1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào Nguyên Kim. Chào TV. Trước hết tôi xin cập nhật một vấn đề mình đã đưa ra trong kỳ bàn chuyện thời sự trước, là tin liên quan đến hiệp ước đối tác Xuyên Thái bình dương TPP. Cách đây một tuần chúng ta đã biết rằng thượng viện đã không thể có được đủ số phiếu thông qua dự luật (trade promotion authority) trao cho hành pháp quyền nhanh chóng điều đình hiệp ước thương mại với những nước ven Thái bình dương để kết thúc hiệp ước đối tác Xuyên Thái Bình dương TPP. Sau nhiều vận động hậu trường ráo riết của Bạch cung thì đến ngày thứ năm 21 tháng 5, thượng viện đã thông qua dự luật Trade promotion authority này. Tuy nhiên, cũng chưa biết liệu dự luật có được hạ viện mà đảng Cộng hoà chiếm đa số, sẽ chấp thuận hay không. Dù sao thì cũng xin nhắc lại ở đây rằng giả sử như Bạch cung có được quyền này, và hiệp ước TPP có thành hình với 12 nước, thì cũng sẽ khó có tác dụng mong muốn lúc khởi thảo, nghĩa là ngăn chặn bành trướng thương mại của TC. Bởi vì ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu do TQ đề ra ở hội nghị APEC tại Bắc Kinh hồi tháng 11 đã được nhanh chóng hình thành, với 60 nước và định chế tài chính thế giới tham dự trong tư cách thành viên sáng lập. Tin Mỹ đáng chú ý thứ hai là đại bồi thẩm đoàn ở Baltimore đã quyết định truy tố 6 cảnh sát viên dính líu trong vụ bắt vô cớ thanh niên da đen Freddie Gray và gây thương tích làm gẫy cổ anh này, khiến anh bị chết một tuần sau, trong khi bị giam. Tại Biển Đông thì tin Mỹ cho máy bay thám thính vùng Trường Sa mà TC nhận là của mình là một tin nóng. Một tin khác cũng làm có người thích thú là toà án quốc tế ở The Hague, Hoà Lan đã cứu xét đơn kiện TC của Phi luật tân và đã tuyên bố rằng đường lưỡi bò của TC ở Biển Đông là vô giá trị. NK và TV có để ý các tin này không?
2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào bs N và thân kính chào chị TV. Về hiệp ước đối tác Xuyên Thái Bình dương TPP thì bây giờ mình chỉ còn việc theo dõi xem kết quả thực tế ra sao. TPP sẽ có khả năng ngăn chặn bành trướng kinh tế TC không, TPP sẽ đem lại cho Mỹ những lợi điểm nào để làm nền kinh tế cất cánh trở lại, hay chỉ là thêm một hiệp ước cho có. Về vấn đề Mỹ ngày 20 tháng 5 cho máy bay thám thính P8A-Poseidon bay trên biển đông gần vùng TC nhận là của mình thì khá là hấp dẫn, nếu cứ theo như tường thuật của phóng viên đài CNN ở trên chiến máy bay. Bản tin của CNN cho biết rằng chiếc máy bay đang trên vùng quần đảo Trường Sa thì nhận được 8 lần cảnh báo bằng tiếng Anh. Lời cảnh báo là “Máy bay quân sự ngoại quốc. Đây là hải quân Trung quốc. Anh đang lại gần vùng báo động quân sự của chúng tôi. Hãy ra khỏi ngay lập tức.” Và tiếp theo là “Đi! Đi”. Toán phóng viên CNN đã kể tiếp là phi công đã bình tĩnh trả lời rằng chúng tôi đang bay trên không phận quốc tế. Đã không có chuyện gì xẩy ra. Ngày thứ năm, hôm sau, phát ngôn viên bộ ngoại giao TC Hồng Lỗi tuyên bố rằng “Bắc kinh có quyền theo dõi một số vùng trời và vùng biển để bảo đảm an ninh quốc gia, ngăn ngừa nhữngg biến sự bất ngờ trên biển”. Và các nước khác phải tôn trọng chủ quyền của TQ”. Theo NK thì đây chỉ là những chuyện kể cho vui, chứ không có ý nghĩa gì ghê gớm như một số nguồn tin và bình luận tiếng Việt trên mạng điện tử cho rằng Mỹ cương quyết ngăn chặn TC ở biển đông, và rằng sẽ xẩy ra đụng độ Mỹ Trung Cộng và Trung cộng sẽ bị đè bẹp.
