1/Vấn đề giáo dục y tế tại VN
Đan Tâm
Theo tin từ báo Tiền phong trong nước thì “Mấy năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều vụ khiếu nại về đào tạo, nguyên nhân từ việc quá nhiều trường được cấp giấy phép đào tạo về đủ các ngành, trong đó có cả Y dược, nhưng lại không chịu sự giám sát chặt chẽ về phẩm chất của việc dạy và học.
Trường Đại học Buôn Ma Thuột mới mở, đã chiêu sinh rất nhiều ngành, trong đó có bác sĩ đa khoa. Tuy nhiên, dù thiếu thốn cả đội ngũ giáo viên lẫn phòng ốc, trang thiết bị, trường đã tuyển sinh và đào tạo tới 1.300 HV, và “nhân tiện” đề nghị Sở tham mưu cho UBND tỉnh cho phép trường “được đào tạo 60 chỉ tiêu đại học chính quy, gồm 50 bác sĩ đa khoa và 10 dược sĩ đại học”.
Trong quá trình đào tạo, ông Trịnh Văn Toàn quyền trưởng phân hiệu II của YDHN lại cùng ông Phan Gia Đức nhân viên thuộc quyền tự ý sửa hồ sơ, phết thêm điểm cho thí sinh Y Tem Niê không có tên trong danh sách trúng tuyển đầu vào, nhưng vẫn được dự thi tốt nghiệp ngày 18/10/2014.
Tai tiếng lan ra, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã thu hồi và hủy bằng tốt nghiệp đã cấp cho học viên Y Tem Niê, khẳng định YDHN đã vi phạm quy chế đào tạo. Ông Toàn bị kỷ luật thôi chức từ tháng 12/2014, nhưng cho tới kỳ tuyển sinh 2015 YDHN vẫn lấy hình ảnh ông này kèm chức danh trưởng phân hiệu II để quảng cáo; còn ông Đức vẫn “cố đấm ăn xôi” gây thêm 1 vụ ra giá bán điểm, bị học viên ghi âm tố cáo “muốn bằng khá phải 5 chai trở lên”, rồi mới bị buộc thôi việc.
Tháng 10/2015, anh trai của một học viên đang theo học ngành dược sĩ của phân hiệu II YDHN gửi đơn đến Sở, phản ánh chất lượng đào tạo của trường này quá kém, giảng viên thường xuyên không lên lớp, toàn bắt HV tự chép giáo án cho qua giờ.
Giáo sư Hoàng Tử Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng, trưởng khoa Răng Hàm Mặt trường Đại học Y Dược TPHCM mới đây đã chia sẻ nỗi buồn với PV Tiền Phong về việc ông được mời lên Tây Nguyên mở khoa Răng-Hàm-Mặt cho một trường đại học mới thành lập, với lời đề nghị: “Thầy bận quá, nếu không tiện lên xuống thường xuyên, chỉ cần cho trường mượn tên cũng được !”
Trên đây, chỉ là một vài nét trong cách thức đào tạo kỹ thuật và chuyên gia của CHXHCN VN. Nếu ta nhìn chung các chủ trương “chuyên tu” và “tại chức” trong đường lối đào tạo từ 40 năm nay, mải mê chú trọng vào số lượng để mị dân, mà coi thường phẩm chất, thì những bê bối này cũng chỉ là những chuyện tất nhiên. Thực thế, không thiếu gì trường hợp những tá viên điều dưỡng trình độ chỉ tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, nay có thể trở thành BS hành nghề trong bệnh viện, nhờ gia đình gọi là “có công với cách mạng”, mà được gửi đi gọi là học lớp bồi dưỡng 2 năm theo hệ chuyên tu để trở thành bác sĩ.
