TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào Nguyên Kim. Vụ thanh niên Mỹ đen Freddie Gray bị cảnh sát Baltimore bắt vô cớ và chết vì bị đứt tủy sống trong thời gian bị CS giam giữ sau chót đã tạm gọi là được giải quyết, vì bộ trưởng tư pháp Maryland đã quyết định truy tố 6 cảnh sát viên trong vụ. Kết quả ra sau chưa rõ, nhưng mà dù sao thì tình hình đã tạm lắng dịu, và lệnh giới nghiêm ở Baltimore đã được tháo bỏ. Vấn đề kỳ thị chủng tộc tại Mỹ sẽ tiếp tục là một vấn đề xã hội gây trục trặc tại Hoa kỳ, vì những thành kiến khó gột bỏ, nhất là trong tình trạng kinh tế khó khăn không có chiều hướng thay đổi ngoạn mục hiện nay.
Một giáo sư, ông Irwin Horwitz dạy về môn Quản trị chiến lược (Strategic Management) ở trường đại học A&M ở Texas, đã quyết định đánh trượt cả lớp vì ông nói rằng “Tôi đã phải đối phó với gian lận, với những người chửi thề với tôi trong và ngoài lớp, đến độ mà trường phải đặt nhân viên bảo vệ trong lớp và ngoài lớp. Sau cùng thì ông nói “tôi đã đến điểm giới hạn” và nói ông đã chưa từng bao giờ gặp phải một lớp như vậy trong suốt hai thập niên dậy học ở trường. Giáo sư trưởng khoa đã phải đích thân can thiệp, thay thế ông Horwitz để dậy tiếp, vì không thể nào để cả lớp không mà có người đậu.
Về phương diện ngoại giao thì Mỹ có thể sẽ có những khó khăn và giới hạn trong việc hợp tác với Đức trong những công tác tình báo vì tin tức cho biết rằng các nhân viên chính phủ Angela Merkel đã bị gọi ra điều trần kín trước một ủy ban điều tra quốc hội sau khi có vụ Snowden tố giác các vi phạm riêng tư cá nhân của cơ quan điều tra NSA Mỹ, và ngay cả nghe lén điện thoại của thủ tướng Merkel. Chi tiết về sự giới hạn hợp tác này chưa rõ, nhưng tin cho biết là sẽ có giới hạn chắc chắn. NK có chuyện gì khác thấy là đáng đưa ra bàn luận hôm nay không?
1/Nguyên Kim: Trước hết NK xin kính gửi lời chào đến quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N. Mới đây, đài RFI ở Pháp có phỏng vấn ông Hoàng Đức Nhã, một nhân vật quyền lực và nổi tiếng trước 1975, vì là tuổi trẻ có đi du học và làm tổng trưởng trong chính phủ tổng thống Thiệu. Trong số các câu hỏi thì có câu:
“Ngày 30/04 đã cho thấy là khi cần, Hoa Kỳ có thể sẳn sàng bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, để cho miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Nhìn từ góc độ lịch sử đó, thì theo ông hiện nay, Việt Nam có nên hoàn toàn đặt tin tưởng vào Hoa Kỳ, trong việc tìm kiếm yểm trợ chống âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc ?”
Ông Nhã đã nói rằng: “Cá nhân tôi, từ lúc còn làm trong chính phủ, và sau đó sang Mỹ có những nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề một cách chiến lược, tôi vẫn nói rằng Hoa Kỳ chỉ có những quyền lợi, mà họ gọi là quyền lợi vĩnh cửu. Nếu bảo vệ quyền lợi đó mà cần phải bỏ một người bạn mới hay người bạn cũ, thì họ cũng vẫn làm như thường. Lúc đó họ sẽ giải thích rằng : «Quyền lợi của chúng tôi không cho phép chúng tôi đi con đường đó nữa».
Vì vậy, nếu chính quyền Việt Nam bây giờ cứ tiếp tục tin rằng Hoa Kỳ sẽ hợp tác qua những hành động mấy năm nay như hợp tác về mặt quân sự, văn hóa, đủ thứ hết, tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam chống lại việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở vùng Biển Đông, thì đó là một ảo tưởng và một ngày nào đó sự thật sẽ rất là đau cho Việt Nam”.
