LTS: Tác giả, xuất thân khóa 9B/72 SQTB, ra trường phục vụ đơn vị tác chiến tại quân khu IV, cấp bậc cuối cùng Thiếu úy, đơn vị cuối cùng trung đoàn 16/9BB. Tù tập trung cải tạo từ 1975 - 1980 và định cư tại Hoaky từ 1995.
Được biết vào năm 2008 bắt đầu sưu tầm tài liệu quân sử và biên soạn tổng hợp lại theo thiển ý chủ quan của bản thân, nhằm tìm hiểu tổng quát nhưng rõ nét hơn về quân đội và giải đáp cho mình các thắc mắc, những ngỡ ngàng khi cuộc chiến kết thúc, cũng như khi ở trong trại giam. Tài liệu gồm 2 phần, 7 chương và 19 tiểu mục, có tên QLVNCH : Sự ra đời cay đắng & cái chết bị sắp đặt. Bài viết trận Long Khánh là một tiểu mục trong 19 tiểu mục.
+++
Thị xã Xuân Lộc là tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh nằm về hướng đông bắc thủ đô Saigon. Toàn tỉnh rộng 4.415km2, có 147.156 dân và gồm 3 quận là Định Quán, Kiệm Tân và Xuân Lộc. Trong đó chỉ riêng quận Xuân Lộc chiếm hơn 3/4 tổng diện tích, với 3.457km2, chia ra làm 10 xã, phân bố dọc quốc lộ 1, từ xã Dầu Giây giáp ranh tỉnh Biên Hoà, đến xã Gia Rây dưới chân núi Chứa Chan liên ranh với tỉnh Bình Tuy. Thị xã Xuân Lộc nằm trong lảnh thổ quận Xuân Lộc, chỉ rộng khoảng 2.5km2, có 6 ấp nội thị với 22.976 dân (Vietnam niên giám thống kê 1968, sđd, Đốc sự Đinh bá Tâm, phó quận trưởng hành chánh Xuân Lộc, Vượt qua nổi chết, 2011 ) và qua đầu năm 1975 đã tăng lên khoảng 30.000 dân. Tuy chỉ là một tỉnh, thị xã nhỏ trong số 11 tỉnh, thị của quân khu III, nhưng do có rất nhiều tuyến giao thông đường bộ, từ nhiều nơi thông thương qua và chỉ cách Saigon gần 80km, nên Xuân Lộc - Long Khánh mặc nhiên được coi như một trong những cửa ngỏ của thủ đô VNCH.
Về phương diện quân sự, Xuân Lộc nằm ngay trên ngã ba giáp ranh ba vùng lảnh thổ miền đông Nam phần, nam trung nguyên Trung phần và nam duyên hải Trung phần, giữ vai trò tuyến cản đối với các uy hiếp quân sự từ miền trung kéo vào theo quốc lộ 1, trên cao nguyên đổ xuống theo quốc lộ 20 và ở duyên hải phía đông tiến về theo quốc lộ 15. Do đó sư đoàn 18BB là một trong ba sư đoàn chủ lực cơ hữu của quân đoàn III đã được phối trí tại Xuân Lộc, để làm nhiệm vụ phòng thủ từ xa cho Saigon, đồng thời cũng là một cứ điểm quan yếu trong vòng đai bảo vệ ngoại vi cho thủ phủ của quân khu III và cho phi trường quân sự lớn nhất miền nam Vietnam, đặt tại thị xã Biên Hòa, cách phía tây Xuân Lộc 50km.
Thời điểm đầu tháng 4/1975 và sau nhiều trận giao tranh ác liệt kéo dài từ cuối tháng 12/1974 đến trung tuần tháng 3/1975, diển ra trên suốt tuyến phòng thủ đông bắc Saigon, đưa đến việc thất thủ một loạt cứ điểm quân sự cấp chi khu của VNCH, trong đó có chi khu Định Quán ở phía bắc tiểu khu Long Khánh, nên nam quân chỉ còn trấn giữ, kiểm soát được hai cứ điểm còn lại trong tỉnh Long Khánh là chi khu Kiệm Tân, trên quốc lộ 20 theo trục dọc và chi khu - thị xã Xuân Lộc, ở trên quốc lộ 1 theo trục ngang. Lực lượng nam quân hiện diện trong vùng trách nhiệm trước khi chiến sự nổ ra có sư đoàn 18BB, bộ chỉ huy tiểu khu Long Khánh và tiểu đoàn 82BĐQ của liên đoàn 24BĐQ từ quân khu II triệt thoái xuống, đang chờ được không tải về Saigon, tạm thời thuộc dụng dưới quyền chỉ huy, điều động của bộ tư lệnh sư đoàn 18BB từ ngày 7/4.
Trước tình hình quân sự có áp lực uy hiếp gia tăng từng ngày và nhờ các tin tức tình báo thu thập được từ biệt đội quân báo, biệt đội kỷ thuật thuộc phòng 7 bộ TTM tăng cường, hơn nữa......Giữa tháng 3/1975, trong một cuộc đụng độ với một đơn vị của sư đoàn 341 bắc quân tại Kiệm Tân trên quốc lộ 20, chiến đoàn đặc nhiệm 52/18BB đã bắt được một số tù binh còn rất trẻ, hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến trường, tuổi mới chỉ từ 18 đến 20, nhưng lại được trang bị vũ khí rất mới, với đầy đủ cấp số hỏa lực còn nguyên vẹn (dù đã trải qua đụng độ ). Cung từ tù binh cho biết họ thuộc đơn vị mới thành lập và được đưa thẳng ngoài miền bắc vào.....(Đại tá Hứa yến Lến, tham mưu phó sư đoàn 18BB, Tuyến thép Xuân Lộc - Long Khánh, 2005), nên bộ tư lệnh sư đoàn 18BB nắm rất vững địch tình, đồng thời cũng có đủ thời gian để phối hợp với bộ chỉ huy tiểu khu Long Khánh, cùng các đơn vị tăng phái chuẩn bị chiến trường chu đáo, hầu cắt đường tiến về Saigon của bắc quân (Đại tá Hứa yến Lến, bđd). Bộ tư lệnh QĐIII/QKIII do quá bận rộn việc tái phối trí binh lực, tổ chức phòng tuyến vòng đai phòng thủ Saigon, nên đã phó thác mọi sự để sư đoàn 18BB phải tự lo liệu lấy vùng trách nhiệm, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu và bộ TTM đều không ra một lệnh nào trong việc phòng thủ tại Xuân Lộc (Thiếu tướng Lê minh Đảo, tư lệnh sư đoàn 18BB, dẩn theo George J. Veith & Merle L. Pribbenow, Fighting is an Art : The ARVN Defense of Xuan Loc 9 - 21, April 1975, The Journal of Military History, 1/2004).
Sư đoàn 18BB do Chuẩn tướng Lê minh Đảo làm tư lệnh, Đại tá Ngô văn Minh là tư lệnh phó, Đại tá Huỳnh thao Lược làm tham mưu trưởng và Đại tá Hứa yến Lến là tham mưu phó. Thuộc dụng sư đoàn có ba trung đoàn bộ binh là trung đoàn 43/18BB của Đại tá Lê xuân Hiếu, trung đoàn 48/18BB của Trung tá Trần minh Công và trung đoàn 52/18BB của Đại tá Ngô kỳ Dũng (Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/43/18BB, Thư gởi luật sư Nguyễn văn Chức, 11/2003, Nhân chứng, 2014). Các đơn vị yễm trợ thống thuộc có thiết đoàn 5KB của Trung tá Trần văn Nô và bốn tiểu đoàn pháo binh, gồm tiểu đoàn 180PB trang bị đại bác 155li của Thiếu tá Vũ văn Bình, ba tiểu đoàn với đại bác 105li là tiểu đoàn 181PB của Thiếu tá Nguyễn tiến Hạnh, tiểu đoàn 182PB của Thiếu tá Trần thượng Khải và tiểu đoàn 183PB của Trung tá Nguyễn văn Triển. Bộ tư lệnh quân đoàn III còn tăng phái cho sư đoàn 18BB thêm một trung đội pháo binh cơ động của tiểu đoàn 105PB, có hai đại bác tự hành 175li.
Các lực lượng tác chiến cơ hữu của sư đoàn 18BB được tổ chức thành những chiến đoàn bộ binh - thiết giáp, nhằm tăng lưu động tính và có khả năng phối hợp hỏa lực cao. Các đơn vị pháo binh cơ hữu và tăng phái đều tái phối trí phân tán ra các cao điểm bên ngoài vòng đai thị xã, hầu hạn chế tổn thất, bảo toàn được sự bất ngờ, bí mật cho căn cứ hỏa lực. Bệnh xá sư đoàn, thương bệnh binh và thân nhân, gia đình binh sĩ, đều được di chuyển hết về hậu cứ Long Bình, để củng cố tinh thần và tạo sự an tâm chiến đấu cho toàn quân (Đại tá Hứa yến Lến, bđd). Bộ tư lệnh hành quân sư đoàn 18BB cũng tiên liệu ba trung tâm hành quân dự phòng, đặt tại tư dinh tư lệnh sư đoàn trong nội thị Xuân Lộc, tại ngã ba Tân Phong, tức quận đường Xuân Lộc, cách phía nam thị xã khoảng 6km và trên Núi Thị nằm sát cạnh quốc lộ 1, cách phía tây thị xã 3km (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, tiểu đoàn trưởng 2/43/18BB, Lừa dối & Mặt trận Xuân Lộc, 04/2010).
Bộ chỉ huy tiểu khu Long Khánh do Đại tá Phạm văn Phúc làm tiểu khu trưởng và Trung tá Lê quang Định là tiểu khu phó. Lực lượng chiến đấu diện địa cơ hữu tiểu khu có 4 tiểu đoàn ĐPQ, 3 đại đội ĐPQ biệt lập và một số trung đội NQ thống thuộc ban chỉ huy chi khu Định Quán của Thiếu tá Lê văn Chánh, ban chỉ huy chi khu Kiệm Tân của Thiếu tá Nguyễn văn Thịnh và ban chỉ huy chi khu Xuân Lộc của Thiếu tá (Trần ?) Thân (Thiếu úy Ngô văn Hoàng, tiểu đoàn 342ĐPQ Long Khánh, Nhân chứng, 09/2014), tuy nhiên sau các trận đánh trong cuối tháng 3/1975, chi khu Định Quán bị thất thủ và tiểu đoàn 367ĐPQ đã tan rã. Lực lượng pháo binh tiểu khu của Thiếu tá Trần đức Hiệu có tất cả 7 trung đội với 14 đại bác 105li, nhưng từ thượng tuần tháng 3/1975 năm trung đội trú đóng tại Phương Lâm Định Quán, La Ngà, Ngã ba Ông Đồn và Căn cứ 3, cũng lần lượt bị thất thủ, nên pháo binh diện địa tiểu khu Long Khánh chỉ còn lại 2 trung đội, phối trí trong nội thị Xuân Lộc, với 4 đại bác 105li (Thiếu tá Trần đức Hiệu, chỉ huy trưởng pháo binh tiểu khu Long Khánh, Chiến thắng Xuân Lộc, 2007).