Thành ra câu chuyện đào tạo bê bối ở Dak Lak nếu có bị nêu ra trên báo mới đây thì có lẽ cũng vì ghen ăn ghét ở đâu đó, chứ chưa chắc đã phải là trường hợp duy nhất đặc biệt. Người ta còn nhớ tin bà bán trứng vịt ở miền Tây đậu bằng luật sư cách đây không lâu, mà mục đích chỉ là để đề cao tinh thần cởi mở của chính sách giáo dục VC. Khi mà mọi sự đều là vì chính trị, nhằm ca tụng chế độ VC đổi mới ưu việt, thì người ta sẽ còn tiếp tục được cười thoải mái dài dài với những bài viết của các cây bút đỉnh cao trí tuệ biến thái.
Đan Tâm
(Ngày 3 tháng 12/2015)
-----------------------------------
2/Nghĩ về dự tính bỏ môn học lịch sử ở bậc trung học tại Việt Nam
Đan Tâm
Dưới chế độ toàn trị đỉnh cao trí tuệ loài người VC, giáo dục không bao giờ là điều quan trọng, vì nguyên tắc chỉ đạo căn bản là “hồng hơn chuyên”. Trí thức, kỹ thuật là điều dễ dậy dễ làm, bởi vì máy móc điều hành chỉ cần người biết bấm nút. Chữa bệnh cho người chỉ cần biết phác đồ điều trị, có thể được truyền dậy qua các lớp đào tạo“chuyên tu”, “tại chức”, dành cho những thành phần lý lịch tốt.
Từ sau thời đổi mới mở cửa ra ngoài đi theo con đường kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, học vị được chú trọng. Nhưng giáo dục và huấn luyện vẫn nằm trong tay những giới chức quyền thế xuất thân từ thời toàn trị, và tiền bạc lót tay là yếu tố quyết định, cho nên người ta thấy không biết bao nhiêu là tiến sĩ, phó tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, phó giáo sư, nghiên cứu gia vân vân thuộc các “diện chính sách”, mà văn bất thành cú, tước hiệu ngoại quốc trên danh thiếp viết sai…
Giáo dục và đào tạo tại Việt Nam đã trở thành vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Nhưng mới đây lại rộ lên bàn tán về chuyện giáo dục. Vì cái tin Bộ Giáo dục và Đào tạo VN có quyết định về “tích hợp Lịch sử với Giáo dục đạo đức và Quốc phòng an ninh thành môn Công dân với Tổ quốc ở bậc trung học phổ thông”.
Tại sao Bộ giáo dục và đào tạo lại có quyết định này? Một trong những lý do của ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đưa ra, là học sinh ngày nay không muốn học lịch sử nữa. Trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2011 đã có hàng ngàn điểm 0 về môn lịch sử. Trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vào tháng 7 năm 2015, theo báo Dân Trí, thì chỉ có 1 thí sinh chọn thi môn lịch sử, và Bộ giáo dục đã phải huy động tới 66 cán bộ để phục vụ cho một thí sinh. Theo báo Thanh Niên, thì ý kiến của ông Bộ trưởng Giáo Dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, thì nguyên nhân các học sinh VN chán ghét môn lịch sử “chỉ là chuyện bình thường, khi mà cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít đi, thì môn sử sẽ không hấp dẫn học sinh như các môn khác. Việc môn sử không hấp dẫn học sinh như các môn khác, không phải chỉ có ở Việt Nam, hay ở các nước Châu Á, mà là "câu chuyện của thời đại..."
Theo ĐT thì môn học lịch sử có hấp dẫn học sinh hay không, là tùy theo cách giảng dạy của các thầy cô hướng dẫn môn lịch sử trong lớp. Hồi ĐT còn bị kẹt ở VN sau năm 1975, thì được biết là các thầy cô giáo phải soạn trước giáo án, thông qua trưởng bộ môn, trước khi được lên lớp giảng dạy. Nếu môn lịch sử không hấp dẫn được học sinh, thì ai là người chịu trách nhiệm? Chắc không phải là học sinh, mà cũng chẳng phải là thầy cô giáo, mà chính là đường lối chính trị, cách hướng dẫn sai lạc, bóp méo, với mục đích tuyên truyền cho chế độ, cho chủ nghiã, nên không đánh động được sự cảm thông của học sinh với những sự kiện tuyệt vời của lịch sử. Anh hùng dân tộc phò vua giúp nước thì bị coi là phong kiến quan liêu. Tất cả chỉ cho một mục tiêu thành lập thế giới đại đồng vô tổ quốc, trong đó chỉ có một thứ người là lao động và vô sản.
