1/ Sự hấp dẫn không ngờ của cuộc tranh cử trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm 2016
Nhiều người đã nghĩ rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016 sẽ chẳng có gì hấp dẫn. Bởi vì nhiều lý do.
Thứ nhất là những o bế, quảng cáo và tô điểm đủ mặt cho ứng cử viên gà nòi của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, đã được giới truyền thông Mỹ lai rai trong suốt 7 năm ròng rã, từ khi bà làm ngoại trưởng cho ông Obama cho đến khi bà tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Những thành công, những thất bại, những tai tiếng, những dối trá, vân vân, của bà từ khi làm đệ nhất phu nhân rồi ngoại trưởng và đến nay, tất cả đã được đem ra trình bày, mổ xẻ, chê bai, bênh vực. Tên tuổi của bà Hillary Clinton không còn trong tình trạng không có người biết. Mà cái quan ngại nếu có, là trong cái xã hội Mỹ bận rộn vội vã, sống trong tiêu thụ tíu tít, người ta biết quá nhiều, đến độ không để ý nữa.
Thứ hai là các ứng cử viên đảng Cộng hoà tuy là đông đảo và có thế giá, nhưng tất cả đã chỉ đều giữ sao cho chừng mực trong khi phát biểu lập trường bảo thủ, để tạo ấn tượng là nghiêm chỉnh đàng hoàng, nhằm xoá đi cái tiếng xấu đảng Cộng hoà là đảng đã đóng trò kỳ đà cản mũi nhiều năm tại quốc hội trong mọi kế hoạch quốc gia. Từ chuyện lớn là trần nợ, đến chuyện không thể không thay đổi là cải tổ y tế, và chính sách di dân cũng như võ khí hạt nhân Iran.
Nhưng đặc biệt là xuất hiện của nhà tỷ phú Donald Trump trong phiá đảng Cộng hoà. Ông Trump nhẩy vào tranh cử với những lời nói mạnh mẽ chẳng nể vì ai. Nói tới chính sách di dân ông đã công kích “vơ đũa” là người Mễ Tây Cơ xì ke ma túy và hiếp dâm. Các nhà chính trị Cộng hoà khởi đầu ngần ngại không lên tiếng vì sợ tiếng chia rẽ, cho tới khi không đừng đuợc mới chỉ trích ông. Đa số các chính trị gia cũng như bình luận gia cho rằng ông Trump không trụ được lâu và không đủ tư cách làm tống thống. Thế nhưng cho tới nay ông ta đã vượt lên trên tất cả các ứng viên Cộng hoà vốn được coi là nghiêm chỉnh và sáng giá. Và ông cứ tiếp tục như thế mà đi lên. Tại vài nơi, số phiếu ủng hộ ông đã lên sát nút, và ngay cả vượt lên trên bà Hillary Clinton! Và mới đây, ngày 7 tháng 12/2015, trên hàng không mẫu hạm Yorktown đậu ở South Carolina, ông Donald Trump lại lên tiếng kêu gọi “cấm chỉ hoàn toàn và trọn vẹn” người Hồi giáo vào nước Mỹ cho tới khi mà “chúng ta thấy rõ những gì đang diễn ra”. Ngày hôm sau khi được phỏng vấn hỏi lại cho rõ, ông ta đã giữ nguyên lập trường không thay đổi.
Các nhà chính trị Mỹ đã phản ứng nhanh chóng. Phát ngôn viên Bạch cung Josh Earnest nói rằng ông Trump đã “tự loại ông ra khỏi vị trí tổng thống Hoa Kỳ”. Và tuyên bố của ông Trump “có hại cho Hoa kỳ”, và “làm khó khăn cho việc hợp tác làm việc với các lãnh đạo người Mỹ gốc Hồi giáo trong chuyện nhìn ra những tiềm năng đe doạ”.
Chủ tịch hạ viện mới đắc cử Paul Ryan, tuyên bố ý kiến của ông Trump là ngược với những giá trị của đảng Cộng hoà và của cả nước Mỹ nói chung. Ông Ryan nói với các phóng viên rằng “Tự do tôn giáo là một nguyên tắc căn bản của hiến pháp. Đó là một nguyên tắc nền xây dựng quốc gia”. “Đó không phải là lập trường bảo thủ. Điều đưa ra hôm qua không phải là lập trường của đảng này. Và quan trọng hơn nữa, không phải là lập trường của quốc gia này”. Chủ tịch khối đa số đảng Cộng hoà thượng viện McConnell nói rằng cấm người vào Mỹ vì lý do tôn giáo là “hoàn toàn không đúng với tinh thần của những giá trị Mỹ”.
