1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV, Chào KV. Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Á châu Thái bình dương APEC 2015 với 21 nước tham dự diễn ra tại Manila đã khiến Phi luật tân tiêu tốn 10 tỉ pesos. Nhưng vụ khủng bố Paris đã khiến hội nghị không được chú ý bao nhiêu, mà mặt khác cũng vì kết quả không có gì đáng kể, không có gì mới lạ, ngoài tóm tắt tổng quát mơ hồ, của tổng thống Phi luật tân trách nhiệm tổ chức buổi họp, và người ta biết rằng quan điểm này đã từng được đưa ra từ lần họp ở Bắc Kinh trước đây, là “thách đố của các nhà lãnh đạo kinh tế là tìm cách duy trì và tăng cường gia tăng phẩm chất, đặc biệt là xem xét các giải pháp thúc đẩy sự bao gồm quy tụ, trong khi giải quyết những thách thức bên trong và bên ngoài hiện nay đối với sự phát triển của APEC”. Thực tế cụ thể lên Phi Luật Tân là đã bỏ ra 10 tỉ pesos chi phí. Nhiều chuyến bay phải hủy bỏ để giữ an ninh cho các phái đoàn ngoại quốc đến Manila, Phillipines Airlines mất 870 triệu pesos và Cebu Pacific mất 400 triệu pesos. Giao thông tại thủ đô Manila bị bế tắc vì nhiều đoạn đường bị chặn. Giới chức trách nhiệm an ủi rằng hy sinh một chút tiền mà lợi lâu dài vì Phi luật Tân là thành viên của APEC. Nhưng lợi này thì các nhà kinh tế chưa thấy. Quan trọng nhất có lẽ là tuyên cáo chung của các lãnh tụ mạnh mẽ kết án khủng bố và nêu lên rằng “phát triển kinh tế và gia tăng cơ hội là dụng cụ hiệu quả nhất để chống khủng bố. Tóm lại tình hình thời sự thế giới tuần qua không có gì được chú ý nhiều hơn là vấn để khủng bố của lực lượng khủng bố ISIS.
2/NK. Trước hết, NK xin kính gửi lời chào đến thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào hai chị TV và KV....... Đúng rằng khủng bố là tin nóng và lớn tuần qua. Sau khi ông Obama vừa đến Malaysia để dự Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Á vào cuối tuần, tiếp theo hội nghị các nước ASEAN họp ở Kuala Lumpur, thì đã có tin những kẻ khủng bố tấn công một khách sạn lớn ở Mali, bắt giữ con tin. Quân Mỹ và Pháp đang hành quân giải cứu. Dự hội nghị này, ngoài tổng thống Obama còn các nhà lãnh đạo của TQ, Nga, Ấn độ, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan. Tại Malaysia, ông Obama sau khi họp với thủ tướng Malaysia, đã tuyên bố với báo chí rằng các buổi họp thượng đỉnh cuối tuần sẽ chú trọng đến vấn đề khủng bố quốc tế và biển đông. Và Malaysia là một thành phần trong liên hiệp chống nhà nước Hồi giáo và sẽ có thể rất là hữu ích trong các vấn đề như là chống lại luận điệu phá hoại và ngang ngược trái thói đang diễn ra”., Tuy nhiên có vẻ như thông cáo kết thúc có lẽ không nêu lên vấn đề biển Đông vì TQ không muốn thế. Mọi điều đình đang diễn ra. Kết quả sẽ phần nào cho biết tư thế tương đối của Mỹ và TQ.
