1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV. Chào NK. Đài BBC loan tin hôm nay rằng quốc hội Nga sẽ bỏ phiếu thông qua một đạo luật truy tố những tổ chức ngoại quốc gây phiền hà không ai ưa (undesrirable). Dự luật này là do một đại biểu viện Duma thuộc đảng Putin đưa ra và sẽ được chấp thuận bởi vì những đại biểu theo Putin chiếm đa số ở cả viện Duma lẫn Hội đồng Liên bang. Bản tin thêm rằng luật không định nghĩa thế nào là “gây phiền hà không ai ưa”, mà là để cho công tố viên và bộ ngoại giao quyết định. Một người bị coi là “gây phiền hà không ai ưa” sẽ bị phạt tối đa là 500,000 rúp tiến Nga (chừng 15 ngàn đô la) và 6 năm tù. Tóm tắt lại là đạo luật sẽ xiết chặt thêm nữa sự hoạt động của các tố chức phi chính phủ (NGO). Người ta biết rằng năm 2012, các hoạt động của NGO liên hệ tới chính trị đã bị giới hạn bởi một đạo luật bắt các tổ chức phi chính phủ nhận tiền trợ giúp của ngoại quốc phải khai là các cơ sở ngoại quốc, mà theo BBC thì nhãn hiệu này hàm ý là gián điệp. Cũng ngày hôm nay thì đài BBC còn có một bài viết nói về hệ thống truyền thông Nga đang nỗ lực đổi hình ảnh Putin từ một nhân vật phi thường, khoẻ mạnh, điều gì cũng dám làm, sang hình ảnh một người dân thường khi ông xuất hiện trong đám đông quần chúng diễn hành kỷ niệm Nga chiến thắng Đức quốc xã ngày 9 tháng 5 vừa qua. Người ngoài cuộc nhìn từ xa thì hai tin này chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu để ý đến tình hình bang giao giữa Mỹ và các nước Tây phương với Nga căng thẳng từ gần một năm nay thì thấy rõ là Putin là cái chốt của tình hình bang giao hiện tại. Nhất cử nhất động của ông này đều được chú ý và khai thác.
Về phía Mỹ thì một cuộc điều tra của Pew Research Center mới đây cho biết rằng từ 2007 đến 2014, số người Mỹ theo Thiên chúa giáo đã giảm đi 5 triệu người, nghĩa là 7%, từ con số 78% đến 71%. Số người bỏ đạo Thiên chúa này là thuộc đủ loại tuổi, và sắc tộc. Nếu tính theo miền ở Mỹ thì nói chung, con số những người khai là không có đạo tăng 7% từ 16% đến 23%. Tính theo miền thì số không có đạo tăng lên thành 19% ở miền Nam, 25% ở miền Đông bắc và 28% ở miền Tây. Con số 28% này lớn hơn nhóm quần chúng theo đạo Công giáo ở Mỹ, chỉ có 20%. Tin cũng cho biết rằng những người “không theo đạo nào” càng ngày càng được tổ chức, và người ra nghĩ rằng những nhóm này sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các chính khách vì họ chủ trương tách biệt hoàn toàn tôn giáo ra khỏi chính trị. TV và NK có nghĩ rằng là nếu với đà giảm tín đồ Thiên chúa giáo ở tốc độ này thì trong tương lai Mỹ sẽ là một nước vô thần hay không?
2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào bs N và thân kính chào chị TV. Nói tổng quát thì số người tin ở quyền năng siêu nhiên huyền bí nghĩa là theo một tôn giáo, giảm đi ở những xã hội văn minh khoa học, vì người ta hiểu và giải thích được nhiều hiện tượng mà trước kia con người cho là do trời sinh ra hay thần thánh làm ra. Thí dụ như hoặc giả thánh kinh nói chúa trời làm ra mọi vật và trước đây, người mình cho rằng sét đánh là do ông Thiên Lôi cầm lưỡi tầm sét giết kẻ có tội bị trời phạt. Bây giờ các nhà khoa học nói rằng vũ trụ bắt đầu từ cái gọi là big bang và người ta biết là sấm sét do nhữngg luồng điện sinh ra. Nói thế thôi, nhưng vẫn có nhiều điều người ta không giải thích được, cho nên vẫn có người tin ở các sức mạnh siêu nhiên, nghĩa là tôn giáo không hẳn mất. Ngoài ra, nước Mỹ hàng năm có đủ loại người nhập cư từ các nước thứ ba, như Á châu Phi châu mà những người này thì vẫn tin Thiên chúa, thần thánh, ma quỷ vân vân…Cho nên NK không nghĩ rằng Mỹ sẽ trở thành nước vô thần trong tương lai có thể nhìn thấy.