Phối trí trận liệt tổng quát của nam quân gồm các cụm cứ điểm trong nội vi, vòng đai thị xã và hai tuyến cản ngoại vi trên hướng tây bắc và đông bắc, mỗi tuyến phòng ngự dài khoảng 18 - 20km.
Lực lượng chủ lực của nam quân trú đóng trong nội thị và trấn giữ tuyến vòng đai thị xã gồm có trung đoàn 43/18BB, tiểu đoàn 2/52BB, tiểu đoàn 82BĐQ, đại đội trinh sát 18, thiết đoàn 5KB(-) và tiểu đoàn 181PB(-). Các lực lượng thuộc dụng bộ chỉ huy tiểu khu Long Khánh có 1 tiểu đoàn ĐPQ, 3 đại đội ĐPQ/BL, 10 trung đội NQ, 2 trung đội pháo binh 105li và các lực lượng bán võ trang thuộc bộ chỉ huy CSQG tỉnh.
Tuyến phòng thủ của trung đoàn 43/18BB(+) do có tăng cường thêm tiểu đoàn 2/52/18BB, bọc từ Núi Thị về đến cua Heo, đi vòng lên phía bắc dọc theo đường vòng đai ấp chiến lược, ngang qua trại Huỳnh văn Điền trên phía đông bắc và kéo xuống hướng đông nam, giáp tuyến tiểu đoàn 82BĐQ tại phi trường L.19, nhằm bảo vệ cho bộ tư lệnh sư đoàn 18BB và cho hầu hết hậu cứ các đơn vị thuộc dụng sư đoàn trú đóng ở phía đông thị xã.
Tiểu đoàn 1/43/18BB của Thiếu tá Nguyễn khắc Tung trấn giữ mặt bắc nội thị, từ chạm tuyến đại đội trinh sát 18BB tại cổng số 1 và bến xe thị xã, vòng qua tới trại Huỳnh văn Điền là hậu cứ của tiểu đoàn 1/52/18BB. Tiểu đoàn 3/43/18BB của Thiếu tá Nguyễn văn Dư phòng thủ tại bộ tư lệnh sư đoàn và phối hợp bảo vệ khu hậu cứ các đơn vị thuộc dụng. Tiểu đoàn 2/52/18BB của Đại úy Huỳnh văn Út từ tuyến Dầu Giây mới rút về tuyến nội thị ngày 11/4 và đóng trong trại Huỳnh văn Điền (Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, cđd).
Tiểu đoàn 2/43/18BB của Thiếu tá Nguyễn hữu Chế ở ngoài tuyến nội thị, giữ cao điểm núi Thị phía tây thị xã và bảo vệ căn cứ hỏa lực trên núi, có hai pháo đội gồm 8 đại bác 105ly và một pháo đội gồm 4 đại bác 155ly, đồng thời làm nút cản, ngăn chận bắc quân xâm nhập theo hướng suối Tre trên phía bắc, hoặc từ đèo Mẹ bồng Con ở phía tây. Đại đội trinh sát 43BB của Trung úy Dương trọng Khoát hoạt động lưu động trong vùng tây nam núi Ma, cách tây bắc Xuân Lộc khoảng 3km (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd).
Lực lượng bộ binh chủ lực phối hợp phòng thủ tại tuyến nội thị còn có tiểu đoàn 82BĐQ và đại đội trinh sát 18BB. Lực lượng yểm trợ, trực tiếp chiến đấu có thiết đoàn 5KB và bộ chỉ huy pháo binh sư đoàn 18BB.
Tiểu đoàn 82BĐQ của Thiếu tá Vương mộng Long triệt thoái từ Quảng Đức về từ ngày 6/4 chỉ còn khoảng 200 quân, đóng tạm ở hậu cứ tiểu đoàn 181PB trên phía đông nam thị xã, cuối khu phi trường L.19 và kế bên tòa hành chánh tỉnh (Thiếu tá Vương mộng Long, Tháng tư lại về, 04/2005).
Đại đội trinh sát 18BB của Trung úy Phạm Hữu Đa bố quân từ cua Heo tới trường trung học tỉnh hạt, tức từ cổng số 1 đến cổng số 2 đường vòng đai ấp chiến lược ở hướng nam. Trong đó có một trung đội giữ cổng số 1, giáp tuyến tiểu đoàn 1/43/18BB và một trung đội phòng thủ tại bộ chỉ huy mặt trận dự phòng đặt trong tư dinh tư lệnh sư đoàn, kế khu chợ thị xã và nhà thờ Xuân Lộc (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd, Đại úy Phạm hữu Đa, cđd, George J. Veith & Merle L. Pribbenow, bđd).
Thiết đoàn 5KB của Trung tá Trần văn Nô, chỉ còn chi đoàn 1/5CX(-) của Đại úy Lê đức Việt, trang bị chiến xa M.41 và chi đoàn 3/5TK của Đại úy Lê Sơn, trang bị thiết vận xa M.113, giữ tuyến phía đông - đông nam thị xã, thuộc khu hậu cứ thiết đoàn và hậu cứ trung đoàn 43/18BB. Riêng chi đoàn 2/5TK(+) của Đại úy Vũ đình Lưu xuất phái khỏi hệ thống chỉ huy thiết đoàn, tăng phái cho chiến đoàn 52/18BB trên tuyến cản tây bắc Dầu Giây - Kiệm Tân (Đại úy Vũ đình Lưu, cđd).
Ngoài một trung đội có hai đại bác tự hành 175li thuộc tiểu đoàn 104 pháo binh cơ động, do bộ tư lệnh QĐIII/QKIII tăng phái, bộ chỉ huy pháo binh sư đoàn 18BB của Đại tá Ngô văn Hưng chỉ giữ một pháo đội 155li của tiểu đoàn 180PB và một pháo đội 105li đặt tại trại Huỳnh văn Điền trong nội thị. Phần lớn các đơn vị thuộc dụng pháo binh sư đoàn còn lại, đều được phối trí tại các vị trí hỏa lực trên tuyến vòng đai phía tây bắc và phía nam Xuân Lộc (Đại tá Hứa yến Lến, bđd). Tiểu đoàn 182PB của Thiếu tá Trần thượng Khải tăng phái chiến đoàn 52/18BB ở tuyến Dầu Giây. Một tiểu đoàn pháo binh hổn hợp (-) có 4 đại bác 155li của tiểu đoàn 180PB và 8 đại bác 105li thuộc tiểu đoàn 181PB phối trí trên Núi Thị (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd, Trung úy Nguyễn hữu Nhân, quyền pháo đội trưởng A/181PB, Những giờ phút cuối cùng ở Long Khánh, 2008). Một trung đội thuộc pháo đội A/181 và bộ chỉ huy tiểu đoàn 181PB của Thiếu tá Nguyễn tiến Hạnh đặt tại ngã ba Tân Phong, trong lúc tiểu đoàn 180PB và hai pháo đội trang bị đại bác 155li của Thiếu tá Vũ văn Bình đóng cùng vị trí với bộ tư lệnh dã chiến sư đoàn 18BB trong rừng cao su phía đông nam Tân Phong (Trung úy Nguyễn hữu Nhân, bđd).
Lực lượng ĐPQ của tiểu khu Long Khánh phối hợp phòng thủ trong khu vực nội, ngoại thị ra tới suối Tre – Cáp Rang trên vùng tây bắc thị xã 3 - 4km, có đại đội trinh sát tỉnh 133ĐPQ và một trung đội pháo binh diện địa trấn đóng tại bộ chỉ huy tiểu khu và tòa hành chánh tỉnh, trong khi hai đại đội biệt lập 340ĐPQ và 341ĐPQ phòng thủ ở vùng suối Tre – Cáp Rang. Tiểu đoàn 342ĐPQ của Thiếu tá Phạm ngọc Lợi và một trung đội pháo binh diện địa còn lại đóng trong trại Lê Lợi tức trung tâm yểm trợ tiếp vận tiểu khu Long Khánh. Các lực lượng bán võ trang CSQG tỉnh của Thiếu tá Võ văn Phước, phối hợp bảo vệ những cơ sở công quyền trọng yếu trong nội thị. Ngoài ra các ấp, xã vùng nội ngoại thị còn có 10 trung đội NQ cơ hửu trấn giữ (Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, cđd, Thiếu tá Trần đức Hiệu, bđd, Thiếu úy Ngô văn Hoàng, cđd).
Tuyến cản đông nam thị xã phối trí dọc quốc lộ 1 theo hướng về Gia Rai ở phía tây, từ ngã ba Tân Phong đến Suối Cát, dài khoảng 10km và phòng thủ chiều sâu, duy trì kiểm soát đoạn liên tỉnh lộ 2 đi về phía Long Giao ở phía nam, cách ngã ba Tân Phong khoảng 12km.
Lực lượng phòng thủ chính có trung đoàn 48/18BB(-), tiểu đoàn 183PB và tiểu đoàn 343ĐPQ thuộc tiểu khu Long Khánh. Tiểu đoàn 1/48/18BB của Thiếu tá Trần cẩm Tường đóng trong căn cứ Long Giao, trừ bị và phụ trách an ninh liên tỉnh lộ 2 từ Long Giao lên ngã ba Tân Phong. Tiểu đoàn 3/48/18BB của Thiếu tá Nguyễn Phúc hoạt động tại vùng Tân Phong, trong khi tiểu đoàn 2/48/18BB của Thiếu tá Đổ duy Luật xuất phái đi bảo vệ Hàm Tân - Bình Tuy và chỉ được rút về từ chiều ngày 10/3, sau khi bắc quân đã khởi sự tấn công Xuân Lộc (Nguyễn phúc Sông Hương, tức Thiếu tá Nguyễn Phúc, tiểu đoàn trưởng 3/48BB, Người lính chưa qua sông, 3/2007, Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd). Tiểu đoàn 343ĐPQ của Thiếu tá Vũ văn Kích phòng thủ tại quận đường Xuân Lộc, riêng các ấp Bảo Bình ở phía đông nam chi khu 4km và xã Bảo Định phía đông chi khu 3km, cũng đều có các trung đội NQ khá mạnh và khá hữu hiệu.
Tuyến cản phía tây bắc thị xã phối trí từ ngã ba Dầu Giây trên quốc lộ 1, cách phía tây Xuân Lộc khoảng 10km, ngược lên dọc quốc lộ 20 theo hướng Túc Trưng và đến Gia Kiệm dài khoảng 15km, do lực lượng đặc nhiệm 52/18BB cùng một tiểu đoàn ĐPQ của tiểu khu Long Khánh phụ trách phòng thủ.