Một chuyện khủng bố khác, xẩy ra cách đây 3 tuần nhưng quan trọng và vì thế NK thấy chúng ta cần nhắc lại. Là sau chót, ngày 17 tháng 11/2015 giám đốc sở công an liên bang Nga Alexander Bortnikov đã xác nhận rằng những dấu tích chất nổ trên những mánh máy bay đã cho phép xác định rằng chuyến bay 9268 của hãng hàng không Nga MetroJet ngày 31 tháng 10 đã bị nổ trên không vì một trái bom chế tạo thủ công. Bortnikov nói “chúng tôi có thể kết luận rằng đó là một hành động khủng bố”. Tuởng cũng nhắc lại rằng thủ tướng Anh David Cameron đã nói trước đó mấy ngày rằng một vệ tinh hồng ngoại tuyến đã nhận được một làn chớp nhiệt từ máy bay, do đó nhiều phần là máy bay bị bom phá nổ. Nhưng Nga đã chỉ xác nhận chuyện này sau khi tìm thấy dấu vết chất nổ. Tổng thống Nga Putin trong một buổi trường trình với những nhân vật của Ủy ban chống khủng bố Nga đứng chung quanh, đã tuyên bố rằng sẽ tìm cho ra những kẻ khủng bố, bất kể rằng chúng trốn ở đâu trên trái đất để trừng trị. Và Nga đã treo giải thưởng 50 triệu đô la cho người chỉ ra tung tích thủ phạm. Điểm đặc biệt là Putin cũng như Bortnikov đều không nêu đích danh tên của nhà nước Hồi giáo, tuy rằng ngay sau khi máy bay rơi thì đã có một video của ISIS tự nhận minh là tác giả, để trả thù Nga đã can thiệp vào Syria. Video cũng nói rằng sẽ đưa ra bằng cớ chứng minh khi cần và thách thức Nga chứng minh ngược lại rằng không phải là nhà nước Hồi giáo đã làm. Tin cũng cho biết rằng Nga đã thực hiện nhiều vụ oanh kích và không kích vào các căn cứ Idlib, Raqqa và Aleppo của ISIS để trả đũa.
13 ngày sau khi máy bay Nga rơi, thì vào chiều tối ngày 13 tháng 11 ISIS đã mở 7 cuộc tấn công ở thủ đô Paris, làm thiệt mạng 129 người và nhiều người bị thương nặng, không rõ sống chết ra sao. Tất cả những kẻ khủng bố, tổng số 8 tên, đều là những quân cảm tử, và đã chết hết, hoặc là do bấm bom nổ mang trong người để tấn công tự sát hay là do chạm súng với cảnh sát. Hai vụ tấn công đầu tiên là do hai kẻ đeo bom tự sát ở vận đông trường Stade de France nơi tổng thống Pháp Hollande ngồi xem trận đấu giao hữu bóng tròn giữa hai đội Đức và Pháp. Những cuộc tấn công khác là ở một quán cà phê, một tiệm ăn và tại thính đường hòa nhạc Bataclan. Tại đây, chúng đã dùng súng máy AK 47 bắn vào đám đông khán giả đang nghe ban nhạc Mỹ Eagles of Death metal và gây nhiều thương vong nhất. Những nhân chứng cho biết rằng những kẻ khủng bố đã bằng tiếng Pháp rất rành rọt tuyên bố rằng chúng tấn công là để đáp lại chính sách của Pháp ở Syria. Người ta biết rằng Pháp là đồng minh của Mỹ với thái độ diều hâu nhất. Tổng thống Pháp đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và đọc diễn văn trước hai viện quốc hội tuyên bố Pháp trong tình trạng chiến tranh. Đây là lần thứ ba một tổng Pháp đọc diễn văn trước hai viện quốc hội. Như thế tức là với cuộc phá nổ máy bay Nga và tấn công thủ đô Pháp, lực lượng Hồi giáo ISIS đã chính thức có hai kẻ thù là Pháp và Nga. Nga chỉ quyết tâm truy tầm can phạm còn Pháp tuy số người bị chết ít hơn, 129 so với 224 trên chiếc máy bay Nga bị phá nổ, nhưng huy động cả nước vào cuộc chiến tranh chống ISIS. Tại sao có sự khác biệt này? Phải chăng ISIS nguy hại cho Pháp hơn cho Nga?
3/KV. Dạ, lời đầu tiên, KV xin gởi lời kính chào đến quý thính giả. KV cũng xin kính chào BS N, chị TV và anh NK. Về chuyện khủng bố mà anh NK vừa nêu trên thì KV thấy có điều khó hiểu trong hai vụ khủng bố này. Video của ISIS tuyên bố rằng họ phá nổ máy bay Airbus của Nga để trả đũa chuyện Nga can thiệp vào Syria. Người ta biết rằng cụ thể là bắt đầu từ ngày 30 tháng 9, Nga đã cho máy bay không kích các vị trí của ISIS. Mỹ và các nước Tây phương cũng như đồng minh Thổ nhĩ Kỳ, lại đã tố giác rằng 90% các cuộc không kích là nhắm vào những thành phần nổi loạn chống chế độ của tổng thống Assad, tức là nhằm bảo vệ Assad. Trong cuộc tấn công có tổ chức ngày thứ sáu 13 tháng 11 ở thủ đô Pháp Paris, ISIS cũng tuyên bố là để trả đũa chính sách của Pháp ở Syria. Chính sách này của Pháp là lật đổ tổng thống Assad đi, để có một chính phủ khác. Như vậy, nếu chống Pháp là vì Pháp diệt Assad, thì tại sao ISIS lại phá nổ chuyến bay của Nga, để gọi là trả đũa sự can dự của Nga vào Syria, mà mục tiêu là nhằm bảo vệ chính quyền Assad? BS N và quý anh chị nghĩ sao về chuyện này ạ, có thấy khó hiểu như KV đang thấy không cơ ?