Những dối trá bẻ cong bóp méo lịch sử này cũng được chính những người đào tạo dưới chế độ nói ra. Như nhà sử học Hà văn Thịnh ở Huế đã nhận định trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/5/2010: “Lịch sử VN hiện đại, chỉ có 30% là sự thực, còn 70% là dối trá. Đó là điều rất đau lòng! Đánh nhau trên 30 năm với Pháp và Mỹ, mà VN không hề thua trận nào! Đó là điều phi lý, không thể nào chấp nhận được! Sự dối trá này, làm cho học sinh không thích học sử, và thầy dạy sử trở thành bịp bợm. Ở VN hiện nay, có rất nhiều trí thức ở vào hoàn cảnh nan giải, phải chọn giữa nói thật và nói “không thật”
Hơn nữa, môn lịch sử ở VN chỉ chú trọng vào những sự kiện xa vời trong quá khứ, mà bỏ quên những diễn biến gay cấn trong giai đoạn cận đại và hiện đại, những sự kiện mà mọi người, nhất là giới trẻ đang nóng lòng tìm hiểu, như sự sụp sụp của Liên bang Sô viết vào năm 1991. Sự kiện cả trăm ngàn sinh viên Trung Quốc biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn. Việc Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, tấn công Việt Nam từ biên giới phía Bắc lấy mất Ải Nam Quan, thác Bản Giốc vào năm 1979, chiếm đảo Trường Sa năm 1988, và hiện tại, là tình trạng tranh chấp biển đông giữa Trung Quốc và các nước trong khối Asean.
Ngày ĐT còn học ở tiểu và trung học, thì các bạn bè trong lớp, cũng như ĐT đều rất thích thú và chờ mong tới giờ học môn lịch sử. Lịch sử là môn học khơi động hào khí, tình yêu quê hương, yêu dân tộc của các học sinh với tâm hồn mới lớn, và làm các học sinh cảm thấy hãnh diện có các bậc tiền nhân đã dùng xương trắng, máu đào để bảo vệ từng tấc đất giang san, cảm phục các câu nói uy hùng của Đức Trần Hưng Đạo trước khi ra quân: “nếu không chiến thắng, ta thề không trở lại khúc sông này nữa !”, những lời Nguyễn Phi Khanh dặn dò con là Nguyễn Trãi tại Ải Nam Quan, nặng chĩu tình yêu nước: “Nếu con một lòng hiếu với cha, thì hãy trở về đi! đem hết tài trí mà phò vua giúp nước, diệt trừ bọn giặc xâm lăng, bảo vệ lấy giang sơn....”, sự đồng tâm nhất trí đầy dũng khí của các bô lão trong Hội Nghị Diên Hồng....” .
Để chấm dứt vấn đề đề nghị bỏ môn học lịch sử, người viết xin mượn lời một blogger: “CSVN đã bán hết phần xác thịt của đất nước như tài nguyên, chủ quyền cho Trung Quốc. Giờ đang đến lúc CSVN bán phần linh hồn dân tộc cho bọn quỷ dữ ngoại bang phương Bắc. Mọi người dân cần nhìn rõ thủ đoạn nham hiểm này để cất tiếng nói giữ gìn được sinh khí của dân tộc, hồn thiêng của sông núi.”
Tin giờ chót, vào ngày 27 tháng 11, quốc hội CHXHCNVN trước làn sóng bất bình của mọi tầng lớp trong nước, đã quyết định giữ lại môn lịch sử ở các lớp trung học phổ thông.