3/TV. TV kính chào BS N, anh NK, quý vị thính giả, cùng các bạn toàn cầu. Theo TV thì ngày nay tuy nước Mỹ có những người vô thần và có những yêu cầu không được để tượng tôn giáo nói chung và tượng chúa trong các chỗ thuộc chính quyền, nhưng TV đồng ý với anh NK qua việc chưa thấy viễn cảnh một nước Mỹ vô thần. Ngoài ra, hiện nay nói riêng về đạo Thiên chúa thì Mỹ vẫn là nước có nhiều người theo đạo Thiên chúa nhất, với con số 71%. Và vì còn có nhiều điều xẩy ra trong cuộc sống mà con người không giải thích được cho nên tôn giáo vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống người dân Mỹ, tuy con số theo Thiên chúa giáo có giảm đi, nhưng cũng có thể là do con số tín đồ các đạo khác tăng lên.
4/TXN. Chuyện tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị là chuyện kéo dài trong lịch sử thế giới, mà theo tôi thì bắt nguồn từ những tranh chấp mâu thuẫn quyền lực giữa con người với nhau. Tạm kể thí dụ là Âu châu thời Trung cổ thì Thiên chúa giáo là độc quyền kết hợp với vua chúa để cai trị. Sự phát triển của các chế độ thực dân và thuộc địa cũng dựa vào tôn giáo, ngay cả sau khi thần quyền bị tách ra khỏi chính quyền ở Âu châu. Cuộc tranh chấp ác liệt nhất giữa tôn giáo và chính trị trên thế giới là thời kỳ bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản thế kỷ 20, chủ trương vô tôn giáo. Tôn giáo, đặc biệt là Thiên chúa giáo/Công giáo bị trấn áp khốc liệt, bởi vì tính cách tổ chức chặt chẽ và kỷ luật của tôn giáo này bị coi là một đe doạ cho chế độ toàn trị chuyên chính vô sản. Ở Mỹ thì vì là một nước tự do dân chủ, những người vô thần đã đấu tranh cho cái gọi là quyền tự do không tin ở đạo nào, mà đưa ra nguyên tắc cấm xử dụng phương tiện và tài sản chính quyền cho mục tiêu xiền dương tôn giáo. Vì thế trong những năm về sau này thì các tượng chúa Giê su và đức mẹ Maria với máng có của đạo Công giáo vào dịp giáng sinh không còn được trưng bày ở các đất chính quyền với công sở nữa. Nhưng mà trên tờ giấy bạc đô la thì vẫn còn mấy chữ “in god we trust” vì như ta biết thì cho tới nay 71% dân Mỹ vẫn theo Thiên chúa giáo thờ phượng đức chúa Trời. Tôi đã có lần đọc thấy câu này được đưa lên báo chí và riễu cợt đổi đi thành “in gold we trust” (tức là chúng tôi tin ở vàng).
5/NK. Nhân nói chuyện tôn giáo và chính trị thì NK thấy mới có tin rằng Vatican đã công nhận chính phủ Palestine độc lập. Thủ lãnh Liên đoàn Chống phỉ báng Do Thái (antidefamation league) nói rằng đó là “quá sớm”. Chủ tịch nghị hội Do Thái Âu châu (European Jewish congress) cho hiệp ước đó là “không may”. Ngoài ra thì đức Giáo hoàng còn tiếp chủ tịch Cuba Raul Castro. Và trong quá khứ thì đức giáo hoàng đã từng sang Do Thái, và tiếp xúc với các vị lãnh đạo các tôn giáo khác. Qua những tin tức này thì mình có thể có nhận định gì? Tôn giáo và chính trị có trộn lẫn với nhau không? Và một nhân vật lãnh đạo tôn giáo có thể tếp xúc với các chính trị gia không?