4/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Nếu chỉ nhìn từ xa lâu lâu nghe tin tức một lần thì đúng như KV nghĩ, là có sự mâu thuẫn khó hiểu. Nhưng nếu theo rõi đều và để ý một chút thì chúng ta biết rằng ISIS không phải là một tổ chức thuần nhất mà chỉ là một cái tên chung mà truyền thông Âu Mỹ dùng để gọi tất cả mọi loại hoạt động gây xáo trộn ở Syria và Iraq, do nhiều thế lực ngoại quốc khác nhau xây dựng và hỗ trợ. Lật đổ Assad chỉ là mục tiêu đầu tiên. Vì thế, nên người ta mới nghe nói là có các thành phần từ Mỹ Anh Pháp và từ các nước Ả Rập theo Mỹ như Saudi Arabia, Qatar, vân vân hoạt động ở Syria. Vì thế, khi mà Mỹ lập nhóm Liên minh chống ISIS mà Nga đòi tham dự thì đã không được nhận. Cho tới ngày 30 tháng 9 Nga quyết định ném bom ISIS mà chỉ báo cho Mỹ hay một giờ trước đó thì tin tức Tây phương mới nói rằng Mỹ và Nga đã họp gấp để khỏi đụng chạm nhau trên không phận Syria. Trong chiến trường Syria này, người ta ít để ý đến Do Thái là nước có những hoạt động oanh kích Syria để gọi là tự vệ chống những đoàn xe tiếp vận võ khí từ Iran, cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon thù nghịch với Do Thái. Với quyết định can thiệp của Nga, mà Mỹ cũng không ngăn được, thủ tướng Netanyahu đã phải sang Nga gặp tổng thống Putin gấp, và sau đó thì Do Thái đã tuyên bố rằng có cộng tác phối hợp với Nga trong các cuộc oanh kích ISIS cuả Nga. Nói khác đi là để tránh đụng chạm với không lực Nga. Tóm tắt cho đơn giản trong vụ này thì ISIS có thành phần ISIS chống Nga, và có thành phần chống Pháp.
5/TXN. TV nói là tóm tắt cho đơn giản nhưng thực sự không phải là đơn giản. Đó là lý do tại sao mà Mỹ với khả năng quân sự có thể dùng chiến thuật mà tổng thống Bush con gọi là tạo “kinh hoàng choáng váng” (shock and awe) để mà đánh sập cả chế độ Saddam Hussein của Iraq trong vòng 21 ngày, nhưng đã không làm suy chuyển gì sức mạnh của ISIS trong hơn một năm hoạt động tấn công ISIS của nhóm Liên hiệp chống ISIS mà Mỹ thành lập và cầm đầu với sự đóng góp sức lực của Anh Pháp Mỹ Úc và các nước Ả Rập thân Mỹ. Đó cũng là lý do theo tôi nghĩ là tại sao nhóm này không cho Nga tham dự. Vì mục tiêu tấn công chủ yếu của nhóm Liên hiệp chống ISIS không phải là tiêu diệt ISIS mà là tiêu diệt Assad, tạo điều kiện hoạt động và sửa soạn vị thế chính trị cho những thành phần được gọi là ôn hoà trong cái đám lực lượng xà bần ISIS nhằm thay thế Assad. Cục diện đã đổi khác khi mà Nga quyết định nhẩy vào cứu Assad sau khi các nhóm nổi loạn chống Assad với sự viện trợ từ ngoài, đã chiếm được ¾ lãnh thổ Syria và