Bác sĩ có ý kiến gì về câu trả lời của ông Nhã, và về câu hỏi của RFI?
2/TXN: Ông Nhã nói đúng khi nhận định rằng chính quyền VN tin “rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam chống lại việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở vùng Biển Đông, thì đó là một ảo tưởng và một ngày nào đó sự thật sẽ rất là đau cho Việt Nam”.
Riêng về câu hỏi của RFI “Ngày 30/04 đã cho thấy là khi cần, Hoa Kỳ có thể sẳn sàng bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, để cho miền Nam rơi vào tay Cộng sản.” thì tôi có ý kiến rằng chẳng cần chờ đến 30 tháng tư mới thấy điều này. Vì người VN nào nếu mà biết suy nghĩ thì có thể thấy từ ngày 1 tháng 11/1963, qua cuộc đảo chính chính phủ tổng thống Ngô đình Diệm mà đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge đã xúi bẩy và tạo điều kiện chomột số tướng tá VNCH thực hiện. Mà ông Ngô đình Diệm là người mà Mỹ đã hết lòng ủng hộ để có thể nắm quyền ở miền Nam, biến miền Nam thành một tiền đồn chống bành trướng CS Hà nội được Liên số và Trung Cộng ủng hộ.
3/NK. Bác sĩ nói người VN nào biết suy nghĩ thì thấy điều này. Như vậy thì có phải là đã nói quá chăng vì ai mà chẳng có suy nghĩ? Cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 1963 theo như NK còn nhớ thì lúc đó gọi là cuộc cách mạng 1 tháng 11, và cho mãi tới gần đây người ta mới thấy những tiết lộ gọi là đảo chính.
4/TXN. Tôi hồi đó còn đi học cũng chỉ biết gọi là cách mạng 1 tháng 11, và coi đó là tốt vì rằng lật đổ một chế độ độc tài gia đình trị và tham nhũng . Tuy nhiên, mình là con nít thì nghĩ như thế được. Còn những nhà làm chính trị thì cần phải biết suy nghĩ sâu sắc mới được.
5/NK. Trong cuộc phỏng vấn trên, người nghe thấy rằng ông Nhã chủ trương VN phải theo giải pháp trung dung, nghĩa là không thể dựa vào Hoa Kỳ để chống TQ, vì Hoa kỳ đã không giúp Phi luật tân lấy lại bãi Scarborough đã bị TQ chiếm cách đây hai năm, dù là Phi luật tân có hiệp ước an ninh với Hoa kỳ. Mà VN cũng không thể rời hay chống TQ vì kinh tế giao thương đang lệ thuộc TQ còn quân sự thì không có sức. Cho nên chỉ có cách kiện ra toà án quốc tế và giao tiếp song phương với TQ. Bác sĩ thấy sao?
6/TXN. RFI đã đặt câu hỏi trên một tiền đề, và ông Nhã đã trả lời như một nhà chính trị, hay một cố vấn, trên cái tiền đề đó, cho nên không có thể khác. Câu hỏi nguyên văn là:
“Tức là Việt Nam không thể dựa hẳn bên này để chống bên kia, mà phải có một giải pháp trung dung, đứng giữa hai cường quốc nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền ?”