Tuy nhiên giới truyền thông Mỹ cho biết rằng cả hai người, Paul Ryan cũng như McConnell và đa số các chính trị gia Cộng hoà khác đều né tránh trả lời thẳng câu hỏi, rằng nếu mà Trump được chọn làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà thì họ có ủng hộ Trump không, tuy rằng quan điểm chung của họ là ủng hộ người được chọn.
Nhìn qua các phản ứng đối với Donald Trump như vậy, người ta có thể thấy được cái khó xử của những ứng viên Cộng hoà. Lập trường của họ không khác Trump bao nhiêu, nhưng không thể nói thẳng ra, vì họ còn cần kiếm phiếu của những cử tri gọi là “bảo thủ vừa phải”, chứ không thể như Trump chỉ cần gây phấn khởi cho quần chúng của mình.
Cũng nhìn dưới khiá cạnh tranh cử, thì bà Clinton đã nhanh tay chụp lấy cơ hội để tạo chú ý, và đánh vào những đối thủ tranh cử khác có những luận điệu kể là chống Hồi giáo. Bà viết “Ngôn ngữ của họ có thể được che mờ hơn là ông Trump, nhưng ý kiến của họ thì không khác là bao nhiêu.”
Những lời qua tiếng lại giữa các ứng viên trong củng một đảng, hay trong hai đảng khác nhau, tuy nhiên, rồi sẽ qua đi sau cuộc bầu tổng thống vào tháng 11/2016. Nhưng điều đáng nói là cái không qua đi. Đó là số 36% ủng hộ Donald Trump sau lời tuyên bố cấm người Hồi giáo vào Mỷ và lập trường cực đoan thủ cựu của ông, và cái mà người ta đọc thấy qua nhận định của David Brody, cây viết chính của hệ thống truyền thanh Thiên chúa Giáo Christian Broadcasting network. Brody viết rằng lập trường của ông Trump “sẽ cộng hưởng với những nhà truyền giáo Hoa kỳ, nếu mà ông ta có thể nói ra cho rõ những vấn đề thần học nằm trong Hồi giáo và kinh Coran”.
Kỳ thị mầu da và sắc tộc đã là điều đáng sợ kéo dài, tuy may mắn là vấn đề này đã và đang được giải quyết phần nào, ít ra là trong xã hội Mỹ. Nhưng đáng sợ hơn là cái tinh thần đem hai tôn giáo khác biệt ra đối chọi với nhau. Như Donald Trump, David Brody và những người nhắm mắt chống Hồi giáo. Trong khi nghĩ cho phải thì nếu có chống là chống cuồng tín, cực đoan, dù là thuộc tôn giáo nào cũng vậy.
Tuệ Vân
(Ngày 11 tháng 12/2015)
--------------------
2/ Vài suy nghĩ về tình hình thế giới cuối năm 2015
Trần Xuân Ninh
Có vẻ như những tuần lễ cuối năm dẫn vào những ngày nghỉ lễ truyền thống được coi là bình an hoà ái trong những xã hội theo văn minh Do Thái Thiên chúa giáo Tây phương năm nay không lấy gì làm yên ổn.
Hãy bắt đầu từ Hoa kỳ, cường quốc cho tới nay vẫn được coi là giầu mạnh số một, vừa vì khả năng khoa học kỹ thuật tiên tiến, vừa vì khả năng tiêu thụ khổng lồ, có một không hai, ảnh hưởng lớn đến tốc độ vận hành của nền tài chính kinh tế thế giới. Những cuộc xả súng bắn giết không có lý do rõ ràng thích đáng đã tạo ra những phản ứng, suy nghĩ đối nghịch. Sau vụ nổ súng ở bệnh xá kế hoạch gia đình Planned Parenthood, Colorado Springs, Colorado, tổng thống Obama đã nói “Đây không phải là điều bình thường. Chúng ta không để nó trở thành bình thường. Nếu thật sự chúng ta quan tâm thì chúng ta phải có thái độ đối với sự dễ dàng có võ khí chiến tranh trên đường phố của chúng ta. Chấm hết. Thế là đã quá đủ”.