Lực lượng đặc nhiệm 52BB có tổng quân số khoảng 1.600 quân, với nòng cốt là trung đoàn 52/18BB và một số các đơn vị pháo binh, thiết kỵ tăng phái phối thuộc. Khi mặt trận Xuân Lộc chuẩn bị bùng nổ, bộ tư lệnh sư đoàn 18BB đã rút thiết đoàn 5KB(-) của Trung tá Trần văn Nô và sau đó rút thêm tiểu đoàn 2/52BB của Đại úy Huỳnh văn Út về tăng cường phòng thủ cho thị xã, nên lực lượng đặc nhiệm 52BB chỉ còn lại hai tiểu đoàn bộ binh, gồm tiểu đoàn 1/52BB của Thiếu tá Cam Phú, tiểu đoàn 3/52BB của Thiếu tá Phan tấn Mỹ và đại đội 52 trinh sát của Đại úy (Đoàn văn ?) Mừng. Các đơn vị tăng phái có tiểu đoàn 182PB của Thiếu tá Trần thượng Khải, chi đoàn 2/5TK(+) tăng cường 1 chi đội chiến xa M.41 của Đại úy Vũ đình Lưu, một phân đội công binh và một phân đội hỏa tiển TOW.
Bộ chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 52BB đóng căn cứ dã chiến tại ấp Nguyễn thái Học trên quốc lộ 20, phía bắc Dầu Giây 4km và tây bắc Xuân Lộc 12km, với đại đội trinh sát 52, chi đoàn 2/5TK (+) và tiểu đoàn 182PB phụ trách phòng thủ. Tiểu đoàn 3/52BB trấn giữ tuyến phía bắc, rải quân đóng tiền đồn cấp đại đội (+) trên đồi Móng Ngựa, cách bộ chỉ huy tiểu đoàn 2km và bảo vệ vòng ngoài cho bộ chỉ huy chiến đoàn, tới khu chợ Bình Lộc, Dốc Mơ, cách 3km về hướng bắc. Tiểu đoàn 1/52 phòng thủ phía nam, đóng quân tại ấp Phan bội Châu trên quốc lộ 1 và về phía đông ngã ba Dầu Giây 3km. Chỉ có vùng hoạt động của tiểu đoàn 3/52BB là những cao địa liên hoàn trên hướng bắc, các vị trí còn lại do chiến đoàn 52BB kiểm soát đều nằm trong phạm vi các đồn điền cao su (Ý Yên - Thiếu tá Phan tấn Mỹ, bđd, Đại úy Vũ Đình Lưu, chi đoàn trưởng 2/5TK, Quốc lộ 20 : Hành lang của tử thần, 2005).
Tiểu đoàn 368ĐPQ của Thiếu tá Nguyễn văn Hiền hoạt động tại xã Bàu Hàm, có trách nhiệm bảo vệ cho quận, chi khu Kiệm Tân. Đại đội 255ĐPQ/BL và các trung đội NQ thuộc tiểu khu Bình Long di tản xuống Long Khánh, được tập trung dưới quyền chỉ huy của Trung tá Lê thành Quý, nguyên tham mưu trưởng tiểu khu Bình Long và phối trí tăng cường cho tuyến phía nam thị xã. Riêng quân số hai tiểu đoàn 364ĐPQ và 394ĐPQ của tiểu khu Bình Long, được bổ sung về sư đoàn 22BB trên tuyến Long An.
Hậu quân tiếp ứng cho toàn khu chiến Xuân Lộc - Long Khánh gồm có lực lượng xung kích quân đoàn III của Chuẩn tướng Trần quang Khôi phối trí tại Biên Hòa, có tăng cường trung đoàn 8/5BB của Trung tá Nguyễn bá mạnh Hùng hoạt động trong vùng Trảng Bom - Đức Tu, cách ngã ba Dầu Giây 12km.
Ngày 12/4 bộ tư lệnh quân đoàn III tăng viện cho mặt trận Xuân Lộc thêm lữ đoàn 1Dù của Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, nâng tổng quân số nam quân tại mặt trận lên khoảng 14.000 quân. Riêng lực lượng nam quân trực tiếp tham chiến tại nội thị và trên tuyến vòng đai của Xuân Lộc có khoảng hơn 6.000 quân (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd).
Chủ quan trước các trận thắng quá dể dàng - bất chiến tự nhiên thành ở các chiến trường cao nguyên và duyên hải Trung phần, ngày 1/4 quân ủy trung ương và bộ tổng tư lệnh bắc quân lệnh cho trung ương cục R phải tranh thủ bất ngờ, cần chủ động sử dụng ngay những lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không ỷ lại, không trông chờ tập trung đủ lực lượng mới đánh (Điện văn ngày 1/4/75 của Đại tướng bắc quân Võ nguyên Giáp gữi mặt trận B.2). Trung tướng Trần văn Trà đề nghị sử dụng lực lượng cơ hữu của mặt trận B2 tấn công sư đoàn 18BB, trước mắt tiêu diệt chủ lực địch tại chổ, qua đó kéo các lực lượng dự bị chiến lược bộ binh, thiết giáp của địch từ vòng trong ra tiêu diệt tiếp, mở được một cái cửa lớn thẳng vào Saigon và tạo điều kiện thuận lợi cho đợt tổng công kích sau cùng (Nam Hà, tức Đại tá bắc quân Nguyễn anh Công, Mặt trận đông bắc Saigon, 1978).
Ngày 2/4, quân đoàn 4 bắc quân nhận lệnh triển khai nhiệm vụ tiến đánh Xuân Lộc (Thiếu tướng bắc quân Hoàng Cầm, sđd).
Lực lượng bắc quân tham chiến có ba sư đoàn bộ binh, gồm sư đoàn 6(-) với hai trung đoàn 33, 274, sư đoàn 7 có ba trung đoàn 141A, 165A, 209B và sư đoàn 341(-) với hai trung đoàn 266, 270. Lực lượng yễm trợ chiến đấu trực thuộc quân đoàn 4, gồm lữ đoàn phòng không 71 với 4 tiểu đoàn, lữ đoàn pháo binh 24 có 27 đại bác loại 105, 122 đến 130li, pháo hỏa tiển DKB và các loại súng cối cở 82, 120 đến 160li, lữ đoàn công binh 25 và lữ đoàn thông tin 26. Lực lượng tăng cường gồm 1 tiểu đoàn đặc công, 5 tiểu đoàn địa phương, 2 tiểu đoàn tank và tiểu đoàn 2/368 pháo binh có 12 đại bác 130li (Thượng úy bắc quân Đậu thanh Sơn, sđd) Ngày 13/4, trung đoàn 95B/325 bắc quân của quân đoàn 2 cũng được tăng viện thêm cho quân đoàn 4, nâng số trung đoàn bộ binh chủ lực của bắc quân tham chiến tại Xuân Lộc lên 8 trung đoàn. Tổng quân số trên toàn mặt trận có đến gần 40.000 quân.
Sư đoàn 7 bắc quân giữ nhiệm vụ làm nổ lực chính, được tăng cường 1 tiểu đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn thiết giáp có 12 tank, đánh trên hướng đông thị xã, với các mục tiêu gồm hậu cứ thiết đoàn 5KB, hậu cứ trung đoàn 43/18BB và bộ tư lệnh sư đoàn 18BB. Trung đoàn 266/341 cũng có tăng cường 1 tiểu đoàn phòng không, đánh thọc sâu từ phía bắc xuống các mục tiêu là bộ chỉ huy CSQG Long Khánh, bộ chỉ huy tiểu khu Long Khánh, tư dinh tỉnh trưởng và phi trường L.19. Hai trung đoàn 270/341 và 209B/7 đánh chận viện hướng Tân Phong, Núi Thị. Sư đoàn 6(-) đánh chia cắt quốc lộ 1, từ Hưng Lộc giáp ranh Trãng Bom, qua ngã ba Dầu Giây và đến đèo Mẹ bồng Con.
5 giờ 40 rạng ngày 9/4 pháo binh bắc quân khởi sự tiền pháo áp đảo vào nội thị Xuân Lộc, pháo tập để khống chế phi trường Biên Hòa và hậu cứ sư đoàn 18BB tại căn cứ Long Bình. Chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ, có hơn 3.000 đạn pháo các loại bắn tập trung vào thị xã, dọn đường cho bộ binh và xe tank tràn vào theo hai hướng đông và tây bắc. Mật độ pháo tập tuy chưa nhiều, nhưng khá chính xác, nên đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho dân chúng quần cư tại khu chợ và trong vùng chung quanh bộ tư lệnh sư đoàn (Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, cđd).
Sư đoàn 7 bắc quân duy trì trung đoàn 141A trừ bị, đồng thời là lực lượng cầm chân chiến đoàn 48BB nam quân, đang hoạt động tại vùng ngã ba Tân Phong trên quốc lộ 1 và sử dụng hai trung đoàn 165A, 209B, tấn công Xuân Lộc theo hai mũi từ hướng đông bắc.
Trung đoàn 165A/7 của Trần quang Triệu được tăng cường 8 tank từ phía đông đánh vào bộ tư lệnh sư đoàn 18BB và hậu cứ thiết đoàn 5KB. Giao tranh đã xảy ra quyết liệt giữa hai bên, bắc quân bị tổn thất nặng nề và có 3 tank bị bắn hạ ngay trong đợt xung trận đầu tiên (Đại tá bắc quân Hồ Khang, Đại tá bắc quân Trần tiến Hoạt, sđd). Mũi tấn kích của bắc quân nhanh chóng bị chận đứng và bẻ gãy, phải chuyển qua mục tiêu tiến đánh trại Huỳnh văn Điền nhưng cũng không thành công. Khi trời hừng sáng chiến đấu cơ của sư đoàn 3KQ đã can thiệp chiến trường hữu hiệu, bắn cháy thêm một tank T.54 khiến bắc quân phải dạt ra bên ngoài vòng đai thị xã (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd).
Trên hướng tây bắc, trung đoàn 266/341 của Thiếu tá Nguyễn quang Thuật kéo xuống, đánh phối hợp với trung đoàn 209B/7 từ hướng đông đánh qua ngã ba cua Heo. Bắc quân chia làm nhiều mũi tấn kích nhỏ, thọc sâu vào các mục tiêu tư dinh tỉnh trưởng, ty thông tin, bộ chỉ huy CSQG tỉnh, các tuyến và cụm cứ điểm của tiểu đoàn 1/43/18BB, đại đội trinh sát 18BB, đại đội trinh sát 133ĐPQ, hai đại đội 340ĐPQ, 341ĐPQ, tiểu đoàn 342ĐPQ và tiểu đoàn 82BĐQ. Các đụng độ đã nổ ra ác liệt ngay khu vực nhà thờ chánh tòa, tư dinh tỉnh trưởng, bến xe thị xã và khu chợ Xuân Lộc.