Đan Tâm
(ngày 2 tháng 12/2015)
-------------------------------------
3/ Sẵn sàng chịu bom để có tự do dân chủ hay muốn sống thế nào cũng được
Trần Xuân Ninh
Ngày 1 tháng 12/2015, trước Ủy ban quân lực hạ viện Hoa kỳ, ông Ashton Carter bộ trưởng quốc phòng tuyên bố “Phối hợp chặt chẽ với chính phủ Iraq, chúng ta sẽ gửi một lực lượng đặc biệt nhắm các mục tiêu để giúp chính phủ Iraq và quân Peshmerga gia tăng áp lực lên ISIS. Những nhân viên đặc biệt này sẽ, với thời gian, có thể tiến hành các cuộc tấn công, giải thoát con tin, thu thập tin tức và bắt các lãnh tụ ISIS. Ông Carter cho biết lực lượng đặc biệt này sẽ “đơn phương hành quân ở Syria” (Có nghĩa rằng bất kể chính phủ Syria). “Căn bản sẽ là những cuộc đột kích trên toàn cõi Syria, làm cho ISIL ban đêm khi lên giường phải tự hỏi rằng đêm nay ai sẽ vào qua cửa sổ”. Tại Iraq, các cuộc tấn công sẽ thực hiện do yêu cầu của chính phủ Iraq. Ông giải thích thêm rằng “chúng ta sẽ mở rộng đáng kể các tấn công vào hạ tầng cơ sở và nguồn gốc lợi tức của ISIS, đặc biệt là từ dầu hoả. Trong vài tuần qua, nhờ cải thiện tình báo và hiểu rõ các hoạt động tài chính của ISIS, chúng ta đã gia tăng không kích vào hoạt động dầu hoả để duy trì cuộc chiến của ISIS, là một thành phần trụ cột của hạ tầng cơ sở tài chính ISIS”.
Những dân cử trong đáy lòng có điều thắc mắc rằng tại sao trong hơn một năm qua lãnh đạo khối các nước chống ISIS, thực hiện trên dưới chục ngàn phi vụ mà Hoa kỳ không làm suy chuyển gì sức mạnh ISIS, nay chắc hẳn sẽ tương đối hoan hỉ. Vì bộ trưởng Carter cho thấy sự tiến bộ vượt bực của tình báo Mỹ, “chỉ trong vòng vài tuần” đã tìm ra cái xương sống của sức mạnh ISIS là buôn bán dầu hoả, để chính phủ quyết định tập trung đánh sập bằng lực lượng đặc công, mà Ngũ giác đài gọi là “lực lượng viễn chinh nhắm đích đặc biệt” (specialized expeditionary targeting force). Các nhà chính trị ủng hộ chính sách chính phủ sẽ thích thú ca tụng tổng thống Obama đã không nuốt lời hứa “không có giầy trận trên đất” (no boots on the ground) – tức là không gửi bộ binh ra ngoại quốc - mà ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần, có người đếm được tổng số là 16 lần trong hai năm từ tháng 8/ 2013 đến 8/2015.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan tin tưởng ở những lời của các nhà lãnh đạo chính trị. Cụ thể là khi ISIS mới trổi lên, nổi tiếng vì trong thời gian chưa đầy hai tháng giữa năm 2014, chiếm được một khoảng đất rộng lớn nằm giữa Syria và Iraq, thì các nhà chính trị và tình báo nói rằng lực lượng này có chừng 30,000 lính. Mới đây, một giới chức bộ quốc phòng xin dấu tên cho biết những cuộc không kích của lực lượng chống ISIS đã giết được 25,000 quân. Tức là chỉ còn chừng 5,000 quân. Thế mà Hoa kỳ phải mở chiến thuật mới, gửi “lực lượng viễn chinh nhắm đích đặc biệt”, mà nhiệm vụ được tiết lộ là sẽ còn tiếp tục lâu dài. Ngoại trưởng Kerry tại Belgrade họp hội nghị của tổ chức An ninh và hợp tác Âu châu Organisation for Security and Cooperation in Europe (OSCE) lại mới tuyên bố rằng không thể giải quyết ISIS nếu không có quân lính tại chỗ. Được hỏi thêm phải chăng là lính từ Âu Mỹ thì ông Kerry đã trả lời là lính Á Rập và Syria.