các vùng sản xuất dầu để tự lực tồn tại, và dẫn tới sự hình thành một Nhà nước Hồi giáo nằm giữa Syria và Iraq, cai trị bằng những biện pháp tàn bạo dựa trên nguyên tắc Hồi giáo Sunni tương tự như Saudi Arabia. Nhóm nòng cốt xây dựng nhà nước Hồi giáo này do Abu Bakr al Baghdadi cầm đầu cố tình phô trương sự tàn bạo của nó, để trấn áp mọi ý tưởng chống đối của dân chúng, và đi tới chỗ nắm quyền, dù rằng là dư luận Âu Mỹ có chỉ trích. Bởi vì chỉ trích bởi Tây phương là tàn bạo độc tài chẳng làm suy chuyển gì sức mạnh của nó, dựa trên dầu hoả và bạo lực trấn áp. Như là Ả Rập Saudi từ trước tới nay và Iraq của Saddam Hussein. Hay là như Ai cập hiện nay tuy có ồn ào chỉ trích độc tài đương kim tổng thống nhà binh Abel Fattah al Sisi là độc tài nhưng Mỹ đã công nhận nhanh chóng và giúp đỡ ông ta. Tóm tắt thì Mỹ Anh Pháp muốn vẽ lại bản đồ điạ lý chính trị ở Trung Đông để nằm trong vòng khống chế của mình, còn ảnh hưởng Nga teo nhỏ sau khi Liên sô sụp đổ, với ISIS lấn lên trở thành một Saudi Arabia, thay thế cho Assad ra đi. Nhưng mà Putin đã chống lại bành trướng của Âu Mỹ bắt đầu là ở Georgia, sau đó là Ukraine, và Iran, rồi đến Syria như chúng ta thấy. Mỹ và Âu châu bị khựng lại ở Syria vì thực tế kinh tế tài chính không cho phép. Và vì tư thế Trung Cộng gia tăng nhờ 3 thập niên làm ăn giao thương với tài phiệt Âu Mỹ, và vì TC liên thủ ít nhiều với Nga, để tránh sự chèn ép Tây phương, và tạo một thế giới toàn cầu địa lý chính trị mà TC ngang hàng hay hơn Âu Mỹ, giữ vị trí chiếu trên.
6/NK. Theo NK mình tạm để sang bên chuyện chiến lược toàn cầu, trở lại với vụ khủng bố Paris, người ta thấy rõ ràng sự tàn ác của những tên khủng bố. Lạnh lùng bình tĩnh sả súng bắn vào những người vô tội. Không ai có thể không lên án những hành động này. ISIS, dù thuộc xu hướng nào, ghét Pháp hay ghét Nga, thì cũng không “thương” được. Đức giáo hoàng đã lên án vụ khủng bố này là “vô nhân đạo”, “inhuman”. Ở Mỹ thì đã có 34 thống đốc tiểu bang không chấp nhận cho những người tị nạn Syria vào tiểu bang của họ. Hạ viện đã thông qua một đạo luật chống người tị nạn Syria. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hoà Jeb Bush đã phát biểu rằng sẽ chỉ cho người Syria theo đạo Thiên chúa vào định cư. Tổng thống Obama đã phê bình rằng thái độ này không phải là thái độ của người Mỹ vì rằng phân biệt tôn giáo. Đã có những người phản đối và vận động chống sự kỳ thị tôn giáo này. Ngược lại thì đã có người viện dẫn rằng lịch sử Mỹ đã từng có quyết định dựa trên tôn giáo. Quả tình rằng những tranh cãi này vừa đúng mà lại vừa sai.