Câu hỏi có nghĩa rằng “ở tư thế chính phủ hiện nay” thì phải chăng giải pháp là trung dung đứng giữa? Và như thế thì trả lời của ông Nhã nhân danh một người trong chính phủ, hay một cố vấn cho chính phủ là đúng. Nhưng nếu đứng từ tư thế một người dân thì trả lời là khác. Bởi vì :1/ chính phủ này đã nhượng đất dâng biển cho TQ, và vì thế đã không thể nói gì, không thể phản ứng gì trước nhữngg trấn áp của TC đối với ngư dân. ít nhất là từ những năm đầu thế kỷ 21, mà mục đích của sự im lặng này là để có thể giữ quyền lực thống trị VN cho tới nay. 2/chính phủ này đã không có sự ủng hộ tích cực của nhiều thành phần quần chúng trong nước vì những chính sách đàn áp trấn lột người dân từ nhà cửa, đât đai đến tài sản vân vân 3/chính phủ này không có sự ủng hộ, mà nói chung là chỉ có sự chống đối của đa số người dân hải ngoại, bởi vì chính sách trấn áp thô bạo đối với người dân miền Nam, bị coi là tay sai Mỹ Ngụy, dẫn đến sự vượt biên vượt biển tạo ra các cộng đồng hải ngoại. Một chính phủ như thế thì không thể ở tư thế trung dung, độc lập như RFI nói, mà là một chính phủ thực tế vừa làm tay sai TQ vừa làm tà lọt cho Mỹ (tức là một cổ hai tròng). Nói cho rõ thì phải dẹp chế độ đó đi. Sức mạnh của một chế độ độc lập phải là từ người dân đóng góp, chứ không phải từ quân trang quân cụ võ khí của thế giới viện trợ hay bán rẻ. Hiện giờ nước ta không có sức mạnh đó, không có sức mạnh quần chúng đó, hay đúng ra là chỉ có rất ít cái tâm thức đóng góp cho đất nước, cho dân tộc, mà chỉ có cái ý thức biểu dương cho cá nhân hay cho phe nhóm mình hoặc là chịu ảnh hưởng của những quan điểm ngoại lai, vì thấy những quan điểm này dễ có sự hỗ trợ từ ngoài.
7/NK. Nói như bác sĩ thì đúng trên lý thuyết và nguyên tắc. Nhưng đi vào cụ thể thực hành thì khó khăn. Bác sĩ nghĩ sao?
8/TXN. Lý thuyết và nguyên tắc như NK nói thì có đúng. Nhưng mà cụ thể thực hành khó khăn chưa hẳn đúng. Bởi vì vẫn có người nghĩ và làm như thế, ở những mức độ khác nhau, có tác dụng khác nhau, nhưng không được để ý thổi lên trên truyền thông thế giới vì không cùng quan điểm chính trị với họ. Cái sự thiên lệch một chiều nói tới hoặc nhấn mạnh tới chỉ ½ hay một phần sự thật này của Truyền thông thế giới chúng ta biết rồi. Mà gần đây nhất là tin về bài diễn văn của Nguyễn Tấn Dũng nhân lễ kỷ niệm 40 năm ngàygọi là chiến thắng 30 tháng 4 của VC tại Sài gòn. 101 chữ nói về chủ trương gọi là “nhất quán thực hiện chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai – đã được tóm tắt, như là cùng mức độ quan trọng với bài diễn văn dài 3557 chữ viết theo văn chương lưỡi gỗ thời toàn trị, đa số là khoe khoang thành tích chiến thắng đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào, thành công đổi mới, cám ơn chiến sĩ cán bộ, hứa hẹn những điều to lớn sẽ làm. Bởi vì NTD đã, đang và sẽ là đối tác tiếp tục của thế giới. Cho nên thế giới muốn tạo hình ảnh NTD là đổi mới, là khép lại quá khứ, xoá bỏ hận thù. Tương tự như thế, vài chính trị gia sa lông VN kêu gọi hoà hợp hoà giải hay là những quan điểm chung chung yên phận, thụ động đã được kể ra, nhưng nhữngg ý kiến rốt ráo dân tộc thì không mấy được chú ý.