Nhũng người nghi ngờ thì không hiểu tại sao mà tình báo và phản gián Mỹ lại có thể cải thiện trong vài tuần, và khám phá ra cái xương sống của tài chính ISIS là buôn bán dầu hoả? Phải chăng là do sự đột ngột tham dự của không lực Nga oanh tạc ISIS cách đây chưa đầy hai tháng mà bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter gọi là hành động đổ dầu vào lửa? Điều gì đã làm cho Mỹ không nhìn thấy các đoàn xe vận tải to lớn của ISIS chờ đợi lấy dầu và chở đi bán hay cung cấp dưới sự canh chừng ngày đêm của các vệ tinh Mỹ? Hay là do tin Nga mới tiết lộ rằng ISIS buôn bán dầu hoả với Thổ nhĩ Kỳ, mà Nga có đủ bằng cớ, chỉ rõ đường các chuyến dầu đi về phiá bắc, qua biên giới Thổ và Syria, tới ba điạ điểm khác nhau trong nước Thổ. Trong thương vụ này, tổng thống Thổ nhĩ kỳ và con trai là những người trực tiếp dính líu và thu lợi. Dĩ nhiên, ông Erdogan đã chối cãi mạnh mẽ, nói rằng Thổ không chấp nhận sự vu khống. Ông tố rằng dầu hỏa ISIS là do Assad tiêu thụ và chính Assad là kẻ tạo ra ISIS. Đứng ngoài không ai có thể nói rằng bên nào đúng bên nào sai. Tuy nhiên, nếu mà chỉ nghĩ sơ qua một chút thì người ta không khỏi có câu hỏi rằng tại sao Assad lại dựng ra ISIS để chống mình. Và tại sao mà Mỹ và các nước chống Assa không tích cực oanh tạc các nguồn dầu và đường vận tải dầu bằng không kích, là chuyện không khó. Tương tự như Pháp mở đầu gấp rút oanh tạc tiêu diệt đoàn quân của Khadafi gửi tới đánh trung tâm khởi loạn Benghazi, đảo ngược tình hình, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Khadafi.
Chỉ nhìn lược sơ qua những sự kiện mâu thuẫn như vậy, người ta thấy rõ rằng cuộc chiến Syria là cuộc chiến từ ngoài tạo ra, nhân danh vì tự do dân chủ và nhân quyền, kéo dài trên 4 năm để khiến cho gần một chục triệu dân Syria phải bỏ nhà bỏ cửa chạy nháo nhào tìm chỗ sống. Làm cho gần hai triệu dân Syria vượt biển vượt biên chạy trốn bom đạn từ trời từ biển rót xuống, không biết đâu mà tránh. Làm cho 250,000 người thiệt mạng theo đánh giá của Liên hiệp quốc. Làm cho dân Syria vừa bị coi là nạn nhân của ISIS, vừa bị nghi là ISIS vân vân và vân vân.
Trong khi đó, những lời tốt đẹp của các nhà lãnh đạo thế giới đang được truyền thông loan đi. Tại hội nghị OSCE Belgrade, ngoại trưởng Kerry nói rằng ông “cầu nguyện và mong mỏi cho Assad ra đi” Còn ngoại trưởng Nga thì chỉ nhắc lại lập trường của tồng thống Putinlà để cho số phận Assad nằm trong tay dân Syria quyết định.
Trong hoàn cảnh bom rơi đạn nổ triền miên liên tục, có lẽ đa số sẽ chẳng suy nghĩ gì, mà dân Syria chỉ cuống cuồng ôm đầu chạy khỏi chỗ nào không có bom rơi đạn nổ, máu đổ thịt rơi hay là cầu nguyện ơn trên cho thêm sức chịu đựng
Trần Xuân Ninh
Ngày 4 tháng 12/2015