Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa (Hỷ Long)

Lời mở đầu

Tôi có đứa con gái út mới sinh con gái đầu lòng, và là đứa cháu đầu tiên của tôi. Nó nói với tôi nó muốn con nó lớn lên sẽ nói sõi tiếng Việt chứ không nói tiếng Việt lơ lớ không dấu, vì nó sẽ sống trong môi trường đa số nói tiếng Mỹ rặt. Tôi nói với nó rằng cách hay nhất là từ lúc mới sinh cho nó nghe tiếng Việt rõ ràng, mà tốt nhất là cho nó  nghe các bài hát ru con. Cũng là để cho nó học được nhiều điều về địa lý lịch sử cũng như phong tục Việt nam. Bởi vì tôi nghĩ đến cá nhân tôi đã từ nhỏ học được nhiều điều như thế. Nó bằng lòng. Chồng nó cũng bằng lòng. Thế là tôi lãnh nhiệm vụ đi tìm các bài hát ru. Tôi đã thất vọng ghê gớm, vì mở mạng điện tử ra thì  mới thấy rằng những bài ru con, ngâm thơ kiểu cổ như cò lả, sa mạc, bồng mạc, quan họ, trống quân… những điệu ca xưa rành rẽ đã được thay thế bằng những lối trình diễn theo kiểu tân nhạc cải cách ồn ào rậm rịch để thu hút du khách.

Trong cái nỗ lục tìm kiếm này, tôi đã bắt đầu tìm điệu hát cò lả với bài “Đồng đăng có phố Kỳ lừa, Có nàng Tô thị có chùa Tam Thanh…”. Thì tôi đã thấy được bài phóng sự Đồng Đăng có phố Kỳ lừa do Hỷ Long viết trên báo Trẻ online. Và vào đó xem ngay vì tôi lúc 5 tuổi đã ở Đồng Đăng, có xuống Lạng Sơn chơi và qua phố Kỳ lừa cũng như đã đi vào động Tam Thanh. Để xem ngày nay những nơi đó ra sao. Bài phóng sự đã cũ, viết từ tháng 12/2016. Nhưng tôi thấy xúc động, hay nói cho đúng là “xót xa” cho Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Lạng Sơn ngày đó “của tôi”.  Và càng xúc động trong cái không khí cả nước sôi sục vì chuyện đặc khu Vân Đồn, bắc Vân Phong và Phú Quốc sang nhượng cho Tầu 99 năm. Vì thế xin chia xẻ cùng quý vị và các bạn. Xin cám ơn tác giả Hỷ Long mà tôi không có điều kiện nói chuyện để xin phép đăng bài. Tuy nhiên theo thiển ý, người viết nào cũng mong bài của mình được phổ biến rộng rãi. Và bài này đã được đăng trên trang buctranhvancau.com mà bản chất không phải là một trang điện tử thương mại kiếm tiền, cho nên hy vọng rằng Hỷ Long thông cảm dễ dàng.

Trần Xuân Ninh

Read more