9/NK. Mời bác sĩ và quý vị thính giả nghe một số đoạn phát biểu sau đây của nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh trong một cuộc phỏng vấn nhân ngày 30/4 với đài SBTN- DC
10/Clip audio DNA
11/TXN. Tôi có theo rõi buổi phỏng vấn này, qua clip audio một vài bè bạn gửi tới. Có thể nói rằng bà DNA thực là đáng phục. Vì bà là một khoa học gia tài giỏi, mà cũng là người có quan điểm chính trị vững chắc. Xưa nay, nhữngg nhà trì thức VN cũng như ngoại quốc thì nhiều, kể cả nhữngg người tài giỏi cỡ bà DNA cũng không thiếu, như chính bà cũng có nói. Nhưng có quan điểm chính trị rõ ràng như bà DNA thì thật là hiếm, nếu không muốn nói là không có. Việt Nam chỉ có một trí thức có cách suy nghĩ và hành động triệt để dân tộc tương tự như vậy, là ông Nguyễn An Ninh ở thế kỷ trước, sinh năm 1900, học ở Pháp, có bằng luật sư chết năm 1943 trong nhà tù Côn Đảo, vì chống chế độ cai trị thực dân Pháp. BÀ DNA may mắn là người thiếu nữ VNCH, di tản sang Mỹ, thành công trong ngành khoa học Mỹ, và có thái độ cũng như quan điểm rất đúng đắn của một người Việt mà có quốc tịch Mỹ, đối với quê hương VN cũng như đối với đất nước Mỹ. Suy nghĩ và hành xử như bà theo tôi là rất tương tự như sự suy nghĩ và hành xử của nhữngg người Mỹ gốc Do Thái. Nếu mà có nhiều người Mỹ gốc Việt mà cũng có cung cách như vậy, và tôi biết có những người như vậy trong số quen biết, thì đất nước Việt Nam không có lý do gì mà khộng khá, trong tương lai. Và không có lý do gì để bảo rằng không có cách nào khác cho VN ngoài cách trung dung hiện tại.
12/NK. Quay sang một vấn đề thời sự khác. Bác sĩ có để ý đến tin truyền hình nhà nước VC ngày 2 tháng 5 loan tin nhà văn Điếu CẦy Nguyễn Văn Hải có cuộc gặp gỡ với tổng thống Obama ở Bạch cung nhân ngày Tự do báo chí thế giới là 3 tháng 5 hay không? Nguyễn văn Hải đã có mặt cùng với hai blogger khác, là Lily Mengesha từ Ethiopia và Fatima Tlisova từ Nga, mà bản tin nói là để cùng bàn luận về tự do báo chí trên thế giới. Theo bản tin BBC thì Điếu Cày đã nói rằng tổng thống Obama và các blogger đã "ngồi ở bên cạnh nhau để thảo luận về các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của các nước có các nền báo chí tồi tệ". Và Điếu Cày tuyên bố rằng
"Tôi thấy rằng Tổng thống Obama rất quan tâm đến tình hình của các nước như là Ethiopia, Nga hay Việt Nam."
13/TXN. Tôi có biết tin về Điếu Cầy gặp ông Obama này. Tôi không nghĩ nó có bao nhiêu là quan trọng, mà hiểu rằng đây là một trường hợp chính trị Mỹ gọi là một “Photo opportunity” tức là một trường hợp chụp hình, để một nhân vật chính trị chụp hình với một số thành phần quần chúng để tạo ấn tượng thân dân hay là ấn tượng quan tâm đến một vấn đề nào đó. Trong trường hợp này là vấn đề tự do báo chí. Nói là thảo luận về tự do báo chí là hơi quá lời, theo tôi. Bởi vì thời gian gặp gỡ ngắn ngủi chỉ đủ cho han hỏi vài điều xã giao qua lại mà thôi. Điếu Cầy được mời vì Obama muốn cho người Việt nghĩ rằng dù sao thì Mỹ cũng quan tâm đến tự do báo chí tại VN, mặc dầu rằng Nguyển phú Trọng tổng bí thư Cộng đảng VN đã được mời sang Mỹ và sẽ tới Mỹ trong thời gian gần đây. Blogger người Nga có mặt là vì ông Obama muốn mọi người nghĩ rằng tại Nga là đang dưới chế độ bóp nghẹt báo chí của Putin vân vân…Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự phải tạm ngưng. Xin kính cháo tạm biệt quý vị thính giả. Chào NK. cám ơn NK. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ bàn chuyện thời sự tới.
17/ NK. xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ bàn chuyện thời sự tới.
May 9, 2015