Kể từ 30 tháng 4/1975, tính đến nay đã là 40 năm miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản Việt Nam. Việt Cộng gọi ngày này là ngày miền Nam được “giải phóng”, vì đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Nhiều người miền Nam, kể cả những quân nhân công chức, vì nghe hai chữ giải phóng tối ngày sáng đêm, cho nên cũng mỗi khi nói đến ngày này là dùng mấy chữ ngày giải phóng. Cho tới gần đây, cũng vẫn còn nghe một vài HO phát ngôn như thế.
Bàn cho cạn lẽ, thì giải phóng là “mở, thả ra”. Giải phóng cho con chim ra khỏi lồng, thả cho con người ra khỏi tù. Nhưng khi mà quân VC tiến lên thì người miền Nam lại bỏ chạy những người giải phóng chối chết, và bị trọng pháo quân giải phóng ngăn chặn bắn giết, như trên “đại lộ kinh hoàng” Quảng Trị năm 1972. Đài RFA đã nói về sự kiện này như sau: "Vào lúc đó. bộ đội cộng sản đã bắn trực diện vào dòng người chạy loạn trên quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Quảng Trị cũ qua Hải Lăng tới Huyện Phong Điền. Và: "hàng chục ngàn thường dân đã chết trên đoạn đường này, và cái tên Đại lộ Kinh Hoàng được nhắc tới từ ngày đó". Hay là như vào tháng 3 năm 1975, quân đội nhân dân giải phóng đã thẳng tay pháo kích bắn giết dân chúng theo quân Ngụy khi rút khỏi Pleiku Kontum. Và sau 1975, thì tại miền Nam, sau khi gọi là được giải phóng rồi, người dân chỉ chờ chực có cơ hội là chạy khỏi chính quyền, đến nỗi mà người ta đã có câu “nếu cái cột điện mà đi được thì nó cũng đi”. Người ta cũng không mấy ai quên những vụ cán bộ CS ở Sài gòn bán chính thức tổ chức cho vuợt biển để lấy tiền lấy vàng, rồi khi người xuống tầu đông đủ thì cho nổ mìn chết hết trên sông Sài gòn. Không nói đến những thảm nạn xẩy ra cho những người vượt biển trên những con thuyền đánh cá mong manh, từ sau 1975 kéo dài lai rai cả chục năm. Nói vắn tắt cái gọi là “ngày giải phóng” vinh quang của Việt Cộng đã bị thách đố từ đầu, ít nhất là bởi đại đa số những người dân miền Nam, chưa kể những người miền Bắc vào đến Sài gòn sau 30 tháng 4/1975 cũng thấy được mở mắt.
Nói một cách thật dửng dưng từ xa, thì 30 tháng 4 là ngày miền Nam đổi hệ thống cai trị. “Giải phóng” từ Việt Nam Cộng hoà trong vòng ảnh hưởng của Mỹ, sang chế độ toàn trị Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam dưới sự cùm kẹp của chủ nghĩa Cộng sản du nhập từ Liên sô Trung quốc.
Đứng từ góc nhìn của người dân ở lại miền Nam, thì ngày 30 tháng 4 là ngày tan cửa nát nhà, gia đình ly tán. Quân nhân viên chức đi cải tạo tập trung, không có ngày về, vợ con bị cưỡng bách hay lường gạt đi kinh tế mới để gọi là đổi lấy cái trở về của chồng bị cải tạo, nhà cửa tài sản nếu có thì bị bằng đủ cách chiếm đoạt. Những người sống sót sau chặng vượt biển hiểm nghèo phó mặc cho may rủi mà được chấp nhận cho sinh sống no ấm ở những nước tự do phồn thịnh, thì đa số vẫn coi đất nước mới như cõi tạm dung, bởi vì lòng vẫn nặng nhớ quê cha đất tổ. Cho nên 30 tháng 4 được kể là quốc hận. Hận mất nước, mất nhà, mất cuộc sống bình thường. Ngay cả những người đời sống vật chất ổn định thì cũng có thể có những bất mãn tinh thần do khác biệt văn hoá, không thích ứng hoàn toàn với cuộc sống mới. Và do đó không tránh khỏi ôm cái hận cho tới ngày nay.
Vào thập niên 80, trong số những người vượt biên vượt biển đã có những người ra đi với cái ý hướng chống lại chế độ toàn trị CS, vì trông thấy cái tồi cái dở của VC trong vị trí quyền hành. Do đó, ngoài cái hận chung, những thành phần này đã kêu gọi lấy ngày 30 tháng tư làm ngày quốc kháng, và dấy lên tinh thần tích cực, không sợ VC, không chán nản vì bị tê liệt bởi cái luận cứ thiên tả Âu Mỹ thời đó rằng một khi CS đã chiếm quyền thì không bao giờ sụp đổ. Cái tâm thức chống cộng nhờ đó mà bùng lên, tiếp tục tới nay, biểu hiện ra dưới nhiều hình thức, tới nay ở hải ngoại. Vì thế mà những quan chức VNCH sau nhiều năm im lặng sống với cái mặc cảm di tản, chốn chạy, đã dần dần lên tiếng chống đối VC, như ta thấy. Cái tâm thức chống Cộng này, cũng như những hỗ trợ tinh thần và vật chất kèm theo từ nhiều nguồn ở hải ngoại, đã là yếu tố giúp cho những tiếng nói bất đồng trong nước có điều kiện phát triển khi Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư VC, phải mở ra chiến dịch cởi trói. Từ dó dần dần cái bản chất tay sai Liên sô Trung cộng của chế độ toàn trị Hồ chí Minh và đồng đảng dựng lên, cũng như các chính sách thô bạo phi nhân của nó, được nói ra một cách công khai.