Tại tuyến đại đội trinh sát 18BB, đại đội 340ĐPQ và đại đội 341ĐPQ, mũi tấn kích của bắc quân bị chận đánh quyết liệt, phải tạt qua phía đông, đánh tuyến tiểu đoàn 342ĐPQ, nhưng cũng bị phản công dử dội và phải gánh chịu tổn thất rất nặng. Mũi xâm nhập vào nội ô từ phía đông chỉ tiến được chừng 300m thì bị chận đứng (George J. Veith và Merle L. Pribbenow, bđd, Thượng úy bắc quân Đậu thanh Sơn, bđd, Nguyễn thanh Hồng, Nguyễn văn Thắng & các cộng sự, Sư đoàn Sông Lam, 1984). Trung đoàn 266/341 nhờ quân số áp đảo đã vượt cua Heo, qua làng thương phế binh, tiến vào khu vực bến xe, trường học, khu chợ và kiểm soát được các vị trí này trong buổi sáng 9/4. Một toán đặc công bắc quân đột nhập sâu xuống khu tư dinh tỉnh trưởng, đốt cháy một thám xa V.100 thuộc chi đội cơ giới tiểu khu và treo cờ (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd, Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, cđd).
Tại vị trí của tiểu đoàn 82BĐQ, mũi xung kích bắc quân cũng không thành công, bị đẩy lui với các tổn thất rất nặng nề (Thiếu tá Vương mộng Long, bđd). Hai tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 7 thuộc trung đoàn 209B/7 có xe tăng yểm trợ, đã bốn lần mở đợt tấn công vào sân bay, nhưng đều bị BĐQ bẻ gãy (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd).
........Chiến trường mịt mù dưới đất, tóe lửa trên trời. Phi cơ gầm thét, lên xuống, thả hết đợt bom này, đến đợt bom khác và đối phương cũng đáp trả bằng từng chùm 37li phòng không nở hoa trên mây. Những chiếc AC.119 bao vùng cả ngày đêm với các họng súng 20li gầm rú liên hồi. Súng nổ như bắp rang khắp nơi trong thành phố, ngoài vòng đai. Đủ loại đại bác thét gầm, xé gió ào ào trên mục tiêu của cả hai phía. Những đám cháy không người chửa, lửa càng lúc càng bốc cao, thần hỏa tự do hoành hành (...). Những chiếc T.54 hung hản khạc đạn liên hồi, những cái lô cốt ngã nghiêng vì đạn đại bác 100li của xe tank. Trong những ngày đầu tháng tư ở Long Khánh, có một góc địa cầu đã phải rung rinh vì bom đạn.....(Thiếu tá Vương mộng Long, bđd).
Tiểu đoàn 1/48/18BB của Thiếu tá Trần cẩm Tường và chi đoàn 3/5TK của Đại úy Lê Sơn, được lệnh kéo lên phản công, tái chiếm làng thương phế binh và cua Heo trong cùng ngày (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd), trong khi đó tiểu đoàn 1/43/18BB của Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, cũng đồng thời tái chiếm lại khu bến xe và trường học. Tiểu đoàn 1/43/18BB gây tổn thất nặng cho bắc quân, phần lớn chỉ là tân binh thiếu nhi, chưa có kinh nghiệm và huấn luyện đầy đủ, nên dể dàng bị đẩy lùi ra bìa rừng cao su bên ngoài tuyến vòng đai (Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, cđd).
Trên hai tuyến ngoại vi đông nam và tây bắc Xuân Lộc, chiến sự cũng đồng loạt bùng nổ, khi các đơn vị chận viện bắc quân nổ lực ngăn chận lực lượng nam quân phản kích ứng cứu khu chiến nội ô. Trung đoàn 141A/7, trung đoàn 270/341 của Nguyễn thế Vân và các tiểu đoàn địa phương đánh quấy rối tại Gia Tân, Núi Thị, cầm chân tiểu đoàn 2/43/18BB từ Núi Thị kéo về, hay trung đoàn 48/18BB(-) dưới Tân Phong kéo lên, cũng như đánh chiếm, bao vây, cô lập các ấp Bảo Bình, Bảo Toàn và xã Bảo Định trên quốc lộ 1 đi về hướng Suối Cát, phía đông chi khu Xuân Lộc 3 - 4km.
Tại Núi Thị trung đoàn 270/341 có đặc công dẫn đường, không thành công khi tấn công cường tập tuyến phòng thủ tiểu đoàn 2/43/18BB trong ngày 9/4. Bắc quân phải bỏ mục tiêu, chuyển trung đoàn 270/341 về tăng cường cho trung đoàn 266/341 trên chiến trường nội thị, chỉ để lại tiểu đoàn đặc công thiết lập chốt chận và pháo tập vào nam quân trên cao địa (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd).
Tại ngã ba Dầu Giây, sư đoàn 6(-) bắc quân cũng liên tục tấn công, áp sát vùng phía nam, tây nam và đông nam phòng tuyến của tiểu đoàn 1/52/18BB nhằm khống chế, kiểm soát một đoạn quốc lộ 1 dài khoảng 15km, từ xã Hưng Lộc, phía tây nam Dầu Giây về đến ngã ba cua Heo, ven thị xã Xuân Lộc (Đại úy Vũ đình Lưu, bđd, Đại tá bắc quân Hồ Khang, Đại tá bắc quân Trần tiến Hoạt, sđd, Thượng úy bắc quân Đậu thanh Sơn, bđd). Trung đoàn 274/6 đã đánh chiếm một phần ấp Trần hưng Đạo chỉ do một trung đội NQ bảo vệ và kiểm soát đèo Mẹ bồng Con, phía tây Núi Thị 3km, thiết lập ra một hệ thống chốt kiềng dày đặc, ngăn chận hướng phản công của nam quân từ ngã ba Dầu Giây và Xuân Lộc. Trung đoàn 33/6 đánh dọc mặt nam quốc lộ 1, uy hiếp ấp Phan Bội Châu phía nam Dầu Giây 1km và các ấp của xã Hưng Lộc, giáp ranh với xã Trảng Bom trong quận Đức Tu – Biên Hòa, cách phía tây nam Dầu Giây 3km, chận viện nam quân từ Biên Hòa về. Tuy nhiên khu vực ngã ba Dầu Giây vẫn do tiểu đoàn 1/52/18BB trấn giữ (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd).
Ngày 10/4, sau khi tiếp tục pháo hơn 1.000 đạn đại bác các loại vào thị xã, sư đoàn 7 bắc quân tập trung toàn bộ lực lượng, chia làm ba mũi đồng loạt tiến đánh hầu hết các cụm cứ điểm nam quân trong nội thị. Trung đoàn 141A/7 được tăng cường 1 tiểu đoàn phòng không và 1 tiểu đoàn súng không giật 57li từ hướng bắc đánh xuống, phối hợp với trung đoàn 165A/7 ở hướng đông đánh qua và trung đoàn 209B/7 dưới phía đông nam đánh lên. Các nổ lực của bắc quân cũng không có kết quả và tiếp tục bị tổn thất rất nặng. Số thương vong đã lên tới hàng ngàn quân. Có thêm 6 tank bị bắn cháy, nghiêm trọng hơn là toàn bộ pháo 85li và 57li đều bị phá hủy. Các vị trí tạm chiếm được trước đó trong nội thị, bị nam quân phản công tái chiếm lại hết. Chiến trường gay go và quyết liệt chưa lần nào có từ trước đến nay (Thượng tướng bắc quân Trần văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, 1982, Thượng tướng bắc quân Hoàng Cầm, sđd).
......Một sư đoàn của quân đội miền nam Vietnam tơi tả - sư đoàn 18BB, đã cố gắng tuyệt mức để khóa kín cửa ngỏ dẫn vào Saigon. Chỉ có một sư đoàn mà đã hiên ngang chống trả lại cái sức nặng tổng hợp từ bộ máy quân sự to lớn của miền bắc Vietnam đang ào ạt tiến về......(Dirck Halstead, White Christmas : The Fall of Saigon, 1978).....Chưa bao giờ được xem là một sư đoàn thiện chiến của miền nam Vietnam, trái lại có lần còn bị đánh giá yếu kém nhất. Thế nhưng trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Vietnam, sư đoàn 18BB đã chiến đấu một cách dũng cảm. Không những họ vẩn giữ vững được trận địa, mà còn phản công lại mỗi ngày.....(Denis Warner, Not With Guns Alone, 1977). Bắc quân phải lùi ra ngoài thị xã, thiết lập tuyến bao vây…..Mặt trận Xuân Lộc đã ác liệt và đẫm máu ngay từ những ngày đầu tiên. Các sư đoàn 6, 7 và 341 của ta phải tổ chức tấn công vào các mục tiêu trong thị xã nhiều lần, do sự phản kích tái chiếm của địch.....(Đại tướng bắc quân Văn tiến Dũng, sđd).
Đêm 11/4 tiểu đoàn 2/52/18BB của Đại úy Huỳnh văn Út đóng quân phòng thủ tại bộ chỉ huy chiến đoàn 52/18BB trong ấp Nguyễn thái Học, nhận lệnh rút về tăng cường cho mặt trận nội thị. Trong trận tao ngộ chiến tại Suối Tre, tây bắc Xuân Lộc 6km, cánh B tiểu đoàn 2/52BB của Đại úy tiểu đoàn phó Hà văn Châu, đã chận đánh tiêu diệt được hơn 30 xe chở quân và đạn dược của bắc quân (Thiếu tá Phạm Huấn, sđd). Tuy nhiên tuyến chiến đoàn 52/18BB trên quốc lộ 20, cũng phải căng ra quá mỏng, dù áp lực uy hiếp của bắc quân đang ngày một tăng dần, nhất là tại những vị trí trên các cao địa vòng ngoài phía bắc Dầu Giây, thuộc trách nhiệm phòng thủ, trấn giữ của tiểu đoàn 3/52/18BB.
Ngày 12/4 lữ đoàn 1Dù của Trung tá Nguyễn văn Đỉnh gồm ba tiểu đoàn 1, 8, 9Dù và tiểu đoàn 3 pháo binh Dù, khoảng 2.000 quân, đang trừ bị cho bộ TTM được trực thăng vận từ Trảng Bom xuống chi khu Xuân Lộc, tăng cường cho khu chiến. Bộ chỉ huy lữ đoàn 1Dù và tiểu đoàn 3 pháo binh Dù của Thiếu tá Nguyễn văn Thông đặt trong rừng gần Tân Phong, kế bộ tư lệnh hành quân sư đoàn 18BB (Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, lữ đoàn trưởng 1Dù, Lữ đoàn 1Dù trong những ngày cuối cùng của miền nam Vietnam, 2002).
Tiểu đoàn 9Dù của Trung tá Nguyễn văn Nhỏ tảo thanh, giải tỏa quốc lộ 1 trên hướng đông, tiến về giao tiếp với cụm đề kháng của dân quân xã Bảo Định đang bị bắc quân bao vây, cô lập từ ngày 10/4. Quân Dù nhanh chóng đè bẹp sức kháng cự của đối phương, bắt tay được với Bảo Định. Trung tá Nguyễn văn Nhỏ bị thương và Thiếu tá Lê mạnh Đường, tiểu đoàn phó lên thay thế. Bộ chỉ huy lữ đoàn 1Dù cho lệnh tiểu đoàn 1Dù của Thiếu tá Ngô tùng Châu thay tuyến, án ngữ phía đông Bảo Định, cho tiểu đoàn 9Dù lui về kiểm soát khu vực phía tây chi khu Xuân Lộc.
