Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa (Hỷ Long)

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa (Kỳ 1)

By Hỷ Long -

December 20, 2016

Chợ Đồng Đăng, Lạng Sơn

Chợ Đồng Đăng, Lạng Sơn

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh… Hồi nhỏ, đọc hai câu này, tôi cứ mường tượng ở phía bắc đất nước, ở tít tận biên giới, nơi chỉ có sương mù, mưa chiều và những con la, con lừa leng keng lục lạc… Nơi đó có một nàng Tô Thị huyền thoại, có phố Kỳ Lừa huyền bí và có chùa Tam Thanh ngân nga chuông chiều trong không gian xám… Thế rồi tôi cũng đến nơi này. Và mọi thứ tôi được chiêm nghiệm cũng rất mới lạ, hấp dẫn, chỉ có một điều là mọi thứ không như trong ca dao.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa?

Nếu ai tìm địa danh phố Kỳ Lừa ở Ðồng Ðăng và nhờ taxi chở đi theo hướng tìm kiếm này thì sẽ không có kết quả. Bởi hiện tại, phố Kỳ Lừa chỉ còn là quá khứ, kỷ niệm đối với người dân Lạng Sơn, chợ Kỳ Lừa nằm ở thị xã Lạng Sơn như một kỷ niệm về địa danh Kỳ Lừa, bởi phố Kỳ Lừa đã nằm lọt thỏm sang đất Trung Quốc vài chục năm nay rồi.

Và nếu muốn tìm hiểu ở Ðồng Ðăng có gì vui, có gì lạ, thì có lẽ phải ngược thị xã Lạng Sơn chừng mười km, vào thị trấn Ðồng Ðăng, nơi có cửa khẩu Tân Thanh nổi tiếng với lượng hàng Trung Quốc tuồn vào Việt Nam mỗi ngày không dưới một trăm tấn và trong đó có không dưới năm chục tấn trái cây, thực phẩm. Tân Thanh cũng là nơi có những người đàn bà quanh năm chịu mưa, lạnh cắt da cắt thịt để thồ hàng kiếm tiền.

Chợ Đồng Đăng/Lạng Sơn

Chợ Đồng Đăng/Lạng Sơn

Tôi đến Ðồng Ðăng lúc 9 giờ đêm, trời đang mưa, một trận rét đầu mùa kéo về và theo dự báo thời tiết thì 12 giờ đêm sẽ lạnh xuống 0 độ, tuyết có thể rơi… Thị trấn này vào ban đêm buồn tẻ hơn bao giờ hết, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy con đường vòng tới vòng lui, ướt nhẹp mưa và hơi giá. Bụng cồn cào, tôi ghé vào một quán ăn còn mở cửa, quán bán cơm rang và phở.

Chủ quán đon đả mời chào: “Anh vào đây làm một chén trà cho ấm đã, làm một ngao thuốc lào cho khỏe rồi gọi món, ở đây món gì cũng có hết!”.

Tôi lấy làm lạ vì chỉ thấy duy nhất món cơm rang và phở, vậy mà chủ quán lại quảng cáo món gì cũng có: ‘Ủa, có món gì nữa ngoài cơm rang và phở vậy bác?”.

Hạt dẻ rang muối, một trong những thức hạt trước khi mua phải chú ý vì rất có thể đây là hạt dẻ Trung Quốc.

Hạt dẻ rang muối, một trong những thức hạt trước khi mua phải chú ý vì rất có thể đây là hạt dẻ Trung Quốc.

“Ồ, có nhiều lắm, thịt khâu nhục nhé, vịt quay Lạng Sơn nhé, cơm rang nhé, măng dầm nhé, phở gà nhé, phở bò nhé, cá suối nhé, bánh cuốn nhé!”.