Rồi đến vụ sát hại ở trụ sở một hội thiện nguyện tại San Bernadino, California, bởi cặp vợ chồng Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik, làm thiệt mạng 14 đồng nghiệp và 21 người khác bị thương. Chính phủ cho tiến hành điều tra coi như một vụ khủng bố. Tổng thống Obama và nhiều chính trị gia Dân chủ lại lên tiếng đòi cải tổ luật sở hữu súng, giới hạn sự mua súng. Thì ngay lập tức, hội National Rifle Association (NRA) đã mạnh mẽ phản đối, cũng như các đối thủ chính trị của ông Obama, mà đổ tội cho sự thất bại của chính sách Obama. Donald Trump chủ trương dùng súng, biện luận rằng Pháp không có luật cho cá nhân dùng súng mà vẫn xẩy ra vụ 13 tháng 11, khủng bố tấn công sát hại dân chúng. Vấn đề quyền dùng súng còn nguyên, mà phiá thắng là hội NRA với một giàn những chính khách đa số là Cộng hoà mà hội cho tiền ứng cử. Đây là một đặc điểm của xã hội dân chủ và pháp trị Hoa kỳ, trong đó mọi tiếng nói được nghe và quyết định bởi đa số, mà đa số này là tùy thuộc vào tiền vận động theo những quy định hợp pháp, nhưng mà không thiếu gì lỗ hở.
Nói đến tiền và luật pháp và thành kiến thì không khỏi nói đến vụ thiếu niên da đen 17 tuổi Laquan McDonald ở Chicago bị một cảnh sát da trắng bắn 15 phát súng trong 16 giây không có lý do. Chuyện kể là đã xong vì xẩy ra cách đây hơn một năm, thành phố đã bỏ ra 5 triệu đô la điều đình với gia đình Laquan để im miệng không kêu ca. Cho tới khi mà một phóng viên nghiệp dư nộp đơn trước toà đòi thành phố phải công bố đoạn phim video đặt trên xe cảnh sát thu lúc sự việc diễn ra. Thế là mọi sự đổ bể. Người ta trông thấy rõ ràng cảnh Laquan bị giết vô cớ một cách tàn bạo, vì sau khi ngã xuống đất rồi, đạn còn tới tấp tiếp theo làm nẩy người lên như cảnh trong phim chiếu bóng. Thị trưởng Rahm Emanuel, một tay quyền thế, nguyên là chánh văn phòng tổng thống Obama đã phải cách chức cảnh sát trưởng và công khai xin lỗi. Nhiều yêu cầu đòi Emanuel từ chức. Ông Obama đã không hé răng có một lời che chở. Nhưng những bài viết lai rai tiếp theo cho thấy rằng Emanuel khó mà ra đi vì vốn thuộc về một gia đình Mỹ Do Thái lấy chuyện phấn đấu quyết liệt tới thành công, làm nguyên tắc hướng dẫn.
Nhìn sang Nga, đối thủ của Mỹ trong vấn đề Trung đông, thì Putin cũng không được yên ổn mà tiếp tục giữ thế thượng phong trong đối sách Syria, kể từ khi quyết định bảo vệ tổng thống Assad của Syria bằng những cuộc không kích đánh vào quân khởi loạn ISIS. Bởi vì một máy bay oanh tạc của Nga đã bị hai máy bay F16 của Thổ nhĩ Kỳ bắn hạ trong vòng 30 giây lọt qua không phận Thổ. Cuộc bang giao Nga Thổ trở thành căng thẳng, và Thổ phải nhận những biện pháp chế tài khá nặng của Nga. Nhưng chưa rõ bao giờ thì sẽ quỵ, bởi vì khối NATO đã hưá hẹn viện trợ cho Thổ 3 tỉ đô la gọi là để giúp giải quyết vấn đề tị nạn ở biên giới Thổ và Syria. Người ta nghĩ rằng tuy Thổ chỉ là nước hạng nhì trong khối Bắc Đại Tây dương, nhưng đã có những hối thúc Âu Mỹ để mà đứng ra chọc Nga với Iran. Bởi thế, quân Thổ đã mới được gửi đến căn cứ trong vùng biên giới phía Bắc Iraq để mà gọi là huấn luyện quân người Kurds chống khủng bố. Thủ tướng Iraq đã phản đối mạnh mẽ hành động này và đòi Thổ rút ra ngay, và đại giáo chủ Hồi giáo Shiite của Iraq Ayatolah Ali al Sistani đã chỉ trích Thổ nhĩ kỳ rằng “không thể nào gửi quân vào lãnh thổ một nước khác nhân danh chống khủng bố” và yêu cầu Thổ “tôn trọng chủ quyền” của Iraq. Giới chức Thổ đã biện minh rằng quân Thổ vẫn trong vùng gần Mosul từ năm ngoái đến nay để huấn huyện. Người ta biết Thổ không rút quân mới gửi tới nhưng đã ngừng gửi quân thêm nữa. Thổ là thuộc Hồi giáo Sunni còn Iraq thì theo Hồi giáo Shiite. Hai giáo phái vốn không thuận thảo, và bây giờ lại càng khó gần nhau, nhất là trong khung cảnh chính trị đối đầu Nga Mỹ hiện tại, dù là trong khung cảnh gần dịp lễ lớn cuối năm.