Tiểu đoàn 8Dù của Trung tá Đào thiện Tuyển cũng tấn công tảo thanh theo trục dọc, lên phía bắc - đông bắc, trong mục tiêu bắt tay với tiểu đoàn 82BĐQ tại khu phi trường L.19. Giao tranh xảy ra liên tục. Tiểu đoàn 8/209B/7 bắc quân bị tổn thất rất nặng, phải rút vào cố thủ trong khu vườn của Thống tướng Lê văn Tỵ, phía tây bắc Bảo Định gần 1km, để chờ viện binh. Các hoạt động kiểm thính của biệt đội quân báo thuộc phòng 7 bộ TTM, ghi nhận được việc điều quân ứng cứu tiểu đoàn 8/209 trong đêm 13/4 của bắc quân, giúp bộ chỉ huy lữ đoàn 1Dù điều tiểu đoàn 1Dù lập tuyến cản, hai đại đội 93Dù của Đại úy Đinh văn Tưởng và đại đội 94Dù của Trung úy Nguyễn hữu Thăng đón lỏng, cho tiểu đoàn 3 pháo binh Dù bắn đi.....Gần 1.000 trái đạn, vừa đạn nổ cao VT, vừa đạn chạm nổ, tiêu diệt gần hai tiểu đoàn đối phương....(Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, bđd). Trong khi đó trên toàn mặt trận, giao tranh vẩn xảy ra liên tục, dử dội và kéo dài.
Do các thiệt hại quá nặng nề, sư đoàn 341 phải rút trung đoàn 273/341 của Hoàng trung Trực đang ở mặt trận Chơn Thành - Bình Long về Long Khánh, tăng cường cho trung đoàn 270/341 trên mũi đánh vào nội thị Xuân Lộc. Quân đoàn 2 bắc quân cũng tăng phái thêm trung đoàn 95B/325 cho mặt trận Dầu Giây. Đêm 13/4 phòng tuyến tiểu đoàn 1/52/18BB tại ấp Phan bội Châu tại ngã ba Dầu Giây bị trung đoàn 33/6 tấn công tràn ngập. Nam quân bị tổn thất nặng nề, với gần 50% thương vong, phải bỏ cứ điểm triệt thoái về bộ chỉ huy chiến đoàn 52BB ở ấp Nguyễn thái Học (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd, Đại úy Vũ đình Lưu, bđd).
Trước một lực lượng tấn công có quân số quá áp đảo, không lực VNCH đã vận dụng tối đa mọi khả năng tác chiến để yểm trợ cho bộ binh. Sự tan rã của ba sư đoàn 1, 2 và 6KQ khiến số phương tiện khả dụng toàn quân chủng chỉ còn tổng cộng 1.012 phi cơ, trong đó có 108 chiến đấu cơ F.5 các loại, 82 oanh tạc cơ A.37, 34 khu trục A.1 và 24 phi cơ vận tải C.130 (Elizabeth H. Hartsook, sđd), nên việc không yểm cho khu chiến Xuân Lộc do hai sư đoàn 3KQ, 4KQ và phi đoàn 435 vận tải thuộc sư đoàn 5KQ cùng chịu trách nhiệm.
Trong các ngày 9/4 đến ngày 13/4, KQVNCH can thiệp chiến trường rất quyết liệt, sữ dụng từ bom quy ước 250 - 500lbs, đến bom dầu phế thải tự chế và ngày 12/4 còn có một phi vụ C.130 thả hai bom Daisy Cutter BLU.82 xuống vùng tập trung bắc quân (Đại tá Hứa yến Lến, bđd, Đại tá bắc quân Hồ Khang & Đại tá bắc quân Trần tiến Hoạt và những cộng sự, sđd, Michael Clodfelter, Warface and Armed Conflicts : A Statistical Refence to Casualty and Other Figures 1500 - 2000, 2002). Cả hai quả bom BLU.82 đều được thả ban đêm. Một quả bom được thả xuống vùng Suối Tre phía tây bắc thị xã Xuân Lộc 4km. Một quả khác thả gần tuyến của chiến đoàn 43/18BB và tiểu đoàn 82BĐQ. Khi bom nổ gây nên chấn động rất mạnh, các ngọn đèn điện đều phụt tắt, cả thị xã rúng động như bị động đất, đưa tới tin đồn đã có B.52 tái tham chiến (Đại tá Lê xuân Hiếu, dẩn theo Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, Xuân Lộc : Trận chiến cuối cùng mà tôi biết, 4/2008, Thiếu tá Vương mộng Long, bđd, Hội ái hửu không quân Úc châu, Quân sử không quân VNCH, 2005). Bắc quân bị thiệt hại rất nặng nề. Cũng trong ngày 13/4 có một phi cơ A.37 thuộc phi đoàn 520 của sư đoàn 4KQ đã bị bắn rơi. Thiếu úy Nguyễn trường Thới hy sinh.
Sự chiến đấu dũng cảm và xông xáo của QLVNCH, nhất là của các đơn vị ĐPQ Long Khánh, đã tỏ ra vượt trội hơn hẳn đối thủ (Thiếu tướng Homer Smith, công điện gữi Đại tướng Georges S. Brown, ngày 13/4/1975). Tinh thần của binh sĩ bảo vệ Xuân Lộc rất cao, dù họ đang phải chịu cảnh một chọi lại ba. Các phi cơ quan sát phát giác vị trí pháo binh, hoặc xe tăng của đối phương, giúp các sĩ quan VNCH gọi không yểm rất mau chóng và chính xác. Tình trạng gần giống như lúc Hoaky đang còn tham chiến (Oliver Todd, Cruel April : The Fall of Saigon, 1987). Do đó trận chiến mỗi lúc mỗi thêm quyết liệt, phức tạp, không thể dứt điểm và tình hình thì hết sức khẩn trương (Đại tướng bắc quân Võ nguyên Giáp, sđd). Mặt trận B.2 hai lần xin tăng thêm quân, do quân đoàn 4 liên tục yêu cầu phải bổ sung gấp quân số và đạn dược, khiến Lê đức Thọ và Phạm Hùng đang ở Lộc Ninh đều lo ngại, muốn rút ra khỏi Xuân Lộc (Lê đức Thọ, dẩn theo Nguyễn đức Phương, sđd, Chính Đạo - Vũ ngự Chiêu, sđd)……Cuối ngày 10 trở đi, tình hình trở nên rất căng thẳng. Địch phản kích điên cuồng, tuy chúng đã bị thiệt hại nặng. Máy bay địch đánh phá ác liệt, có tính chất hủy diệt những mục tiêu chúng đã mất. Quân đoàn đã kêu thiếu đạn các loại, nhất là sư đoàn 1 (tức 341) và sư đoàn 6. Sư đoàn 7 thì thiếu quân số (…). Rồi báo cáo các vị trí ta chiếm được phải bỏ lần lượt. Có vị trí đã thay đổi chủ vài lần. Số thương vong của sư đoàn 1 cao hơn những đơn vị khác vì thiếu kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường ác liệt. Tình hình rất gay go…...(Thượng tướng Trần văn Trà, sđd). Sau hơn một tháng tiến đánh liên tục và đã chiếm hết 14 tỉnh thành miền nam Vietnam lần đầu tiên bắc quân bị đánh thảm bại và bị QLVNCH chận đứng hẳn tại Xuân Lộc – Long Khánh.
……Sau bốn ngày chịu đựng cuộc chiến ác liệt, dân chúng tại thị xã Xuân Lộc bắt đầu thiếu thốn lương thực. Đồng bào từ các xã quanh thị trấn chạy về tỵ nạn tại ấp Cẩm Tân, gần chi khu Xuân Lộc. Ngày 11-4, phái đoàn tỉnh đã tiếp tế thực phẩm cho đồng bào chiến nạn, và sau đó có thêm hai tấn gạo và lương khô do Bộ Xã Hội cung cấp. Để thực hiện công tác phân phối, chúng tôì đã huy động tất cả công chức, cán bộ tại quận đường Xuân Lộc và lập các địa điểm để cấp phát lưu động. Tại mỗi địa điểm, việc cấp phát bắt đầu non một tiếng đồng hồ lại bị pháo kích, cán bộ lẫn dân chúng bị thương chúng tôì lại di chuyển đến địa điểm mới. Tình thế thật bi đát (…). Tuy nhiên, cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ đang quần thảo với địch, dành từng phòng tuyến, từng tấc đất, các cán bộ đã nỗ lực trong công tác cứu trợ đồng bào chiến nạn một cách kiên trì dũng cảm…..(Đốc sự Đinh bá Tâm, phó quận hành chánh Xuân Lộc, Vượt qua nổi chết, 2011).
Ngày 13/4 Trung tướng Trần văn Trà xuống thám sát thực địa khu chiến và quyết định chuyển hướng tấn công chính. Bắc quân sử dụng hai sư đoàn 7 và 341 tổ chức bao vây trung đoàn 43/18BB và lữ đoàn 1Dù tại Xuân Lộc, tập trung trung đoàn 95B/325 và sư đoàn 6, dứt điểm tuyến chiến đoàn 52/18BB trên quốc lộ 20, từ Kiệm Tân xuống tới ngã ba Dầu Giây, nhằm cắt đứt đường giao thông về Saigon, đồng thời cô lập được sư đoàn 18BB và lữ đoàn 1 Dù tại Xuân Lộc (Nam Hà, tức Đại tá bắc quân Nguyễn anh Công, sđd).
Chiều cùng ngày, sư đoàn 6 mở cuộc tấn công tuyến tiểu đoàn 1/52BB của Thiếu tá Cam Phú ở ngã ba Dầu Giây. Sau đợt pháo tập dử dội, dồn dập, bắc quân mở đợt tấn công biển người, hết lượt này đến đợt khác lên toàn tuyến. Dù nổ lực chống trả quyết liệt, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân số tiểu đoàn 1/52BB hao hụt, mà không có bổ sung, hay tăng viện. Đại đội 2/1/52BB chỉ còn khoảng 50 quân, nên tuyến tiểu đoàn 1/52BB tan vở và các thành phần còn lại phải rút về bộ chỉ huy chiến đoàn 52BB(-) tại ấp Nguyễn thái Học (Thiếu úy Phạm văn Trung, trung đội trưởng 3/2/1/52BB, dẩn theo Thiếu tá Phạm Huấn, sđd, Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd).
Đêm 14/4 rạng ngày 15/4 chiến sự bùng nổ trên toàn tuyến của chiến đoàn 52/18BB(-), lúc này chỉ có chừng 700 quân phòng thủ (Đại úy Vũ đình Lưu, bđd). Trong đó mục tiêu chính là tiền đồn phía bắc trên đồi Móng Ngựa và bộ chỉ huy chiến đoàn của Đại tá Ngô kỳ Dũng đóng tại ấp Nguyễn thái Học.