7/KV. Trăm người trăm ý mà, anh Nguyên Kim ơi. Đi vào các chi tiết tranh cãi làm gì. Các nhà chính trị tranh cãi chỉ là vì lý do lựa theo cảm tính của dân để kiếm phiếu thắng cử mà thôi cơ. Thắng cử rồi thì mọi hứa hẹn sẽ bỏ sang bên, nếu cần. KV chỉ thấy rằng mình có cái may mắn sống ở đất nước coi sự phát biểu ý kiến tự do là hàng đầu cho nên được tha hồ nghe tha hồ nói, ngược cũng được, suôi cũng được. Tuy nhiên đấy là nói trong thời đại yên bình không rối loạn, chứ khi mà có rối loạn trật tự thì chưa chắc là đã có ai có thể nói ngược đâu cơ. KV nhớ rằng sau vụ 9/11 thì tại Mỹ có luật cấm, đại khái rằng ai nói đùa là có chất nổ có thể bị phạt tiền hay phạt tù gì đó. Nhưng dù tranh cãi phải trái thế nào, KV chỉ thấy có một điều là tội nghiệp cho dân tỵ nạn Syria. Đang khi không thì có những cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, chống Assad, rồi những cuộc biểu tình này dẫn đến đấu tranh võ trang đặc công, sinh ra cuộc chiến kéo dài trên 4 năm, mà chết thì khoảng 250,000 người, với những cuộc oanh kích, không kích của mọi nước giầu mạnh trên thế giới, từ Anh Pháp, Do thái, và sau cùng bây giờ là tới Nga, để gọi là tiêu diệt Assad, tiêu diệt ISIS….Và thế là mọi người bỏ chạy, trở thành dân tỵ nạn, chờ đợi sự cưu mang của thế giới. Và để rồi bây giờ bị xua đuổi vì bị coi là quá khích sau những vụ tấn công của ISIS vân vân và vân vân…
8/TV. Trăm người trăm ý như KV nói là đúng, chưa kể rằng trăm người có trên trăm ý, tùy theo nơi phát biểu và tùy theo người nghe nữa. Trong chuyện khủng bố của ISIS này, TV thấy có lẽ chỉ có một người có ý kiến ít năng cảm xúc và ít chính trị nhất, là tuyên bố của đức Dalai Lama. Ngài nói:
“Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này bằng cầu nguyện. Tôi là một Phật tử và tôi tin cầu nguyện. Nhưng con người đã bầy ra chuyện này, và bây giờ chúng ta kêu đến Trời để giải quyết. Đó là không hợp lý. Trời sẽ nói rằng các ngươi hãy giải quyết lấy đi vì chính các người đã đẻ chuyện ra.
Chúng ta cần có một hệ thống để nuôi dưỡng những giá trị nhân bản, nhất thể và hài hoà. Nếu bắt đầu ngay từ giờ, thì sẽ có hy vọng thế kỷ này sẽ khác thế kỷ trước. Và có lợi ích cho tất cả mọi người”.
Ngài nói những kẻ khủng bố là “nghĩ nhỏ”, “thiển cận”. Và “không có điều gì có thể biện minh được cho việc giết người”.
Và, vì thế, “chúng ta phải làm việc để có hoà bình trong gia đình, trong xã hội và không chờ mong giúp đỡ gì ở Trời, Phật hay chính quyền”.
9/TXN. Nói như đức Đalai Lama là đúng, nhưng nếu mà ngài đã nói được như thế là bởi vì hai điều: một là ngài thấm nhuần ít nhất là một nguyên tắc căn bản Phật pháp, không phân biệt mình với người, tức là đối xử với người như đối xử với mình. Hai là vì ngài ở ngoài cuộc giết chóc, cho nên có thể bình tĩnh, không có phản ứng, vì không chứng kiến trường hợp người thân mình bị chết, nhà mình bị đánh sập. Còn ngoài ra đa số con người ta là bị điều kiện hoá, hay đầu độc bởi môi trường sống của mình cả. Vì thế cho nhiều người ở thế giới Âu Mỹ thì coi sự can thiệp Anh Mỹ Pháp vào Syria để dẹp Assad, đem tự do dân chủ đến cho Syria là phải. Những người ở Nga thì ủng hộ Putin 95% vì can thiệp vào Syria để giúp tổng thống Assad là đúng. Vì thế, rút lại lời Dalai Lama nói chỉ là để mà nói thôi, không tới đâu. Bởi vì ngay như ở Miến Điện đa số là Phật giáo thuần thành, nhưng mà cũng đã đối xử rất tàn bạo đối với dân Hồi giáo Rohingya. Tóm tắt thì trong suốt lịch sử toàn cầu, đặc biệt là ở Tây phương, khi vấn đề tôn giáo đan xen vào chính trị thì làm cho mọi sự rối beng và trầm trọng, và giết chóc nhau khốc liệt. Đây là một vấn đề lớn, mà khi nói ra thì sẽ gây tranh cãi. Cho nên mình sẽ nói sau. Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự phải tạm ngưng. Xin kính chào quý vị thính gỉa. Chào TV, Chào KV. Chào NK và xin cám ơn các bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
10/ KV. Dạ KV xin kính chào quý thính giả, kính BS N, chi TV và anh NK. KV xin hẹn gặp lại mọi người trong kỳ tới ạ.
11/ NK xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, chị TV, chị KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt hai chị TV và KV.
12/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo dõi chương trình BCTS.