3/ TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Theo TV, ý kiến cho rằng Mỹ và TC sẽ đánh nhau trên biển Đông để giành ưu thế quân sự hay là để bảo vệ đồng minh như Phi luật Tân, là nước có hiệp ước bảo vệ của Mỹ, chỉ là hoang tưởng và được nói ra như là những dự đoán, bởi một số những nhân vật được gọi là những chuyên gia hay những cựu nhân viên an ninh tình báo hay chính phủ, nghĩa là những người không nắm quyền mà chỉ giúp lèo lái dư luận thuận lợi đối với chính sách chính phủ. Những dự đoán này do đó không có mấy triển vọng thành sự thực. Dân Mỹ tuyệt đại đa số không thích chiến tranh, trừ một số chính trị gia đại diện cho các thế lực diều hâu. Ngay như tại Trung đông như Syria, Iraq, Afghanistan là những nơi mà Mỹ tích cực giành thế chủ động thì chuyện đem quân vào tham chiến cũng là điều không có nhiều hy vọng được ủng hộ. Ngoài ra, theo dõi các tin chính thức và các tuyên bố chính thức của các giới chức lãnh đạo Mỹ, chúng ta không thấy có ai nói với tính cách quyết liệt đối đầu. Tường trình về cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng Kerry và Tập Cận Bình mới đây ở Bắc Kinh về vấn đề TC xây căn cứ quân sự trên vùng tranh chấp, chỉ thấy nói kết thúc thảo luận là “cả hai bên đều nhấn mạnh đến sự quan trọng của ngoại giao để giải quyết các tranh chấp.”. Ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị nói TQ sẵn sàng thảo luận ngoại giao nhưng sẽ không ngưng xây cất mà ông nói rằng đó là “nằm trong phạm vi chủ quyền của TQ. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của TQ là vững chắc như đá, và không thể lay chuyển.” Và Vương Nghị thêm rằng “khác biệt giữa Mỹ và TQ có thể giải quyết được chừng nào mà chúng ta có thể tránh hiểu lầm và quan trọng hơn nữa, là tránh tính toán lầm”. Còn về phía Mỹ thì từ đầu cho tới nay, lúc nào cũng tuyên bố không lấy lập trường về chủ quyền của phía nào cả mà chỉ quan tâm đến quyền tự do lưu thông. Tin cũng cho biết rằng chính phủ Obama từ chối không bình luận về những tường trình cho biết Mỹ có thể sẽ khai triển các phương tiện quân sự trong vùng và chứng tỏ là có quyền đi vào tới vùng tự do giao thông cách bờ là 12 hải lý. Đây là điều mà có lẽ Mỹ chỉ muốn TQ hiểu ngầm rằng đừng đi quá lố ở biển Đông.
4/TXN. Tôi cho rằng điều đáng nói ở đây là tin loan đi rằng tuy có bất đồng về sự tranh chấp ở biển Đông, cả hai ông Kerry và Vương Nghị đều nói rằng hai nước đều đạt những tiến bộ trong các lãnh vực khác, như thay đổi khí hậu, chống bạo lực cực đoan và thương thảo chiến lược và kinh tế Mỹ TQ trong chuyến đi Mỹ sắp tới của Tập Cận Bình, cũng như những hợp tác trong vụ Iran. Tóm tắt thì vụ tranh chấp biển Đông chỉ là chuyện quan trọng với những nước liên hệ trong vùng. Ai làm chủ những tài nguyên thiên nhiên đối với Mỹ thì cũng vậy thôi. VC dâng hiến biển và đảo cho TQ và chấp nhận TQ làm anh lớn thì chỉ có dân VN là gánh hậu quả, còn Mỹ vẫn tiếp tục có những trao đổi giao thương và quyền lợi trong một số lãnh vực qua trung gian Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng đứng thầu làm “cò” từ khi đóng vai thống đốc ngân hàng nhà nước, đến khi làm thủ tướng mười mấy năm nay là đủ rồi.