6/TV. Theo dõi những tin trên thì rõ ràng chúng ta thấy không thể hoàn toàn tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị được. Nếu có thì là chỉ từng trường hợp với những dụng ý chính trị. Thí dụ như tin trên trang điện tử giáo hội Công giáo ngày 13 tháng 5 loan đi rằng Toà Thánh Vatican đã hoàn thành xong một văn bản ký kết với “nhà nước Palestine” về các vấn đề đời sống và sinh hoạt của giáo hội Công giáo ở Palestine. Phiá Palestine thì cho biết rằng thoả ước đề cập đến vấn đề tài sản, thuế má và nghi thức nghi lễ ở những khu đất thánh. Các nhà chính trị đã đổ xô vào bình luận sự việc này. Một giới chức bộ ngoại giao DoThái đã ra một tuyên bố rằng “Do Thái thất vọng khi nghe tin Toà Thánh đồng ý về một thoả ước với người Palestine trong đó xử dụng danh từ “nhà nước Palestine”. “Một sự việc như vậy không thúc đẩy tiến trình hoà bình và làm cho các lãnh tụ Palestine đi ra xa cuộc thảo luận hoà bình”. Còn Mort Klein chủ tịch tổ chức Zionist ở Mỹ (Zionist Organization of America) nói rằng “tôi bị choáng ván vì sự thoa dịu và sụp đổ của Giáo hoàng trước những người Hồi giáo cực đoan” và sự kiện này là “sự sống lại của tình trạng thù nghịch lịch sử của Công giáo đối với dân Do Thái”. Trong khi đó thì đã có những dư luận ít nhiều biện hộ cho Vatican, nói rằng sự công nhận Palestine không phải là bắt đầu với thoả ước mới hoàn tất và sẽ ký này, mà đã là từ lâu.Vân vân và vân vân.
7/TXN: Theo tôi, thì qua lịch sử thế giới cũng như Việt Nam thì tôn giáo và chính trị không bao giờ tách rời. Tùy theo thời kỳ và điạ phương mà khi thì tôn giáo xử dụng chính trị, khi thì chính trị xử dụng tôn giáo, khi thì hai bên hợp tác với nhau, khi thì hai bên chống nhau. Riêng tại VN, thời toàn trị CS thì đàn áp tôn giáo. Từ khi đi sang đổi mới mở cửa ra ngoài thì CS dùng tôn giáo – hay nói cho đúng hai bên dùng nhau. Hay là nói khác đi bên nọ nhân danh bên kia để biện minh cho những hành động nhiều khi là rất tàn bạo của mình.
8/NK. Bác sĩ N nói đến sự mắc míu giữa tôn giáo với chính trị ngày nay thì NK nghĩ ngay đến một tin thời sự nóng hổi. Là tại Karachi Hồi quốc, ngày 13 tháng 5, một chiếc xe buýt đã bị một nhóm người võ trang đi xe gắn máy xông lên tấn công, bắn vào các hành khách trên xe, giết chết ít nhất là 45 người. Đa số hành khách là thuộc nhóm Hồi giáo thiểu số Shiites, trong khi dân Karachi đa số là Hồi giáo Sunni. Những kẻ tấn công thuộc nhóm tranh đấu Jundullah có liên hệ với Taliban và hồi tháng 11/2014 đã tuyên bố trung thành với lực lượng nhà nước Hồi giáo ISIS theo phái Hồi giáo Sunni. Mà bác sĩ N cũng như TV khi nghe nói đến ISIS thì chắc là nhớ ngay đến tính chất phức tạp của lực lượng Hồi giáo ISIS, với rất nhiều thành phần, nào là nhóm chống Mỹ, nhóm chống Iraq, nhóm chống Syria, nhóm chống Iran, nhóm do các nước Ả Rập thân Mỹ mà đứng đầu là Ả Rập Saudi hỗ trợ. Vắn tắt là trong trường hợp này thì rõ ràng là chính trị xử dụng tôn giáo.
9/TV. Bên cạnh những tin trên, đọc tin về vấn đề Ukraine và cuộc tranh chấp kéo dài giữa Putin cùng bên ủng hộ phe ly khai miền đông Ukraine, và Mỹ với các nước khối Bắc Đại Tây dương ủng hộ chính phủ Kiev, TV cũng thấy nổi lên yếu tố tôn giáo trong chính trị, bác sĩ N và anh NK có để ý điều này không?
