìn, tranh đấu và bảo vệ đất nước của những tiền nhân Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, vân vân, và ngay cả câu nói lịch sử “Quyết Chiến,” của những bô lão trong Hội nghị Diên Hồng, đều đi vào lịch sử dân tộc và được những đời sau tôn trọng, ghi nhớ và cảm tạ. Trong khi đó đảng CSVN, kể từ ngày nắm quyền lãnh đạo đất nước, tiếng tăm để lại của các lãnh đạo đảng như Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng vân vân, khi sống cũng như khi chết, chỉ là những tiếng xú uế, bị người dân VN nguyền rủa, khinh khi.
Sự bất nhân, vô đức, của đảng CSVN và các lãnh đạo của đảng đã khiến xã hội Việt Nam xáo trộn, đạo lý quay cuồng, lòng dân không ổn, tiếng dân ta thán khắp nơi, người tài giỏi hay có điều kiện thì rời bỏ đất nước ra đi để sinh sống ở nước ngoài. Còn các cộng đồng người Việt hải ngoại thì tâm bất phục, không chấp nhận sự lãnh đạo của đảng và nhà nước Việt Cộng, cho dù đảng và nhà nước VC đã mất rất nhiều tiền bạc và công sức tuyên truyền mua chuộc. Cho nên mới có hiện tượng tiền VC đưa vẫn lấy, mà chửi VC vẫn chửi, trong khi chờ đợi cho chế độ bị lật nhào.
Bị thất bại đã 43 năm nắm trọn quyền cai trị đất nước, nhưng vẫn không bỏ cuộc, đảng CSVN hiện đang cố gắng tô bóng lại hình ảnh của đảng bằng dự thảo mị dân Quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng viên tại Hội nghị Trung ương 8. Nội dung vắn tắt là cấp Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lên tới Bộ Chính trị được yêu cầu phải là những người hoàn hảo trong vai trò lãnh đạo. Nói “mị dân”, bởi vì bản chất chỉ là cái gọi là “phê và tự phê” trong sinh hoạt đảng mà kết luận luôn luôn là, đã “làm nhiều điều tốt nhưng còn tồn tại một số điều tồn tại chưa tốt sẽ phấn đấu khắc phục”. Sự khác biệt của dự thảo chỉ là nói ra những tiêu chuẩn lượng giá.
Tóm tắt theo tin BBC, thì Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương phải chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, phải minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Cán bộ, Đảng viên, Ủy viên Bộ chính trị 'không được đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài." Các cán bộ, Đảng viên phải "dũng cảm nhận trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi, không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình". Ủy viên Bộ Chính trị phải "phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Các ủy viên Bộ chính trị phải "hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Đảng viên, cán bộ phải "thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm", phải "chú trọng phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài", "chống cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền." Đảng viên, ngoài ra, cần chống lạm quyền, chống can thiệp vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, … Dự thảo cũng quy định Đảng viên phải chống “tư duy nhiệm kỳ, đánh bóng tên tuổi, sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để làm giàu bất chính", để "mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, tiêu dùng xa xỉ", chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chống việc bổ nhiệm, bố trí người nhà vào các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý và nơi có nhiều lợi ích. Đảng Cộng sản Việt Nam theo RFA, cũng đang chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương 9 sẽ diễn ra vào tháng 12 tới đây.
Đọc mấy cái quy định đẹp đẽ này, cộng thêm với những bình luận và tin tức trên mạng về Nguyễn phú Trọng, mới được đề cử giữ cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, được dán cho nhãn hiệu người “đốt lò” diệt phe phái, tham nhũng thối nát, sẽ có người cho rằng có phần hy vọng về một cải thiện tình hình với một cơ cấu chính trị gồm những cán bộ lãnh đạo vì dân, được hướng dẫn kỹ càng tự sửa, tự rút lui. Nhưng mà làm sao cải thiện khi Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị Toàn quốc lần thứ 72 ngành công an, đã tuyên bố "Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là những người hết lòng trung thành với Đảng, chỉ biết 'còn Đảng, còn mình". Nếu nền tảng mọi quyết định dựa trên 4 chữ “còn đảng còn mình”, thì dân và nước còn có chỗ nào đứng? Cái tinh thần còn đảng còn mình này giải thích mọi biện pháp vô nhân thất đức, mà lãnh đạo biết rõ không thiếu mảy may. Cho nên mới có hiện tượng cán bộ quyền lực các cấp thi nhau lập chùa, sửa đền, dựng tượng, đúc chuông ở mọi xó xỉnh, và cúng dường, bố thí dồi dào, để xin ban ân, bố đức. Nói cách khác là hối lộ Trời Phật Thần Thánh Ơn Trên để mà được bỏ qua tội lúc sống và xóa tội lúc chết. Ví dụ trước mắt là trường hợp Trần Đại Quang, sau khi lìa đời tin mới lộ ra rằng đã đóng góp cho vô số chùa chiền lúc tại vị cho nên đã được đông đảo sư mô cầu siêu rình rang trọng thị.
Làm sao xây dựng đất nước cho khá hơn? Câu trả lời ai cũng thấy là không thể bằng khẩu hiệu đẹp đẽ, cơ cấu hình thức hay là quy định rõ ràng, là những thứ đã đưa ra quá nhiều quá đủ, từ thời bác Hồ vĩ đại chưa được vào nằm lồng kính để thu hút du khách đến xem thấy được khả năng cao diệu của kỹ thuật ướp xác Liên Xô. Câu trả lời đơn giản chỉ là “Còn đảng, mất mình”. Biết thế đã đành, nhưng thái độ ra sao thì còn tùy thuộc ở mỗi người dân.
Tuệ Vân
Tháng 10 năm 2018