“Ồ, nhiều món vậy, thôi cho cháu một bát khâu nhục đi! (khâu nhục là món thịt ba chỉ lợn thả rông của người dân tộc thiểu số, người ta cuộn lại, nướng trên lửa than cho chín, da vàng ruộm và giòn. Mỡ chảy bớt đi, sau đó để cho nguội và chặt thành từng thỏi. Và người ta bỏ vào bát đất để hầm cách thủy với hạt sen, đậu phụng, kim châm nấm mèo, các loại gia vị, nước cốt dừa… Món này ăn khá thú vị vì không gây cảm giác ngấy và thơm đặc biệt. Chỉ có ở các tỉnh Ðông Bắc. Còn các tỉnh Tây Bắc thì có món thắng cố)”.

“Ờ, cái đó thì giờ không có đâu!”.

“Vậy thì có món gì bác?”.

“Chỉ có cơm rang và phở thôi!”.

“Ơ…! Thôi cho cháu dĩa cơm rang”.

Chủ quán nhìn ra vẻ thất vọng của khách, ông giải thích: “Anh thông cảm, tôi không nói phét với anh đâu! Ở Ðồng Ðăng này có các món đó, nếu sớm một chút, các tiệm kia còn mở cửa thì anh cần món gì tôi sẽ tìm món đó, gọi điện thoại là họ mang tới ngay. Ở đây tôi không ngại gọi khác món ngay trong quán, vì các quán hỗ trợ nhau cách này để mà sống. Mai anh đi ăn quán khác, thử cách tôi đã nói thì biết”.

Bữa cơm rang đậm chất Lạng Sơn với muối tiêu, cơm, dầu phụng, dưa cải rang khô khốc, không có trứng hay lạp xưởng và xúc xích như cơm rang Hà Nội khiến cho khách cố gắng nuốt để khỏi mích lòng và đưa nghẹn bằng một lon bia Hà Nội. Thôi thì ngày mai hẵng tính, giờ tìm chỗ trọ qua đêm cho yên thân đã!

Quầy bán Hồng Sâm mọc khắp tỉnh biên giới này.

Quầy bán Hồng Sâm mọc khắp tỉnh biên giới này.

Nàng Tô Thị và chùa Tam Thanh

Lòng vòng một hồi trong thị trấn, cái lạnh bắt đầu ngấm dần vào người vì tôi không chuẩn bị áo gió, cuối cùng cũng tìm được một khách sạn. Nói là khách sạn (để bảng hai sao hẳn hoi!) nhưng giá thì 250 ngàn đồng mỗi đêm (tương đương 11USD) và trong phòng chẳng có gì ngoài một cái tivi, một bình nước nóng lạnh để tắm và một cái giường.

Không có khăn tắm và bàn chải đánh răng, tôi chạy xuống bàn lễ tân gọi mang khăn lên thì cô lễ tân đưa tôi hai cái khăn và hỏi: “Anh đi đường mệt, có cần massage gì không?”.

“Ờ, massge có xông hơi thuốc bắc gì không em?”.

“Dạ không, ở đây chỉ có massage, các em rất ấm áp, làm vui hết biết và giá chỉ có 150 ngàn đồng thôi. Anh mua một vé nữa thì tốn hết 210 ngàn đồng”.

“Có em nào từ miền Nam ra hay từ Tây Nam Bộ ra đây không em?”.

“Dạ ở đây cũng có nhưng giá mấy em đó thấp hơn, chủ yếu là các em mọi, tức là các em dân tộc thiểu số, tuổi từ 18 đến 25, qua 25 thì nghỉ hưu rồi! Nhưng mà anh có định massage không để em còn tính?”.

“Ờ… Anh đi có bà xã, chút nữa bả vào sau nên ngại lắm. Em thông cảm!”.