Nhìn xuống Nam Mỹ, thì tại Argentina, ứng cử viên tổng thống Mauricio Macri đã thắng đối thủ được tổng thống mãn nhiệm Cristina Fernandez hỗ trợ, sau một cuộc tranh cử gay go, có những lời qua tiếng lại nặng nề. Bà Cristina có khuynh hướng tả khuynh, theo chính sách nâng đỡ người nghèo, chi phí rất nhiều vào các chương trình xã hội. Còn Mauricio Macri thì hữu khuynh, tranh cử như là một thương nhân. Sau khi thắng cử, ông Macri đã đá giò lái các bài diễn thuyết dài dòng tấn công ông mạnh mẽ khi tranh cử của bà Cristina, rằng “Tôi sẽ nghe nhiều hơn nói”. Và ông hưá hẹn theo nguyên tắc thị trường tự do để cải thiện nền kinh tế đang vận lộn bên bờ khủng hoảng vì 12 năm cai trị dưới quyền bà Cristina và chồng bà, là tổng thống quá cố tiền nhiệm Nestor Kirchner. Sự bất đồng ý kiến căng thẳng giữa hai bên đã kéo dài cho tới ngay sau khi có kết quả bầu cử. Phát ngôn viên của bà Cristina tuyên bố rằng bà sẽ không dự lễ bàn giao quyền hành tống thống.
Tại Venezuela, trong cuộc bầu cử quốc hội đảng đối lập Democratic Unity thắng gấp đôi số ghế đảng Xã hội của tổng thống Nicolas Maduro đương nhiệm và do đó sẽ đóng vai trò lãnh đạo Venezuela. Tuy vậy nhưng tình hình không dễ dàng. Nhưng ít ra thì Mỹ cũng có lý do để mà vui vẻ, vì những giới chức chính trị mới không theo xu hướng xã hội của tổng thông tiền nhiệm đã quá cố của ông Maduro là Hugo Chavez.
Xem ra, không có nơi nào trên thế giới mà có vẻ bình an chờ những ngày nghỉ xả hơi cuối năm truyền thống của văn minh Do Thái Thiên chúa giáo. Có lẽ biểu kiến chỉ có một người đứng ngoài, và một nước dứng ngoài, không can dự trực tiếp vào những bất ổn linh tinh này. Đó là Tập Cận Bình, tổng thống Trung Cộng, với nét mặt thản nhiên sang thăm mấy nước Phi Châu và hứa hẹn cho vay cũng như đầu tư nhiều tỉ bạc. Phải chăng đúng như lời các cụ ta nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”? Muốn nói gì thì nói, TC có tiền mua bất động sản ở các nước Âu Mỹ, có bạc cho các nước nghèo Phi Châu vay, có hàng hoá cho dân tiêu thụ ở Âu Mỹ mua chịu. Nhìn tình hình thế giới như thế, không khỏi lúng túng tự hỏi “Thế này là thế nào?” Nhìn trước nhìn sau chỉ thấy mờ mờ ảo ảo. Mới hiểu ra rằng con đà điểu mỗi khi có bão cát nổi lên là nhắm mắt chúi đẩu vào cát.
Trần Xuân Ninh
(Ngày 11 tháng 12/2015)