Đồi Móng Ngựa nằm cặp quốc lộ 20, có ngọn núi Sóc Lu ở tây bắc 2km và ngọn núi Ma ở đông nam 3km, cách phía tây bắc thị xã Xuân Lộc 14km. Đây chỉ là vùng đất, đá trồng cây ăn trái lưu niên, lẩn cây bụi và cây tạp, có cao độ khoảng 200m, với chiều dài tính từ đường đỉnh xuống dài khoảng 800m. Lực lượng nam quân phòng thủ gồm đại đội 1/3/52BB của Trung úy Nguyễn thanh Trường, được tăng cường trung đội vũ khí nặng của bộ chỉ huy tiểu đoàn 3/52BB và 1 phân đội hỏa tiển TOW của Trung úy Nguyễn hữu Minh, có tổng quân số chừng 100 quân nhân các cấp. Sau nhiều đợt pháo tập, tiểu đoàn 4/95B/325 bắc quân tấn công lên đồi, nhưng lực lượng nam quân đã bẻ gãy và đẩy lui (Thiếu tá Phan tấn Mỹ, bđd).
......Do địch ở trên cao có lợi thế, hỏa lực mạnh. Pháo binh địch từ Xuân Lộc, Gia Kiệm bắn chi viện rất quyết liệt nhằm đánh bật lực lượng ta để giữ được cao điểm. Toàn tiểu đoàn 4/95B/325 bị phi pháo dữ dội gây nhiều tổn thất, phát triển chiến đấu rất khó khăn. Đại đội 2/4 đánh hướng chủ yếu ở phía tây nam lại nằm ngay dưới tầm lựu đạn địch, nên đã tổn thất nặng nề, đại đội trưởng và phần lớn đại đội đều bị thương vong, khiến đơn vị không tiến lên được. Đến trưa bộ đội đói, khát, phải ăn cả đu đủ xanh và uống nước thân cây chuối......(Đại tá bắc quân Lương duy Tưởng, nguyên cán bộ tiểu đoàn 4/95B/325, Những chiến thắng đi vào lịch sữ, 05/2012).
Trung đoàn 95B/325 phải tập trung toàn lực để quyết tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Móng Ngựa. Lợi dụng khoảng thời gian tạm ngừng giao tranh, nam quân tăng viện lên đồi thêm đại đội 4/3/52BB của Thiếu úy Mai mạnh Liêu và bộ chỉ huy nhẹ tiểu đoàn của Đại úy Hà văn Cho, tiểu đoàn phó 3/52/18BB. Tinh thần binh sĩ cố thủ trên đồi lên theo, dễ hiểu bởi Hà văn Cho từng coi trinh sát nổi tiếng của sư đoàn và là tác giả cuộc tái chiếm đồi Gió trong trận chiến An Lộc 1972 (Thiếu tá Phan tấn Mỹ, bđd).
Pháo binh bắc quân tập trung bắn áp đảo tối đa vào phòng tuyến nam quân, rãi từ đồi Móng Ngựa, dài xuống bộ chỉ huy chiến đoàn 52. Trận đánh trên sườn đồi ác liệt, kéo dài…..Triền đồi Móng Ngưa thưa thớt hơn sau nhiều đợt pháo. Những sinh mạng, chừng 100 tấm bia sống động đi lên, dồn tới, điếc không sợ súng. Binh sĩ nam quân nhìn thấy rõ những cậu bé vừa đi, vừa chống đói, có cậu gặm một khúc mía dở, cậu thì nhai vội vã một trái cây, thản nhiên như trong một bài tập trận giả tại một trung tâm huấn luyện nào đó. Người lính miền nam không thể làm gì khác hơn là nhắm bắn những tấm bia trên xạ trường, từng phát một, chính xác, tiết kiệm đạn dược. Họ không còn lấy làm lạ, bởi qua nhiều cuộc đụng độ, bắt được nhiều tù binh miền bắc mới lớn, ốm yếu, xanh xao và nghe khai báo chỉ được tập bắn khoảng mươi viên đạn, rồi bị đưa ra mặt trận, đi B, tức là vào miền nam…….(Thiếu tá Phan tấn Mỹ, bđd). Giữa các đợt xung phong của toàn trung đoàn 95B/325 bắc quân là hỏa lực pháo tập bắn ồ ạt, xen kẻ ròng rã 12 giờ liên tục suốt ngày 15/4.....Ngọn đồi xanh mát đã trở thành ngọn đồi trống trơn. Khu cây trái xum xuê đã biến thành cánh đồng quang đảng (...). Thiếu úy Mai mạnh Liêu báo về tiểu đoàn không còn có gì tồn tại xung quanh. Xác địch ngỗn ngang trên đồi. Thân cây và xác chết chồng chất lên từng đống......(Thiếu tá Phan tấn Mỹ, bđd). Đến hơn 5 giờ chiều đơn vị trưởng nam quân trên đồi Móng Ngựa, phải xin phi cơ và pháo binh chụp thẳng lên đầu vì cứ điểm đã bị tràn ngập (Thiếu tá Phan tấn Mỹ, bđd).
Tại tuyến của bộ chỉ huy chiến đoàn 52BB(-) bắc quân cũng tập trung pháo tập ác liệt, yễm trợ trung đoàn 274/6 từ các hướng nam, đông và bắc tràn vào mục tiêu lúc 1 giờ trưa ngày 15/4. Giao tranh nổ ra dử dội tại mọi vị trí đề kháng của tiểu đoàn 3/52BB(-), đại đội trinh sát 52BB và chi đoàn 2/5TK.
Bộ tư lệnh quân đoàn III điều động lực lượng xung kích quân đoàn III của Chuẩn tướng Trần quang Khôi, trung đoàn 8/5BB của Trung tá Nguyễn bá mạnh Hùng, từ Trảng Bom theo quốc lộ 1 kéo về tăng viện. Giao tranh tiếp tục xảy ra, do trung đoàn 33/6 bắc quân tổ chức chốt chận tại phía đông ấp Hưng Nghĩa, cách phía tây Dầu Giây 3km. Tiểu đoàn 64BĐQ của Trung tá Nguyễn chiêu Minh cùng chi đoàn 1/15TK của Đại úy Phạm văn Bản tấn công chiếm được đồi 122 ở hướng bắc, nhưng bị bắc quân phản công tái chiếm quyết liệt. Giao tranh kéo dài và lực lượng của tướng Trần quang Khôi đã không vượt qua được ngọn đồi này (Đại úy Phạm văn Bản, dẩn theo George J. Veith, sđd, Thiếu úy Nguyễn văn Ngân, đại đội 2/64BĐQ, Trận đánh cuối cùng, 04/2007). Hướng tiến quân của trung đoàn 8/5BB và chiến đoàn 322CX, cũng bị hơn 10 chốt chận cấp trung đội (+) bắc quân cầm chân trên quốc lộ 1. Giao tranh xảy ra liên tục, nhưng nam quân đã không thể tái chiếm lại ngã ba Dầu Giây (Trung tá Nguyễn bá Mạnh Hùng, Nhân chứng, 07/2001, dẩn bởi George J. Veith, sđd).
Đêm 15/4 tuyến Dầu Giây tan vở. Hầm chỉ huy chiến đoàn 52 bị trúng đạn pháo sụp đổ….Về chiều, pháo địch càng gia tăng nóng nảy dữ dằn . Căn hầm khá vững của Đại tá Dũng bị đánh sập. Cuối sân, hai chiếc thiết giáp M.41 bốc khói ngùn ngụt. Đại tá Dũng thoát ra khỏi hầm an toàn, lem luốc, chạy sang bộ chỉ huy tiểu đoàn 3/52 gần thung lũng. Cây ăng-ten bên hầm Đại tá Dũng lại bị đánh gẫy, nằm gục ven sân. Bên kia sân, Thiếu tá Nguyễn thanh Trước, tiểu đoàn phó 182PB, toàn thân đen đúa vì khói đạn, tiếp tục điều khiển tác xạ, những khẩu đại bác nháng lửa nghe ì ấm như từ đâu vọng lại…..(Thiếu tá Phan tấn Mỹ, bđd). Bộ chỉ huy chiến đoàn 52BB cùng các thành phần còn lại triệt thoái qua phía tây, được chi đoàn 1/18CX của Đại úy Hà trung Hiếu trong lực lượng xung kích quân đoàn III đang án ngữ tại ấp Bầu Hàm tiếp thoái. Toàn chiến đoàn tổn thất khoảng 60%, chỉ còn hơn 200 quân. Trong đó tổn thất 3/4 quân số về bộ binh. Chi đoàn 2/5TK tổn thất 1/4 quân số và 10 chiến cụ M.41, M.113 bị phá hủy (Đại tá Hứa yến Lến, bđd, Thiếu tá Phạm Huấn, sđd, Đại úy Vũ đình Lưu, cđd).
Ban chỉ huy chi khu Kiệm Tân cũng tan rã, nhưng giao tranh vẫn giằng co tại các xứ đạo trong vùng Gia Kiệm. Đến tối ngày 17/4 các ấp Lê Lợi, ấp Nguyễn Huệ mới thất thủ. Tuyến cản của chiến đoàn 318/3KB tại Bầu Hàm bị tấn công áp đảo, pháo binh phải can thiệp cận tuyến 150m, mới đẩy lui, tạm thời giải tỏa được áp lực của bắc quân (Trung úy Nguyễn văn Việt, sĩ quan liên lạc pháo binh tại chiến đoàn 318, Pháo thủ kể chuyện củ, 2010). Để kìm hãm đà xung kích tiếp tục của bắc quân, trưa ngày 16/4, Trung tướng Nguyễn văn Toàn đã xin lệnh bộ TTM ném 2 quả bom BLU.82 xuống nam Kiệm Tân và dọc theo tuyến Định Quán - Dầu Giây (Chuẩn tướng Trần quang Khôi, bđd, Chuẩn tướng Trần đình Thọ, dẩn bởi Đại tá Hứa yến Lến, bđd, Đại úy Vũ đình Lưu, Nhân chứng, 07/2014, Nguyễn đức Phương, sđd).
Từ ngày 1/4 đến 19/4/1975 không quân VNCH đã thực hiện 665 phi xuất yểm trợ cho chiến trường Xuân Lộc – Long Khánh (Elizabeth H. Hartsook, sđd). Riêng các vận tải cơ C.130A đã thi hành được 153 phi vụ oanh kích, sử dụng bom xăng phế thải, bom chùm (gồm nhiều bom nổ liên kết lại) và bom BLU.82, đánh vào những vị trí tập trung bắc quân ở Phan Rang, Phan Thiết và Xuân Lộc - Long Khánh (Thiếu tướng William W. Momyer, The Vietnamese Air Force 1951 - 1975, An Analysis of its Role in Combat, 09/1975, Quân sử không quân VNCH, sđd).