Tôi trở lại phòng, loay hoay sạc pin điện thoại, pin máy tính và máy ảnh, sáng mai tôi còn phải lên cửa khẩu Tân Thanh. Nghe đâu Tân Thanh chính là chữ đọc trại của Tam Thanh. Gần cửa khẩu có chùa Tam Thanh cũng nổi tiếng linh thiêng nhưng sau năm 1979, đạn pháo bắn nát không còn mảnh ngói và Trung Quốc vẫn không chịu lùi về theo đúng ranh giới ban đầu, chùa Tam Thanh không được phục chế, hoàn toàn mất dấu và thay vào đó là cửa khẩu Tân Thanh cũng nổi tiếng không kém với hàng độc hại từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam đứng đầu các cửa khẩu.

Sáng ra, tôi lên đường, vừa bước xuống cầu thang, lại lễ tân thanh toán và lấy thẻ chứng minh thì cô hồi tối làm một tràng: “Bác này ăn chay hay là bị yếu thế? Bà xã nào đâu? Tối qua có một em dân tộc Nùng, đẹp hết cỡ, nhà gần chỗ Tô Thị đó, tiếc cho bác thật!”.

“Ủa, núi Tô Thị gần đây không em? Nghe nói tượng nàng Tô Thị không còn mà?”.

“Ối dào ơi ông anh ạ! Khờ thế, nói vậy thôi chứ người ta đập núi Tô Thị lâu rồi, người ta nung vôi từ lâu rồi. Nửa núi làm vôi, nửa núi còn lại cứng hơn thì làm xi măng rồi. Ở đây nói về Tô Thị cũng như miền Nam các ông nói về Huyền Trân Công Chúa vậy đó. Cứ nơi nào có Tô Thị, có Huyền Trân Công Chúa thì nơi ấy các em chân dài, mắt xanh mỏ đỏ tụ về có mà đầy!”.

Tôi chào tạm biệt cô lễ tân rồi chuồn ra đường tìm một quán cà phê. Phải công nhận là tìm một quán cà phê trên xứ Bắc, đặc biệt là vùng núi còn khó hơn tìm một nhà sách ở các tỉnh lẻ. Nếu như tìm chừng nửa ngày cũng ra được một nhà sách ở tỉnh lẻ thì tìm cả ngày cũng chưa chắc có được một quán cà phê trên xứ sở chỉ có chè xanh, nụ vối và thuốc lào. Mà mấy thứ này thì tôi không đủ đô, buổi sáng mà chơi một bát chè xanh ở đây vào thì quay mòng mòng ngay.

Thị trấn Ðồng Ðăng vào buổi sáng nhộn nhịp một cách khác thường, khách du lịch người Việt và người Trung Quốc đi chật như nêm. Hai bên trục đường chính dẫn từ Ðồng Ðăng ra cửa khẩu Tân Thanh là một cái chợ nhộn nhịp, người ta bán hạt dẻ rang muối, bán thuốc bắc, lá cây, trà thảo mộc, các loại tượng bằng đồng, đá vôi và có hai thứ khá đặc biệt; mật ong rừng và các loại roi điện, thuốc kích dục, súng hoa cải.

Sở dĩ tôi phải xếp mật ong rừng vào diện đặc biệt ngang với những thứ vũ khí và ám khí không phải là vì nó tốt, bổ hoặc nó là hàng quý mà nó là thứ sản phẩm cực kỳ nguy hiểm. Hiện tại, vấn đề mật ong rừng giả tràn lan trên thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết trong kỳ cuối của phóng sự này.

Nhà trọ bình dân ở Đồng Đăng

Nhà trọ bình dân ở Đồng Đăng

Nhà trọ bình dân ở Đồng Đăng

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa (Kỳ 2)

By Hỷ Long -

December 25, 2016

Nữ cửu vạn trên cửa khẩu

Nữ cửu vạn trên cửa khẩu

 

Nàng Tô Thị, mật ong rừng và vũ khí ở đâu?

Tạm dừng câu chuyện về nàng Tô Thị bị nung vôi của cô lễ tân mà tôi chỉ mới nửa tin nửa ngờ bởi hiện tại, khu du lịch núi Tô Thị vẫn là điểm đến trong các tour du lịch Lạng Sơn. Tôi thanh toán tiền cà phê xong, nhờ cô chủ quán gọi giùm chiếc taxi để đi lên cửa khẩu Tân Thanh.