5/NK. thấy tuyên bố của toà án quốc tế The Hague về đơn kiện TQ trong vụ tranh chấp biển Đông chỉ là điều phải xẩy ra. Tuy nhiên cái điểm đáng nói ở đây rằng tuyên bố TQ là sai nhưng sai rồi thì làm gì TQ? Lực lượng nào, sức mạnh nào sẽ đuổi TQ ra khỏi vùng chiếm cứ bất hợp pháp? Cho nên NK có đọc tin nhưng đọc qua rồi bỏ đi thôi. Và quanh đi quẩn lại thì chỉ là chuyện con kiến mà kiện củ khoai thôi. Chuyện đại bồi thẩm đoàn ở Baltimore quyết định truy tố 6 cảnh sát viên dính líu trong cái chết của Freddie Gray NK nghĩ là điều hay, mặc dầu là có những dư luận thiên lệch bênh cảnh sát và đòi bãi chức bộ trưởng tư pháp tiểu bang là người đã nhanh chóng quyết định đem vụ ra xử.
6/TV. Kết quả vụ án ra sao còn phải chờ phân xử. Nhưng TV cũng nghĩ rằng dù sao đi nữa thì vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử tuy là phạm pháp ở Mỹ, nhưng cũng khó có thể nói rằng đã hết hẳn. Như mới đây trong vụ mấy băng đảng lái xe mô tô tụ họp tại quán ăn Twin Peaks ở Waco Texas thanh toán bắn chém lẫn nhau làm cho 9 người chết cũng tạo bàn tán khi người xem hình thấy cảnh sát đứng gác một cách thanh thản trong khi những kẻ bị bắt ngồi xem hay nghe điện thoại khôn ngoan (smart phone), khi so sánh với thái độ cảnh sát lăm lăm súng ống trước những vụ biểu tình phản đối kỳ thị của người da đen. Kể thế để cho thấy sự phức tạp và thiên lệch của con người trong vấn đề kỳ thị, chứ thực tình thì cũng không mấy ai để ý nếu không đọc thấy những so sánh bình luận trên mạng điện tử.
7/TXN. Nói đến kỳ thị thì làm tôi nghĩ đến một tin khác. Là có 64 hội đoàn Á châu gồm có Tầu, Ấn độ, Nam hàn, Hồi quốc, đã nộp đơn lên bộ tư pháp và bộ giáo dục kiện trường đại học Harvard là đã có chính sách tuyển sinh kỳ thị dựa trên sắc tộc và mầu da. Nhóm này tố giác rằng Harvard và các trường Ivy League khác đã dựa trên nguyên tắc nâng đỡ những sinh viên sắc tộc có điểm kém để nhận họ vào học, và vì thế cho nên sinh viên Á châu khác học giỏi không được nhận. Nhóm liên hội này đưa ra những nghiên cứu cho thấy rằng khi nộp đơn vào những trường tư hạng cao cấp, sinh viên Mỹ gốc Á châu phải có số điểm SAT 140 cao hơn sinh viên da trắng, 270 cao hơn sinh viên Mỹ la tinh và 450 cao hơn sinh viên da đen thì mới được xét. Luật sư Robert Iuliano của trường Harvard đã tuyên bố rằng tiêu chuẩn lựa chọn của Harvard là hoàn toàn theo đúng luật pháp và sự lựa chọn không chỉ dựa trên số điểm thi mà còn nhiều yếu tố khác, theo tinh thần “toàn diện” chứ không chỉ căn cứ vào điểm thi, trong đó có yếu tố sắc tộc và mầu da. Ngoài ra, ông Iuliano cũng nói rằng tỷ số sinh viên Mỹ gốc Á châu được nhận vào học đã tăng từ 17.6% lên 21% trong thập niên qua. TV và NK có ý kiến gì về chuyện này không?
8/NK. Sự kỳ thị, hay nói cho đúng, sự phân biệt tuyển sinh không giải quyết được. NK biết rằng cố thượng nghị sĩ Ted Kennedy học không giỏi mà vào Harvard và nghe đâu như cả phạm tội gian lận thi cửa nữa mà cũng qua. Bởi vì nhà Kennedy giầu có, cho đại học nhiều tiền thì không có lý do gì mà trường không nhận cho con nhà Kennedy vào học, dù có dốt. Những con cháu Kennedy về sau này, NK nghe nói cũng thế.