10/TXN. Có chứ. Đó là trong những bản tin quanh vấn đề ngoại trưởng Kerry sang Nga ngày thứ ba 12 tháng 5/2015, đến thị trấn Sochi đặt vòng hoa tưởng niệm tử sỉ Nga hy sinh trong thế chiến thứ hai, trước khi gặp tổng thống Nga Putin 4 tiếng đồng hồ. Lý do chính thức được nhắc đi nhắc lại trong các bản tin là tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ rằng chuyến đi của ông Kerry “nhằm duy trì những đường giây liên lạc trực tiếp với giới chức cao cấp Nga để những quan niệm của Mỹ được thông báo rõ ràng cho phiá Nga”. Nói chung tổng quát thì là như thế, nhưng sau khi mà Mỹ và các nước đồng minh thân cận trong khối Nato tẩy chay cuộc diển binh vĩ đại ngày 9 tháng 5 kỷ niệm Nga chiến thắng Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai, thì tình trạng bang giao hai nước không thể để cho trở thành xấu hơn cả thời chiến tranh lạnh. Và ít ra thì Mỹ và Âu châu đã nhận ra sự cương quyết không lùi của Putin trong vụ Ukraine. Và trong cuộc đấu này, Nga có Trung Cộng đứng cạnh, nếu không phải là hỗ trợ trực tiếp chống Mỹ và Âu châu thì cũng không thể để Nga bị Mỹ và Âu châu đánh sập, như chúng ta thấy. Cho nên Mỹ đã phải tiếp tục nỗ lực điều đình với Nga. It ra là trong một bài viết trên CNN, người ta đã thấy nói đến chuyện hai bên có thể làm việc với nhau trong những chỗ mà quyền lợi tương đồng. Thí dụ như trong vụ chống khủng bố. Nga có thể ngại nhóm chống đối Hồi giáo ở Chechen vùng lên tấn công, và vì thế mong có sự hợp tác trong vấn đề Hồi giáo này. Bình luận ra miệng thì là như thế, nhưng biết đâu trong thực tế chẳng là Mỹ sẽ hé cho Nga biết là sẽ không xử dụng các nhóm Hồi giáo ở Nga để quấy phá Putin cũng như là Mỹ đã xử dụng các nhóm Hồi giáo để quấy phá ở Syria và Iraq? Và đây là một điểm để hy vọng chuyến đi của ông Kerry có thể đạt một số kết quả trong vụ Iran và Trung đông với Bắc Phi cũng như trong mối bang giao Nga Mỹ trong tương lai sắp tới.
Thôi mình đi sang vấn đề khác đi gần với cuộc sống của chúng ta hơn. Tại Mỹ, tin cho biết rằng tháng tư vừa qua, vì dân chúng tiêu sài mua sắm không bao nhiêu, mặc dầu các thống kê nói rằng kinh tế đã đi lên và công ăn việc làm đã gia tăng, cho nên các tiệm bán hàng đã đóng cửa khá nhiều ở những khu thuơng mại (mall). Có người tiên đoán rằng là cảnh tượng dân chúng đi đến các khu bán hàng (Mall) để ngắm mà cũng để mua sắm tại Mỹ sẽ giảm đi nhiều trong tương lai . Và trong hai thập niên tới thì 50% số các cửa hàng sẽ đóng cửa, Và khi mà nghe thấy như thế thì trong lòng tôi cũng không khỏi thấy nao nao. NK và TV nghĩ sao về hiện tượng này?
11/NK. Chuyện dân chúng đi đến các khu thương mại (mall) mua sắm giảm đi có lẽ một phần khác cũng là vì sự phát triển của kỹ nghệ bán hàng qua internet và giao hàng qua các máy bay không người lái (drone). Ngoài ra thì mua hàng qua internet thì có thể không phải đóng thuế, và rẻ hơn. Cho nên chẳng cứ là do tình trạng kinh tế xuống dốc, mà các mall sẽ trở thành tiêu điều vì người đi ngắm sẽ bớt đi. Có thể là do nhữngg lớp trẻ được điều kiện hoá từ lúc 2, 3 tuổi, suốt ngày dùng chiếc điện thoại khôn ngoan để xem hình ảnh, nghe âm nhạc, cho nên không còn thìch đi ra ngoài nữa.
12/TV. Theo TV thì mỗi cách mua sắm, mua online hay mua tại tiệm, đều có những cái thuận lợi hay ưu điểm của nó tùy theo điều kiện của người mua. Mua sắm tại các tiệm thì vui và sống động vì thấy được mặt hàng với nhiều kiểu nhiều mầu sắc để chọn lựa, và thử xem có vừa trước khi quyết định trả tiền. Mua hàng qua internet thì tiện lợi vì không phải lái xe đi xa, nhưng khi không không vừa, không đúng ý thích, lúc đi trả thì phải xếp hàng tại bưu điện trong giờ hành chánh trùng với giờ đi làm, ngoài ra lại phải tốn tiền cước. TV tuy không phải là người thường xuyên đi đến các mall để ngắm hay mua sắm, nhưng khi nghe thống kê cho biết rằng, số người đi xem các cửa hàng đã giảm đi đáng kể trong năm năm vừa qua và sẽ giảm đi hẳn trong tương lai thì dạ cũng như BS N., không khỏi thấy nao nao. Bây giờ TV mới có trả lời cho cái thắc mắc là tại sao mà lại có những “thành phố ma” (ghost town) ở Mỹ. Chẳng qua là vì lý do buôn bán. Khi không còn buôn bán nữa, hay khi buôn bán đổi tính chất thì không phải là chỉ có các cửa hàng đóng cửa mà có thể là cả thị trấn mất luôn và trở thành “thị trấn ma”.