Tô Thị và cửa khẩu Tân Thanh

Ðã được khuyến cáo rằng: nên nhờ lễ tân khách sạn hoặc chủ quán cà phê gọi taxi và yêu cầu người ta gọi taxi hãng hẳn hoi. Cẩn thận, tuyệt đối không đi xe ôm và taxi không chính hãng.Bởi nạn bắt cóc, buôn người, cướp nội tạng ở các vùng biên giới, cửa khẩu Việt – Trung đang ngày càng gia tăng!). Anh chàng taxi tên Sinh chở tôi đến Tân Thanh.

Có thể nói rằng đường từ thị trấn Ðồng Ðăng qua cửa khẩu Tân Thanh là con đường đẹp bậc nhất Việt Nam. Bạn có thể đi qua những cánh đồng trung du đầy hoa tam giác mạch và hoa cải trắng. Con đường nằm chảy dọc theo một thung lũng hẹp, hai bên là núi đá vôi và núi tai mèo dựng đứng. Cảm giác như đang đi thuyền trên một dòng sông hoa giữa hai bên hẻm núi. Thi thoảng, một vài mái nhà tranh lấm tấm khói rơm và những con lợn thả rông của đồng bào thiểu số đứng nhìn người qua đường. Ðây cũng là con đường có một hầm chui qua núi cổ nhất Việt Nam, do người Pháp xây dựng, khai thông, hoàn toàn không có một chút bê tông cốt thép, đường hầm khá rộng và đẹp.

Ðường xấu, khoảng cách chỉ ngót nghét 7km nhưng đi gần nửa giờ đồng hồ mới tới. Và lại thêm một lần nữa không vào được cửa khẩu do kẹt xe, hàng ngàn chiếc xe container chở thực phẩm, hoa củ quả từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang nối đuôi chờ thông quan. Ðoạn đường xe nối đuôi dài chừng 1.5km. Nghe nói bên kia cũng có chừng vài ngàn xe chở trái cây và thực phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam đang chờ thông quan, đoạn đường xe xếp hàng cũng dài chừng 2km.

Hầm chui cổ nhất Việt Nam do Pháp xây dựng

Hầm chui cổ nhất Việt Nam do Pháp xây dựng

Ði bộ vào bên trong cửa khẩu, không khí chộn rộn, loạn xà ngầu cả lên bởi các cửu vạn đang mua đường chạy sang Trung Quốc gánh hàng về Việt Nam. Mỗi gánh hàng họ phải đóng cho hải quan 20 ngàn đồng và trung bình mỗi ngày, mỗi cửu vạn đóng cho hải quan từ 160 ngàn đồng đến 240 ngàn đồng tiền qua lại gánh hàng. Có hàng trăm cửu vạn làm việc trên cửa khẩu chuyên đưa hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam. Hèn chi!

Rời cửa khẩu, tôi yêu cầu anh taxi (tên Sinh) đưa đến khu du lịch Tô Thị, anh cười: “Bác ham gì mà tới khu đó, chán lắm. Tối qua ở khách sạn bác không đi massage sao?”.

“Tôi vẫn chưa hiểu ý anh? Tôi muốn đến đó ngắm cảnh!”.

“Ði du lịch núi Tô Thị, Lạng Sơn thì cũng giống như đi tắm biển Ðồ Sơn, Hải Phòng thôi, vẫn có biển đó, vẫn đẹp đó nhưng có tắm được đâu! Núi Tô Thị cũng vậy, thì cũng đẹp đó nhưng có gì đâu mà ngắm, tôi khuyên vậy đó, bác thích thì đi. Tôi nghĩ bác nên quay về Ðồng Ðăng, đi thăm đền Mẫu Sơn mà hay hơn. Bữa nay trúng Rằm, có lễ hội ở đó, cũng khá thú vị.