Tuy nhiên, cũng có người gặp cơ hội được di tản vào dịp 30 tháng tư 1975, hay là nhờ chính sách chống Trung quốc của Hà nội mà có dịp vượt biên qua nước ngoài sống đời kinh tế khá hơn, thì không coi 30 tháng 4 là hận, mà coi đó là cơ hội thăng tiến. Từ hoàn cảnh không mấy khi thấy miếng thịt, miếng cá, hay bát cơm gạo trắng, đến hoàn cảnh có nhà có xe, có đô la rủng rỉnh, cho nên dù có trải qua chút hiểm nghèo vượt biên, thì chỉ coi đó là cái giá phải trả. Vì thế, cho nên trong số những người di tản thích ứng, có người đã dễ bỏ qua cái khổ đau xa rời đất tổ, mà nhìn vào khía cạnh gọi là mầu xanh của đất mới, nhấn mạnh vào cái cơ hội con cháu có điều kiện học hành thành đạt như Tây, như Mỹ, như Úc như Anh vân vân…
Lại có người chỉ chú ý đến đặc điểm của cộng đồng hải ngoại sống tự do và sinh hoạt dân chủ như người bản điạ, mà gọi sự di tản, sự vượt biên, vượt biển là một hành trình tìm tự do, và vì thế lấy ngày 30 tháng 4 làm ngày hành trình tìm tự do (Journey to freedom). Cũng có nhà chính trị ở Mỹ có vẻ như muốn lấy một ngày chính thức cho cộng đồng VN ở Mỹ, tương tự như là ngày kỷ niệm các công đồng sắc tộc khác, mà lấy ngày 30 tháng 4 làm ngày VN. Những ý kiến chính trị này đã bị chỉ trích kịch liệt, coi đó như là một tính toán xoá cái hận thua trận tan nhà nhát cửa của miền Nam, hay là đề cao chiến thắng 30 tháng 4 của VC là ngày VN.
Những luận cứ bênh hay chống này mỗi phía đều ít nhiều có lý. Bàn cãi vô cùng, không thể nào biết rõ cái suy nghĩ đáy lòng của những người chủ trương như vậy ra sao, nếu mà những người này không có những hành động thân gần, hợp tác hay ủng hộ chế độ VC cụ thể. Tranh cãi cũng là vô ích, nếu không có thái độ và hành động thực tế. Ôm lấy chữ “quốc hận”, hay là khoác lấy nhãn hiệu “ngày hành trình tìm tự do”, hoặc là “ngày Việt Nam” để mỗi năm than khóc bực tức một lần, tụ họp đọc diễn văn khoe khoang một lần thì ích lợi gì?
Cho nên, chỉ cần thấy rõ rằng ngày 30 tháng 4 là một ngày lịch sử của dân tộc Việt. Nó quan trọng nếu mà từ đó nhìn ra được rằng người Việt Nam không thể nào dựa vào ngoại quốc. Thành đồng Cộng sản Liên sô Trung quốc được tin tưởng là chỗ dựa muôn đời bền vững của người Cộng sản Việt Nam để mà họ trấn áp người dân Việt nam tàn tệ hung bạo, đã không là như thế. Đồng minh đại cường Hoa kỳ số một thế giới, lãnh đạo của thế giới tự do thập niên 50, đã không giữ được vai trò cảnh sát viên cầm trịch an ninh thế giới đã lui vào vị trí mong mỏi sống chung hoà bình thập niên 60, 70 mà không xong.
30 tháng tư chỉ quan trọng và chỉ đáng nói tới, nếu mà các thế hệ VN từ thời đó đến nay truyền được cho nhau cái kinh nghiệm rút ra được. Là sức mạnh then chốt để xây dựng VN là cái tinh thần độc lập tự chủ, lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản. Tiếc thay có vẻ như đây không phải là điều đang thấy. Bởi vì hình ảnh của những nữ anh hùng VC bé síu vác súng AK chăn lính Mỹ khổng lồ đã được thay thế bằng con cháu của những người này, vẫn nhỏ người trong quân phục trắng tuy có thịt da hơn chút đỉnh, và trang điểm son phấn, ôm thân thiết chào đón người lính Mỹ cũng to cao, và dơ bàn tay với hai ngón tay hình chữ V, quy ước khoe khoang chiến thắng, từ thời thủ tướng Anh Churchill cuối thế giới chiến thứ hai. Ở một địa bàn khác thì người ta thấy những tiếng nói nhao nhao cổ võ quan niệm đấu tranh công khai bất bạo động lấy ra từ một đoạn trong một tác phẩm của tiến sĩ Sharp thuộc một viện nghiên cứu gồm có tác giả và con chó, cùng với một nhà báo tình nguyện. Ngoài ra thì còn có những nhai lại khẩu hiệu “hoạt động xã hội dân sự”, mà những mô tả giải thích không cho thấy rõ hoạt động xã hội dân sự bắt nguồn từ bao giờ, ở đâu, và đặc tính ra sao để thay thế chế độ độc tài toàn trị
Đừng trách người phản bội. Hãy trách mình không làm cho đúng, cho đến nơi đến chốn, những việc phải làm, dù to dù nhỏ.
Thạch Trung Ần
Ngày 17 tháng 4/2015