Nói về vấn đề kinh tế với buôn bán thì TV muốn đề cập đến vấn đề này một cách rộng lớn và tổng quát hơn. Là vấn đề Hiệp ước đối tác Á Châu Thái bình dương TPP. Hiêp ước này, theo như những bình luận mà TV thấy trong giới truyền thông và chính trị VN thì TV thấy nổi bật một số điều. Một là TPP sẽ giúp Việt Nam cất cánh, hơn cả thời vào WTO. Hai là Mỹ dùng áp lực đòi hỏi nhân quyền tại VN như là một điều kiện cho Hà nội vào. Ba là giới chính trị Mỹ cũng có hai khuynh hướng khác nhau. Chính phủ Obama thì muốn quốc hội cho phép chính phủ có quyền nhanh chóng ký TPP như là thời ông Clinton ký hiệp ước thương mại NAFTA để giúp cho kinh tế Mỹ đi lên nhanh chóng. Nhưng chính phủ đã thất bại vì Thượng viện đã không thông qua dự luật cho phép chính phủ cái quyền điều đình nhanh chóng để kết thúc TPP. Vậy vấn đề là ra sao? Xin BS N giải thích cho.
13/NK. Theo như NK nghĩ thì lợi hại của hiệp ước TPP là tùy theo góc nhìn. Đầu tiên là khi Mỹ xoay trục về Thái bình Dương thì người ta biết rằng chủ yếu là nhắm vấn đề kinh tế với giao thương.Khi lập được một nhóm các nước từ Mỹ châu liên kết với các nước Á châu Thái bình dương thì Mỹ sẽ có một số chốt kinh tế để mà cạnh tranh với sự bành trướng kinh tế ở vùng này của TC. Nhưng nếu chỉ đứng riêng về mặt kinh tế và tài chính mà nói thì các điều kiện của TPP không hẳn có lợi cho các nước tương đối có sức ở Á châu Thái bình Dương, như Úc, Nhật, cho nên điều đình kéo dài, không xong, và họ không vào. Còn những loại nước như VN với nhóm lãnh đạo CS hiện nay thì không đáng nói, vì thuộc loại cầm cờ chạy hiệu, Các nhà chính trị VN với đầu óc còn lại thời chiến tranh lạnh đã nhìn hiệp ước TPP như là một cơ may phát triển cho VN cho nên đã xả láng đề cao TPP có khả năng cứu nguy cho kinh tế VN, và lý luận cái kiểu Mỹ dùng đó như áp lực đòi hỏi nhân quyền thay cho mình. Đứng từ góc nhìn nội bộ Mỹ thì hai bên Cộng hoà nắm quốc hội và Dân chủ cầm đầu hành pháp vì chống đối nhau quyết liệt cho nên hễ cái gì Bạch cung với ông Obama đưa ra thì chống đối, cho nên mới xẩy ra hiện tượng không thông qua dự luật cho quyền Bạch cung điều đình nhanh chóng.
14/TXN. Theo tôi nghĩ thì TPP đã “hết hơi” rồi.Bởi vì ngân hàng đầu tư hạ tầng Á châu của TC đề ra (AIIB) tại hội nghị APEC hồi tháng 11 tại Bắc Kinh đã được hình thành, với 57 nước và các định chế tài chính như quỹ tiền tệ quốc tế IMF, ngân hàng thế giới WB, vân vân bên cạnh những hiệp ước kinh tế tài chính song phương khác giữa các nước này với TC, đã khiến cho TPP dù sau cùng có thành thì cũng vô dụng, bởi vì không có cái tác dụng chờ mong ban đầu của Mỹ là chặn TC, và lôi các nước nhỏ làm tay chân. Và như thế, thì dù cho có hay không cái đạo luật cho Bạch cung quyền điều đình nhanh chóng để ký hiệp ước TPP, thì điều này cũng không thay đổi gì vị trí kinh tế tài chính của Mỹ trên thế giới nói chung và tại Á châu Thái bình dương nói riêng.
Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng, Xin kính chào tạm biệt quý vị. Xin tạm biệt và cám ơn NK, TV. Xin hẹp gặp lại tất cả vào một kỳ tới.
15/ NK Xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV.
16/TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn đang theo dõi chương trình BCTS. Xin kính chúc quý vị một tuần vui và như ý.