Các nàng vừa mời tôi mua thuốc kích dục và roi điện

Các nàng vừa mời tôi mua thuốc kích dục và roi điện

Tôi quyết định quay về Ðồng Ðăng để ghé đền Mẫu Sơn rồi đi Cao Bằng luôn thể. Ðến đây, câu chuyện mật ong rừng và vũ khí nóng lại cuốn mất một buổi của tôi. Mà tính ra thì cũng xứng đáng. Có thể nói rằng không đâu người ta cầu tài và bán hàng giả nhiều như sân đền Mẫu Sơn.

Mật ong rừng và vũ khí

Không biết cầu tài có được hay không, chứ còn hàng giả thì nhiều vô số kể, từ hàng Trung Quốc đủ các loại, mã não, hột xoàn, đá quý, cẩm thạch, kim cương cho đến vàng mã, áo giấy cúng cõi âm còn hạt dẻ, mật ong rừng cho cõi dương… Chắc chắn nó là hàng giả nhưng bán với giá khá cao.

Sở dĩ tôi dám khẳng định nó là hàng giả nhưng bán với giá khá cao là nhờ Sinh, tay tài xế taxi, Sinh từng là người len lỏi trong sân đền Mẫu Sơn gần hai mươi năm mà theo anh là “còn hơn cả lăn lộn trong giang hồ” đã cho anh nhiều kinh nghiệm quý.

Sinh nói: “Ở đây, móc túi, cướp giật, thôi miên, dụ đi bán cho Trung Quốc, hàng giả, ma túy, vũ khí… và công an chìm, tất cả đều có!”.

“Sao thấy có vẻ hiền hòa, sôi động lễ hội, không có vẻ giang hồ như anh nói?”.

“Ðó là anh thấy thôi! Tôi thử một cái để anh tin tôi nhé, thường thì mật ong nói chung, khi thả một giọt vào nước lạnh, nó chìm xuống đúng một giọt chứ không tan ra nước. Nếu là mật ong rừng thì thả vào nước sôi nó vẫn giữ nguyên giọt đến đáy ly, còn mật ong giả thì vừa chạm nước là nó tan ra ngay. Ðó là cách thử duy nhất. Và cho đến hiện nay chưa có chai mật ong giả nào vượt qua được cách thử này”.

“Tôi cũng có biết qua cách thử này và thấy nó đúng”.

“Vậy thì anh đợi đấy, tôi sẽ gọi con nhỏ bán mật ong rừng vào thử cho anh xem. Ở đây tôi từng là anh cả của tụi nó nên gọi đứa nào là nó phải nghe. Nhưng mình làm kín, đừng cho ai biết để tụi nó còn làm ăn. Quý anh, tôi cho anh thử thôi!”.

“Thử mật ong mà anh cứ làm như là thử thứ gì ấy, nghe dễ hiểu nhầm!”.

“Ơ kìa, nếu anh muốn!?”.

Phép thử mật ong rừng hoàn tất, đúng như lời của Sinh, đây là mật ong giả, vừa cho vào nước sôi thì tan ngay, sau đó cho vào nước lã cũng tan ngay. Sinh nói với Duệ (cô gái bán mật ong rừng giả): “Mày có thể nói cho anh ấy biết là mật ngoài kia giả hay thật?”. (Người thiểu số xưng tao mày rất bình thường, Sinh và cô bán mật rừng đều là người Nùng).

“Dạ, mật ngoài đó đều giả cả vì chung một chủ nấu”.

“Nấu như thế nào vậy cô? Mình ở rừng sao không đi lấy mật trong rừng mà phải nấu?”

“Dạ, mật trong rừng không đủ cho người Kinh, họ làm việc với kiểm lâm và thuê từng khoảnh để lấy mật rừng, mình đụng tới đâu có được. Mà mật này tụi em cũng đâu có nấu!”.

“Vậy thì làm sao em có mà bán?” – tôi hỏi.