Ngày 19/4 đáp ứng nguồn tin khai thác được từ biệt đội quân báo, thêm hai quả bom BLU.82 được ném tiếp tục xuống vùng tập trung tiểu đoàn cơ động Bình Dương của Trịnh văn Thích mới kéo qua tăng viện và tiểu đoàn xe tank 24 của lữ đoàn tank M.26 về tăng cường cho sư đoàn 7 bắc quân tại đồn điền Dương xuân Nữ, Bảo Chánh, cách đông Xuân Lộc 8km. Bắc quân bị thiệt hại rất nặng nề. Hai bộ tư lệnh duyên hải của Trung tướng Lê trọng Tấn và bộ tư lệnh quân đoàn 4 của Thiếu tướng Hoàng Cầm đặt trong vùng núi Gia Rai – Chứa Chan, đông Xuân Lộc 13km phải rút lui ngay về Rừng Lá – Bình Tuy (Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, cđd, Thân nhân BĐQ Đỗ như Quyên tại Gia Rai, Nhân chứng, 08/2014).
Tính đến ngày 19/4 có tất cả 9 bom BLU.82 Daisy Cutter được đưa ra sử dụng (Thiếu tướng William W. Momyer, sđd). Bộ tư lệnh quân đoàn III cũng dự trù xin thêm 5 quả bom BLU.82 nữa, nhưng được trả lời không còn ngòi nỗ (Trung tướng Nguyễn văn Toàn, dẩn bởi Nguyễn đức Phương, sđd). Phi cơ Hoaky cũng bí mật tham chiến, thả 6 quả bom BLU.82 xuống vùng chung quanh Xuân Lộc (Đại tướng Cao văn Viên, sđd, Giáosư Trần đông Phong, tức Trần đức Thắng, chủ bút nguyệt san Anh ngữ Free Front - Saigon 1969/1975, Vietnam 1975 : VNCH 10 ngày cuối cùng, 04/2006, Frank Snepp, sđd), đưa số bom BLU.82 đã sử dụng lên 15 quả, trong tổng số 17 quả QLVNCH nhận được từ Hoaky (Robert C. Mikesh, sđd). Trong hai đêm 28, 29/4, có ba vận tải cơ C.130E Hoaky hạ cánh xuống Tân sơn Nhất. Hai trong số đó đã mang thêm bom BLU.82 cho QLVNCH (Elizabeth H. Hartsook, sđd). Có một chiếc bị trúng đạn pháo kích và là phi cơ C.130E sau cùng của Hoaky bị phá hủy trong chiến tranh Vietnam (Trung tá Thomas G. Tobin, USAF : Last Flight from Saigon, 1985).
Bộ tư lệnh không lực 7 Hoaky USSAG7AF (US Support Activities Group Seventh Air Force) tại Nakhon Phanom – Thailand, cũng ngại Saigon sẽ bị phong tỏa bởi lực lượng phòng không bắc quân, nên yêu cầu bộ tư lệnh Thái bình Dương (CINCPAC) đưa 10 chiến đấu cơ F-4C, F.4D của biệt đội Wild Weasel từ căn cứ Kadena – Okinawa, đến căn cứ không quân Korat – Thailand trong các ngày 20, 2l/4. Các phi cơ của biệt đội đặc nhiệm có trang bị hệ thống truy tìm điện tử ECM (Electronic Counter Measures), khám phá và vô hiệu hóa hệ radar chỉ huy, điều hành các hệ thống phòng không (SEAD - Suppression of Enemy Air Defences) đã không kích bằng hỏa tiển không địa và bom CBU.58, CBU.71 tiêu diệt ba vị trí phòng không 57li trong vùng 10 dặm phía đông bắc Saigon. Cũng có tin tức về cuộc đánh phá nhằm vào một dàn hỏa tiển SA.2 phía đông bắc quân khu III của Wild Weasel và các báo cáo về vài cuộc oanh tạc khác của không lực Hoaky. Tất cả những sự kiện này đều không được Washington xác nhận, bị từ chối trả lời hay tránh đưa ra bình luận bởi các giới chức Hoaky có thẩm quyền, gồm luôn cả Đại sứ Graham Martin (CINCPAC, Cmd Hist 1975, Đại sứ Graham Martin, biên bản điều trần trước ủy ban đối ngoại của quốc hội - Testimony before House Committee on International Relations, Jan 27, 1976, DAO : Final Assessment, 1975, Frank Snepp, sđd, Elizabeth H. Hartsook, sđd).
Ngày 18/4 bộ tư lệnh QĐIII/QKIII chuẩn bị di chuyển từ Biên Hòa về Gò Vấp. Chiến sự vẫn tiếp tục kéo dài trong vùng ngoại vi thị xã Xuân Lộc. Hai sư đoàn 7 và 341 bắc quân.......Chuyển sang bao vây và duy trì áp lực thường xuyên lên tuyến địch……(Nam Hà, tức Đại tá bắc quân Nguyễn anh Công, sđd), nhằm cầm chân, ngăn chận sự phản công ứng cứu của quân Dù từ mạn dưới lên. Trong khi đó các hoạt động phối hợp yểm trợ chiến thuật của sư đoàn 3KQ cũng bắt đầu suy giảm mạnh. Những kho dự trử bom đạn tại Biên Hòa, Long Bình, Gò Vấp và thành Tuy Hạ đều cạn kiệt những loại bom 500, 750, 1.000lbs, chỉ còn loại bom nhỏ MK.81 cở 250lbs. Tai hại hơn, trong một phi vụ A.1 Skyraider do Đại úy Trần văn Phúc và Trung úy Nguyễn văn Chuyên thuộc phi đoàn 518 thi hành vào tối ngày 19/4 nhằm tấn công vị trí pháo 130li của bắc quân đã được xác định cụ thể tại bắc Tân Uyên đang pháo kích phi trường Biên Hòa, nhưng Trung tướng Nguyễn văn Toàn vẩn hủy lệnh không tập với lý do tọa độ đó là nơi đóng quân của quân bạn ?! Hậu quả cuối cùng là kho bom tại Biên Hòa đã trúng đạn pháo và bị phá hủy hoàn toàn vào sáng 20/4. Các phi đoàn máy bay của sư đoàn 3KQ phân tán về Tân sơn Nhất và Cần Thơ từ ngày 21/4/1975 (Đại úy phi công Trần văn Phúc, phi đoàn 518, Nhân chứng, 12/2014).
Các lực lượng nam quân ở Xuân Lộc cũng nhận được lệnh triệt thoái, hầu tránh những tổn thất vô ích vì vai trò cản phá ngoại vi cho Saigon đã mất tác dụng (Trung tướng Nguyễn văn Toàn, dẩn bởi Phạm Huấn, sđd). Các phản ứng giằng co chống giải pháp lui binh của những cấp chỉ huy chiến trường nam quân với bộ tư lệnh quân đoàn III chỉ được giải quyết khi Trung tướng Nguyễn văn Toàn bay vào Xuân Lộc gặp Chuẩn tướng Lê minh Đảo ngày 20/4, với lệnh trực tiếp của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu là bỏ Xuân Lộc (Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, bđd).
.......Trung tướng Nguyễn văn Toàn vào đây bằng máy bay, truyền lệnh của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu là mọi lực lượng phải triệt thoái khỏi Long Khánh, để bảo toàn kéo lui về bảo vệ cho Saigon. Nhưng khi thực hiện, lữ đoàn 1Dù mới biết không rút về Biên Hòa để phòng thủ cho thủ đô, mà được lệnh đi ngược qua phía Vũng Tàu......(Trung tá Đào thiện Tuyển, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 8Dù, dẩn bởi Lê bá Chư, bđd).
Tối 20/4 các đơn vị nam quân tại Xuân Lộc thi hành lui binh theo liên tỉnh lộ 2, từ ngã ba Tân Phong về hướng Bình Giã - Phước Tuy trên chặng đường dài 40km. Trung đoàn 48/18BB mở đường, lần lượt tới bộ tư lệnh sư đoàn 18BB, các đơn vị yểm trợ trực thuộc, trung đội đại bác tự hành 175li, tiểu đoàn 82BĐQ, bộ chỉ huy và ĐPQ/NQ tiểu khu Long Khánh, trung đoàn 43/18BB và lữ đoàn 1 Dù. Đại đội 93Dù đoạn hậu đoàn di tản, đoạn chiến rời vùng lúc 2 giờ sáng ngày 21/4 (Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, bđd). Tiểu đoàn 2/43/18BB của Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, với 2 đại bác 105li tại núi Thị và đại đội trinh sát 43BB của Trung úy Dương trọng Khoát tại núi Ma, duy trì ở lại tại chổ, vẩn tiếp tục tác xạ cầm chừng và hoạt động nghi binh. Chuẩn tướng Lê minh Đảo và bộ tham mưu cùng hành quân bộ với đạo quân triệt thoái. Quân rút đi thì dân cũng đi theo. Dân chúng các ấp Bảo Bình, Bảo Toàn, Bảo Hòa, tập trung sẳn hai bên vệ đường và nối theo đoàn quân triệt thoái (Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, bđd, Hồ Đinh, Mặt trận Xuân Lộc tháng 4/1975, 04/2000).
Cuộc lui binh thành công và ít thiệt hại. Pháo đội C.3 pháo binh Dù và một trung đội trinh sát Dù rút xuống đóng tạm tại Cẩm Mỹ phía nam Tân Phong 12km yểm trợ lui binh, bị hai tiểu đoàn bắc quân tràn ngập. Ba đại bác 105li bị phá hủy, Đại úy Nguyễn văn Điệp pháo đội trưởng hy sinh (Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, bđd) Tại ngã ba Xà Bang cũng trong xã Cẩm Mỹ, bộ chỉ huy tiểu khu Long Khánh đã bị bắc quân phục kích, đánh chận. Đại tá Phạm văn Phúc, tiểu khu trưởng bị bắt và Trung tá Lê quang Định, tiểu khu phó hy sinh.
Tiểu đoàn 7Dù của Thiếu tá Nguyễn Lô và chi đoàn 2/5TK của Đại úy Vũ đình Lưu hành quân tiếp thoái từ quận Đức Thạnh - Phước Tuy lên Xà Bang, hai bên giao tiếp tại phía bắc quận lỵ Đức Thạnh 5km và bắc tỉnh lỵ Phước Tuy 20km (Đại úy Vũ đình Lưu, Trảng Bom bảo lửa, 03/2005). Chiều ngày 21/4 phần lớn đạo quân triệt thoái đã về đến được Bình Giã.