9/TV. Về việc tuyển sinh thì TV còn biết rằng lý do chính trị cũng là quan trọng nữa. Các trường đại học nhận tiền của chính phủ trợ cấp để nhận cho các sinh viên ngoại quốc vào học hay là làm nghiên cứu sinh. Vì thế có những sinh viên là chức sắc cao cấp hay cán bộ VC vào học các chương trình cử nhân hay tiến sĩ mà không có tiếng Anh, hay tiếng Anh rất kém. Lúc mãn khoá thì dĩ nhiên là vẫn có bằng cấp mang về để treo và nồ nạt dân ngu. Ngược lại thì TV cũng biết rằng những nhân vật chính trị ngoại quốc ở các nước CS cũ mà có công đổi mới thì khi mất chứccũng sẵn sàng được nhận làm giáo sư ở các đại học Mỹ, dầu rằng chẳng có bao nhiêu bằng cấphay thành tích dậy học.
Đến đây thì TV phải xin phép tạm rời chương trình ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả và xin gặp lại quý vị cùng các bạn trong một chương trình kế tiếp. Thân ái kính chào BS N và anh NK.
10/NK. Về vấn đề tuyển sinh vào đại học ở Hoa kỳ có tính kỳ thị ngược thì NK nhớ là cũng có một vụ kiện tương tự ở Caliornia của một sinh viên Mỹ trắng tên là Bakke. Việc lên đến tối cao pháp viện, và tối cao pháp viện đã nêu ra chính sách tuyển sinh được coi là mẫu mực của Harvard để quyết định là không bỏ chủ trương tuyển sinh ưu tiên cho sắc tộc. Nhân chuyện này thì NK cũng xin nêu ra ở đây một tin thời sự khác cũng đáng chú ý. Là một sinh viên đã từ chối không vào tất cả 8 trườngđại học nổi tiếng Ivy League nước Mỹ dầu rằng anh đã được nhận, để mà theo học ở trường đại học ở Alabama. Lý do là các trường Ivy League học phí đắt quá, và tiền trợ cấp cũng như học bổng tuy có nhưng không là bao nhiêu cho nên sinh viên khi tốt nghiệp ra thì nợ đầm đìa. Cho nên anh đã vào học Alabama vì học phí hạ mà còn cho học bổng hậu hĩnh. Bố mẹ anh cũng đồng ý. Bác sĩ Ninh nghĩ sao về chuyện này? Sinh viên và bố mẹ nên tìm đủ cách để theo học các trường nổi tiếng hay là học trường nào cũng được?
11/TXN. Theo nguyên tắc thì ở Mỹ, học các trường đại học nổi tiếng lúc tốt nghiệp dễ kiếm việc làm hơn, và oai hơn. Và đây là suy nghĩ chung, chẳng cứ ở Mỹ mà còn ở các nước khác. Ở Pháp thì các trường lớn là các trường đào tạo các thành phần ưu tú để giữ các chức lãnh đạo các ngành. Ngay như ở Việt nam mình thì cũng có những người khoe cái quá khứ đi học trường lớn. Tuy nhiên tôi biết có không thiếu gì người tốt nghiệp các trường đại học lớn mà ra đời cũng chẳng làm nên cơm cháo gì, nếu mà không phải là con nhà quyền thế, giầu có. Và ngược lại thì tuy không tốt nghiệp trường lớn nhưng có người vẫn thành công và xuất sắc. Cho nên thực tế để vượt lên ở Mỹ là khả năng cá nhân. Cái bằng, và tên trường chỉ là bước để giúp lúc khởi đầu. Trường lớn loại Ivy League ở Mỹ cũng là nơi mà sinh viên móc nối quen biết làm cái cầu tiến thân khi tốt nghiệp. Vì tại những nơi đó, có đông đảo con cháu những gia đình quyền thế ở Mỹ cũng như ở các nước khác. Và quen biết là yếu tố quan trọng hàng đầu để vùng lên ở Mỹ.