“Cái này do một người kinh, lên rừng hái lá mật nhân về sau đó mang về xuôi nấu với đường đen, thành một dung dịch đen bay toàn mùi mật ong rừng, sau đó họ có bí quyết tẩy trắng bằng hóa chất gì đó, thành chai mật như vậy và bỏ mối cho tụi em bán. Họ bỏ mỗi chai như vậy 50 ngàn đồng. Mình mua và trả tiền ngay cho họ, về bán lại hai trăm ngàn đồng. Mình lãi 150 ngàn và khách mua thì tưởng rằng mua trúng mối bở…”.

“Cô không sợ độc hại cho khách sao?”

“Dạ không, người thiểu số tụi em rất tin vào đảng, mà anh nấu mật là một đảng viên nên anh ấy không nói láo, anh ấy bảo không độc. Vậy là tụi em bán…”.

Tôi và Sinh tạm biệt Duệ mật ong và tiếp tục lang thang trước đền Mẫu Sơn. Chưa đầy 10 phút, có một cô gái lân la đến chào hàng, hỏi tôi cần mua thuốc kích dục, mua roi điện, bình xịt hơi cay hoặc súng hoa cải… không? Tôi hỏi: “Thuốc kích dục nghĩa là sao?”.

“Thì anh thích con nhỏ nào mà nó không thích anh, anh cứ cho vài giọt vào ly nước của nó lúc chỉ có nó và anh, chắc chắn nó thuộc về anh?”.

“Cái này em bán có chạy không? Hàng thật mới chạy chứ hàng tào lao thì bán được vài bữa, mua về mà vứt!” – tôi khích.

“Anh giỡn không, toàn mấy ông nhà giàu, thậm chí quan chức mua của em đó! Em mà láo với anh thì em làm con chó!”.

“Ồ không, sao em nóng vậy, anh xin lỗi! Cho anh xem bình hơi cay và roi điện đi!”

Cô này mở iPhone 5 và đưa ra hàng loạt hình ảnh các loại bình hơi cay, có chiếc chỉ bằng bình xịt cho người hen suyễn và làm đúng y hình dạng như vậy, có chiếc to bằng bình xịt muỗi, roi điện cũng vậy, có cái bằng hộp quẹt zippo, giả hộp quẹt, có cái giả hình điện thoại di động… Coi xong, cô hỏi tôi nếu muốn thử thì có thể đến chỗ cô để xem và thử hàng, số lượng bao nhiêu cũng có. Tôi nói chỉ xem và thử hàng, sau đó đi Cao Bằng về mới mua, cô đồng ý và hẹn tôi ở một con hẻm, sau đó cùng đi ra bìa rừng, cô đưa ra mấy chiếc tôi đã chọn và cầm một chiếc zippo điện bấm vào một con bò, nó ngã lăn quay. Sau đó cô lên xe bỏ đi, nói vói lại: “Chiều về liên lạc nhé!”.

Sinh đưa tôi sang Cao Bằng và hỏi tôi có quay về Lạng Sơn lấy mấy thứ hàng đó không, tôi nhờ Sinh hẹn với cô ấy lần khác vì tôi còn phải đi tiếp, thực ra, tôi cũng muốn mua một cái zippo điện phòng thân nhưng nghĩ lại thấy ớn lạnh quá, tốt nhất là không có nó bên mình và cũng tránh đụng chạm với ai là hay hơn cả! Tôi tạm biệt Sinh và hẹn gặp anh ở Lạng Sơn. Nhưng thực ra, hôm sau, tôi phải về Hà Nội gấp và nhắn tin cho Sinh biết là tôi đã về Hà Nội để anh ta khỏi chờ “khách sộp”. Mà cũng thực ra, tôi hơi bị hãi trước cảnh hàng giả, hàng Trung quốc và vũ khí Trung Quốc nhập tràn lan trên xứ Lạng này!

Người đồng bào thiểu số đi bán mật ong rừng

Người đồng bào thiểu số đi bán mật ong rừng