Tiểu đoàn 2/43/18BB và đại đội trinh sát 43BB mới được lệnh di tản lúc 3 giờ sáng ngày 21/4. Trên đường rút ra ngã ba Tân Phong, đại đội trinh sát 43BB đụng độ với trung đoàn 274/6 chốt chận tại đèo Mẹ bồng Con, phải băng rừng qua phía tây. Sau năm ngày vừa đi, vừa giao tranh, đại đội trinh sát 43BB mới được trực thăng tìm cứu giải thoát. Tiểu đoàn 2/43/18BB phá hủy 2 đại bác 105li và rút ngang qua các khu vực đã do bắc quân kiểm soát, nên bị truy kích, vây đánh liên tục. Cánh B của Đại úy tiểu đoàn phó Nguyễn tấn Chi, bị tổn thất tương đối nhẹ, ra đến Long Bình ngày 24/4. Cánh A của Thiếu tá Nguyễn hữu Chế gần như tan rã sau các đợt giao tranh, tao ngộ chiến trong rừng cao su, chỉ còn 27 quân, được trực thăng tìm cứu đưa về Long Bình ngày 25/4 (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, bđd, Nguyễn phúc Sông Hương, tức Thiếu tá Nguyễn Phúc, tiểu đoàn trưởng 3/48/18BB, Người lính đeo càng trực thăng, 2002).
Kết thúc trận đánh dài 12 ngày đêm sư đoàn 18BB bị tổn thất khoảng 30% quân số tại mặt trận thị xã (Đại tá Hứa yến Lến, bđd), riêng lực lượng ĐPQ/NQ của tiểu khu Long Khánh bị thiệt hại rất nặng nề, lên đến hơn 60%. Tuy nhiên tổng quân số lui binh về đến vùng an toàn vẫn còn được hơn 10.000 quân (Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, bđd).
Sau khi sư đoàn 18BB đã hoàn toàn triệt thoái ra khỏi mặt trận, một đơn vị của sư đoàn 341 bắc quân di chuyển từ đèo Mẹ bồng Con đến Cua Heo dọc quốc lộ 1. Đến xã Tân Lập ven đường xe lửa, tây nam núi Thị 3km và cách phía tây thị xã Xuân Lộc 5.5km, bắc quân bị vướng mìn Claymore do nam quân gài đặt trước đó và bị một số tổn thất. Sư đoàn bộ 341 quyết định và phổ biến xuống cho toán tiền quân chỉ thị thà giết lầm hơn bỏ sót do dân ở đây toàn là bọn di cư Thiên chúa giáo ác ôn. Cán binh bắc quân đã tác xạ vào khu dân cư bằng đủ loại vũ khí cộng đồng, cũng như cá nhân, dù không có một sự kháng cự nào (Trần đức Thạch, phân đội trưởng trinh sát tiểu đoàn 8/266/341, Hố chôn người ám ảnh, 2001). Kết quả có 183 nạn nhân, phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em bị tàn sát (Thiếu tá Nguyễn hữu Chế, Vụ thảm sát ở Tân Lập, 2006), sau đó bị táng chung vào một hố tập thể ngay ở xã Tân Lập (Trần đức Thạch, bđd). Trung úy Phạm văn Kính, phân chi khu trưởng Tân Lập và Thiếu tá Nguyễn văn Dư, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/43BB, cũng đều bị bắc quân tìm tới nhà bắt đưa đi thủ tiêu khi chiến tranh mới vừa chấm dứt (Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, cđd, Hải Triều, tức Đại úy Trần văn Hai, Vụ thảm sát Tân Lập 21/4/1975, 2009, Hồ Đinh, bđd).
Ngày 19/4, Đô đốc Noel A. Gayler, tư lệnh quân lực Hoaky tại vùng Thái bình Dương (CINCPAC) đến Saigon, trực tiếp thẩm định tình hình và lượng giá các khả năng di tản khả thi.
Tại Washington, ủy ban đặc nhiệm di tản WSAG (Washington Special Assignment Group) cũng được thiết lập do Dean Brown thuộc bộ ngoại giao cầm đầu. Trong hai ngày 17, 18/4 quốc hội Hoaky chuẩn thuận dự chi 327 triệu dollars và thông qua quyết định cho phép Tổng thống Gerald Ford được quyền sử dụng quân lực di tản người Mỹ ra khỏi Vietnam. Henry Kissinger cũng qua trung gian Anatoly Dobrynin, đại sứ Lienxo tại Washington, gữi một công điện tối khẩn cho Tổng bí thư đảng cộng sản Lienxo Leonid Brezhnev. Theo Kissinger, vì quyền lợi lâu dài Xô - Mỹ, vì nguyên tắc tự chế (principle of restraint), đồng thời để tránh hậu quả rất tai hại có thể xảy ra cho miền bắc Vietnam, Moscow nên hợp tác, giúp sắp xếp với Hanoi một thỏa thuận ngầm về ngừng bắn ngắn hạn, tạm thời, cho Washington có thuận lợi trong công tác di tản công dân Hoaky, cùng một số người Vietnam có liên hệ trực tiếp và đặc biệt với Hoaky. Đề nghị được Lienxo chấp nhận mau lẹ và Hanoi cũng bắn tiếng không có ý định ngăn cản việc di tản, hay muốn làm tổn thương thêm danh dự của Hoaky (Biên bản cuộc họp ngày 24/4 của Hội đồng An ninh quốc gia Hoaky, Thư viện Tổng thống Gerald Ford giải mật năm 2004).
Dù bị Đô đốc Noel A. Gayler phản đối, tòa đại sứ Hoaky ở Saigon vẩn cử Đại tá Harry Summer làm thông tín viên con thoi thường trực với Hanoi. Chỉ có đại sứ Graham Martin và phó đại sứ Wolf Lehmann biết mối liên hệ tay ba Hanoi, Moscow và Washington. Tuy nhiên điều thỏa thuận căn bản đã đạt được là Hanoi đồng ý sẽ chờ bên ngoài Saigon cho Hoaky rút đi trong yên ổn, chỉ với điều kiện mọi chiến cụ và phương tiện chiến tranh đều phải được để lại toàn bộ nguyên vẹn. Về phía Hoaky, trong một bức thư trao tay trực tiếp cho Hanoi, Hoaky nhấn mạnh đến các pháo đài bay B.52 ở Thailand và lực lượng không quân của hạm đội 7, đã và đang được đặt trong tình trạng báo động. Bất kỳ một sự khinh suất nhỏ nào của Hanoi cũng đều có thể đưa đến một hành động trả đủa khốc liệt (Larry Engelmann, sđd, Hoàng đức Nhã, cố vấn Tổng thống VNCH, dẩn theo Pièrre Darcourt, Vietnam : Qu'as - tu fait de tes fils, 1977).
Để cụ thể hóa áp lực, Hoaky giúp sư đoàn 5KQ thả tiếp hai quả hai bom CBU.55, xuống vùng Bảo Vinh - Bình Lộc, phía đông bắc Dầu Giây ngày 21/4. Bắc quân tổn thất rất kinh hoàng (Đại tướng Cao văn Viên sđd, Đại úy Vũ đình Lưu, cđd, Alan Dawson, 55 days : The Fall of South Vietnam, 1977, Tucker C. Spencer, Vietnam, 1999, Đại tá bắc quân Hồ Khang & Đại tá bắc quân Trần tiến Hoạt, sđd)..…Vị trí quả bom rơi ở cua C, hay còn gọi là dốc C trên đường vào sở Bình Lộc và tại suối Nhạn. Đây là nơi quân chủ lực của ta ém quân. Dốc C rất sâu, như một công sự tự nhiên khá an toàn, cây cối rậm rạp. Lúc đó tôi nghe bộ đội báo là lực lượng địa phương chuẩn bị đón 500 thương binh sau khi quả bom được thả. Anh em được đưa về khu vực vườn Mít nằm ngổn ngang…..(Võ thành Dương, nguyên bí thư huyện ủy Xuân Lộc & Lê hữu Thách, nguyên quyền chính trị viên phó thị đội Long Khánh, Nhân chứng, dẩn theo báo Tiền Phong, Hanoi số ngày 30/10/2012). Đại tướng bắc quân Võ nguyên Giáp qua bản tin loan tải ngày 23/4 của AFP mới hoảng hốt gởi điện văn 94B tới bộ tư lệnh chiến dịch Hồ chí Minh, thúc giục gia tăng cường độ pháo kích các phi trường và lệnh các đơn vị tham chiến phải cố tiếp cận xen kẻ với nam quân, để tránh bị oanh kích tiếp tục (Đảng cộng sản Vietnam, Đại thắng mùa xuân 1975 : Văn kiện đảng, 2005, dẩn bởi Trần đông Phong, tức Trần đức Thắng, sđd). Ngày 24/4, báo Nhân Dân của đảng cộng sản Vietnam, bộ trưởng ngoại giao nước VNDCCH Nguyễn duy Trinh và chính phủ Trung cộng đều kịch liệt phản đối, tố cáo…..Bọn tội phạm chiến tranh Mỹ - Ngụy đã khinh thường mọi tiêu chuẩn đạo đức…...(Foreign Ministry, Nhan Dan condemn use of Asphyxiation Bomb, 24/4/1975, dẩn bởi Elizabeth Hartsook, sđd) và lên án việc sử dụng vũ khí hóa vi quang, tức bom ngạt (asphyxiation bomb).
Sự chiến đấu anh dũng của những người lính nam quân đã bị lợi dụng trên căn bản......Dù thâu lượm được một số chiến thắng đáng kể tại quân khu III, nhưng những người lính miền nam đang bị viển cảnh thất bại (như phía bắc) ám ảnh, nên dể tuyệt vọng, chủ bại......(Phúc trình tướng F.C.Weyand), trong khi các tổn thất của bắc quân cũng trở thành vô ích và phi lý, do đề nghị quân viện bổ túc 300 triệu dollars cho VNCH đã bị lưỡng viện quốc hội Hoaky bác bỏ, với một tỉ lệ áp đảo tuyệt đối nhằm mục đích tối hậu buộc miền nam Vietnam.....Tiến tới một tình thế ổn định, dù ở dưới bất cứ một hình thức nào......(Dân biểu Millicent H. Fenwick, Báo NewYork Times, 12/3/1975). Thân phận và thân xác thanh niên cả hai miền nam bắc Vietnam đang tiếp tục bồi đắp thêm cho đống xương vô định, trên thực tế không hơn gì số phận con chốt thí trong cuộc cờ chính trị giữa các siêu cường. Ván bài phân chia thiên hạ sắp sửa đi vào kết thúc, cho trật tự thế giới được ngã ngũ.
Thiếu Úy Nguyễn Hiệp (TĐ4/16/SĐ9/BB)
+ Ghi chú của người viết :
- Do không thể có điều kiện để trực tiếp gởi lời xin phép đến các tác giả có các tác phẩm đã xuất bản, hay các bài viết công bố rộng rãi trên những diển đàn, đã trích dẩn trong bài Trận Long Khánh, bản thân người viết xin được nhận từ quý vị một sự rộng lòng thông cảm, coi đây như một lời xin phép muộn màng và điều tri ân thật lòng của người viết.
+ Chân thành cám ơn sự đóng góp, giúp đở ý kiến và các hảo ý khuyến khích của các thẩm quyền Thiếu tá Nguyễn khắc Tung, Thiếu tá Phan tấn Mỹ, Đại úy Vũ đình Lưu, Thiếu úy Nguyễn sơn Đảo, Thiếu úy Ngô văn Hoàng và BĐQ Đỗ như Quyên (02/2015).