12/NK. Quen biết không phải chỉ là yếu tố hàng đầu để vùng lên ở Mỹ đâu, mà là ở khắp nơi, và mọi thời. Bởi thế VN mình mới có câu “con vua thì lại làm vua, con vãi giữ chùa lại quét là đa”. Nhờ sự quen biết mà tiến thân thì không là chuyện lạ. Chỉ có điều là khi mà nhờ quen biết với liên hệ mà giữ những vai trò đòi hỏi khả năng thật trong khi bản thân hoàn toàn bất tài bất lực thì mới là vấn đề. Như ở cái chế độ CSVN biến thái hiện nay. Vì thế mới sinh ra những chuyện “chơi trội” cười ra nước mắt, làm hao tiền hụt của quốc gia, cũng như làm sa đoạ xã hội. Qua tất cả những chuyện này thì NK chi có một thắc mắc nhiều năm không trả lời được, là tại sao trong nước mình cũng như ở hải ngoại có nhiều người kể là, hay tự cho là giỏi giang, mà VC lại đã thắng và cứ tiếp tục giữ quyền cho tới tận nay? Bác sĩ N có ý kiến gì không?
13/TXN. Trong một cuộc đấu, kẻ ngu mà thắng kẻ khôn, kẻ xấu mà thắng người tốt, là bởi vì nó sẵn sàng làm đủ thứ đủ kiểu đủ cách để thắng. Nhưng mà theo tôi yếu tố quyết định thắng lợi là yếu tố thí mạng, mà căn bản là bởi vì không có gì để mất. Khi những thanh niên miền Bắc bị đem vào miền Nam để tấn công VNCH thì ban đầu là với danh nghĩa giành độc lập, thống nhất đất nước thì người ở nhà chấp nhận không chống đối cho nên hậu phương miền bắc yên. Những người lính vào miền Nam khi thấy sự thực thì một phần đã theo chiêu hồi. Phần khác không theo chiêu hồi thì một là không biết, hai là không dám. Đến khi ra trận thì chỉ có một đường tiến hay nằm lì chịu trận vì không biết đường đi nước bước. Cho nên VC có thể thắng trong một số trường hợp. Như vụ Mậu thân, vụ mùa hè đỏ lửa, quân VC chết gần hết. Đa số người ta là có khuynh hướng chịu đựng, không dám thí mạng, cho nên đông mà thua ít, mạnh mà thua yếu là vì vậy. Cho nên nhiều người nói rằng quân VNCH thua trận vì thiếu súng đạn vì Mỹ phản bội, không cung cấp võ khí đạn dược săng dầu. Theo tôi thì yếu tố này chỉ có một phần đúng. Bởi vì nếu so ra thì khi quân VC vào miền nam, võ khí chẳng có ghê gớm hơn VNCH còn đang có là bao nhiêu, chưa kể rằng đa số là lính trẻ bị lôi từ nông thôn đi sau khi trải qua một thời gian ngắn dậy bóp cò súng và mở chốt lựu đạn. Tóm lại theo tôi, yếu tố tinh thần quyết tử hay tử thủ vì không có gì để mất, hay vì không thể làm khác hơn được, là yếu tố quan trọng quyết định thắng thua. Thời gian tôi ở trong trại cải tạo tập trung thì cũng nhận ra được điều này. Là một số rất lớn quân nhân từng được tôi luyện trong các chiến trường bị giam trong các trại trông coi bởi một số rất nhỏ lính trẻ VC mà trật tự yên ắng không có một chút chống đối to lớn nào đáng kể, trừ vài phản ứng cá nhân bị nhanh chóng dập tắt. Trở lại với tình trạng bây giờ, dân chúng trong nước không ai là không căm ghét VC tham nhũng thối nát, độc tài trấn áp. Nhưng mà chỉ có những chống đối lẻ tẻ khi quyền lợi thiết thân bị chạm, cho nên không có tác dụng thay đổi. Những kẻ chống đối chính trị thì chỉ trên nguyên tắc thụ động xin cho, vì thế chẳng có hiệu quả gì, và nhiều lắm là giúp cho ngoại nhân dùng làm các đòn bẩy áp lực cục bộ cho những điều đình trả giá qua lại với chế độ để chia chác ăn trên đầu dân Việt.
Tóm tắt thì trong đấu tranh, yếu tố tinh thần quyết chiến quyết thắng là yếu tố quan trọng định đoạ thắng thua.
Đếnđây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào NK và cám ơn NK. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị trong một kỳ tới.
14/ NK Xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N.